Anh Thuận không nói gì, đi ra sân, hóng vu vơ ra vườn ra ngõ. Anh biết thầy anh mắt cũng mờ rồi, nhưng trong làng có cụ Khiển năm nay tám bảy vẫn đọc báo vanh vách. Thầy anh mới tám tư, nhằm nhò gì. Có hôm thầy đi bộ về than mệt, anh bảo thầy đi độ nửa giờ là ổn lắm rồi thì thầy bảo lão Khiển đi ba mốt phút, tôi phải đi ba nhăm. Cứ việc gì, thầy anh cũng đem lão Khiển ra đối sánh. Cụ Khiển là ông bác họ đằng mẹ anh. Nghe nói, xửa xưa, khi thầy mẹ anh lấy nhau, duy nhất lão Khiển gàn. Tất nhiên là cũng không gay gắt quá quắt gì. Lão ấy chỉ mai mỉa một câu. Thằng Vĩnh rất gia trưởng, dì lấy nó là dì khổ một đời. Ngẫm cũng đúng, mẹ anh khổ một đời. Là cái khổ chung của rất đông đàn bà làng này của thế hệ trước. Hậu chiến, đói khổ, lạc hậu, lại thêm lề lối phong kiến trói buộc.

Việc đại sự mà thầy cứ nhắc mỗi ngày gần đây, chính là việc giỗ đầu của mẹ anh. Nhà có năm anh chị em, mỗi người mỗi nơi. Ông anh cả sống ở làng năm nay cũng ngoài sáu mươi. Con cháu đi làm ăn xa, đứa kẹt ở vùng dịch không về, đứa cách ly tại nhà, thành thử nhà vắng tanh vắng ngắt. Đã vậy, lệnh họp gia đình cụ Vĩnh ban cả tháng mà chưa thấy nhúc nhắc, rục rịch triển khai gì cả. Mỗi lần thấy anh Thuận gọi điện thoại đi đâu, cụ Vĩnh đều kiếm cớ đứng gần để dỏng tai nghe ngóng. Xem liệu có phải nó đang điện thoại loan báo cho anh em, con cháu không. Tay cụ lúc nào cũng nhăm nhe cái chổi lông để sẵn sàng phe phẩy những đồ vật chỗ anh Thuận hay đứng. Có bận anh đứng góc sân mà gọi, cụ cũng cậm cạch chống gối xuống tam cấp, đi ra sân, gõ gõ cái chổi lông vào thân cau mà rằng: Bầm mày đi, cây cau cũng buồn, vụ này chả hoa trái gì cả. Thương thầy, anh Thuận lại vội vàng dắt cụ lên thềm và cắt đứt giao dịch bằng câu dặn dò: "Thế nhá, cứ ở yên đấy, bố gửi cho". Cụ Vĩnh nghe lọt câu ấy thì phải, dạ buồn hiu hắt. Hóa ra, mình giục nó thì nó gọi, nhưng mà nó dặn con nó đừng về. Giỗ bà nội mà cháu không về, còn ra thể thống gì. Nhưng hễ cụ nhắc nhở, mà vừa sáng qua chứ đâu, là nó lại vâng dạ để đấy. Con biết rồi, con đang thu xếp, còn nửa tháng nữa mà thầy. Nửa nửa cái bố nhà anh, không tính ngày hôm nay thì còn mười ba ngày nữa. Nó lại nhe răng ra cười. Vừa mở mắt ra, còn nguyên ngày tháng sáu đằng đẵng, thầy đã không tính là sao. Cụ Vĩnh thấy tủi ghê gớm. Cụ vẫn nhớ như in đám ma mẹ chúng nó năm ngoái. Có một nhúm người lèo tèo đưa bà ra đồng, toàn con cháu. Cứ nghĩ, dịch lui, bận này giỗ đầu thì làm dăm mâm, gọi là bù đắp cho bà ấy. Nhưng cơ sự này, xem ra mong manh lắm. Sáng nào anh Thuận cũng bật ti vi rồi cập nhật số ca nhiễm mới, số ca được chữa khỏi. Ngày cập nhật ba lần cho cụ Vĩnh nghe. Cụ hỏi, thế ở ta có ca nào chưa? Có rồi thầy, ở bên thành phố. Ờ, thành phố đông dân thì thế, chứ ta nông thôn, làm gì có dịch. Ấy chết, ở đâu cũng có cả thầy ạ. Cháu Thư còn chưa về mà thầy. Ừ nhỉ, thanh niên giờ nghĩ và làm hay hay là, thế con nó ai hỗm? Bà thông gia chứ ai. Chắt cụ ngoan, ai hỗm chả được, sắp đầy hai tuổi còn gì. Đấy, cứ chuyện trò một tí là nó quàng cháu quàng chắt vào, hòng lung lạc cụ. Thư là con gái út của anh Thuận đã lấy chồng. Cháu cùng đoàn y sĩ, bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh đi hỗ trợ cho tỉnh bạn dập dịch vừa về nhưng vẫn cách ly ở bệnh viện. Chồng thì bộ đội tận trên biên giới, cũng trong diện tăng cường tuyến đầu chống dịch. Cơ sự này, kế hoạch của cụ dễ mà đổ.

Nghĩ thế, nhưng cụ đã có cách. Nói sớm thì chúng nó sẽ bảo cụ lạc hậu, cụ vô cảm. Cụ đành âm thầm đếm từng ngày. Thi thoảng, cụ thả một câu thăm dò, kiểu như tôi xem ti vi, thấy vẫn họp hành mà, có phải Nhà nước hoãn công vụ cả đâu. Lúc ấy, anh Thuận phản pháo. Việc bất đắc bất đừng thôi thầy. Cụ tự ái. Chúng bay nghĩ đơn giản quá, thầy thấy có lỗi với bầm mày, có lỗi với người đã khuất. Anh Thuận không phải là người lợi khẩu, cho nên không bao giờ đủ lý luận để phản biện ông bố tuổi cao nhưng còn khá minh mẫn. Anh chỉ có những dẫn chứng từ câu chuyện của chính cô con gái từ vùng dịch về, kể qua điện thoại. Anh chỉ có những dẫn chứng nghe thấy nhìn thấy từ báo chí và ti vi, từ bà con trong làng trong xã. Ai ai cũng thế, nhà nào cũng thế, răm rắp, tự nguyện tuân thủ khuyến nghị của Bộ Y tế và hương ước làng xã. Cớ gì mà thầy anh lại cứ ngược đời, cấn cá. Đành rằng, chính bản thân anh cũng thừa nhận một điều, mỗi lần nghĩ đến mẹ, anh lại ứa nước mắt xót xa. Tuy nhiên, giờ này mà bày ra cúng giỗ, là phạm pháp, là có tội. Giờ, vấn đề là thuyết phục thầy, để thầy tự nguyện từ bỏ ý định ấy đi. Là anh Thuận đoán non đoán già về cái ý định của thầy anh, chứ nào anh đã biết rõ. Người có khả năng thuyết phục thầy lúc này là bác Toàn, con cả của cụ, cán bộ dân vận nghỉ hưu được hai năm. Dân vận thì được mà "cha vận" thì rất yếu. Hai thầy con chỉ nói chuyện được mười lăm phút là anh đã bị thầy đuổi khéo bằng cây chổi lông phe phẩy trên mặt bàn: Thôi, anh giỏi rồi. Đem cái lý luận giỏi về mà bảo ban vợ con, tôi không cần. Thế là anh cơ luôn. Hơi tí cơ dỗi, tính ấy, ông anh dân vận giống hệt thầy. Tuy nhiên, hai cái người ấy lại không nhún nhường nhau. Thế là dù nhà ở cách chả bao xa nhưng cũng hơn tuần nay bác ấy chả đoái qua. Cũng không gọi điện thoại bàn bạc gì. Mới tối qua, thầy thăm dò. Bố Hiến có gọi điện thoại không? Hay con Cô vít nó lây cả qua đường viễn thông? Bố Hiến là bác cả Toàn đấy. Anh Thuận tuy vụng về lời ăn tiếng nói, nhưng được cái thật hột. Anh trả lời cụ mà không nghĩ dài vắn gì. Có gọi gì đâu thầy. Cận việc thì mới gọi chứ. Cụ Vĩnh cắt ngang. Các anh chị giỏi hết rồi. Có nhẽ tôi phải giảng thêm cho các anh chị nghe về chữ hiếu mới được. Mà không muốn nghe tôi nói thì sang nhà cụ Khiển mà xem con cháu người ta thế nào. Hôm nọ giỗ họ Đỗ, tôi thấy đông đông là, nhìn chỗ xe máy dựng ở sân, sơ sơ cũng phải bảy mâm là ít, chưa kể ô tô. Thầy ơi, về luật lệ thì bên họ Đỗ còn hà khắc hơn họ ta đấy. Hôm ấy, không hiểu lão Khiển nghĩ sao mà làm vậy, con nghe nói là đã bị phạt nặng rồi. Con nghĩ, việc gì hay nhà ta học, việc không tốt mình né. Trong làng mình, suốt hai năm nay, thầy thấy đấy, cưới xin, giỗ chạp, tân gia, sinh nhật... hoãn hết, xúi hết. Quán xá, nhà hàng đóng cửa hết. Tất cả là để an toàn cho chính mỗi chúng ta thôi thầy ạ. Đến nước ấy thì cụ Vĩnh mới thôi. Mà chỉ thôi khi ấy, sáng ra cụ lại lẩm rẩm. Cô vít ở đâu chứ ở ta yên như tờ.

leftcenterrightdel
Minh họa của THÁI AN

Từ những buổi tối trước ngày giỗ mẹ, vợ chồng anh Thuận đi từng nhà bà con trong họ Phạm để trao đổi về việc sáng hôm sau. Con cháu thì gọi điện thoại là được, còn người trong họ thì phải đi từng nhà. Đất lề quê thói mà lại. Hôm cuối cùng, vì đi nán cho hết, về đến nhà cũng gần mười giờ khuya, thấy ti vi nói oang oang. Anh Thuận vội vàng vặn nhỏ xuống. Thầy sợ hay sao mà để tiếng to thế. Tôi không sợ, anh nghĩ tôi sợ cái gì? Thế thầy nặng tai hay sao? Ông cụ nhìn con trai một lúc mới gật. Anh Thuận giật mình, hét to, thầy như thế này từ bao giờ? Thật ra là tôi nặng tai, nói to mới nghe rõ, chứ chưa điếc. Sao thầy không nói với con? Bệnh tuổi già thôi mà, hay ho gì mà khoe! Ôi giời, làm con cứ nhăm nhăm cho ti vi giảm âm lượng. Thế mọi khi thầy con mình nói chuyện, thầy có nghe được không? Có, tôi nghe bảy tám phần, chủ yếu nhìn anh máy môi mà đoán. Trời đất, sao thầy đoán đúng được? Ơ, tôi đẻ ra anh, sống bên anh năm mươi mốt năm bốn tháng mà lại. Thế mắt thầy còn nom rõ không? Khổ, cái tai kéo theo cái mắt, mù mờ lắm. Con thấy thầy đọc báo suốt mà. Thì tôi xem hình là chủ yếu, chữ nghĩa cứ nhảy nhót lung tung có đâu vào đâu. Sao thầy không mang kính vào? Anh bận tối mặt không để ý đấy chứ, kính tôi chỉ còn có gọng từ hai năm rồi, mắt vỡ từ dạo mẹ anh đổ nặng, tôi có dám đi tiệm để thay đâu. Chết thôi. Thảo nào, con thấy thầy cứ như người sót lại từ thế kỷ trước. Ơ thế tôi chả là người thế kỷ trước còn gì.

Hai thầy con nói to như cãi nhau. Vợ anh Thuận chạy lên hỏi sự thể. Anh Thuận bảo vợ. Tôi không biết thầy giảm sút nhanh như thế mình ạ. Cứ thấy thầy đọc báo, đi bộ bình thường nên không để ý. Vợ anh cũng sững người, thốt lên. Chắc là thầy cố ý giấu mọi người đấy. Thầy không muốn bị cho là kém cỏi so với cụ Khiển nên cứ tỏ ra tinh tường vậy. Thảo nào, có lần em bảo thầy đi lên nhà thì thầy lại cho gà ăn. Anh Thuận vò đầu. Ừ, thầy sa sút thật, nhưng mắt kém, tai nặng thì liên quan gì đến việc thầy nằng nặc đòi mở giỗ bầm? Chả nhẽ thầy không biết dịch bệnh đang hoành hành? Chị lắc đầu. Chịu mình rồi, không chỉ liên quan, mà rất liên quan. Thầy lượng sức mình yếu, lo ngày nào đó đi theo bầm, thì việc khói hương cho bầm bị con cái lơi đãng. Từ hôm bầm đi, thầy cứ thi thoảng lại dặn việc. Có việc dặn mấy lần. Thầy còn bảo em sau này làm giỗ thầy bầm vào một ngày, ông bà cố vào một ngày, cho đỡ vất, cũng chỉ một mâm cơm thôi, không bày vẽ. Thầy dặn thế thật à? Thật chứ sao! Thế giờ vẫn cứ làm theo sáng kiến của mình như đã bàn với họ hàng chứ? Không phải sáng kiến của em, mà là của thầy đấy. 

Sáng ngày của mẹ, vợ chồng anh Thuận bưng mâm cơm cúng đặt lên án. Cụ Vĩnh diện bộ lụa nâu chỉnh tề đã sẵn sàng đứng trong phòng lẩm rẩm gì đó rồi, chỉ đợi con gọi là ra.

Ngoài góc sân, gần lối vào là chiếc bàn gỗ phủ khăn trải bàn có đặt lọ hoa cúc vàng, một hộp khẩu trang, chai nước sát khuẩn. Hình ảnh này quá quen thuộc với anh trong suốt hai năm nay, nhưng giờ trông thấy anh vẫn cứ nghẹn ngào. Thầy anh cúng xong, từ nhà đi ra, cụ cầm theo cuốn sổ bìa cứng và cây bút bi, trang trọng đặt lên bàn, ngay cạnh hộp khẩu trang. 

Họ hàng lần lượt tuần tự đến thắp hương theo khung giờ mà vợ chồng anh Thuận đã bố trí bàn bạc trước. Ai cũng vào thắp hương rồi ra rất nhanh, chỉ nán bên chiếc bàn ít phút, ghi vài dòng vào cuốn sổ nhỏ.

Khách về hết, anh Thuận cầm cuốn sổ lên, đọc từng dòng chữ, nước mắt anh cứ giàn giụa. Mở trang đầu tiên, dòng đầu tiên, anh nhận ra nét chữ còn rất mềm mại của thầy. Vỏn vẹn năm chữ: "Mai ơi, tôi thương mình".

Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN