Ngay trong ngày thi đấu đầu tiên sau lễ khai mạc (31-8), Đội tuyển Nga đề xuất ban tổ chức được thi ngay trong buổi sáng thay vì buổi chiều như kế hoạch. Lúc này, trời rất nắng, nhiệt độ sân bê tông lên tới hơn 43 độ C. Thế là gần 12 giờ, trận đấu giữa hai bên diễn ra. Khán giả cổ vũ nồng nhiệt cho các đội trong tình hữu nghị hiếm thấy, đặc biệt khi mỗi đội phá vật cản sau cửa sắt, nơi có độc xạ để cứu người bị nạn. Cuối cùng, đội Việt Nam 1 đã về đích và hơn đội Nga 1 phút.

leftcenterrightdel

Vận động viên Đội tuyển "Vùng tai nạn’ Việt Nam 1 vượt vật cản. Ảnh: TUẤN HUY 

Theo dõi đội Việt Nam 1 thi đấu, Trung sĩ Maksim Furman, thành viên Đội tuyển “Vùng tai nạn” Belarus rất thích thú. Maksim cầm cờ Việt Nam cơ động theo đội và luôn hô to: “Việt Nam, Việt Nam, Việt Nam...”. Maksim bị tai nạn trong một buổi tập khi vượt qua vật cản cầu thăng bằng dích dắc trước ngày khai mạc không lâu. Thông qua sĩ quan liên lạc người Việt Nam của đội Belarus, Maksim thổ lộ rất buồn vì không thể cùng đồng đội “chiến đấu” với vật cản để cứu người, không được thể hiện khả năng đua đuổi với vận động viên của các đội Nga, Lào, Mali và Việt Nam. Với Maksim, bộ môn Cứu hộ, cứu nạn có tính chất riêng mà lòng dũng cảm, ý chí, nghị lực và tinh thần đồng đội... được thể hiện ở tầm cao.

Phần thi “Tiếp sức” diễn ra trong ngày thi đấu thứ hai là cuộc chiến thực sự giữa các đội ở “mê cung”, nơi mô phỏng cứu hộ, cứu nạn trong không gian hẹp có kích thước 80x80cm, dài 30-40m và tích hợp nhiều loại vật cản: Khóa, tấm sắt bịt vòng, bịt dọc, giải cứu người bị nạn, cắt gỗ, panh vật nặng mở lối... Các vận động viên (VĐV) phải phá vật cản, đưa người ra ngoài. Tôi đã đẩy chiếc panh nặng hơn 20kg để chui vào “mê cung” tác nghiệp. Thế nhưng, dù nghiêng vai, cúi thấp đầu và dùng hết lực ở tay để đẩy, nhưng chiếc panh cũng chỉ đi được chưa đầy 5cm. Phải mất tới gần 3 phút đầm đìa mồ hôi, mặt đỏ gay như đứng trong lò lửa, tôi mới đến được vật cản thứ nhất của “mê cung”, cách nơi khởi đầu không quá 5m. Vào đã khó, chui ra còn khó hơn nhiều lần vì phải lê lùi. Phải loay hoay mãi, tôi mới có thể thoát khỏi “mê cung”.

leftcenterrightdel

Vận động viên Đội tuyển "Vùng tai nạn" Việt Nam 1 chinh phục vật cản trong "mê cung". Ảnh: TUẤN HUY 

Trong bài "Về đích", các VĐV phải đưa người bị nạn từ trên nhà hai tầng đổ nát xuống bằng dây ròng rọc tự tạo rồi băng vết thương, cấp cứu. Theo VĐV Lê Quốc Hưng của đội Việt Nam 1: Các thành viên trong đội phải tranh thủ từng giây, từng phút để vượt qua vật cản dày đặc. Đó là những tình huống sát với cứu hộ, cứu nạn trong thực tế.

leftcenterrightdel

 Vận động viên Đội tuyển "Vùng tai nạn’ Việt Nam 1 dựng nhà bạt. Ảnh: TUẤN HUY

Thượng úy QNCN Phạm Văn Quốc, hạt nhân quan trọng của đội tuyển Việt Nam 2 tâm sự: "Sau mấy tháng được huấn luyện chinh phục vật cản và thi đấu với cường độ cao, tôi nhận ra ý nghĩa đích thực của Cuộc thi “Vùng tai nạn”. Cứu người trong các hoàn cảnh bị tai nạn là cuộc chạy đua đầy nguy hiểm với thời gian. Muốn cứu được người bị nạn thì phải chiến thắng chính mình. Nội dung thi đấu “Vùng tai nạn” đã cho chúng tôi rất nhiều thứ: Bản lĩnh, kinh nghiệm và cả tình bạn...". Dù Quốc và đồng đội không được xếp giải nhưng không vì thế mà họ thi đấu kém các đội khác. Đã có thời điểm, đội Việt Nam 2 vượt lên, khiến một số đội mạnh phải dè chừng.

Đa số VĐV Việt Nam dự thi nội dung “Vùng tai nạn” lần đầu và ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, họ đã thi đấu với tất cả sức lực và tinh thần quyết thắng để vượt lên những đội mạnh, giành huy chương bạc tại Army Games 2021. Đó quả là một chiến công ngọt ngào và đáng nhớ của ý chí và sự đoàn kết.

Cuộc thi “Vùng tai nạn” tại Army Games 2021 có 6 đội tham gia (Nga, Belarus, Lào, Mali, Việt Nam 1 và Việt Nam 2), trong đó đội Việt Nam 2 không được xét thành tích để trao giải. Cuộc thi trải qua 3 vòng: Vượt chướng ngại vật đặc biệt, Tiếp sức, Về đích mà điểm nhấn đặc trưng nhất là các đội phải cứu người bị nạn ở các vị trí khác nhau. Các trận đấu diễn ra rất sôi động, kịch tính, hấp dẫn và nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

 THẢO TRANG