Bắt đầu từ một nhiệm vụ được giao là đi theo, tìm hiểu, viết bài và làm phim về những người lính Trung đoàn 209 Mũ sắt Hà Nội, chúng tôi đã bị thuyết phục bởi tấm lòng đau đáu hướng về những đồng đội còn nằm lại trên dãy Chư Tan Kra của những thương binh, CCB. Rồi có gì đó như mời gọi, thúc giục để lại tham gia cùng các ông trong những chuyến đi sau.

Chuyến đi vừa rồi là chuyến đi tìm đồng đội thứ 34 của các CCB trong 15 năm qua. Đây cũng là lần thứ 7 chúng tôi tham gia hành trình nghĩa tình ấy.

leftcenterrightdel
Mỗi chuyến đi, đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ sẽ ăn, ngủ hàng chục ngày ở sâu trong rừng. Ảnh: PHƯƠNG HOA 

Đường lên Chư Tan Kra năm nay xói lở nhiều hơn, hai chiếc xe quân sự cố gắng lắm cũng chỉ bò lên lưng chừng núi. Vác trên vai, đeo trên lưng, xách hai bên tay lỉnh kỉnh những đồ đoàn, người già cũng như trẻ lại dắt díu nhau vượt qua những con dốc. Kế hoạch lần này là trong 10 ngày sẽ tổ chức tìm kiếm tại chân cao điểm M2 và các điểm lân cận, cố gắng tìm ra dấu vết của ngôi mộ tập thể 42 liệt sĩ. Nếu điều kiện còn cho phép thì ngược lên đỉnh Chư Tan Kra tìm kiếm liệt sĩ trong các hầm hào dã chiến...

Sau gần hai giờ đi bộ, đoàn tìm kiếm đã tập kết, hạ trại tại địa điểm cách đây hai năm đoàn từng ở, sâu trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Ngay đêm ấy, trận mưa đầu mùa kéo đến, đủ làm ướt những tấm tăng mắc vội. CCB Nguyễn Xuân Ánh, vốn là một trinh sát kỳ cựu, đội mưa cắt khúc một cây tre đã hạ sẵn từ chiều, làm thành một chiếc sạp dưới gầm võng để chứa củi và những đồ đạc mang theo. CCB Hồ Đại Đồng tuy tăng võng cũng bị ướt nhưng tỏ ra đầy hy vọng: “Anh em chào mừng đoàn về với rừng đấy. Mong các liệt sĩ chỉ lối cho chuyến đi này thành công”...

Mỗi chuyến đi tìm đồng đội như vậy, ngắn cũng mươi ngày, dài thì cả tháng ăn ngủ trong rừng, quả thực là một thử thách cực lớn không chỉ với sức khỏe của các CCB mà còn là sự lo lắng của chúng tôi. Ở Hà Nội thì con cháu chăm sóc, vào đến đây, những người cựu binh ngoài 70 ấy vẫn cố gắng làm hết mọi việc có thể, từ tự tay lo chỗ ăn nghỉ của mình, thậm chí còn giúp cánh trẻ ít kinh nghiệm trong đoàn, cho đến việc tìm vào những nơi xa xôi hiểm trở nhất mà đồng đội đang nằm. Sức khỏe của các CCB, chuyến sau lại xuống nhanh hơn chuyến trước. Luồn rừng, leo dốc hơn trăm mét là phải dừng lại, nhịp thở dốc giấu vội trong bộ quân phục bạc màu: “Mình là lính chiến, ăn ngủ trong rừng bao năm... ngày hành quân, truy kích địch hai chục cây số đường rừng... ấy chứ, thế này ăn nhằm gì... Hừ, nhưng giờ cũng... mệt thật đấy, cho tớ thở một chút, tớ lại theo kịp các cậu thôi...”. Cả “lính ông”, “lính bố”, “lính con” đều cười, nhưng ánh mắt lớp lính trẻ chúng tôi cứ rưng rưng.

Trong số chúng tôi, có những người đã theo các CCB nhiều năm, hiểu rõ tính cách và cả sức khỏe của các ông. Chuyến đi nào cũng có người tuyên bố đây là chuyến cuối, rồi chuyến sau lại thấy có mặt. Có người đi viện như cơm bữa, vừa xuất huyết não, cấp cứu nằm viện cả tháng nhưng chẳng mấy chuyến bỏ cuộc. Thấy mình không đủ sức leo núi vẫn cố gắng vào đến Sa Thầy dâng hương đồng đội rồi bay ra Hà Nội, nhưng được mấy ngày, ông lại tức tốc bay vào, vừa thở dốc vừa trả lời gọn lỏn câu hỏi của mấy ông bạn già: "Tao sợ chúng mày ít người, buồn, nên tao lại vào"... Qua mỗi chuyến đi, những CCB mà chúng tôi vẫn thân thương gọi bằng bố xưng con lại truyền lửa cho các thế hệ nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Theo chân các ông, chúng tôi bỗng dưng có thêm những người bạn, đồng đội, lại lời cả kho chuyện và cả túi kiến thức bổ ích.

CCB Nguyễn Xuân Ánh với bao năm kinh nghiệm của người lính trinh sát ở chiến trường, chỉ dựa vào địa hình có thể hình dung ra sơ đồ bố trí hầm hào. Ông cũng truyền kinh nghiệm đến lớp trẻ chúng tôi trong việc tìm những vị trí có khả năng cao sẽ chôn cất liệt sĩ trong điều kiện vẫn phải tiếp tục chiến đấu: Đồng đội sẽ chọn những vị trí có địa hình và những dấu mốc khó thay đổi sau hàng chục năm như bên bồi của dòng suối, bên cạnh những mỏm núi dễ nhận biết... để an táng liệt sĩ nhằm sau này khi có điều kiện quay lại tìm sẽ dễ dàng trong công tác quy tập... Ở rừng vài ngày là chúng tôi đã quen với việc nhận ra lối người trước vừa bước qua dựa vào sự khác lạ của thảm thực vật, cành cây bẻ ngược hay vết dao phát trên thân cây để đánh dấu. Thật sự vẫn nể phục con mắt tinh tường của người lính trinh sát.

leftcenterrightdel
Mỗi chuyến đi, đoàntìm kiếm hài cốt liệt sĩ sẽ ăn, ngủ hàng chục ngày ở sâu trong rừng. Ảnh: PHƯƠNG HOA

Từ chuyến đầu đầy bỡ ngỡ chưa rõ phải chuẩn bị gì, đi thế nào và phối hợp với nhau ra sao, đến giờ, chúng tôi trở lại rừng như trở về với những mảnh vườn ở quê mình vẫn hay chơi từ khi bé, đã tinh hơn để nhận ra dấu vết trên đường đi. Đi hàng chục ngày, ăn ở trong rừng, đã biết mình cần mang theo gì, những gì phải mang vào từ Hà Nội, những gì có thể bổ sung khi đã đến Sa Thầy. Đến nơi tập kết vẫn biết phải quên mệt mỏi để mắc võng, nhìn trời mà tính có nên làm ngay cọc phụ. Ngày thì nóng đấy, nhưng đêm rồi lại lạnh run người, bó củi khô nạc không quên để dành ngay nơi khô ráo. Đêm đầu ngủ lại trong rừng, giấc ngủ cũng kéo đến tự nhiên. Nhanh thế, chẳng còn trằn trọc giữa mênh mông của rừng, với những tiếng kêu đêm của chim thú...

Theo chân các CCB, chúng tôi biết những con người thật lạ, tuổi tác khiến việc đi tắm cũng ghi rõ ra phải mang và sắp xếp những gì để khỏi quên. Ấy vậy mà chỉ từ một dấu vết của con đường mòn trong rừng, một vật đánh dấu chưa đủ thay đổi qua thời gian lại khiến họ nhớ lại tất cả: Gốc cây này họ thấy đồng đội mình hy sinh thế nào, bãi phẳng trên đỉnh đồi địch bố phòng ra sao... Chiến tranh tưởng ngủ yên qua nửa thế kỷ, bỗng hiện về rõ rệt như mới ngày hôm qua.

Lại nói về chiến tranh. Lớp trẻ như chúng tôi chỉ biết đến chiến tranh qua những bài học lịch sử, những hình ảnh, thước phim vẫn nằm hàng dãy dài trong kho phim tư liệu của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Đến Chư Tan Kra, Chư Mom Ray, chiến tranh vẫn còn qua những chiến hào, hầm cá nhân ẩn dưới thảm mục của rừng. Vẫn còn những đoạn dây thép gai nằm lẫn giữa những đám cỏ Mỹ, cỏ tranh sắc nhọn. Chiến tranh còn hiện hình qua những quả đạn cối còn nguyên liều phóng, qua những trái M79 dưới gốc cây, qua chiếc mũ sắt bị xé rách bởi đạn pháo phía trước mặt và hiển hiện rõ hình ảnh người lính mũ sắt đang trong tư thế tiến công... Chiến tranh vẫn hiện về qua những lời kể bên bếp lửa trong đêm giữa rừng, về một đêm không trăng, không sao như ngày hôm nay... những người lính âm thầm tiến vào trận địa. Lớp trước ngã xuống, lớp sau lại lao lên, ánh đạn sáng rực cả cánh rừng.

Theo chân những người đi tìm liệt sĩ là được đến tận nơi những địa danh mà mình đã đọc trong sách sử, đến tận nơi thế hệ cha anh mình nằm lại. Những hầm hào trong chiến tranh, nửa thế kỷ mưa gió vẫn để lại dấu vết. Những di vật rời rạc, tưởng nằm sâu trong lòng đất đưa lên, được những CCB chắp nối, "bắt" chúng kể lại hoàn cảnh, số phận của những người lính, ở cả hai bên chiến tuyến....

Những thước phim được ghi lại, những tác phẩm đã hoàn thiện, với chúng tôi đó không còn là việc hoàn thành nhiệm vụ được giao nữa mà còn là tình cảm tri ân tới các CCB, những liệt sĩ đã ngã xuống. Nhưng kể cả những thước phim chi tiết nhất cũng chẳng thể kể hết hy sinh, nghĩa tình đồng đội của những người lính. Còn có những giọt mồ hôi hằng ngày nhỏ bên những lối mòn, bên những hố khai quật tìm liệt sĩ. Có những giọt nước mắt nhớ thương, những giọt nước mắt mừng tủi khi đồng đội hiện ra sau lớp đất đỏ Tây Nguyên... Còn có bao điều mà chúng tôi sẽ chẳng thể nào ghi lại được.

Ghi chép của đạo diễn VŨ MINH PHƯƠNG