Tạo sinh kế cho đồng bào

Mưa tầm tã suốt tuần khiến con đường đến bản Nậm Lạnh, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp, Sơn La) trở nên lầy lội. Cuộc sống của phần lớn các hộ dân nơi đây vốn đã khó khăn, nay vất vả hơn bội phần. Từ Đội sản xuất số 3, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Quân khu 2) đến bản Nậm Lạnh chừng chục cây số, nhưng Thiếu tá QNCN Đặng Tiến Thảo, nhân viên đội, và đồng đội phải di chuyển gần hai giờ đồng hồ. Nghe thông tin Hà Nội và các tỉnh miền xuôi kiểm soát được dịch Covid-19, anh Thảo tranh thủ đến từng bản vận động một số thanh niên đi làm trở lại.

"Mấy năm trở lại đây, đơn vị chúng tôi vận động và hỗ trợ hàng trăm thanh niên người DTTS trong xã đi lao động tại các khu công nghiệp dưới xuôi, mức thu nhập trung bình 6-7 triệu đồng/người/tháng"-chia sẻ của Thiếu tá QNCN Đặng Tiến Thảo làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi bao đời nay, đồng bào các DTTS Tây Bắc vốn chỉ quen với nương rẫy, ruộng vườn, con dê, đàn bò, chẳng mấy khi ra khỏi địa phương. Đem thắc mắc này hỏi Thượng tá Nguyễn Hữu Cảnh, Phó chính ủy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326, anh cho biết: “Việc tạo sinh kế cho đồng bào chính là góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh”.

leftcenterrightdel
Bộ đội và trí thức trẻ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Quân khu 2) hướng dẫn đồng bào trên địa bàn kỹ thuật trồng lúa nước. 

Cách đây hơn 3 năm, nhận thấy đồng bào các dân tộc trên địa bàn thường thiếu ăn lúc giáp hạt, trong khi đa phần thanh niên ở độ tuổi lao động không có việc làm, dễ sa vào tệ nạn xã hội hoặc bị kẻ xấu lôi kéo, gây mất trật tự an ninh, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 xác định: Phải tạo việc làm cho dân để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Theo đó, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động các khu công nghiệp tại Hà Nội, Hưng Yên tiếp nhận những lao động phổ thông là người DTTS trên địa bàn đơn vị đóng quân. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của bộ đội, hàng trăm lao động dôi dư trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã có việc làm ổn định, đời sống được cải thiện rõ rệt. Ông Tòng Văn Sánh ở bản Cang, xã Nậm Lạnh, có con đang lao động tại Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội), nhận được tiền lương con gửi về phấn chấn: “Lần đầu được cầm nhiều tiền đấy, nhưng chỉ dám giữ một phần, còn lại cất đi cho con thôi”.

Từ những việc làm giản dị

  Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2, khẳng định: “Muốn xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, trước hết phải xây dựng được "thế trận lòng dân" vững chắc”. 

Anh Nông Ngọc Minh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hiểu chỉ đạo đó một cách mộc mạc: “Trước đây, đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới chúng tôi chỉ mong ngày ngày được ăn no cái bụng, những việc khác chẳng mấy quan tâm, đừng nói gì đến xây dựng khu vực phòng thủ, nghe phức tạp lắm. Nhưng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được đào tạo trung cấp quân sự địa phương, tôi mới biết cách làm cụ thể. Kinh tế có phát triển, đời sống người dân được ấm no, đó là cơ sở để xây dựng khu vực phòng thủ”.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội dân quân thường trực xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) thực hiện phát quang phòng, chống cháy rừng.

Sau câu chuyện thân mật với anh Nông Ngọc Minh, tôi mới tham quan “cơ ngơi” của Ban CHQS xã Bản Lầu, thật chính quy, khang trang và thống nhất. Cách đó không xa, “trụ sở” của tiểu đội dân quân thường trực cũng không “kém cạnh”. Đồng chí Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương, khẳng định: “Trong bất luận hoàn cảnh nào, nhất là trong cuộc chiến phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, quân đội, công an, dân quân tự vệ luôn là lực lượng tuyến đầu, cánh tay đắc lực, chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, chúng tôi đều quan tâm, ưu tiên xây dựng LLVT địa phương vững mạnh”. Kết quả cuộc diễn tập khu vực phòng thủ huyện Mường khương đầu tháng 10 vừa qua đạt xuất sắc, đảm bảo an toàn tuyệt đối càng cho thấy sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện đối với công tác quân sự quốc phòng địa phương.

Có lẽ cán bộ, nhân dân các dân tộc Tây Bắc và LLVT Quân khu 2 không thể nào quên vụ việc đòi thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông”, gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cuối tháng 4, đầu tháng 5-2011. Hơn một thập kỷ đã trôi qua, bài học về vụ Mường Nhé còn nguyên giá trị. Thiếu tướng Nguyễn Thắng Xuân, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2, thấm thía: “Các cấp, các ngành, LLVT Quân khu 2 đã rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân sâu xa của vụ việc đáng tiếc trên, từ đó tăng cường “bám cơ sở, ở gần dân”, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không để bà con bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo”.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 cùng nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Văn Chấn (Yên Bái) tháng 7-2018. 

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thắng Xuân, để củng cố “thế trận lòng dân”, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 2 xác định: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu, bộ đội phải luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, hiểu dân, gần dân, sát dân với những việc làm thiết thực để đồng bào tin và làm theo... Hàng trăm mô hình hay, cách làm sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 đã được phổ biến rộng rãi, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở các bản từng được “xếp” vào diện đặc biệt khó khăn nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Đi đúng mạch, vạch đúng nguồn

Hơn 4 năm sau trận lũ quét khủng khiếp xảy ra tại xã Nặm Păm (Mường La, Sơn La), hôm nay mảnh đất đau thương này đã thật sự hồi sinh. Có được thành quả đó là sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2. Đứng trước những khu nhà ngói mới khang trang, vườn cây ăn quả sum suê cành lá, ít ai có thể ngờ nơi đây từng là tâm lũ, nhiều bản gần như bị xóa sổ, 179 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, 245 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại khoảng 705 tỷ đồng. Lũ quét đã đẩy cuộc sống của hàng trăm hộ dân Mường La lâm vào cảnh màn trời chiếu đất...

Để cuộc sống của đồng bào sớm trở lại ổn định, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội, dân quân tự vệ đã được huy động giúp dân di chuyển nhà cửa ra khỏi vùng lũ, xây dựng các điểm tái định cư mới. Bộ đội còn tích cực cùng nhân dân địa phương tập trung cải tạo ruộng vườn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Hiện toàn bộ khu vực rốn lũ Mường La được phủ kín bởi hàng trăm héc-ta cây ăn quả đã cho thu hoạch. Trước kia trồng lúa chỉ cho thu nhập 10 triệu đồng/ha, thì nay trồng cây ăn quả, người dân có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. 

Anh Thào A Xá, Trưởng bản kiêm Bí thư Chi bộ bản Đỉnh Đèo, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên vinh dự được kết nạp vào Đảng trong thời quân ngũ. Anh hiểu rằng, giữ gìn sự ổn định ở địa phương, giúp bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc chính là góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. “Trước đây, khi chưa vào bộ đội, tôi chưa hiểu gì về việc xây dựng khu vực phòng thủ, hay xây dựng “thế trận lòng dân” gì cả. Bây giờ, tôi hiểu rằng, đó là việc xây dựng từng con người, từng gia đình, từng thôn bản vững mạnh, tin theo Đảng và Bác Hồ, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương mỗi ngày thêm giàu đẹp”.

Điều bày tỏ của Thào A Xá, chúng tôi còn được nghe ở nhiều cơ sở, bản làng thuộc địa bàn Quân khu 2. Hướng về cơ sở, vững từ cơ sở trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn Tây Bắc đã và đang đi đúng hướng...

Bài vả ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG