Khi cái lạnh miền sơn cước bắt đầu tràn về, ngấm vào da thịt, cũng là lúc căn nhà mới xây của vợ chồng anh Thào A Sang, dân tộc Mông, bản Hợp 2, xã Dào San (Phong Thổ, Lai Châu) được khánh thành và đưa vào sử dụng. Gia đình anh là một trong 33 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, được Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 356 (Quân khu 2) phối hợp với Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam hỗ trợ xây tặng nhà. Cũng câu chuyện bộ đội hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo xây dựng nhà ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi có hoàn cảnh của chị Phạm Thị Ty, dân tộc Hrê, xã Ba Thành. Chồng chị mất sớm. Mấy chục năm nay, 4 mẹ con chị phải sống chen chúc trong căn nhà vài chục mét vuông đã dột nát. Hai năm nay, sau khi được Bộ tư lệnh Quân khu 5 hỗ trợ kinh phí xây ngôi nhà mới, mẹ con chị Ty không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa to, gió lớn.
|
|
Hoạt động vui xuân, đón Tết của quân và dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). |
Đúng là “ở đâu dân gặp khó, ở đó có bộ đội”, “quân với dân như cá với nước”, “đi dân nhớ, ở dân thương”. Đi đến bất kỳ nơi đâu, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa... chúng ta đều thấm thía tình cảm, sự gắn bó máu thịt quân-dân. Và câu chuyện hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo xây nhà nêu trên chỉ là một trong số hàng nghìn, hàng vạn việc làm thiết thực mà bộ đội đã làm cho nhân dân những năm qua. Bởi còn đó những cán bộ, chiến sĩ trèo đèo, lội suối, luồn rừng, vượt sông để đến những nơi xa xôi, hẻo lánh vùng biên giới, hải đảo, cùng đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng cuộc sống mới. Còn đó những chiến sĩ biên phòng đến từng bản, làng vùng sâu, vùng xa, dạy các em thơ học chữ; những thầy thuốc quân y ân cần khám, chữa bệnh cho dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Họ còn là những người lính hóa học, công binh quả cảm, đến những nơi sập hầm lò, cháy nổ, nhiều khí độc, bom mìn để khắc phục hậu quả, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Quá trình về với đồng bào, đã xuất hiện hàng nghìn điển hình tiên tiến, những tấm gương hy sinh dũng cảm vì cuộc sống bình yên của nhân dân... Đó là tấm gương hy sinh quên mình cứu dân trong lũ dữ của Thượng úy, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Hữu Huyên, Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình; sự hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế); sự hy sinh của 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4)... Ngoài ra, còn hàng chục cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã anh dũng ngã xuống khi đương đầu với các loại tội phạm nguy hiểm khu vực biên giới.
Bộ đội Cụ Hồ-tên gọi bình dị, gần gũi mà cao quý. Phẩm chất đặc biệt đó được xây đắp nên trước hết từ tinh thần chiến đấu dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ và sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, cùng sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Nói đến phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là nói đến những chuẩn mực giá trị về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách của quân nhân cách mạng. Đó là lý tưởng chiến đấu cao đẹp, yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.
Trong bối cảnh hiện nay, trước họa "xâm lăng" của văn hóa ngoại lai, đặc biệt là sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch, nhằm "phi chính trị hóa" quân đội, việc giữ vững, phát huy phẩm chất cao quý, nét đẹp văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, làm cho tấm gương ấy tiếp tục tỏa sáng trong lòng nhân dân, trở thành niềm tin yêu, kiêu hãnh, niềm vinh dự, tự hào, sự ngưỡng mộ của nhân dân và bạn bè quốc tế là trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng ta.
Bài và ảnh: HỒNG SÁNG