Không thể phủ nhận, Hà Nội luôn có trong giấc mơ của rất nhiều đứa trẻ quê. Hà Nội, mảnh đất luôn được coi là tinh hoa, là trung tâm của đời sống, bao gồm cả đời sống vật chất và tinh thần. Không phải là những hào nhoáng, xa hoa kinh kỳ, thơ Lữ Mai tạc khắc nên một Hà Nội riêng khác, là những vỉa tầng chìm sâu sau những ồn ào, đua chen, xa xỉ hay nhếch nhác của Hà Nội-đó là những vẻ đẹp vốn dĩ/ còn lại của Hà Nội hôm nay. Lữ Mai tiếp cận Hà Nội bằng một tâm hồn tinh nhạy và nhiều suy cảm: Trắng đẩy vào ô cửa phố Phan/ không qua nổi chiều sương mù ẩm cánh/ từ đấy về vòm cầu Phùng Hưng/ ảo mỏng phù dung họa bích/ làm sao thấy được em/ ngày xuân tuyết trinh kỳ trăng quên hẹn. Lữ Mai run rẩy trước những tạo tác của Hà Nội, đó là những gì hiện diện từ thẳm sâu Hà Nội hay trong trí tưởng của nhà thơ thì cũng dào lên trong ta một hình dung đó là một Hà Nội của vẻ đẹp thầm kín.
|
|
Nhà thơ Lữ Mai. Ảnh do nhà thơ cung cấp |
Và có lẽ trong xa xưa cho đến hôm nay thì Hà Nội vốn vẫn mang vẻ đẹp thầm kín ấy, có điều sự khuất lấp như một thách thức với con người. Bởi vẻ đẹp không chỉ là sự đào xới, kiếm tìm mà có, phải là thấu suốt và cả sự hóa thân. Thơ Lữ Mai mang đến những khơi gợi: Hồn sen thơm người bán dạo yểm bùa/ phảng phất chén trà xưa bi lụy/ khi thân rồng quẫy nước đằng đông/ chuôi kiếm vung lên bung dải lụa hồng/ tất cả im lìm long mạch. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Hà Nội mang đến nhiều “ngộ nhận” cho bao người, bởi mỗi người sẽ có một Hà Nội khác nhau trong tâm tưởng. Cái sự ngộ nhận mà tôi nhắc đến nó mang đầy nghĩa tích cực về tình yêu, về sự gửi thác của mỗi người dành cho mảnh đất này. Không chỉ vì những vẻ đẹp ẩn tàng luôn có sức mê dụ với người sáng tác, thơ Lữ Mai trăn trở, đau đáu với những bất trắc thời đại mà Hà Nội, nói theo mọi cách cũng không đứng ngoài nỗi niềm đó: Đàn cá chết ngạt trong giấc mơ/ nay nổi kín mặt hồ/ đâu phải bây giờ/ chúng ta bị bủa vây bởi muôn ngàn nỗi sợ/ ở cuộc triển lãm nọ/ bộ xương cá túa ra thành những con đường/ tận cùng là mũi nhọn/ vừa xem vừa đau.
|
|
Bìa tập thơ "Thời cách ngăn trống rỗng". |
Hà Nội dẫu không phải nơi Lữ Mai sinh ra và lớn lên nhưng chị đã gắn mình với Hà Nội, không chỉ bởi công việc (hiện chị đang công tác tại Ban Văn hóa-Văn nghệ, Báo Nhân Dân). Nếu quan sát Lữ Mai kể từ khi chị là sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 10, bạn đọc sẽ nhận thấy chị viết nhiều về Hà Nội không chỉ qua thơ mà cả truyện ngắn, tản văn. Chị từng xuất bản tập tản văn "Hà Nội không vội được đâu" (NXB Văn học 2014, tái bản 2019). Như vậy để thấy Hà Nội hiện diện trong sáng tác của Lữ Mai không phải bởi những rung cảm thoáng qua, với tản văn của chị, Hà Nội là những khoảng của cuộc sống sinh động mà lặng lẽ ngoài kia, còn với thơ, Hà Nội là một vẻ đẹp thẳm xa nhưng cơ hồ luôn làm cho ta thổn thức: Về đâu giữa phố Hàng Bài/ bốn bề quân cơ mai phục/ mọi tưởng tượng đều có thật/ vỡ từ trong mất mát vời xa.
Lữ Mai là một đại diện cho người viết hôm nay khi chọn Hà Nội là không gian sống và sáng tạo. Viết về Hà Nội chưa bao giờ là cách để người viết làm mờ đi gốc gác của mình, viết về Hà Nội là cách để người trẻ hôm nay làm đầy lên một không gian văn hóa nghệ thuật tinh hoa và còn nhiều tiềm ẩn.
LAM NGUYÊN