Chuẩn bị những điều kiện cần
Chúng tôi đến Lữ đoàn 229, đơn vị được Bộ tư lệnh Công binh chọn tổ chức huấn luyện Đội Công binh GGHB trong một ngày mưa nặng hạt. Mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng Thượng tá Nguyễn Xuân Dinh, Phó lữ đoàn trưởng quân sự Lữ đoàn 229, người chủ trì việc trình diễn huấn luyện phục vụ kiểm tra của binh chủng vẫn khá bình thản. Anh bảo tôi: “Bộ đội được huấn luyện rất thiện chiến, sẽ không có vấn đề gì đâu, kể cả khi mưa rào".
Mưa ngớt, đường ra thao trường lầy lội, ngập bùn nước, nhớp nháp. Sau tình huống chỉ huy lữ đoàn đưa ra, Thiếu tá QNCN Chu Bá Hiếu dõng dạc phổ biến nhiệm vụ trong mưa bụi. Anh "chốt" dứt khoát: "Nếu đã rõ nhiệm vụ, các bộ phận nhanh chóng triển khai!".
Các tổ và máy húc, xúc, gạt, lu đồng loạt hoạt động nhịp nhàng. Chưa đầy 30 phút, hình hài đoạn đường cấp phối dài gần 100m với mui luyện, rãnh thoát nước rõ dần. Nó hiện ra nhẹ nhàng hệt như cách một họa sĩ tài năng vạch con đường màu đỏ sẫm trên lớp màu lót xanh dương của bức tranh phong cảnh thơ mộng. Tôi thắc mắc:
- Chiến sĩ đeo súng và nhiều trang bị khi tác nghiệp thì có ảnh hưởng đến thi công lắm không?
- Xem bộ đội bắc cầu Bailey và cầu gỗ rồi tôi sẽ giải thích. - Nói xong, Thượng tá Nguyễn Xuân Dinh đi nhanh về phía thao trường cầu.
Tại đây, dưới sự chỉ huy của Đại úy Lê Huy Khánh, hoạt động bắc cầu Bailey diễn ra nhịp nhàng theo dây chuyền khép kín. Từ xa, chúng tôi chỉ thấy màu áo dã chiến thấm mưa lấp ló phù hiệu lính mũ nồi xanh. Các cấu kiện thép nặng gần 300kg được đưa đến nơi lắp ráp rất nhanh sau những tiếng hô “hai... ba”, “lên” hay “hạ” đanh gọn, cho dù trên người họ là đủ thứ trang bị lỉnh kỉnh cùng súng AK. Hơn 15 phút sau, một đốt cầu đã được lắp. Máy húc tiến đến, tì đè lên thân dầm. Máy nổ giòn, lưỡi húc từ từ đẩy 3 đốt cầu di chuyển đều trên con lăn để sang bờ đối diện. Ở phân đội thi công cầu gỗ, có lúc chiến sĩ dùng búa 7kg nện rất khỏe vào đầu cọc gỗ bùng bục, nhưng trang bị trên người vẫn không xô lệch. Kết thúc buổi sát hạch, trên đường về doanh trại, tôi lặp lại câu hỏi, Thượng tá Nguyễn Xuân Dinh chậm rãi:
- Đây là huấn luyện. Thế nên, càng đưa ra điều kiện khắt khe thì bộ đội càng có ý thức để thực hiện. Đó là cách tốt nhất để bộ đội sẵn sàng tác chiến khi bị địch tấn công trực tiếp, tấn công hỏa lực, thả chất độc hóa học từ xa hoặc thi công nơi hạn chế ánh sáng, thi công đêm.
- Ngoài các tình huống tác chiến có thể xảy ra khi thực hiện nhiệm vụ GGHB ở Abyei thì cần những điều kiện gì nữa? - Tôi tiếp tục đặt câu hỏi đối với anh Dinh.
- Đối với chúng tôi, nhìn ra được các tình huống khi thi công, cho dù phức tạp nhất để phòng bị, tự bảo vệ mình và để hoàn thành nhiệm vụ mới chỉ là một phần. Nếu muốn nắm kỹ hơn thì cần gặp các chuyên gia.
Nói rồi anh gọi và giới thiệu với tôi một sĩ quan trẻ thế hệ "9X" tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự là Thượng úy Bùi Nguyên Đông. Hiện Đông là cán bộ phụ trách tổ kỹ thuật thi công, một trong những nhiệm vụ xương sống, quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả thi công đường.
Đông phân tích theo kiểu "con nhà quân sự": Trong chiến tranh, bảo đảm đường cơ động rất quan trọng. Nhiều nhà quân sự khái quát, không có con đường ấy thì không có chiến dịch này. Muốn có con đường tốt thì phải có phương pháp thi công hợp lý bằng nhân lực và phương tiện hiện có. Nhìn chung, phải căn cứ vào thực tiễn để có các biện pháp thi công phù hợp sao cho đạt tiến độ nhanh nhất. Thi công đường cấp phối ở đồng bằng có khó khăn riêng như phải bù đất nơi địa chất xung yếu, nền thấp. Nhưng thi công ở rừng núi, đặc biệt là thi công đường qua sườn núi thì lượng đất đào đắp bỏ đi là rất lớn. Kinh nghiệm của Đông khi xây dựng phương án thi công là tận dụng tối đa công suất và khả năng làm việc của xe máy, trang bị để đỡ tốn nhân lực và mồ hôi bộ đội.
Huấn luyện chuyên ngành công binh trong thi công cầu, đường, bến vượt... là việc rất khó. Nó khó cả trong tính toán, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật và tổ chức thi công sao cho nhanh chóng, kịp phục vụ yêu cầu tác chiến nhưng vẫn phải bảo đảm chở người, xe, phương tiện kỹ thuật cơ giới hạng nặng di chuyển qua lại an toàn, tiện lợi, nhanh chóng và êm thuận. Muốn giải bài toán ấy thì việc huấn luyện bộ đội thuần thục, có khả năng tác nghiệp trong mọi điều kiện, nhất là trong vùng có khả năng xảy ra xung đột vũ trang trở thành phương châm, mệnh lệnh số một. Ở đây, việc huấn luyện Đội Công binh tham gia lực lượng GGHB thể hiện rất rõ mục đích đó. Thượng tá Nguyễn Xuân Dinh nói với tôi như kết luận: "Đó là cách tốt nhất để hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất của bộ đội trong tác chiến".
Điều ấy đã cho thấy họ kỹ lưỡng thế nào trước một nhiệm vụ chưa hề có trong lịch sử của binh chủng và Quân đội ta.
Cập nhật thông tin, tăng điều kiện đủ
Đặt ra yêu cầu huấn luyện khắt khe, sát thực tế và luôn gắn với các tình huống tác chiến là đề bài khó, giúp các thành viên trong Đội Công binh GGHB tự tin đến Abyei ở châu Phi xa xôi thực hiện nhiệm vụ nếu được UNISFA chấp thuận. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ nằm ở đâu?
Dù rất vội với các công việc cho ngày hội quân ở Cục GGHB Việt Nam, nhưng trước sự nhiệt thành của chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Quang Tuyển, Chính trị viên của Đội Công binh GGHB vẫn dành thời gian để kể về một trong những công việc mà các anh đã làm. Theo đó, những ngày qua, anh và các cộng sự đã tìm đọc nhiều tài liệu về vùng đất và con người cũng như tình hình ở Abyei. Anh nói, hiện Abyei giống như một “chung cư” thuộc biên giới hai nước Nam Sudan và Sudan, rộng 1.600km2, luôn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn do xung đột vũ trang nhỏ lẻ giữa cộng đồng Dinka Ngok và Missriya. Trong giai đoạn từ tháng 10-2020 đến tháng 4-2021 có 47 vụ va chạm, trong đó có 23 vụ tấn công nhằm vào dân thường, làm 5 người thiệt mạng và 11 người bị thương. Ngoài ra còn có một vụ tấn công vũ trang vào lực lượng tuần tra UNISFA của Liên hợp quốc và một vụ phá thiết bị nhưng không có thương vong về người. Tình huống ấy buộc anh và đồng đội phải thuần thục các phương án bảo vệ mình nếu đến Abyei thực hiện nhiệm vụ.
|
|
Thiếu tướng Lê Xuân Cát, Chính ủy Binh chủng Công binh động viên Đội Công binh Gìn giữ hòa bình tại thao trường. Ảnh: SƠN NGUYỆT |
Cũng theo Nguyễn Quang Tuyển, các anh còn phải tích hợp những thông tin từ địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn và nhiều thông tin khác ở vùng đất này để có thể hoàn thành mọi công việc trong vai trò là một lực lượng của UNISFA. Riêng đối với Thượng úy Bùi Nguyên Đông thì những thông tin này là bắt buộc. Bởi theo Đông, nếu không nắm được địa hình, địa chất, thời tiết, khí hậu... ở Abyei một cách cơ bản thì không thể làm được gì, đặc biệt không thể có các giải pháp thi công hợp lý. Mà đã không hợp lý thì đừng nói đến các tiêu chí về kết cấu, tiến độ, chất lượng và cả thẩm mỹ của công trình.
Đến Abyei, gia nhập UNISFA là niềm vinh dự và tự hào của những người lính công binh, là dịp để họ thể hiện khả năng, trình độ cũng như sự sáng tạo của bộ đội Việt Nam. Thế nên, việc tuyển chọn và huấn luyện được tiến hành rất kỹ lưỡng cũng là dễ hiểu. Theo như tài liệu mà tôi có được, khi đến đây, đội công binh sẽ thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, không chỉ sửa chữa, làm đường xây dựng nhà ở mà còn phải hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương xây dựng các công trình công cộng để tái thiết và ổn định cuộc sống.
Thiếu tá Nguyễn Quang Tuyển trăn trở, trong điều kiện làm nhiệm vụ “lạ nước lạ cái” và gần dân địa phương nên các anh phải chuẩn bị thêm nhiều thứ, ví dụ như tìm hiểu về phong tục, tập quán sinh hoạt và văn hóa của người bản địa... "Điều ấy buộc chúng tôi phải tích cực dành thời gian để hoàn thiện vốn tiếng Anh đang có"-Nguyễn Quang Tuyển trải lòng.
Trò chuyện với họ, xem họ huấn luyện, tôi hiểu, chẳng chiến thắng nào không phải đi qua khó khăn, gian khổ, hy sinh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội công binh đã chinh phục thác trên dòng Nậm Na; bạt núi, làm đường trên đèo Pha Đin, mở đường vào Điện Biên Phủ còn vang đến hôm nay... Tôi tin, yếu tố làm nhiệm vụ quốc tế có khắt khe đến mấy thì với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chắc chắn họ sẽ viết tiếp truyền thống “Mở đường thắng lợi” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng bộ đội công binh.
MẠNH THẮNG