Để thực hiện mục tiêu này, chiến lược đề ra 11 nội dung, nhiệm vụ, giải pháp. Trong nội dung thứ 9 có 5 nhiệm vụ, giải pháp đột phá rất cơ bản, toàn diện gồm cả đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống các trường văn hóa, nghệ thuật theo chuẩn quốc tế; chuẩn hóa hệ thống kiến thức, tài liệu tham khảo, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giảng viên; khuyến khích nghệ sĩ, nghệ nhân giảng dạy; thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên, tăng phụ cấp giảng dạy, phụ cấp biểu diễn cho giảng viên, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống, ngành hiếm, ngành khó tuyển sinh; thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong các thiết chế văn hóa, đặc biệt là các thiết chế văn hóa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình đào tạo văn hóa, nghệ thuật; tăng cường giao lưu, trao đổi, đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo uy tín về chuyên môn tại nước ngoài.
|
|
Carnaval mùa đông diễn ra tháng 1-2021 ngay bên bờ vịnh Hạ Long trong không khí tưng bừng, rực rỡ sắc màu. Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG |
Chuẩn bị cho chiến lược này và những mục tiêu khác lớn hơn, tháng 6-2021, Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, lực lượng làm việc trong Bộ VH,TT&DL độ tuổi dưới 40 đạt cao nhất là 25% và có 60% nhân lực trong bộ đủ điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế.
Trước đó, từ năm 2016, cơ quan chức năng của Bộ VH,TT&DL đã chủ động dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1437/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030". Trước đó, năm 2011, Bộ VH,TT&DL đã xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011-2020 và đã thu được kết quả nhất định.
Ở phía nội bộ, hiện nay, các cơ quan chức năng thuộc Bộ VH,TT&DL đang tích cực dự thảo nghị định về quy định đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Đây là những chuyển động tích cực sau nhiều khó khăn, bất cập về nguồn nhân lực của ngành văn hóa.
Theo GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, việc thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa là hướng đi đúng, lẽ ra phải làm từ lâu thì mới không có những bất cập như thời gian qua.
Liên tiếp trong các nghị quyết của Đảng đều xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực của sự phát triển. Thế nên, muốn đạt mục đích trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, ngoài vấn đề quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nói chung thì vấn đề quan trọng nhất là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong đào tạo tài năng văn học, nghệ thuật và lý luận phê bình cần được xem trọng.
Tuy nhiên, việc này không nên chỉ trông chờ vào đào tạo nhân lực ở các trường trong nước theo kế hoạch, đề án, mà cần có cái nhìn cởi mở hơn, rộng hơn, như lựa chọn đào tạo năng khiếu hoặc thu hút đối tượng là Việt kiều ở nước ngoài, thậm chí nhân lực là người nước ngoài.
Hiện nay, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành văn hóa đang gặp những bất lợi, bị nhiều yếu tố chi phối, nhất là việc làm, thu nhập sau ra trường. Bằng chứng là, số trường đào tạo nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật ít hơn so với khối ngành kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng. Tình trạng sinh viên các ngành văn hóa bỏ học đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát.
Theo thống kê của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, năm học 2019-2020 có 750 sinh viên không đăng ký học kỳ 2; nhiều sinh viên bỏ học hoặc xin thôi học sau một năm. Trong khi đó, việc truyền hình thực tế phát triển nở rộ, đặc biệt là các cuộc thi tài năng nhí do tư nhân, các doanh nghiệp phối hợp tổ chức thu hút rất nhiều học sinh năng khiếu. Thực tế đã có những ồn ào và hệ lụy gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của tài năng trẻ ngành văn hóa, nghệ thuật.
Theo PGS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội: Hiện nhà trường đã đưa 7 sinh viên tài năng đi nước ngoài đào tạo các chuyên ngành khác nhau theo đề án được Chính phủ phê duyệt.
Mặt khác, với lĩnh vực đào tạo tài năng nghệ thuật trong nước, hằng năm có từ 30 đến 40 thí sinh được tuyển vào các lớp tài năng nghệ thuật, nhưng không quá 50% số này trụ lại và ra trường vì các tiêu chuẩn khắt khe. Nhìn chung, sinh viên học chuyên ngành nghệ thuật đang suy giảm, trong đó các ngành lý luận phê bình sân khấu, lý luận phê bình điện ảnh, biên kịch sân khấu rất "khát" sinh viên vì đây là lĩnh vực khó.
Tham khảo các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, họ có chung tâm tư là nhân lực sáng tác tác phẩm văn học, viết kịch bản sân khấu, kịch bản phim thiếu hụt lớn. Đây lại là đối tượng mà các chiến lược, kế hoạch đào tạo nhân lực của Bộ VH,TT&DL chưa hướng tới ưu đãi, thu hút nhiều.
Phát triển công nghiệp văn hóa phải lấy chất lượng nguồn nhân lực làm trung tâm. Tham khảo cách làm công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, có thể nhận thấy họ cũng bắt đầu từ đào tạo nhân lực, theo hướng Nhà nước có chính sách khuyến khích để xã hội hóa việc phát triển nguồn nhân lực.
Cách đây gần 30 năm, Hàn Quốc đã lựa chọn hơn 20 sinh viên tài năng sang Mỹ đào tạo các chuyên ngành điện ảnh. Sau khi về nước, các hạt nhân này đã tổ chức xây dựng nhiều bộ phim không chỉ "làm mưa làm gió" trong nước mà còn chiếm lĩnh thị trường phim các nước châu Á.
Công nghiệp điện ảnh phát triển kéo theo các ngành biểu diễn nghệ thuật, mỹ phẩm, thời trang, du lịch cùng nhiều ngành khác và đương nhiên là làm cho nhân lực các ngành này tăng nhanh. Hiện nay, văn hóa Hàn Quốc đã thấm sâu vào nhiều nước trên thế giới, nhất là giới trẻ, trong đó có Việt Nam, và nguồn lợi họ thu được không chỉ là lợi nhuận mà còn nhiều hơn thế.
Mô hình của Hàn Quốc rất hay, được thế giới thừa nhận nhưng học tập cách làm đó đòi hỏi sức sáng tạo lớn, đặt ra nhiều thách thức đối với Bộ VH,TT&DL vì văn hóa là sáng tạo, không thể sao chép máy móc và sao chép là thất bại.
Không phải Việt Nam không có những cách làm mới, sáng tạo và đột phá, mang lại hiệu quả trong thu hút nhân lực cho ngành văn hóa. Gần đây, bộ phim cổ trang chiếu trên mạng có tên "Phượng Khấu" khai thác câu chuyện tranh đấu hậu cung thời phong kiến ở Việt Nam thu được thành công, cho dù các chuyên gia đánh giá vẫn còn nhiều “sạn”.
Hiện, công ty phát hành phim này đang mở cuộc thi thiết kế trang phục cung đình thời phong kiến và được bạn trẻ trong nước hưởng ứng, trở thành phong trào “cổ phong” ở Việt Nam. Điều này cho thấy, hiệu ứng từ bộ phim đã kéo khán giả gần hơn với những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mà không cần tìm kiếm nhiều giải pháp có tính tổ chức tốn kém, rườm rà và phức tạp.
Hay hiện tượng bộ phim "Song Lang" nói về cải lương Việt Nam giành khoảng 40 giải thưởng quốc tế, trở thành "nhà vô địch giải thưởng” đến thời điểm này, dù trong nước không được mặn mà cho lắm. Điều đó cho thấy, sự khác biệt, bản sắc trong văn hóa dân tộc chính là “mỏ vàng” tiềm ẩn chưa khai thác, trong đó đạo diễn của bộ phim là một Việt kiều.
Người Việt có câu “Có thực mới vực được đạo”. Điều ấy cũng có thể hiểu theo nghĩa tích cực là: Nếu nhìn thấy tương lai phát triển thì chắc chắn giới trẻ sẽ có mơ ước theo đuổi và học tập để thành danh. Việc đào tạo tài năng văn hóa, nghệ thuật ở ta, một phần cốt yếu trong đào tạo nguồn nhân lực hiện nay cũng cần tạo ra “thực” rồi mới hướng họ tới “đạo”.
Văn hóa là lĩnh vực đặc thù, mang ý nghĩa giá trị tinh thần, nền tảng cho xã hội phát triển. Văn hóa khó định lượng, nhưng cũng mang lại nguồn lực kinh tế rất lớn nếu biết khơi nguồn, đầu tư, khai thác bền vững, khoa học. Chủ trương, hướng đi đã đúng, vấn đề còn lại là cách làm.
Nếu loại bỏ được tư duy đầu tư dàn trải, thay vào đó là phát triển những “hạt nhân tinh nhuệ” văn hóa, chắc chắn sẽ không còn tình trạng nhân lực ngành văn hóa "chưa đáp ứng yêu cầu” hay "vừa thiếu, vừa yếu" như thừa nhận của lãnh đạo ngành.
MẠNH THẮNG