Trước trường ca “Chư Tan Kra mây trắng”, tôi đã có những truyện ngắn, bài thơ, tập thơ về đề tài người lính, gần nhất là trường ca “Ngang qua bình minh” (Nhà xuất bản Văn học, 2020) xây dựng hình ảnh người chiến sĩ hải quân trên các chuyến tàu làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” mang âm hưởng của núi rừng và miền mây trắng được khởi viết trong nguồn cảm hứng, cảm xúc về những người lính Trung đoàn Mũ sắt-tên gọi quen thuộc của Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, nhập ngũ đợt tháng 3-1967, đánh trận đầu tiên trong đời ở dãy núi Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày 26-3-1968.

Trong trận giao tranh ác liệt với quân đội Mỹ, gần 200 người lính Hà Nội thuộc Trung đoàn Mũ sắt đã anh dũng hy sinh tại điểm cao 995. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người lính may mắn được trở về đã bước sang tuổi bảy mươi, vẫn trăn trở về đồng đội còn nằm lại chiến trường. Từ năm 2009 đến nay, các cựu chiến binh (CCB) đã mang theo nhiều tư liệu, quân trang, lương thực... đi tìm hài cốt đồng đội. Hành trình và đóng góp thầm lặng của các CCB được Đảng, Nhà nước và quân đội ghi nhận, đặc biệt trong việc tìm thấy các ngôi mộ tập thể. Ngoài các CCB, còn có sự đồng hành của nhiều thân nhân liệt sĩ, phóng viên, biên tập viên, tình nguyện viên trẻ tuổi và cả những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam...

Cha tìm con, con tìm cha
Trong quá trình sáng tác, tiếp xúc với các CCB, tôi nhận thấy rằng, dù mỗi người một số phận, hoàn cảnh, thậm chí có nhiều người là thương binh, đang gặp khó khăn về sức khỏe, tuổi tác, cuộc sống... nhưng họ luôn giữ khí chất, tinh thần dũng cảm, hào hoa, sống và hành động vì nghĩa lớn. Chương I-“Giấc mơ vụn” tái hiện những giấc mơ chập chờn, trở đi trở lại của một nữ biên tập viên chuyên thực hiện các chương trình tìm kiếm liệt sĩ. Nguyên mẫu nhân vật này chính là các nữ phóng viên, biên tập viên Chương trình "Đi tìm đồng đội" rất nhân văn, ấm áp nghĩa tình của kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam mà tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc, tương tác trong công việc và trở thành bạn bè. Họ đều là những người trẻ trung, đầy nhiệt huyết, không quản gian khó và giàu lòng trắc ẩn.

Chương II-“Đỉnh gió”, có dung lượng dài và “nặng” nhất tác phẩm, tôi xây dựng hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của các CCB Trung đoàn 209 với nhiều cung bậc cảm xúc, chất liệu thực tế. Đoàn CCB đi tìm đồng đội chủ yếu vào mùa khô, nhưng cũng có những chuyến tìm kiếm đặc biệt vào mùa mưa, điều kiện thời tiết, đi lại và tìm kiếm vô cùng khó khăn. Đối diện nhiều thử thách nhưng ý chí, tinh thần người lính luôn vững vàng, truyền lửa cho lớp trẻ và động viên, đồng cảm với gia đình thân nhân liệt sĩ. “Đỉnh gió” có nhiều chi tiết xúc động mà khi nhắc nhớ, các CCB vẫn rơi nước mắt, như: Do thời gian, điều kiện khí hậu, nhiều hài cốt liệt sĩ đã hoàn thổ, tan vào đất, chỉ còn những kỷ vật; câu chuyện cha tìm con, con tìm cha, em tìm anh, cháu tìm ông, tìm chú...; tình cảm của những người lính già với thế hệ trẻ...

Khai thác góc nhìn của những người lính Mỹ bên kia chiến tuyến trở lại chiến trường xưa, cùng các CCB Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ, Chương III-“Bên kia đại dương” tập trung diễn tả nỗi ám ảnh chiến tranh, dằn vặt khôn nguôi khiến cựu binh Mỹ quyết định trở lại Chư Tan Kra cùng nhiều tư liệu về trận đánh năm xưa. Chương IV-“Mẹ vẫn đợi con về” xoay quanh câu chuyện về tình mẫu tử với những người mẹ ngậm ngùi tiễn con ra trận, hy vọng đứa con mười tám, đôi mươi sẽ sớm trở về. Sau chiến tranh, bao người con không về, hài cốt cũng nằm lại chiến trường xưa.

Một số chi tiết ngang trái, ít được khai thác trong văn chương, tôi quyết định đề cập, như: Hiện tượng nhận nhầm phần mộ liệt sĩ, những sai lầm, tình huống éo le khi áp dụng phương pháp ngoại cảm... Chương V-“Gửi hòa bình” lại mang nội dung, màu sắc, thanh âm đậm chất Tây Nguyên với những buôn làng thời kỳ mới, với hình ảnh người mẹ dân tộc thiểu số tóc bạc trắng vẫn chống gậy đi tìm những “đứa con” người Hà Nội; những em bé Tây Nguyên “vượt lũ đến trường/băng suối về buôn”; nạn phá rừng, sự thực dụng, mưu toan hủy diệt màu xanh đại ngàn cũng được đề cập trong chương này.

leftcenterrightdel

Trường ca "Chư Tan Kra mây trắng" của Lữ Mai.  Ảnh: TRÚC LINH

Cả cuộc đời chưa được gọi "Mẹ ơi"

Nếu để nói về một chương tôi nghĩ ngợi và rơi nước mắt nhiều nhất, thì đó là chương cuối của trường ca: MẸ. Ở chương này, tôi không đánh số đoạn như các chương khác; chữ MẸ viết hoa với ý nghĩa vừa là người mẹ cụ thể, gần gũi, yêu thương, vừa là mẹ Tổ quốc linh thiêng, che chở. Tôi chọn ngôi kể là lời người con thưa với mẹ về tình cảm lắng sâu của mình với mẹ, đồng đội, quê hương, Tổ quốc... Niềm yêu thương tận cùng trong cuộc đời người lính, đi đến tận cùng là gặp mẹ. Khi trúng đạn, khi bị thương, khi đau đớn, khi trút hơi thở cuối cùng, họ đều thốt lên hai tiếng “Mẹ ơi!”-tiếng gọi đầu tiên cũng là tiếng gọi cuối cùng, ngọn nguồn của sự hy sinh và sức mạnh.

Khi viết chương này, tôi luôn nhớ tới CCB Hồ Đại Đồng-một trong những nguyên mẫu tác phẩm. Từ khi mới 2 tuổi, ông đã mồ côi mẹ, sống đói khổ, vật vờ ở quê hương miền Trung nắng gió trước khi được bố đón ra Hà Nội. Cả cuộc đời, ông chưa bao giờ được gọi “Mẹ ơi!” trước mặt mẹ mình, cũng chưa bao giờ nghe mẹ gọi. Thế nên, ở chiến trường, Hồ Đại Đồng chỉ có một điều ước, là khi ngã xuống bởi đạn bom, đồng đội mình được gọi mẹ và được nghe mẹ gọi, mẹ ru. Ông quá thấu cảm cảnh chia lìa giữa mẹ và con từ số phận của mình. “Mẹ ơi!” cũng là hai chữ cuối cùng tôi chọn để khép lại trường ca.

Kỷ niệm khi viết tác phẩm thì rất nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là mỗi khi đón nhận bất cứ điều gì từ cuộc đời này, các CCB đều nghĩ về đồng đội. Ngày tôi tham gia một chương trình của kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, được các biên tập viên tặng món quà là cây mù u gieo từ hạt mù u mang ở Trường Sa về, tôi mang tặng các CCB. Họ vui lắm, mắt rưng rưng, nhưng ngay sau đó đã bàn nhau sẽ mang vào Chư Tan Kra trồng cho đồng đội biết hoa mù u của đảo xa đẹp đến nhường nào. Nghe tôi kể câu chuyện này, nhiều cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa-nguyên mẫu trong những tác phẩm trước đó của tôi-đã gửi thêm rất nhiều loài cây đang bám rễ nơi biển, đảo: Bàng quả vuông, bão táp, phong ba, tra... để các CCB mang lên rừng Tây Nguyên. Người được giao nhiệm vụ chăm sóc cây cối trước hành trình về miền đất đỏ là anh Trường Đức Bình, một thành viên đã nhiều năm gắn bó, trực tiếp tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Anh là nguyên mẫu của đoạn thơ vang lên với bao câu hỏi: Các chú có gặp nhau không?/ có trò chuyện nhiều không?/ có nhớ đường về nhà mình?...

Trương Đức Bình có hai người chú là liệt sĩ Trương Đức Chính (sinh năm 1948) và Trương Văn Khánh (sinh năm 1950), cả hai người chú của Bình hy sinh trên đỉnh gió Chư Tan Kra. Một người chú khác của anh cũng chiến đấu tại đây, trở về là thương binh. Trương Văn Khánh nhập ngũ năm 17 tuổi và hy sinh năm 18 tuổi. Câu cuối trong một bức thư người chú Trương Văn Khánh gửi về có câu: “Hẹn ngày trở về khi Tổ quốc đã thống nhất” luôn khiến Bình và người thân trong gia đình rơi nước mắt. Người được nhận bức thư của liệt sĩ Khánh từng nói với bố Bình trước lúc Trương Văn Khánh nhập ngũ: “Khánh đi là sẽ khó trở về. Hãy suy nghĩ thật kỹ... vì hai anh ruột Khánh đang trong quân ngũ rồi...”. Những năm qua, người cháu ấy đã cùng các CCB tìm hài cốt liệt sĩ. Dù vẫn chưa tìm được hai chú của mình, nhưng trong hành trình đầy yêu thương và trắc ẩn, anh dần nhận ra rằng, tất cả các liệt sĩ đều như ruột thịt. Anh đã hạnh phúc, nước mắt giàn giụa khi chứng kiến nhiều gia đình tìm được hài cốt người thân.

Để chia sẻ một cách thành thật và khách quan nhất, tôi cho rằng bản thân dù có viết thế nào và viết bao nhiêu cũng không đủ để diễn tả về cuộc chiến tranh ác liệt; về bao nỗi hy sinh, mất mát và gian lao của người lính, của hậu phương... Trong gia đình tôi, cũng đã có những ngôi mộ bị thất lạc vì chiến tranh; đã có người cô bé nhỏ mong manh mặc tấm áo hoa mới đến trường, bom vùi ngay trong ngày khai giảng... Cảm giác đầy yêu thương cũng như mắc nợ luôn hiện hữu và nhắc nhớ tôi cần phải cầm bút và sáng tác. Gia đình, quê hương, Tổ quốc... trong ký ức hay hiện tại, tương lai... đều cần được cảm nhận theo chiều sâu, chiều dài lịch sử với những sự hy sinh không diễn đạt được thành lời.

LỮ MAI