Năm 1970, chúng tôi học cùng lớp đại học năm thứ nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi đọc những câu thơ treo trên báo tường Cầm viết: “Tháng bảy lác đác cành ngô/ tiếng chày ai nện đêm thu ghẹo người/ Mẹ tôi giã gạo nuôi tôi? Chày mùa thu hát mãi lời nước non”... tôi hình dung Cầm như một chàng trai hiền lành, chất phác. Ai dè đấy chính là chàng sinh viên sinh hoạt rất tự do, hai giờ sáng vẫn ôm đàn ghi ta đi lang thang nghêu ngao mấy câu ca từ trong bản nhạc “Phiên chợ Ba Tư”. Chàng hát, chàng bập bùng ghi ta làm các nữ sinh viên thổn thức, nao lòng. Nhưng hát nhiều, hát khuya quá, chàng lại làm cả ký túc thức giấc...

Tuy hát không hay nhưng hay hát, biết đàn, làm thơ, đã có nhiều bài thơ đăng báo với bút danh Ánh Biếc, Hoàng Nhuận Cầm trở thành hình tượng mơ ước của đám sinh viên từ quê ra tỉnh học như tôi. Nhưng rồi Cầm chẳng “hành hạ” các bạn được lâu. Chưa đầy một năm Cầm và đám trai làng trong lớp chúng tôi đã viết đơn tình nguyện ra trận. Đất nước đang cần người cầm súng chưa cần nhiều tới các nhà thơ.

leftcenterrightdel
 Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (thứ hai, từ phải sang) cùng những người bạn từng là sinh viên nhập ngũ ngày 6-9-1971. Ảnh: PHẠM HUY

Hoàng Nhuận Cầm và mấy chục sinh viên Toán-Lý-Văn chúng tôi được huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật bộ binh trong cùng đại đội. Tưởng rằng, Cầm chỉ yêu thơ, nhưng có hôm anh tâm sự: “Tớ yêu điện ảnh đấy chứ, nhưng thi tuyển môn năng khiếu không đỗ. Tớ đã sáng tác và biểu diễn một cảnh cầm phải cốc nước nóng, rụt tay lại làm cái cốc (dĩ nhiên là không có nước) rơi vỡ tan trước hội đồng. Diễn hay thế mà họ quay mặt đi. Tớ vẫn thích làm phim hơn làm thơ, vì làm phim không bị cô đơn”.

Nghe Cầm nhắc đến nỗi cô đơn của người làm thơ, cả tiểu đội ai cũng thấy thương Cầm. Hèn nào mà Cầm hay mất ngủ, hay tình nguyện gác đêm mấy phiên liền hộ bạn.

Ngày huấn luyện bộ binh ở Nhã Nam (Bắc Giang), Cầm nhiều lần lập công, kể cả những chiến công trên “mặt trận ái tình”. Cầm sống rất tự nhiên, dễ mến, lại khéo nói nên chúng tôi hay khích Cầm đi “dân vận”, xin bà con tre, gỗ về tu bổ lán trại và làm trận địa giả. Trước ngày vào chiến trường Quảng Trị, đại đội lính sinh viên chúng tôi được thả lỏng. Các cán bộ chỉ huy hay quay lưng đi, làm ngơ cho chúng tôi đùa nghịch. Một hôm, chúng tôi thách Cầm tán đổ một cô giáo xinh nhất trong làng đóng quân. “Đổ” nhưng phải có bằng chứng đổ, chứ không chỉ kể lại vu vơ. Cầm nghe khích liền đứng bật dậy, gửi súng rồi trốn khỏi đồi bạch đàn, tiến vào một lớp học cấp một cách đó chừng 500m đường chim bay.

Thấy anh bộ đội đẹp giai, có quân phục, sao, mũ nghiêm chỉnh vào lớp, cô giáo xinh đẹp sáng bừng khuôn mặt, gõ thước kẻ thật to xuống mặt bàn cho cả lớp đứng lên chào. Cầm giơ bàn tay lên chào theo điều lệnh quân đội đáp lại. Cô giáo rất vui, hình dung ngay trong đầu một buổi kể chuyện chiến trường, chú bộ đội này sẽ giáo dục tinh thần yêu nước cho các em. Cô hồi hộp chờ. Nhưng chú bộ đội chỉ đến ghé tai cô hỏi nhỏ: “Cô có ngô, hay lạc gì bán không?”. Cô giáo nhìn anh bộ đội từ đầu đến chân một lát rồi “à” một tiếng vỡ lẽ.

Cô đi xuống cuối lớp hỏi lần lượt mấy hàng ghế học trò. Ngay tức khắc có mấy em được phép chạy về nhà. Mươi lăm phút sau, Binh nhì Hoàng Nhuận Cầm nhét lại tiền vào túi, ôm rá lạc góp, cảm ơn cô giáo, trở lại thao trường. Nhưng một lúc sau, cô giáo lại thấy chú bộ đội quay lại. Lớp trưởng theo lệnh cô giáo, gõ thước cho cả lớp buông bút, đứng dậy chào lần nữa. Cầm chào đáp lễ rồi ghé vào tai cô giáo thì thầm: “Cô có nồi rang không”. Lần này, cô giáo không ngạc nhiên nữa. Cô lệnh cho 3 em về nhà kiếm nồi rang. Lát sau, chú bộ đội chọn luôn chiếc nồi xanh (bằng đồng) to nhất, rồi không quên chào cô trò lần nữa. Cô giáo ổn định trật tự, rồi ra hiệu cho quản ca bắt nhịp hát vang bài “Hoan hô chú bộ đội”...

Khi Hoàng Nhuận Cầm mang theo một bọc gì đó, kiêu hãnh như Võ Tòng đả hổ trở về. Tiểu đội chúng tôi không cần biết cô giáo xinh đẹp đó có “đổ” hay không, quan trọng là Cầm đổ ra cho tiểu đội đầy một mũ cối lạc rang thơm lừng. Bữa trưa hôm đó, y tá đại đội rất lo: “Không hiểu vì sao tiểu đội của Hoàng Nhuận Cầm chỉ ăn hết nửa suất cơm”.

Cầm là người sống rất tự nhiên. “Người thơ phong vận như thơ vậy”, sống tự nhiên nên thơ Cầm cũng rất tự nhiên. “Tự nhiên” ở đây không theo nghĩa dễ dãi, mộc mạc. Đấy là cái tự nhiên, hồn nhiên từ trong bản chất sâu xa của thi ca, mà dân châu Âu hay gọi là “thơ sạch”, thơ thuần khiết, không dính bụi đời.

Có lần đọc thơ Cầm được nhận giải Nhất Báo Văn Nghệ, Giáo sư Lê Đình Kỵ cười, bình luận: Để rồi xem, Cầm sẽ suốt đời là nhà thơ sinh viên thôi... Nghe thầy Kỵ, chúng tôi nghi ngờ nhà phê bình tinh tế này đã quá khắt khe, khó tính, đã lấy model thơ Chế Lan Viên làm tiêu chí đánh giá thơ Hoàng Nhuận Cầm. Mãi sau này chúng tôi mới ngộ: “Thơ sinh viên mà nhà phê bình nói như tiên đoán ấy là một khái niệm không mang tính định giá chất lượng, mà là một khái niệm xác định một phong cách. Thơ sinh viên là một phong cách thơ thời chống Mỹ, thời cả nước lên đường, thầy trò từ các học đường đại học đều ra trận. Thơ sinh viên là cả một thời thơ, một đi không trở lại”.

Quả là vào trận nhưng Cầm không thành nhà thơ chiến trận, không làm sử thi hay viết những anh hùng ca hoành tráng như một lớp nhà thơ chống Mỹ trước mình. Thơ Cầm cổ vũ những người cầm súng theo một cách riêng, không ồn ào, kích động mà chỉ chạm nhẹ vào cái phần sâu thẳm của tình yêu sự sống, tình yêu đất nước, quê hương.

Thơ Cầm viết năm 1972 rất nhiều tiếng ve. Đó là tiếng ve của ký ức tuổi thơ. Đó cũng là tiếng ve có thật, ran lên ồ ạt, rồi kéo dài đằng đẵng trên những cánh rừng Trường Sơn, những đồi sim Quảng Trị. Cầm viết hẳn cả bài “Vào mặt trận giữa mùa ve đang kêu”. Thơ Việt Nam viết về tiếng ve, có lẽ đó là bài thơ dài nhất và cũng là hay nhất. Đến bài “Thơ mùa thu”, đọc câu thơ Cầm viết: “Ta chẳng còn bắt ve, ta chẳng còn thơ bé/ Thay cho việc bắt ve, ta lùng bắt quân thù quanh những gốc xà nu”, tôi phải phì cười. Chả ai đánh giặc thế bao giờ. Cầm chưa bao giờ làm lính bộ binh nên mới viết hồn nhiên thế. Cầm là lính cao xạ. Nếu là lính bộ binh, Cầm không thể viết được những câu thơ ngộ nghĩnh, đáng yêu và “sinh viên” đến thế.

Tôi có nhiều kỷ niệm với Cầm vì là bạn đồng môn, đồng ngũ, đồng mặt trận và cũng rất gần nghề! Tuy vậy, bạn bè cùng lớp chúng tôi gặp được nhà thơ “bác sĩ Hoa súng” một thời này hơi khó. Nhà thơ rất bận: Bận làm phim, duyệt phim, dẫn chương trình truyền hình, phát thanh trực tiếp cho VOV, và nói chung là bận kiếm tiền để chiều vợ, nuôi con. Lần gặp Cầm gần nhất là đèo xe máy chở Cầm về từ tòa soạn Báo Nhân Dân. Đó là buổi họp chọn đại biểu dự Đại hội Nhà văn toàn quốc. Mặc dù đã thành danh, nổi tiếng và có thâm niên hội viên hàng chục năm rồi, nhưng Cầm vẫn tỏ ra sung sướng khi mình trúng cử, phiếu cao. Chàng thi sĩ khi vui, khi giận, khi thèm thuốc, và khi yêu đều rất tự nhiên và quá thật thà. Không còn đủ sự tập trung để đi xe máy nữa, Cầm vẫn thường đi xe buýt hoặc đi nhờ xe bạn. Ngồi sau xe máy tôi đèo, Cầm tỏ ra rất nóng ruột vì “mấy anh em đang phải thay ca chăm mẹ ốm ở nhà”. Cầm kêu nhận duyệt phim nước ngoài rất mệt, phải dán mắt vào màn hình cả buổi, có khi xem suốt cả ngày cho kịp ký lệnh phát hành. Vì phải kiếm thêm tiền nuôi con, thuốc thang cho mẹ nên cứ cố mở mắt xem có đoạn nào “nhạy cảm” quá không. Không có đoạn nào gay cấn hay “nhạy cảm” thì càng dễ thiếp đi lúc nào không biết.

Năm nay cơ thể Cầm như khô đi, nhẹ quá. Tôi đèo Cầm mà cảm giác như chở cuộn băng ghi âm của VOV đang mở nghe sau lưng, chứ không có cảm giác đèo người. Sau lưng tôi, Cầm ngồi chuyện ríu rít. Những câu chuyện dài dài nghe như tiếng ve ran. Tôi biết giấc mơ điện ảnh thuở nhỏ của bạn đã được thực hiện. Lớp Văn Tổng hợp K15 chúng tôi đã xem phim Cầm biên kịch hoặc làm diễn viên rất nhiều lần. Cuốn kỷ yếu sinh viên Ngữ văn Tổng hợp K15 chúng tôi viết đã in tập 2, dùng tên một bài thơ của Cầm làm tên cho cuốn sách: “Mùa thu tôi yêu”. Trong sách có in nhiều bài thơ Cầm gửi, nhưng nửa năm nay, Cầm kêu bận, vẫn chưa đến lấy về xem...

Ai biết Cầm ra đi nhanh mà lặng lẽ thế.

Từ nay, có lẽ, nghe tiếng ve kêu lại nhớ Cầm.

Ngày 23-4-2021

MẠC YÊN