Từ thực tiễn cuộc sống, mặc dù đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, song vẫn còn không ít vấn đề đặt ra trong xây dựng đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”...
Góp phần tìm hiểu thực trạng và giải pháp cho vấn đề rất quan trọng này, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần tổ chức chuyên đề "Phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, nghệ thuật: Nhận thức và hành động".
Cần sự thấu hiểu của xã hội
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, văn hóa Việt Nam là thành quả sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đã trực tiếp góp phần hun đúc, nuôi dưỡng, phát triển bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn con người Việt Nam. Trong thời đại Hồ Chí Minh, văn hóa Việt Nam tiếp tục phát huy, phát triển truyền thống của mình, góp phần quyết định vào những thành tựu và kết quả mang tầm vóc lịch sử của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, bảo vệ, thống nhất Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới 35 năm qua.
Thấu hiểu sâu sắc vai trò của văn hóa Việt Nam, cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ luận điểm đó, có người hình dung văn hóa như một ngọn đuốc sáng-ngọn đuốc văn hóa. Nhân dân với năng lực sáng tạo vô biên của mình đã thắp sáng ngọn đuốc đó.
Và người cầm ngọn đuốc đó, bằng trí tuệ, tài năng, tâm huyết, sức sáng tạo của mình, chính là những người làm công tác văn hóa, hoạt động và sáng tạo văn hóa. Họ đã làm một cuộc “chạy tiếp sức” giữ vững ánh sáng và làm sáng thêm mãi ngọn đuốc đó. Bác Hồ, nhân dân, Đảng, Nhà nước luôn luôn đánh giá cao và ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ người làm công tác văn hóa từ hơn 90 năm qua.
“Các văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa đã trở thành những chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa...”, sáng tạo ra được nhiều tác phẩm có giá trị, có sức động viên cổ vũ to lớn đối với nhân dân... (Nghị quyết số 05/NQ-TW năm 1987 của Bộ Chính trị).
Gần 10 năm sau, trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), năm 1998, Đảng tiếp tục khẳng định: “Số đông văn nghệ sĩ được rèn luyện và thử thách trong thực tiễn cách mạng, có vốn sống, giàu lòng yêu nước; trước những biến động của thời cuộc và những khó khăn của đời sống vẫn giữ gìn được phẩm chất, kiên định quan điểm sáng tác phục vụ nhân dân, làm sứ mệnh người nghệ sĩ-chiến sĩ”.
16 năm sau, trong Nghị quyết số 33 (khóa XI) năm 2014, Đảng nhấn mạnh, mặc dầu trải qua nhiều biến động phức tạp và thử thách gay gắt, “đội ngũ làm công tác văn hóa, văn nghệ có bước trưởng thành”. Sự trưởng thành đó không chỉ về số lượng, loại hình mà còn thể hiện rõ về chất lượng, đặc biệt với đội ngũ sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật (cả chuyên nghiệp và không chuyên) và đội ngũ công tác văn hóa ở cơ sở.
Sau 35 năm đổi mới, chưa bao giờ ở nước ta, các loại hình, loại thể, lĩnh vực cụ thể của văn hóa lại phát triển đa dạng, toàn diện và nhanh như vậy. Gắn liền với đặc điểm đó là sự hình thành và phát triển kế tiếp thay nhau “gánh vác” nhiệm vụ trên từng lĩnh vực cụ thể của sự phát triển văn hóa.
Trong sự hiểu biết có hạn của mình, sự liệt kê ra đây chắc chắn không thể đầy đủ các loại hình cán bộ văn hóa từ Trung ương đến cơ sở: Những người hoạt động văn hóa nói chung (lý luận, nghiên cứu, phê bình, tổ chức triển khai...); những người sáng tạo (sáng tác, nghiên cứu, phê bình, đạo diễn, diễn viên, tổ chức biểu diễn...) văn học, nghệ thuật; những người hoạt động trên lĩnh vực thông tin-truyền thông, xuất bản; các thầy giáo, cô giáo đào tạo, giảng dạy trong các nhà trường văn hóa, văn nghệ; những nhà sản xuất, sáng tạo các ngành văn hóa đang bắt đầu phát triển ở nước ta; đội ngũ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trên lĩnh vực văn hóa; các chuyên gia đầu ngành và đông đảo những người hoạt động, sáng tạo văn hóa trong tương lai đang được đào tạo, bồi dưỡng...
Thật khó đầy đủ và chính xác, đến nay, có thể đến hàng triệu người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa (chưa kể đến đội ngũ của ngành giáo dục-đào tạo và khoa học-kỹ thuật cũng được khẳng định là những lĩnh vực thuộc văn hóa-hiểu theo nghĩa rộng và toàn diện của nó).
Có thể không khó để nhận ra những bất cập, khiếm khuyết của đội ngũ này, song họ là những người đang giữ ánh sáng của ngọn đuốc văn hóa, đang bảo vệ, củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, đang tâm huyết, tận tâm, lo lắng góp phần nuôi dưỡng những giá trị trong nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới.
Vâng, họ không làm ra giá trị của cải vật chất cho xã hội như sản xuất vật chất nhưng chính họ đang “sản xuất” đấy, bằng và qua các sản phẩm văn hóa có chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật, họ đang sản xuất theo cách mà Các Mác gọi là “sự sản xuất tinh thần” tạo ra các giá trị trong nhân cách. Có những giá trị trong nhân cách, tức là, chính là góp phần nuôi dưỡng và tạo ra CON NGƯỜI.
Phải chăng, vì vậy, những người cầm ngọn đuốc văn hóa, giữ mãi ánh sáng ngọn đuốc đó cần được xã hội thấu hiểu và đồng cảm hơn, cần được chăm lo sự phát triển về nhiều mặt hơn cả tinh thần và trí tuệ, cả chính trị và nghề nghiệp, cả bản lĩnh và tấm lòng, cả chính sách và đãi ngộ với một sự trân trọng đúng mức, không cần một sự “chiếu cố” nào.
Cũng như đội ngũ đang công tác, hoạt động trên lĩnh vực khác, song có lẽ nét đặc thù nổi bật của đội ngũ làm văn hóa được thể hiện rõ hơn ở 3 yếu tố: Sống hết mình với cuộc đời, tấm lòng thấu hiểu con người và tài năng, năng khiếu trên lĩnh vực văn hóa mà họ say mê, đúng như nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng cảm nhận rằng, không có nó, không thể sáng tạo được các sản phẩm văn hóa, văn nghệ đích thực.
Tính đa dạng và tính sáng tạo là nhu cầu tự thân của hoạt động văn hóa để từ đó “tạo ra những giá trị văn hóa, những công trình nghệ thuật... làm giàu đẹp thêm cuộc sống con người” (Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị). Hơn ai hết, người làm công tác văn hóa thấu hiểu và say mê thực hiện sứ mệnh đó.
Cán bộ lãnh đạo phải thạo chuyên môn
Đóng góp vào sự phát triển của đội ngũ làm công tác văn hóa đã được khẳng định, nhưng ngay trong sự phát triển đó và trong thực trạng của nó hiện nay đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới, đặc biệt khi chúng ta đặt văn hóa, người làm văn hóa trước những yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của giai đoạn sắp tới với nhiều thách thức, cơ hội mới.
Những yêu cầu mới đồng thời là những câu hỏi lớn đặt ra cho những người làm công tác văn hóa là làm sao, làm gì để văn hóa thực sự là “sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, để văn hóa trở thành một khâu đột phá chiến lược thời kỳ mới “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; “phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"... và để văn hóa là nguồn lực, động lực của toàn xã hội và từng con người về sự phát triển.
Tự nhiên, câu trả lời trước hết nằm ở công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ, sàng lọc để phát triển đội ngũ làm công tác văn hóa đủ phẩm chất và năng lực, tri thức và tài năng đảm đương tốt lĩnh vực mang nhiều đặc thù này trong những năm tới.
Đại hội XIII của Đảng đã báo động rằng: “Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”. Vì sao vậy? Bác Hồ căn dặn thật giản dị mà sâu sắc: “Cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc của môn ấy” và “Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tập 13, trang 69).
Người ví von thật là dễ hiểu, mà trong thực tiễn, có lúc, có nơi cả ở Trung ương và địa phương, chúng ta chưa làm được: “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Ví dụ: Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng” (Sđd, tập 5, trang 314).
Bác còn yêu cầu: “Cán bộ chuyên môn phải hiểu chính trị, cán bộ chính trị phải hiểu chuyên môn. Nếu chỉ hiểu một bên là cán bộ què” (Sđd, tập 8, trang 142). Ở ta có nơi cán bộ trúng cấp ủy, dù được đào tạo ngành nghề gì cũng có thể điều động sang lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa, văn nghệ. Điều đó không đúng với căn dặn của Bác Hồ.
Những khiếm khuyết trên kéo dài, không khắc phục kịp thời đã “ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa”.
Chính sách đúng, khâu tổ chức thực hiện thì sao?
Từ thực tiễn lãnh đạo văn hóa, Đảng và Nhà nước đã đúc kết và xây dựng được một hệ thống quan điểm, chủ trương, chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp các quy luật đặc thù của văn hóa, của hoạt động và sáng tạo các sản phẩm văn hóa.
Song, bằng kinh nghiệm lãnh đạo vô cùng sâu sắc và mang tính thực tiễn, Bác Hồ đã đúc kết: “Có chính sách đúng thì sự thành công hay thất bại do cách tổ chức công việc, lựa chọn cán bộ, kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích” (Sđd, tập 5, trang 635).
Từ sự căn dặn đó của Bác, ta thấy tầm quan trọng của công tác “lựa chọn cán bộ” cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa. Xin bày tỏ một vài đề xuất nhỏ. Có lẽ, việc đầu tiên là rà soát lại các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, chương trình... đã ban hành từ năm 1986 đến nay về văn hóa để đánh giá cái gì đã làm, cái gì làm còn dang dở và cái gì đã có trong các văn bản mà chưa làm. Chắc chắn sẽ liệt kê được rất nhiều công việc phải làm. Phải chăng, nếu có, nghị quyết mới sẽ có phần quan trọng trong việc chỉ ra những việc phải hoàn thành mà các văn bản trước đã yêu cầu. Ở đây là thực hiện lời căn dặn của Bác: “Cách tổ chức công việc”.
Để có một quy hoạch cán bộ văn hóa thật khoa học và mang tính thực tiễn, việc rà soát lại toàn bộ đội ngũ và dự báo sự phát triển của các ngành trong lĩnh vực văn hóa những năm tới là công việc hết sức cần thiết và công phu. Không nên làm theo cảm tính hay “lãnh đạo chung chung”, như Bác Hồ căn dặn.
Kết quả của sự rà soát, khảo sát đó sẽ cho ngành văn hóa những chỉ số quan trọng và có căn cứ thực tiễn về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa, trong đó, đặc biệt là yêu cầu về cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu, về cán bộ chuyên môn trên các lĩnh vực cụ thể của văn hóa, về đội ngũ chuyên gia đầu ngành, về đội ngũ trẻ, về các tài năng... mà lâu nay chúng ta còn thiếu và chưa có sự quan tâm đúng mức, cần thiết.
Gắn liền với công việc trên là công tác đào tạo trong các nhà trường văn hóa. Có lẽ, không nên bàn dài dòng về vấn đề này vì Văn kiện Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã xác định quá rõ ràng, chỉ còn là việc chỉ đạo về tổ chức thực hiện: “Rà soát toàn bộ hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quá trình, nội dung, phương thức đào tạo để trong 5, 10 năm tới khắc phục về cơ bản sự thiếu hụt đội ngũ làm công tác văn hóa” (Văn kiện Đại hội XIII, tập 1, trang 147).
Sẽ là nhắc lại, nhưng có lẽ không hề cũ về vấn đề chính sách, chế độ đối với đội ngũ này. Phải chăng, cần tiếp tục làm “tan” một số quan niệm, cách nhìn cũ đã “đóng băng” lâu nay để xây dựng lại, xây dựng mới “các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật” như Văn kiện Đại hội XI (năm 2011) đã khẳng định và yêu cầu. Đã đến lúc chuyển lý thuyết “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho con người” thực sự thành hiện thực sinh động trong cuộc sống những năm tới.
GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG