Sư đoàn 315 (Quân khu 5) có lịch sử khá đặc biệt, là sư đoàn chủ lực được thành lập ở nước ngoài. Đại tá Trương Đức Chữ, Sư đoàn trưởng đầu tiên của sư đoàn, kể rằng: Đầu tháng 3-1979, ông cùng Chính ủy sư đoàn Trương Trung Thắng được điều động về nhận nhiệm vụ thành lập sư đoàn khi các đơn vị trực thuộc đều đang làm nhiệm vụ ở nước bạn Campuchia. Gần 10 năm làm nhiệm vụ truy quét tập đoàn diệt chủng Pol Pot, giúp nhân dân vùng Đông Bắc Campuchia xây dựng cơ sở chính trị, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã anh dũng hy sinh.

leftcenterrightdel
Hai cha con sư đoàn trưởng (tranh của một cán bộ Sư đoàn 315 vẽ tặng năm 2009). Ảnh do Trung tướng Trương Đức Nghĩa cung cấp 

Một năm sau ngày Sư đoàn 315 thành lập, trong lúc người cha là Sư đoàn trưởng Trương Đức Chữ đang chỉ huy đơn vị ngày đêm lăn lộn “khua sương, đạp rắn, cắn mìn” trên nước bạn thì người con trai của ông-chàng trai Trương Đức Nghĩa-ở quê nhà cũng âm thầm đăng ký nhập ngũ. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha là cán bộ cấp cao đang trực tiếp chỉ huy chiến đấu ngoài chiến trường, Trương Đức Nghĩa được ưu tiên lựa chọn nhiều cơ hội lập thân, lập nghiệp, nhưng anh quyết chí chọn con đường binh nghiệp theo tấm gương của cha. “Thế hệ chúng tôi lớn lên giữa lúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc đang căng thẳng, lựa chọn nhập ngũ cũng là lý tưởng của rất đông thanh niên thời đó”, Trung tướng Trương Đức Nghĩa tâm sự.

Đại tá Trương Đức Chữ là sư đoàn trưởng đầu tiên từ năm 1979, thì 30 năm sau, năm 2008, Sư đoàn 315 có sư đoàn trưởng mới, sư đoàn trưởng thứ 12 trong lịch sử anh hùng của đơn vị-Đại tá Trương Đức Nghĩa. Trung tướng Trương Đức Nghĩa kể: "Ngày đầu tiên nhận chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 315, trong tôi dâng lên một niềm tự hào kỳ lạ, không dễ thốt nên lời, cũng không dễ nói ra. Đó là niềm tự hào được tiếp nối trọng trách chỉ huy sư đoàn mà cha mình là người thủ trưởng đầu tiên".

Trung tướng Trương Đức Nghĩa kể cho tôi nghe tại sao anh lại chọn con đường binh nghiệp. Quê gốc ở Phù Mỹ, Bình Định, nhưng từ năm 1954, cha mẹ anh nhận nhiệm vụ tập kết ra Bắc và sinh anh ngay tại Hà Nội. Cha anh lúc đầu là Phó trưởng phòng B, Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu). Mỗi năm, ông ở chiến trường miền Nam khoảng 2/3 thời gian, khi trở ra Bắc thì lại tất bật với nhiệm vụ trong Tổng hành dinh nên thời gian anh được sống gần cha rất ít ỏi. Từ nhỏ, Trương Đức Nghĩa đã được cha mẹ, đặc biệt là người mẹ giáo dục lòng yêu nước, để nung nấu trong anh mơ ước trở thành sĩ quan quân đội. Năm 1980, Trương Đức Nghĩa giấu cha mẹ đăng ký nhập ngũ. Biết tin, cha anh không trách, nhưng cũng không khen. Từ chiến trường, ông viết thư dặn anh: "Con là con nhà lính, nhập ngũ phải thể hiện tư chất con nhà quân sự, đừng bao giờ kêu khó khăn mà phải có ý thức chuyển hóa khó khăn thành thuận lợi, đi đâu, làm nhiệm vụ gì cũng phải nhớ sức mạnh tập thể là quyết định, làm gì cũng phải hòa đồng với tập thể...".

Nhớ lời cha dặn, chàng trai trẻ Trương Đức Nghĩa đã có những năm tháng học tập, rèn luyện hết mình với trách nhiệm của người chiến sĩ. Khi anh báo tin vui cho cha mẹ về việc được đơn vị lựa chọn cử đi đào tạo sĩ quan, cha anh viết thư dặn dò. Nhiều lá thư, ông viết như truyền đạt kinh nghiệm: "Làm sĩ quan chỉ huy thì đừng để cảm xúc chi phối khi thi hành nhiệm vụ, cầm quân dù ở cấp nào cũng phải có ý chí cao, quyết tâm lớn, bất chấp khó khăn, nhưng không lạc quan tếu. Đối với cấp trên, luôn phải là người tin cậy, luôn nhận phần thiệt thòi về mình, không so đo, tính toán". "Đối với cấp dưới, phải nghiêm minh, mô phạm, không để cấp dưới sợ, nhưng cũng không nên có khoảng cách. Đừng phàn nàn khi cấp dưới yếu mà phải xem lại mình đã chăm lo bồi dưỡng cấp dưới, động viên sự nỗ lực của cấp dưới hay chưa?". "Người chỉ huy phải thông thạo địa hình, hiểu quy luật của chiến tranh"... Những lời căn dặn tràn đầy tình yêu thương của người cha-một người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm chiến trường-trở thành "cẩm nang" trong suốt cuộc đời quân ngũ của Trung tướng Trương Đức Nghĩa. Anh luôn tự hào là người trưởng thành từ một người lính, trải qua lần lượt các cương vị chỉ huy. Khi làm Tiểu đoàn trưởng thì trải qua nhiều loại hình tiểu đoàn như Tiểu đoàn trưởng huấn luyện chiến sĩ mới, tiểu đoàn phòng thủ đảo; rồi làm Trung đoàn trưởng... Ở cương vị Sư đoàn trưởng, anh từng làm Sư đoàn trưởng ở cả hai sư đoàn chủ lực của Quân khu 5 là Sư đoàn 2 và Sư đoàn 315, rồi Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Định và nhiều trọng trách khác cao hơn. Giờ đây, ở cương vị Phó giám đốc Học viện Quốc phòng, anh thường chia sẻ với học viên những quan niệm về người chỉ huy trong thời bình. Theo anh, hạnh phúc của người lính là cống hiến chứ không phải hưởng thụ và dù trong thời nào thì người chỉ huy vẫn phải giữ tinh thần "Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào"...

HỒNG VÂN