Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, TS Văn hóa học Nguyễn Huy Phòng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã có những đánh giá về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa hiện nay.

Vai trò to lớn của cán bộ văn hóa

Phóng viên (PV): Nhấn mạnh vai trò to lớn của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Những năm qua, để thực hiện mục tiêu ấy, đã có phần góp sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ văn hóa. Vai trò ấy được thể hiện như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Phòng: Có thể nói, từ khi ra đời và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới.

Giữa lúc bộn bề công việc, tình cảnh “thù trong giặc ngoài”, Đảng vẫn quyết tâm chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (ngày 24-11-1946) để lắng nghe ý kiến đóng góp của các văn nghệ sĩ, trí thức nhằm “chấn hưng” nền văn hóa dân tộc; khắc phục những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, tâm lý hoài nghi, băn khoăn, dao động của không ít văn nghệ sĩ trước cuộc đời mới; đồng thời kiến tạo, xây đắp nền văn hóa dân chủ nhân dân với những đặc trưng: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Trong suốt 75 năm qua kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội đến nay, sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc có nhiều bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng cũng như góp phần xây dựng, hình thành những con người mới có nhân cách, lối sống đẹp. Có được thành công ấy, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, sự chung sức đồng lòng của nhân dân còn phải kể đến công sức của đội ngũ những người làm công tác văn hóa.

Danh xưng “cán bộ văn hóa” trong những năm kháng chiến có phạm vi rộng, có thể là người được Đảng, Nhà nước trực tiếp phân công, giao nhiệm vụ, nhưng phần đông lại là những văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên chuyên ngành nghệ thuật, tự nguyện xếp bút nghiên theo tiếng gọi của Tổ quốc, sẵn sàng khoác ba lô ra mặt trận.

Với cây súng, cây bút, trang giấy trong tay, họ đã làm nên những kỳ tích, ghi lại những trang sử hào hùng của đất nước bằng những tác phẩm sinh động, có sức cổ vũ, động viên tinh thần to lớn, tạo sức mạnh, niềm tin, sự đoàn kết để đánh thắng kẻ thù xâm lược, giữ vững nền độc lập, tự do. Sau này, khi nhận định về vai trò của văn hóa, văn nghệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

leftcenterrightdel

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) năm 2020. Ảnh: TUẤN HUY

Đất nước độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng CNXH, đội ngũ cán bộ văn hóa không ngừng trưởng thành, tiến bộ, phát triển về số lượng lẫn chất lượng, có nhiều đóng góp vào thành công của sự nghiệp đổi mới. Cho đến hôm nay, hình ảnh người nghệ sĩ-chiến sĩ, cán bộ văn hóa trở thành một biểu tượng đẹp của tinh thần, ý chí Việt Nam; là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, trong sáng, nhân văn, cao cả.

Trong tâm thức của nhiều thế hệ, hành động, lời nói, việc làm của cán bộ văn hóa đã để lại những ấn tượng, cảm xúc đẹp, thiêng liêng. Họ vừa là người sáng tác, vừa là người truyền cảm hứng, gắn bó mật thiết với nhân dân. Những tác phẩm của họ là cầu nối quan trọng thắt chặt mối quan hệ giữa ý Đảng với lòng dân.

Lý giải về nguyên nhân làm nên những chiến công vĩ đại của quân, dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhiều học giả trong và ngoài nước cho rằng, đó là nhờ sức mạnh của truyền thống văn hóa, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết và ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam. Và trong giai đoạn phát triển nào của dân tộc, để lan tỏa, khơi dậy sức mạnh văn hóa truyền thống dân tộc luôn có vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ văn hóa.

Thực tế vẫn thiếu và yếu

PV: Thưa ông, với vai trò, vị trí quan trọng, đội ngũ cán bộ văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cán bộ văn hóa vừa thiếu, vừa yếu. Thực tế này được thể hiện như thế nào ở các cấp cơ sở và Trung ương?

TS Nguyễn Huy Phòng: Bên cạnh những thành tựu, những tín hiệu tích cực thì sự phát triển của đội ngũ cán bộ văn hóa những năm qua còn nhiều bất cập, tạo nên những rào cản khiến việc khơi thông những mạch nguồn văn hóa chưa đạt được yêu cầu, mục tiêu đề ra. Có thể kể đến như:

- Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền còn phiến diện về vai trò, vị trí của văn hóa, dẫn đến thiếu quan tâm trong đào tạo, tuyển chọn, bố trí người thực sự có năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn, am hiểu sâu lĩnh vực làm công tác văn hóa. Thực tế có những cơ quan, đơn vị bố trí cán bộ thiếu năng lực, phẩm chất, thậm chí không thể tiếp tục đảm nhiệm những công việc khác (như kinh tế, tài chính, tài nguyên và môi trường, nội vụ...) thì điều chuyển sang phụ trách văn hóa, văn nghệ. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa nhưng trình độ chuyên môn được đào tạo không liên quan đến văn hóa, dẫn đến việc nắm bắt, xử lý tình huống hay tham mưu cho cấp trên ban hành chính sách còn lúng túng, thiếu tính khả thi.

- Một số cán bộ sau khi được tuyển dụng vào cơ quan văn hóa của Nhà nước có biểu hiện an phận thủ thường, sa vào “hành chính hóa”, quan liêu, hách dịch, xa dân, thiếu thâm nhập thực tiễn; gây phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ; gây khó dễ cho các cơ quan, đơn vị cùng tham gia, phối hợp trong khai thác, quảng bá những giá trị, sản phẩm văn hóa.

- Trong mối tương quan với các lĩnh vực, ngành nghề khác, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn mỏng, nhất là cán bộ văn hóa cơ sở ở các xã, phường, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ở nhiều xã, phường hiện nay không có chỉ tiêu biên chế dành cho cán bộ chuyên trách về văn hóa. Phụ trách lĩnh vực này thường là cán bộ kiêm nhiệm, phụ trách thêm.

Sự phối hợp giữa các cơ quan, phòng, ban trong xử lý những vấn đề văn hóa phức tạp nảy sinh còn chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu cơ chế ràng buộc. Trong khi đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần có sự tham gia quản lý của đội ngũ cán bộ văn hóa có chuyên môn, nghiệp vụ để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân.

Nhận định về những bất cập trong công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa và năng lực đội ngũ cán bộ văn hóa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa... Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới”.

Đánh giá cán bộ tránh máy móc, cào bằng

PV: Trước những thực tế ấy, theo ông, việc đánh giá, sử dụng cán bộ văn hóa cần có sự đổi mới như thế nào?

TS Nguyễn Huy Phòng: Nguyên nhân dẫn đến những bất cập, hạn chế của đội ngũ cán bộ văn hóa có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng theo tôi, chủ yếu vẫn là do nguyên nhân chủ quan, dẫn đến một bộ phận cán bộ văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đời sống văn hóa luôn vận động với nhiều ý tưởng, phát minh, sáng kiến mới của cá nhân, cộng đồng, nhưng không ít cán bộ bảo thủ, ngại va chạm, sợ trách nhiệm, tạo ra những rào cản khiến cho cái mới khó có thể xuất hiện và lan tỏa trong xã hội. Một số cán bộ văn hóa lười học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu vốn tri thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cũng như kinh nghiệm thực tiễn đời sống văn hóa.

Một nguyên nhân khác mà Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 4-6-2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, chỉ ra là: “Vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chưa thực sự đổi mới, nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa”.

Văn hóa chưa thực sự được coi trọng đúng mức nên cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý của đội ngũ cán bộ văn hóa. Bên cạnh đó, những tác động của cuộc sống mưu sinh, mặt trái của kinh tế thị trường, quá trình hội nhập toàn cầu, sự xâm nhập của những luồng tư tưởng xấu độc khiến không ít cán bộ, trong đó có cán bộ văn hóa thiếu mặn mà, tâm huyết với công việc chuyên môn; họ phải làm thêm một số nghề để bảo đảm cuộc sống.

Thậm chí, một số cán bộ văn hóa có biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, có những hành vi, việc làm đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng. Ảnh: HỒNG THU

Văn hóa là lĩnh vực đặc thù, liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống, phong tục tập quán, nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng của cá nhân và cộng đồng. Do đó, cán bộ văn hóa ngoài năng lực, phẩm chất cần có của người cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cần phải am hiểu sâu sắc đối tượng, lĩnh vực mà mình phụ trách, quản lý.

Để phát huy năng lực, tinh thần chủ động, sáng tạo, cống hiến của cán bộ văn hóa, việc đánh giá, sử dụng cán bộ cần linh hoạt, sát thực, tránh máy móc, cào bằng, hành chính hóa; phải tính đến hiệu suất, hiệu quả công việc và năng lực thực thụ của mỗi cán bộ hoạt động trong những ngành nghề mang tính chuyên biệt.

Việc cân nhắc, lựa chọn, bố trí cán bộ văn hóa, ngoài năng lực chuyên môn cần tính đến phẩm chất đạo đức, nhân cách, hình ảnh và khả năng quy tụ sức mạnh của cộng đồng, niềm tin tưởng của nhân dân đối với cán bộ.

Cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ văn hóa về tiền lương, tiền công; xây dựng quỹ hỗ trợ về đổi mới sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật; hình thành các không gian sáng tạo để khơi nguồn cho những ý tưởng mới được ra đời. Có chính sách thu hút người tài tham gia hoạt động văn hóa. Tạo môi trường, cơ chế làm việc thông thoáng, tôn trọng cá tính sáng tạo, phong cách cá nhân, thực hành tốt quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị văn hóa.

Bên cạnh việc áp dụng những quy chế “mềm” trong đánh giá, sử dụng cán bộ cũng cần nêu cao tính tự giác, trách nhiệm, ý thức công dân, tinh thần thượng tôn pháp luật, hướng đến xây dựng hình ảnh người cán bộ văn hóa mẫu mực trong tình hình hiện nay.

Đồng bộ những giải pháp

PV: Để phát huy truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, tiếp nối sự nghiệp “soi đường” của các thế hệ cha anh, cần những giải pháp gì để xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện hiện nay, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Phòng: Để khơi thông những mạch nguồn văn hóa, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong tình hình hiện nay, việc xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có “bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu” sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nền văn hóa dân tộc. Muốn vậy, theo tôi, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về văn hóa. Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, mà hiện nay văn hóa còn là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng trong quá trình phát triển bền vững đất nước.

Nhận thức rõ về vai trò, sức mạnh của văn hóa với sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng con người mới cũng như vai trò điều tiết, định hướng, dẫn đường của văn hóa trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội sẽ giúp các cấp ủy, chính quyền có những quyết sách cụ thể, phù hợp để không ngừng quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu, đòi hỏi mà thời đại đang đặt ra.

Thứ hai, cần đổi mới cơ chế, chính sách trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí nguồn lực cán bộ làm công tác văn hóa. Tiếp tục thực hiện tốt các đề án, chiến lược về đào tạo, tuyển chọn đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, tài năng tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao tay nghề, trình độ, nhất là với các ngành nghề, lĩnh vực nghệ thuật mang tính đặc thù ở trong và ngoài nước.

Khắc phục tình trạng thiếu hụt, chênh lệch về đội ngũ cán bộ văn hóa giữa thành thị với nông thôn, giữa miền ngược với miền xuôi. Có chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đào tạo cán bộ phải gắn với nhu cầu, gắn với các địa chỉ sử dụng. Tránh lãng phí nguồn nhân lực, chất xám.

Xây dựng cơ chế, chính sách về tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội trong việc huy động sự tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, người dân cùng chính quyền quản lý, tổ chức tốt đời sống văn hóa cộng đồng.

Huy động sự tham gia của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức cùng chung sức đồng lòng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn bằng việc sáng tác những tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng, sinh động, hấp dẫn trong hình thức biểu hiện, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của công chúng. Bảo đảm không gian, môi trường sáng tạo tự do, dân chủ gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, phát huy tốt tiềm năng sáng tạo của người nghệ sĩ để ngày càng làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, kiến tạo bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng giàu đẹp.

Thứ ba, để xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, mỗi cán bộ văn hóa phải không ngừng trau dồi, rèn luyện về tư tưởng, đạo đức, lối sống; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đi sâu vào thực tiễn để lắng nghe tâm tư, tình cảm của công chúng; mong muốn của đội ngũ văn nghệ sĩ để có chính sách kịp thời, phát huy tiềm năng sáng tạo của nhân dân; khắc phục những tiêu cực, hạn chế, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh với những giá trị nhân văn, gánh vác trọng trách, sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 24-11, tôi đặt nhiều kỳ vọng vào những tiếng nói tâm huyết của các đại biểu trong việc đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, từ đó đề xuất chiến lược, quyết sách mang tính dài hạn, tạo nguồn nhân lực vững mạnh để phát huy mạnh mẽ nguồn lực văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong quá trình xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HỒNG SÁNG - THU HÒA (thực hiện)