Bài 1: Gỡ cơ chế để được “tiêu tiền”

Việc được “tiêu tiền” nghiên cứu KH&CN ở Việt Nam còn gặp khá nhiều rào cản. Thiếu tướng Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về vấn đề này.

Những rào cản do cơ chế

Phóng viên (PV)Hạ tầng viễn thông, nền tảng công nghệ số đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng hạ tầng kinh tế, xã hội số. Theo đồng chí, cần có cơ chế khuyến khích như thế nào để các doanh nghiệp thúc đẩy tự chủ nghiên cứu, sản xuất ra các thiết bị, hệ sinh thái hạ tầng mạng viễn thông và hạ tầng số thực hiện chiến lược "Make in Vietnam”?

Thiếu tướng Hoàng Sơn: Trong bối cảnh sự cọ xát và cạnh tranh chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt, tác động sâu rộng đến an ninh, chính trị thế giới, vấn đề làm chủ công nghệ đối với các DN Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh và nhanh hơn. Nhìn ra các quốc gia xung quanh có thể thấy, để đạt được mục tiêu tự chủ về công nghệ, các nước đã hướng tới những mục tiêu kinh tế lâu dài với những bước đi hết sức bài bản, tập trung dành ưu tiên cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

leftcenterrightdel
Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại Công ty Thông tin M1-Tập đoàn Viettel. Ảnh do Tập đoàn Viettel cung cấp. 

Liên quan đến các chính sách thúc đẩy tự chủ nghiên cứu, sản xuất, tại Diễn đàn Quốc gia phát triển DN công nghệ số mới đây, Viettel đã đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh quy định sử dụng Quỹ phát triển KH&CN theo hướng tăng tính chủ động cho DN. Việc mở cơ chế cho các DN trong lĩnh vực này thúc đẩy đầu tư nhiều hơn và sẽ có thêm nhiều kết quả nghiên cứu khoa học chất lượng. Viettel cũng kiến nghị cần xác định đối tác chiến lược về KH&CN cấp quốc gia, định hướng hợp tác về KH&CN cho các DN. Ngoài ra, các chính sách tạo dựng thị trường nội địa cho những sản phẩm công nghệ Make in Vietnam cũng là một vấn đề cần được quan tâm.

PV: Theo đồng chí, những vướng mắc do cơ chế gây khó khăn cho DN “tiêu tiền” nghiên cứu khoa học là gì?

Thiếu tướng Hoàng Sơn: Để nghiên cứu KH&CN thành công cần nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố quan trọng là ngân sách cho nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam, ngân sách cho việc nghiên cứu khoa học chưa bảo đảm nếu không muốn nói là rất hạn chế. Viettel có một cơ chế khá đặc biệt cho phát triển KH&CN. Đó là Viettel được trích 10% lợi nhuận trước thuế hằng năm của tập đoàn cho nghiên cứu khoa học. Lợi nhuận hằng năm của Viettel vào khoảng 40.000 tỷ đồng, nguồn cho nghiên cứu khoa học cao nhất 10%, tương đương 4.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên thực tế, Viettel mới chỉ có thể chi khoảng 700 tỷ đồng, tương đương 17,5% trong đó cho nghiên cứu.

leftcenterrightdel
 Trung tâm Vận hành khai thác toàn cầu-Tổng công ty VTNet-Tập đoàn Viettel.

Thực tiễn cho thấy, có tiền để nghiên cứu khoa học đã khó, nhưng khó khăn hơn là vẫn còn những rào cản về cơ chế cần giải quyết.

Ở đây xuất hiện một số vấn đề:

 Thứ nhất, quy định Quỹ phát triển KH&CN khá chặt chẽ. Đầu tiên, việc muốn nghiên cứu được phải làm thành các đề tài, đưa qua rất nhiều hội đồng phê duyệt. Chúng ta cần những cơ chế kiểm soát mềm dẻo, linh hoạt hơn.

leftcenterrightdel
 Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại Công ty Thông tin M1-Tập đoàn Viettel.

Thứ hai, tất cả vẫn phải qua thủ tục đấu thầu, thậm chí là đấu thầu những hạng mục "siêu nhỏ", chỉ vài chục triệu đồng. Điều này tạo ra một số bất cập như: Không ổn định được chuỗi cung ứng, từ đó không bảo đảm chất lượng ổn định của các linh kiện sản xuất những thiết bị trong nghiên cứu khoa học (do các nhà thầu có thể thay đổi, chất lượng linh kiện cung cấp của các nhà thầu có sự chênh lệch, khác biệt). Do yêu cầu đấu thầu nên tất cả thông tin bí mật KH&CN, đặc biệt là các nghiên cứu về khoa học quân sự của Viettel không được bảo đảm vì đấu thầu phải cung cấp hết thông tin cho nhà thầu.

leftcenterrightdel
 Trung tâm vận hành khai thác toàn cầu-TCT VNNet- Tập đoàn Viettel.

Thứ ba, việc quyết toán rất khó khăn do các quy định rất "cứng", thậm chí đến mức không khả thi. Ví dụ, tất cả linh kiện vật tư liên quan đến quá trình nghiên cứu phải được gom lại để chứng minh đã mua, đã sử dụng. Nghiên cứu là quá trình rất dài. Riêng linh kiện đầu vào có thể lên tới con số hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu nên việc lưu trữ khó khả thi. Chưa kể, khác với trước đây, linh kiện cỡ bằng đầu ngón tay còn có thể cất giữ, hiện tại, nhiều linh kiện chỉ bé bằng sợi tóc, nếu hỏng phải loại bỏ đi, không thể lưu trữ lại để quyết toán.

Thứ tư, nghiên cứu KH&CN có thể thất bại, tỷ lệ thất bại có thể cao hơn thành công, nhưng quy định liên quan hiện nay chưa có. Bởi vậy, đồng nghĩa đã đầu tư bằng ngân sách thì phải thành công, phải đạt mục tiêu, phải có sản phẩm. Điều này cũng dễ dẫn đến tình trạng tâm lý đối phó hoặc hợp thức hóa hồ sơ đã làm... để nghiệm thu.

leftcenterrightdel
 Triển khai lắp đặt thử nghiệm mạng 5G- Tập đoàn Viettel.

Thứ năm, hành lang pháp lý rõ ràng hiện chưa có. Chúng ta có một số quy định tản mát về quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng chưa có các thông tư hướng dẫn chi tiết về quy trình thủ tục lập quỹ và cơ chế vận hành như thế nào... Đó là những bất cập cần sớm được điều chỉnh.

Chúng tôi cho rằng, nếu các vấn đề này được xử lý sẽ giúp công tác nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn. Theo góc nhìn của Viettel, trước mắt có thể áp dụng cơ chế khoán. Ví dụ có ý tưởng, có đề tài, chứng minh với công trình này, cần từng này kinh phí... thì có thể khoán cho người triển khai chịu trách nhiệm trong khoản kinh phí đó, chấp nhận cả việc đầu tư như một hình thức đầu tư mạo hiểm.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Hoàng Sơn 

Đầu tư nghiên cứu có cái thành công, có cái không thành công. Nhưng một nghiên cứu thành công có thể đem lại lợi ích vượt 1.000 cái không thành công. Làm nghiên cứu khoa học bắt buộc phải như vậy. Đây là cách nhiều nước cũng áp dụng. Cơ chế giám sát là cần thiết nhưng chúng tôi cho rằng nên giám sát theo quan điểm, mục tiêu, theo kết quả cuối cùng là gì. Như vậy sẽ hợp lý hơn việc giám sát từng giai đoạn nhỏ, chi tiết trong quá trình làm.

Chính sách đầu tư đối tác công-tư

 PV: Thưa đồng chí, trong xu thế phát triển công nghệ số mạnh mẽ, Chính phủ cần điều chỉnh việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN theo hướng tăng tính chủ động cho DN như thế nào?

Thiếu tướng Hoàng Sơn: Trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách hạn chế, các quy định về sử dụng Quỹ phát triển KH&CN còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh thì chính sách đầu tư đối tác công-tư (PPP) để đầu tư nghiên cứu KH&CN có thể là một trong những giải pháp thiết thực.

Chính sách PPP sẽ khuyến khích DN tham gia nhiều hơn vào các hoạt động KH&CN. Khuyến khích mô hình “Nhà nước sở hữu, tư nhân vận hành”, chuyển từ mô hình sử dụng ngân sách sang đồng tài trợ, tiến đến tự chủ tài chính, Nhà nước đặt hàng. Thúc đẩy phối hợp các nguồn lực nhà nước và xã hội trong phát triển KH&CN.

leftcenterrightdel
 Triển khai lắp đặt thử nghiệm mạng 5G- Tập đoàn Viettel.
Chính sách PPP trong KH&CN có thể giúp đưa ra các chính sách, giải pháp phản ứng nhanh hơn với các thách thức ở quy mô quốc gia cũng như các vấn đề mang tính chất toàn cầu (ví như đại dịch Covid-19). Trong sản xuất, kinh doanh, chính sách PPP có thể giúp giải quyết các vấn đề, phát triển thị trường mới hoặc tạo ra giá trị thông qua hợp tác và đồng sản xuất.

Đây cũng là một công cụ hiệu quả trong các hoạt động nghiên cứu và đổi mới cũng như thúc đẩy đầu tư tư nhân trong KH&CN nhờ vào các phương thức rất đa dạng như các chương trình hợp tác nghiên cứu, công nghệ, trung tâm nghiên cứu; các chương trình đổi mới, mở rộng công nghệ và thương mại hóa...

PV: Như vậy, theo đồng chí, cần những điều chỉnh như thế nào về hành lang pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, cơ chế chính sách?

Thiếu tướng Hoàng Sơn: Để tiếp tục thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cải cách thủ tục hành chính là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ngoài ra, cần có những chính sách tạo cơ chế hình thành mới và phát triển các kênh nhập khẩu, chuyển giao công nghệ linh hoạt, gia tăng tỷ trọng công nghệ trong cơ cấu công nghệ, thiết bị nhập khẩu, nhất là các thúc đẩy kênh nhập khẩu công nghệ từ các nước phát triển. 

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các mô hình liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học, DN và Nhà nước trong hỗ trợ hoạt động thương mại hóa và chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN để khai thác triệt để và có hiệu quả các nguồn cung công nghệ trong nước. Các tập đoàn sản xuất, các DN lớn nên được giao vai trò dẫn dắt và định hướng trong lựa chọn, tìm kiếm và đầu tư công nghệ phục vụ đổi mới sáng tạo theo chuỗi giá trị sản phẩm và hàng hóa. Theo cách nhìn của Viettel, trong kỷ nguyên số, sức mạnh lớn nhất đến từ sự cộng hưởng. Ở đây, cộng hưởng nghĩa là tìm một giá trị của mỗi bên và tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho những giá trị đó, tạo giá trị mới lớn hơn cho cộng đồng. Bởi vậy, triết lý thương hiệu của Viettel cho giai đoạn phát triển tiếp theo là “Cộng hưởng tạo nên giá trị khác biệt”.

leftcenterrightdel
 Triển khai lắp đặt thử nghiệm mạng 5G- Tập đoàn Viettel.

Các tập đoàn sản xuất, DN lớn nên được giao vai trò dẫn dắt và định hướng, trở thành đối tác chiến lược trong lựa chọn, tìm kiếm và đầu tư công nghệ phục vụ đổi mới sáng tạo theo chuỗi giá trị sản phẩm và hàng hóa. Ví dụ, Viettel xác định vai trò tiên phong, chủ lực trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Điều đó có nghĩa là Viettel sẽ không làm hết "từ A đến Z" mà đóng vai trò người mở đường, dẫn dắt, xây dựng những nền tảng lớn, làm cơ sở cho sự phát triển, chuyển đổi số của cộng đồng, xã hội.

Xuyên suốt quá trình phát triển, Viettel luôn tiếp cận với công nghệ cao, công nghệ mới, tích lũy kiến thức nền tảng công nghệ và tạo dựng nguồn nhân lực trình độ cao, giàu kinh nghiệm. Viettel đã nộp tổng cộng 379 đơn đăng ký sáng chế trong nước và 48 đơn đăng ký sáng chế quốc tế, 51 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam và 9 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ.

Những ưu thế về hạ tầng, công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao này là những cơ sở quan trọng để Viettel có thể đảm nhận vai trò đối tác chiến lược về KH&CN cấp quốc gia, định hướng hợp tác về KH&CN cho các DN và các địa phương trên toàn quốc...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(Còn nữa)

HẢI LÝ - PHẠM TUẤN