Những tiếng loảng xoảng vỡ trong tâm trí, đôi mắt Nhan nhìn xa xăm. Căn nhà sàn bỗng nhiên trở nên rộng thênh thang. Nhan nhắm mắt lại. Tiếng cồng chiêng vang lên văng vẳng trong âm vang của núi rừng. Già Kol thực hiện nghi thức cúng trời đất, thần núi, thần rừng, thần nước, thần ruộng và cuối cùng là cúng nhà rông. Với lễ vật là một ghè rượu, một con gà, ba nắm cơm, hai chiếc còng bằng đồng, ba ống tre để đón rượu, già gọi nữ thần mặt trời, gọi mẹ đất về chứng giám cho đôi nam nữ và hai dòng họ. Tiếng già loãng trong gió: “Cầu cho cô dâu, chú rể có nhiều sức khỏe và sinh sống với nhau hiền hòa như nước. Trong ngày hôm nay, hai người đã thành vợ thành chồng. Nhờ các vị thần núi, thần rừng, thần nước, thần ruộng giúp đỡ hai vợ chồng; khi đi làm ruộng, làm nương, làm rẫy, khi đi xúc cá, bắt cua luôn đi cùng nhau, không xa rời nhau; chồng vác cuốc, vợ mang gùi, chồng đi trước, vợ đi sau, ai bị ngã người kia phải kéo lên. Khi đi làm phải nói chuyện, đùa giỡn với nhau vui vẻ. Hôm nay, hai vợ chồng đã ăn cơm một nhà, ngủ chung một giường để đẻ con nhiều như hạt đu đủ, nhiều như con kiến, con mối”. Hai chiếc vòng tay bằng đồng được trao nhau. Siu Thiên nắm tay H’Sao, hạnh phúc. Còn bàn tay Nhan như rời ra dù muốn nắm, muốn kéo nhưng H’Sao tan dần như nước, nụ cười mỏng mảnh, loang vào ánh trăng vàng đang treo lơ lửng trên đỉnh núi. H’Sao lấy chồng rồi, Nhan héo hắt như cái bóng. Cái vòng tay Nhan đã làm chuẩn bị sẵn, giờ cất sâu trong túi và chẳng còn có cơ hội nào trao cho H’Sao nữa, giấc mơ của Nhan cứ mờ dần như làn sương mỏng, tan vào hư không.
*
Những tiếng đục trong đêm, từng nhát đập xuống khúc gỗ, tạo nên âm thanh khô khốc, dội vào vách nhà khiến bà Xiên trở mình, khó ngủ. Bên ngoài Nhan vẫn ngồi đẽo tượng, bên cạnh là rất nhiều khúc gỗ mới đem về hồi chiều. Nhan đục đẽo không ngừng nghỉ, từ khi nó bước ra khỏi nhà. Hơn một tháng nay, thằng Nhan cứ nhốt mình trong căn phòng nhỏ, không ánh sáng, không tiếng nói. Bà Xiên biết điều gì đã làm cho Nhan phải đau khổ đến mức vậy. Vì thế, bà muốn kéo Nhan ra khỏi cái không gian kín mít không chút ánh sáng đó, nhưng mỗi lần mở cửa bà lại thấy đôi mắt không có ánh mặt trời của Nhan, bà lại thôi. Bà muốn thằng Nhan phải tự bước chân ra được khỏi nơi mà nó tự bước vào. Bà Xiên choàng thêm áo, ra ngồi ngoài hiên, trong ánh sáng lờ nhờ của đêm, dồn dập của tiếng cồng, tiếng chiêng, bà như quay lại ngày thằng Nhan ra đời... Ama (bố) của nó là ai, bà Xiên không biết, chỉ có cái bóng đen đổ ập vào bà, rồi rời đi trong cơn mơ nhập nhoạng. Tục lệ làng rất khắt khe về việc con gái có chửa nhưng không chồng. Nhà của bà Xiên nghèo không có tiền mua heo, mua bò trả phạt vạ cho làng, đến nay bà Xiên vẫn còn đang nợ làng món tiền phạt vạ ấy. Bà Xiên được đưa vào rừng để chờ ngày sinh nở, đêm hôm đó trời mưa to, gió lớn, bụng đau dữ dội, biết mình sắp sinh, nhưng bà chỉ có một mình trong căn chòi tạm trong rừng, bên ngoài mưa gió lạnh căm, cắm vào da thịt bà. Đứa trẻ ra đời, cơn mưa cũng dần tạnh đi, bà Xiên nhìn thằng Nhan nhỏ xíu trên tay, đang đói sữa, cái miệng nhỏ xíu nút lấy bầu vú của bà, nhưng sữa chưa về kịp, tiếng nó khóc ré lên ằng ặc trên tay bà.
Hai mẹ con ở cái chòi trong rừng, vài ngày bà Xiên mới được amí (mẹ) của mình vào thăm một lần, mang cho ít gạo, muối, thức ăn, sống tạm qua ngày. Người làng ai đi ngang qua cho cái gì thì mẹ con bà ăn cái đó. Sinh ra trong điều kiện khó khăn, thằng Nhan ốm yếu, cứ tưởng nó không sống được quá một mùa trăng. Vậy mà thằng Nhan càng lớn lại càng khỏe, giờ là chỗ dựa cho bà Xiên. Chính vì xuất thân không rõ ràng của thằng Nhan nên nó sống khép kín, chẳng bao giờ thể hiện tình cảm, dù bà biết nó có tình cảm với cô bé H’Sao trong làng. Bà Xiên nhìn lên ánh trăng đang treo cao trên đỉnh núi, lại thở vào lòng mình đầy những tâm tư.
*
Bầu trời đêm đen kịt, không một ánh sao, chỉ có mặt trăng màu vàng nhàn nhạt treo lơ lửng giữa đỉnh trời. Thằng Nhan nằm cuộn mình trong căn nhà chòi bỏ hoang trong rừng, nơi amí và một vài người phụ nữ khác trong làng từng ở. Thời gian trôi qua, Nhan đã chấp nhận H’Sao là vợ người ta. Tình yêu Nhan dành cho H’Sao cất giấu trong lòng, chỉ cần ở từ xa, nhìn thấy H’Sao sống hạnh phúc là Nhan đã thấy hạnh phúc. Nhưng H’Sao một lần nữa bỏ Nhan đi, hình ảnh H’Sao chẳng còn hiện ra trước mắt Nhan nữa.
Tiếng dân làng xôn xao, những tai ương gần đây được đổ xuống đầu của H’Sao “một con ma lai đang ẩn trốn” khi chồng của H’Sao và một vài thanh niên trong làng mất tích do bị lũ cuốn ở thượng nguồn mấy ngày trước. Dân làng đứng trước nhà H’Sao không khỏi hoang mang, nhưng thầy cúng đã phán thì chắc chắn đúng. Tất cả dân làng kéo vào nhà H’Sao. Sau trận nổi giận của dân làng, khi Nhan đến thì mọi thứ đã tan hoang, nhà cửa của H’Sao siêu vẹo, đồ đạc bể nát. H’Sao bị đuổi vào khu rừng cấm, nơi mà cả làng không một ai dám bước chân vào đó.
Nhan mất một tuần mới tìm thấy H’Sao ở một cái hang nhỏ trong tình trạng đói, rét và bị thương. Nhìn H’Sao mà tim Nhan nhói đau, đáng lẽ Nhan phải biết sớm hơn và không để chuyện này xảy ra. H’Sao đã vừa mất chồng, mất đi chỗ dựa tinh thần, giờ lại bị người xấu lợi dụng những hủ tục để làm hại, điều đó hiện đang đi ngược lại với sự phát triển của xã hội. Nhan thấy lòng mình giống như một căn nhà trống gió cứ thổi vào thông thốc, dù muốn đóng lại nhưng chẳng có cánh cửa nào để kéo. Nhan phải tìm cách giúp H’Sao, giúp dân làng hiểu ra “ma lai” chẳng có thật, hủ tục cần phải bỏ đi.
Mỗi ngày H’Sao đều mang cơm lên nhà mồ, và ngồi đó đến khi mặt trời khuất bóng mới chịu trở về sau biến cố. Nhan mỗi ngày đều thấy rõ nỗi cô đơn, sự tuyệt vọng, day dứt trong lòng H’Sao nhưng Nhan càng không dám chạm vào H’Sao, dù lồng ngực của Nhan như thắt lại.
Nhan dành hết tâm sức của mình cho những bức tượng, tượng đàn ông, đàn bà, tượng mẹ bồng con, địu con, cồng con, bà cháu, tượng khỏa thân, ân ái, tượng khỉ, tượng quả bầu, tượng chim cú, chim công... Nhan chỉ muốn tặng cho người chết với tất cả sự trân trọng, thương mến, sự chia sẻ, thể hiện tình cảm của Nhan với người đã khuất về nỗi đau và nỗi mất mát quá lớn, cũng như những tượng gỗ này có giá trị là những hình bóng thay thế người sống về làng ma cùng hồn ma bầu bạn, để người chết vui vẻ, hạnh phúc đủ đầy, với ý nghĩa quan trọng trong nghi lễ vòng đời, kết thúc sự tồn tại của một con người, tạo cho người chết những người bạn khi về cõi atau và cho H’Sao đỡ nặng lòng hơn khi sắp tới là lễ bỏ mả của chồng H’Sao.
*
- Con H’Biêng nó đánh tiếng mời bà mối qua nhà. Con thử cho mình cơ hội mở lòng với nó đi. - tiếng bà Xiên nhàn nhạt nhìn Nhan, khi Nhan vừa bước chân vào nhà.
Nhan im lặng không nói. Hiện tại trong trái tim của Nhan chỉ có bóng hình H’Sao, và cô gái bé nhỏ ấy đang héo dần héo mòn mỗi ngày, làm sao Nhan có thể mở lòng cho một cô gái khác bước vào trái tim mình, nhất là H’Biêng. Nhan biết H’Biêng vẫn bất chấp sự phản đối của gia đình để yêu Nhan. Nhưng tình cảm không thể ép buộc được.
Bà Xiên thở dài nhìn con trai. Cả đời bà đã không có một tình yêu, bà không muốn Nhan lại giống như bà, cứ day dứt mãi vì chuyện tình yêu. Những tưởng H’Sao đã yên ổn cuộc sống riêng, Nhan sẽ có lối thoát cho tình yêu của mình. Nhưng đời H’Sao cũng lận đận, giờ giữa yêu và được yêu, giữa mất mát, đau thương thì cô gái nhỏ ấy một lần nữa lại chông chênh giữa cuộc đời và con trai bà Xiên chẳng thể làm ngơ được.
*
Nhan vác cái rìu đi vào rừng. Bóng trăng trên đầu như đi theo từng bước chân của nó. Con đường mòn vào rừng ban đêm như thu hẹp lại, trước mặt là một màu đen, chỉ có những đốm sáng xanh nhỏ nhỏ đang quấn lấy Nhan. Tiếng rìu bổ vào đêm, những vết thương đau nhói. Tiếng rìu hòa cùng tiếng cồng chiêng đang vang vọng khu nhà mồ. Ánh lửa bập bùng, lóe lên ở một góc rừng. Nhan vung cái rìu lên, rồi lại thả cái rìu xuống. Cây rừng đang khóc, tiếng khóc đau thương, đứt quãng, loảng xoảng vỡ trong tâm trí. Nhan cứ hì hục làm cả đêm không ngơi nghỉ. Ánh lửa bập bùng cháy, rồi lụi dần khi trời dần về sáng, bà Xiên đang cố cời chút hơi ấm còn sót lại của bếp lửa để giữ ấm cho hai mẹ con đang chìm vào giấc ngủ, với khuôn mặt đầy suy tư.
*
Bóng trăng treo lơ lửng trên cao.
Mọi người đi về phía cuối làng, nơi những cây cổ thụ trăm năm xõa bóng. Những hàng tượng nhà mồ lặng im dõi mắt theo lễ Pơ thi đang diễn ra. Đêm thứ ba của lễ Pơ thi, tất cả già, trẻ, trai, gái trong làng tập trung cùng nhau uống rượu cần, cùng nhau nhảy những điệu xoang, giữa tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang núi rừng, một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ, mở đầu cho một vòng luân hồi mới. H’Sao ngồi cạnh mồ, nơi đã chôn cất người mình yêu quý mà nước mắt cứ chảy dài. Nhan lặng lẽ trong đám đông nhìn về phía H’Sao, trái tim Nhan vẫn dành cho H’Sao một tình yêu vẹn nguyên và vẫn sẽ đợi người con gái có nụ cười trong trẻo như suối rừng kia mở lòng với mình.
Làm thơ, viết văn, đồng thời là một giáo viên mỹ thuật, truyện ngắn của Lê Vi Thủy lúc nào cũng như được khắc họa bằng những gam màu ấn tượng để làm nổi bật thông điệp mà chị muốn gửi gắm. Từ rực rỡ, tươi tắn, đến u buồn, hoài niệm, ở mỗi tác phẩm, tác giả đều để lại những dấu ấn nhất định trong lòng độc giả. Với “Khoảnh không màu”, Lê Vi Thủy một lần nữa tô đậm thêm bức tranh Tây Nguyên hồn nhiên, phóng khoáng, nồng nàn và khắc khoải, dẫu nỗi buồn ứ đầy lồng ngực nhưng vẫn luôn tin và hy vọng vào những ngày tươi sáng hơn phía trước. Để rồi khi những con chữ khép lại, tưởng như còn âm vang mãi trong ta nhịp chiêng ngân giữa đại ngàn... (Nhà văn ĐÀO THU HÀ) |
Truyện ngắn của LÊ VI THỦY