Chất vấn được hình thành nên từ văn hóa nghị viện và chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa nghị viện. Vậy văn hóa nghị viện là gì? Văn hóa nghị viện là những thành tựu về thể chế đạt được trong quá trình hình thành và phát triển của chế định nghị viện. Nghe có vẻ trừu tượng quá phải không? Vậy thì văn hóa nghị viện là những triết lý, những nguyên tắc, thủ tục, những truyền thống, những tiền lệ và chuẩn mực hành vi giúp cho việc vận hành nghị viện (hay quốc hội) được đúng đắn và hiệu quả.
Dưới đây xin được thử áp dụng định nghĩa nói trên để phân tích về hoạt động chất vấn được Quốc hội nước ta triển khai.
Ở tầm triết lý, nhà nước về cơ bản được tổ chức theo 3 mô hình thể chế khác nhau là: Tổng thống chế, thủ tướng chế và mô hình lưỡng tính (vừa có tổng thống, vừa có thủ tướng).
|
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hồng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại phiên chất vấn ngày 4-6. Ảnh: PHƯƠNG HOA |
Trong mô hình tổng thống chế như ở Mỹ và ở Philippines chẳng hạn, tổng thống và quốc hội đều do nhân dân trực tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Tổng thống không chịu trách nhiệm trước quốc hội, nên quốc hội không có quyền chất vấn tổng thống.
Trong mô hình thủ tướng chế (còn gọi là mô hình đại nghị) như ở Anh và ở Nhật Bản chẳng hạn, chỉ có quốc hội là do nhân dân bầu ra. Đến lượt mình, quốc hội mới bầu ra chính phủ. Trong mô hình này, chính phủ chịu trách nhiệm trước quốc hội, còn quốc hội thì chịu trách nhiệm trước nhân dân. Do chính phủ phải chịu trách nhiệm trước quốc hội nên quốc hội có quyền chất vấn chính phủ.
Trong mô hình lưỡng tính như ở Pháp, ở Hàn Quốc chẳng hạn, tổng thống do toàn dân bầu ra nên không chịu trách nhiệm trước quốc hội. Thủ tướng lại do quốc hội bầu ra nên chịu trách nhiệm trước quốc hội. Quốc hội không có quyền chất vấn tổng thống, nhưng có quyền chất vấn thủ tướng.
Mối quan hệ giữa quốc hội và chính phủ còn được điều chỉnh bởi nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền lực, nhưng đây là một vấn đề tương đối chuyên sâu và không phải là mối quan tâm của bài viết này.
Ở nước ta, giống như trong mô hình thủ tướng chế, Chính phủ do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chính vì vậy, Quốc hội có quyền chất vấn Chính phủ. Đây cũng chính là triết lý căn bản nhất của việc vận hành thể chế ở đây. Điểm khác biệt so với các nước là ở nước ta Quốc hội có quyền chất vấn không chỉ Chính phủ mà còn cả Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Tuy nhiên, đây là nét đặc trưng rất riêng của Việt Nam.
Vậy, Quốc hội chất vấn Chính phủ để làm gì? Chất vấn là để Thủ tướng, các thành viên Chính phủ có cơ hội giải trình. Giải trình được, các quan chức có liên quan sẽ tiếp tục giữ được sự tín nhiệm của Quốc hội, không giải trình được, sẽ đánh mất sự tín nhiệm này. Không còn sự tín nhiệm của Quốc hội, một thành viên của Chính phủ, thậm chí toàn bộ Chính phủ sẽ phải từ chức.
Đôi khi chất vấn còn là cơ hội để các vị đại biểu cảnh báo cho Chính phủ và các bộ trưởng về một vấn đề đang phát sinh. Nhờ đó Chính phủ có thể có được phản ứng chính sách một cách kịp thời.
Chất vấn sẽ dẫn đến việc tín nhiệm hay không tín nhiệm các quan chức hành pháp hơn là để giải quyết ngay các vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống như nhiều người vẫn nghĩ. Tuy nhiên, khi chế độ trách nhiệm được bảo đảm, thì Chính phủ và các cơ quan hữu quan sẽ giải quyết tích cực và hiệu quả những vấn đề đang được đặt ra.
Về mặt thủ tục, hoạt động chất vấn gồm phần các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và phần các thành viên của Chính phủ trả lời. Các vị đại biểu có thể hỏi bằng văn bản và đề nghị trả lời bằng văn bản. Các vị đại biểu cũng có thể hỏi trực tiếp tại phiên chất vấn. Trong trường hợp này, các thành viên của Chính phủ cũng phải trả lời trực tiếp tại phiên chất vấn.
Liên quan đến thủ tục, thời gian đặt câu hỏi và thời gian trả lời câu hỏi cũng được điều chỉnh khá chặt chẽ. Sau nhiều lần thay đổi, thời gian đặt câu hỏi được quy định hiện nay là 1 phút; thời gian trả lời là 3 phút. Tuy nhiên, bộ trưởng có liên quan sẽ nghe hết 3 đại biểu chất vấn rồi trả lời các câu hỏi của 3 vị đại biểu Quốc hội.
Sau khi bộ trưởng trả lời xong, các vị đại biểu có thể tranh luận trở lại. Chủ tọa (thông thường Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ tọa các phiên chất vấn) sẽ nhận biết các vị đại biểu muốn tranh luận thông qua thẻ đăng ký tranh luận. Nghĩa là khi chất vấn, các vị đại biểu sẽ ấn nút đăng ký điện tử, khi tranh luận, các vị đại biểu sẽ giơ thẻ đăng ký tranh luận. Thủ tục đăng ký tranh luận bằng thẻ làm cho các phiên chất vấn trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Và đây quả thật là một sáng tạo về thủ tục rất hiệu quả của Quốc hội Việt Nam.
Về chuẩn mực hành vi, đó là các chuẩn mực về cách thức đặt câu hỏi và cách thức trả lời câu hỏi, là đòi hỏi phải biểu thị sự tôn trọng khi chất vấn các vị bộ trưởng, cũng như khi trả lời các vị đại biểu Quốc hội. Các chuẩn mực này đã được xác lập khá tốt ở Quốc hội nước ta. Các vị đại biểu đều bắt đầu đặt câu hỏi bằng lời “kính thưa bộ trưởng”. Và các vị bộ trưởng trước khi trả lời đều cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi.
Về mặt văn hóa, chế định chất vấn đã được hình thành với những triết lý, thủ tục và chuẩn mực phổ quát của nghị viện trên thế giới. Tuy nhiên, một số vấn đề thì vẫn còn cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.
Vấn đề thứ nhất là thủ tục chất vấn bị thay đổi khá thường xuyên. Khi thì hoạt động chất vấn được tổ chức theo cụm vấn đề, khi thì lại được tổ chức cho tất cả các vấn đề. Thời gian đặt câu hỏi chất vấn khi được quy định là 2 phút, khi lại rút xuống chỉ còn 1 phút. Sự ổn định của quy trình, thủ tục nghị viện là rất quan trọng. Và chúng chỉ có thể được sửa đổi khi được đa số các vị đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua. Ở nhiều nước, muốn sửa đổi quy trình, thủ tục của nghị viện phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua.
Vấn đề thứ hai là vai trò của chủ tọa trong các phiên chất vấn. Vai trò của chủ tọa phiên chất vấn là để quy trình, thủ tục điều chỉnh hoạt động chất vấn được tuân thủ; quyền, nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội, của các vị bộ trưởng được bảo đảm. Chuẩn mực của thế giới là đã điều khiển trận bóng thì không tham gia đá bóng. Đây là nguyên tắc chúng ta cũng cần quan tâm áp dụng nhiều hơn.
Vấn đề thứ ba là sự tranh luận giữa các vị đại biểu Quốc hội với nhau trong các phiên chất vấn. Các phiên chất vấn là để các vị đại biểu chất vấn và tranh luận lại với các vị bộ trưởng, không phải là để các vị đại biểu tranh luận với nhau. Làm sao có thể bảo đảm trách nhiệm giải trình của Chính phủ khi các vị đại biểu lại chỉ tranh luận với nhau trong phiên chất vấn?!
Những vấn đề đặt ra quả thật là không phải quá lớn. Tuy nhiên, xử lý chúng là rất quan trọng để xây dựng văn hóa nghị trường, trong đó có văn hóa chất vấn phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và đòi hỏi của thời kỳ hội nhập.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG