Ngày trước, có lần Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần gửi bản thảo bài “Thu dạ lữ hoài ngâm” (Khúc ngâm trong đêm thu của một người đi đường xa-Đinh Nhật Thận, bạn thân của Cao Bá Quát) để xin duyệt-in. Chẳng hiểu sao, qua khâu biên tập, đến lúc in báo lại thành “Thu dạ nữ hoài ngân” (có lẽ phải dịch là Đêm thu, đàn bà ngồi nhớ tiền)!
Khi công tác ở Báo Tiếng nói Việt Nam, tôi cử một “phóng viên văn hóa” đi xem và bình luận về một sự kiện văn hóa. Bài viết tôi nhận được chỉ là: “Ở Bờ Hồ, diva X hát bài Y; ở Ba Đình, quân nhạc chơi bài Z...”-chỉ là một mẩu tin! Hỏi, thì được đáp rằng: “Làm sao cháu bình luận được? Đến văn hóa là gì, cháu còn chưa được học!”. Mà đấy là người đã có bằng cử nhân báo chí! v.v.. và v.v..
|
|
Ché rượu lòng dân. Tranh sơn mài của NGUYỄN NHƯ HUÂN, năm 1961 |
Những ví dụ kiểu ấy, khi rất nhiều (và đã rất nhiều), cho ta thấy sự thiếu hụt kiến thức văn hóa cơ bản nghiêm trọng như thế nào. Lỗi thuộc về họ một phần vì không chịu tự học. Lỗi nhiều hơn là ở thời buổi và hệ thống giáo dục-đào tạo của ta, đặc biệt là giáo dục-đào tạo về văn hóa.
*
* *
Trên thế giới, có khoảng 200 định nghĩa về văn hóa. “Từ điển tiếng Việt”-1992 ghi: “Văn hóa (tổng thể) là những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử; văn minh là trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người (khi đã) có nền văn hóa vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng” (thực ra, chỉ cần nói, “văn minh là biểu hiện cụ thể của trình độ văn hóa và chưa thể đồng hạng với văn hóa”. Vì, khi chưa có văn hóa đáng nói, chưa thể có văn minh đáng kể. Cũng từ điển ấy ghi: “Văn hiến là truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp”.
Trong ba thứ “văn” ấy, “văn hiến” là cao nhất. Người cao ngạo nhất cũng chỉ dám tự nhận mình là “người có văn hóa”, là “người văn minh” chứ không bao giờ dám nhận mình là “người có văn hiến”. “Văn hiến” chỉ dành cho cả dân tộc và phải là cho dân tộc nào có bề dày cùng chất lượng văn hóa-văn minh đủ để thành truyền thống tốt đẹp.
Giản dị và cụ thể hơn, Nguyễn Tuân bảo: “Văn hóa là cái người ta học và còn nhớ được (sau khi đã quên bớt), văn minh là cái người ta thấy và dùng hằng ngày (cho khỏi mông muội), văn hiến thì phải dùng xẻng đào đất lên mới thấy”.
Trần Quốc Vượng thì “chiết tự”: “Văn là văn hóa, hiến là hiền tài”. Do vậy, nước nào có nhiều văn hóa do các bậc hiền tài (là chính-vì còn có văn hóa dân gian) làm ra, đến mức thành “truyền thống lâu đời và tốt đẹp”, nước ấy mới được gọi là nước văn hiến. Chế Lan Viên cũng viết: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”. Càng “nhiều Nguyễn Du”, nước càng sớm thành nước văn hiến. Không học theo các bậc hiền tài, “văn hóa đại chúng” thống trị là cái chắc!
Khái niệm văn hóa mà “Từ điển Tiếng Việt”-1992 định nghĩa mà ta vừa nói tới, là văn hóa “tổng thể”. Văn hóa “tổng thể” dần phân nhánh, có khi chỉ để trỏ một di chỉ văn hóa đặc trưng, như là Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Phùng Nguyên, Văn hóa Hòa Bình, Văn hóa Sơn Vi, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Óc Eo...; có khi chỉ để trỏ một trình độ-chất lượng văn hóa hẹp, như là văn hóa ẩm thực, văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa giao tiếp... (đều có cái gốc là văn hóa nhưng đến đây, đã chuyển nghĩa để thành ra phong cách-phép tắc lịch sự rồi).
Trở lại với đời thường!
Đi du lịch chỉ lo selfie giữa phong cảnh mà không biết rõ về phạm vi, thế núi hình sông, thổ nhưỡng, thổ sản, đời sống dân cư với các nghề nghiệp, nếp sinh hoạt và phong tục tập quán, tôn giáo và dân ca... của con người ở vùng mình đến, thì không thể coi là “du lịch văn hóa” và thế là mới chỉ “du” (đi chơi không) chứ chưa “lịch” (trong “kinh lịch”, “lịch duyệt”...)!
Nguyễn Trãi, vì “du” nhiều và “lịch” cũng nhiều, thâu nhận văn hóa với văn minh khắp nước, mới có thể viết nổi “Dư địa chí”, góp một chút vào văn hiến nước nhà (Tư Mã Thiên mà chỉ đi selfie khắp Trung Hoa, chắc chắn không tài nào viết được “Sử ký!”). Nguyễn Trãi cũng luôn coi văn hóa là cái gốc để “có nhân, có trí, có anh hùng”. Ông còn chủ trương (rất đúng) rằng, văn hóa phải dùng để “trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược”.
Bác Hồ nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” là một cách nói khác, mới lên, cái tinh thần “trọng văn” của cha ông. Đó cũng là chân lý ngàn đời.
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, hình tượng hóa ra, theo lời Bác, văn hóa là ngọn đuốc, là ánh sáng soi đường đi cho “quốc dân” để họ vượt qua mông muội, tăm tối, lạc hậu, nghèo nàn, khổ đau nhằm tới thanh bình-ấm no-hạnh phúc. Thế là trong lời Bác cũng đã có sẵn cả cái chức phận của văn hóa: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược” mà Nguyễn Trãi chủ trương. Nghĩ rộng thêm là, “quốc dân” cần đi theo, đi với, đi dưới, đi cùng, đi trong ánh sáng văn hóa. Trên con đường “trọng văn” ấy, những ai cố gắng đều có thể dần nhập vào cái ánh sáng ấy, góp vào cái ngọn đuốc ấy, rồi trở thành một phần, chí ít là một đốm sáng của văn hóa. Càng đông người như thế, văn hóa “quốc dân” càng cao thêm. Ai xuất chúng, người ấy thành “hiền tài”-“nguyên khí quốc gia”. Đến đây, ta lại gặp Nguyễn Trãi, ở chỗ coi văn hóa là cái gốc để: “Có nhân, có trí, có anh hùng”. Ai không biết “trọng Văn” mà chối bỏ việc đi trong ánh sáng văn hóa, dù hữu hay vô thức, đều là người cản trở sự tiến bộ (chưa kể những người với chủ tâm riêng, ngược đường văn hóa) và sớm muộn cũng sẽ chìm trong bóng tối của sự mông muội, lạc hậu, tha hóa, suy đồi.
Suy thêm, ngày nay ai đứng ngoài những thứ “trừ” trong lời Nguyễn Trãi và đứng ngoài việc dùng văn hóa để “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ dạy, thì không thể được coi là người “trọng văn”. “Văn” trong “trọng văn” gồm cả văn hóa, văn minh, văn hiến.
Có tiền không mua ngay được văn hóa nhưng có thể đầu tư cho văn hóa để lâu dài, có được một nền văn hóa đương thời tốt mà vẫn không xa rời truyền thống. Nước đã vậy mà mỗi nhà cũng vậy. Không thể có các bộ trưởng trong lĩnh vực văn hóa như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn... được! Họ làm hỏng cả văn hóa, văn minh và không thể đóng góp gì cho văn hiến.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang giương cao ngọn cờ làm cho Đảng và chính quyền ta trong sạch, chính là đang dùng văn hóa như Nguyễn Trãi và Bác Hồ dạy, đang “trọng văn”. Phía “quốc dân” gần đây, những “cây ATM gạo” trong dịch Covid-19... đã chứng tỏ rằng, truyền thống văn hóa ta đang sống và dễ lớn dậy, nếu “trên nóng” và “dưới cũng nóng”.
Trở lại với đời thường!
Đi du học, chỉ thấy văn minh của người và khi về nước, không những không buồn làm việc, lại suốt ngày “vọng ngoại bài nội”, quên hoặc hạ thấp văn hóa, văn minh và văn hiến dân tộc, chỉ muốn sống như Tây, làm thơ như Tây, ăn mặc, ăn nói như Tây... thì cũng chỉ là mới “du” để “học” cái bề ngoài (có thể là tiến bộ và tốt đẹp) của họ mà thôi! Du học để đem cái hay của thiên hạ về nước, “hợp dung” được với văn hóa, văn minh nước nhà cho hiệu quả mới là du học thực.
Có rất nhiều ví dụ lớn trong lịch sử: Nhà Lý, nhà Trần (1009-1399) sở dĩ huy hoàng vì đã không vọng ngoại, cố gắng tìm hiểu để học cái hay, cái đẹp của Trung Hoa, bỏ đi những cái không hợp để bồi đắp văn hiến Việt, để bang giao với Trung Hoa trong tư thế đĩnh đạc; không máy móc học và xây dựng triều đình của mình bệ vệ, “quan phương”; đe dọa và hào nhoáng như các triều đình Trung Hoa, tiếp tục chủ trương của Khúc Hạo (Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, dân chúng đều được yên vui-Cương mục). Lý-Trần luôn tuân theo cương lĩnh bốn chữ: KHOAN-GIẢN-AN-LẠC và phát triển theo hai định hướng: DÂN TỘC-THÂN DÂN. Thực chất, cả Khúc Hạo và Lý-Trần đều thừa kế cái tinh thần có trong truyền thuyết Hùng Vương: “Vua tôi cùng cày, không phân ra uy quyền đẳng cấp, không ai xâm lấn ai, mọi người gần gũi yêu thương nhau”.
Hồ Quý Ly bại vì không THÂN DÂN, nên quân trăm vạn trăm vạn lòng! Hồ Quý Ly lại còn xây dựng triều đình theo mô hình phong kiến Trung Hoa. Chính mình thì bỏ cả họ cũ (Lê) bao đời trên đất Việt, tìm gốc tổ ở Trung Hoa, coi mình là dòng dõi Ngu Thuấn, đổi sang họ Hồ và đặt tên nước là Đại Ngu...
Trở lại đời thường!
Khi chưa đủ văn hóa, chưa phân văn minh, mập mờ về văn hiến, sao có thể có lối sống hay? Không có lối sống hay, bảo sao lại không “suy thoái về đạo đức”? Sao lại không dễ “tự diễn biến”, tha hóa-suy đồi? Sao lại không nhũng nhiễu? Sao lại không “trên nóng dưới lạnh”? Sao lại không “hành là chính” v.v..
Văn nghệ cũng vậy: Nếu chỉ sáng tác cho giống Tây, giống Hàn... hay chỉ bó hẹp trong việc tự do bộc lộ cái riêng tư (có khi không ảnh hưởng tích cực gì đến nhận thức và tình cảm của xã hội)... thì văn hóa nước nhà tất suy, văn hiến không nhận được thêm gì để nối dài truyền thống.
Tự do cá nhân là tốt, rất tốt! Nhưng nên nhớ hai điều:
1- Tiến sĩ Tây (Pháp), Garodi, đã định nghĩa tự do cá nhân như sau: Tự do cá nhân tức là tha hồ tự do cho đến khi nó xâm phạm quyền tự do của người khác. Thế là tuy rất rộng rãi nhưng cũng có khuôn khổ đấy chứ?
2- Khi người tiếp nhận tự do chưa đủ tầm văn hóa, tự do có thể giết chết người ta bởi căn bệnh “bội thực tự do”!
Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần mời tôi viết về văn hóa. Với sự hiểu biết có hạn, tôi chỉ viết được thế, hy vọng giúp được chút gì cho tờ báo “của tôi”. Báo nên mời thêm các bậc thầy viết tiếp để càng có thể thuyết phục bạn đọc và cũng nên để bạn đọc phản biện nữa.
Nhà thơ ĐỖ TRUNG LAI