Môi trường huấn luyện càng khắt khe, nghiêm túc, thậm chí khắc nghiệt, càng giúp bộ đội có cơ hội tôi rèn bản lĩnh, ý chí, tác phong, lòng dũng cảm, để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Nội hàm câu khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” đã chứng minh điều đó.

Khổ luyện thành tài

Buổi sáng cuối thu, mưa lất phất, tiết trời se se lạnh, các nội dung huấn luyện của Đội Chống khủng bố, Lữ đoàn 113 (Binh chủng Đặc công) vẫn diễn ra theo kế hoạch đã xác định.

Dù nhiều lần theo dõi bộ đội đặc công thực hiện các bài tập, nhưng khi “thực mục sở thị” Đội Chống khủng bố thực hiện các màn đu dây, vượt tường, leo cột, trườn qua hàng rào thép gai, dùng yết hầu uốn cong thanh sắt, đạp chân trần xuống lớp thủy tinh lởm chởm... mà nét mặt không chút biến sắc, tôi vẫn không khỏi thót tim, rùng mình, hồi hộp đến ngộp thở.

- Cũng là những con người bằng xương, bằng thịt, tại sao các anh có được “mình đồng da sắt” cùng bản lĩnh phi thường đến vậy?

- Đây là những bài tập thường xuyên, giống như cơm ăn, nước uống hằng ngày của chúng tôi, chẳng có gì đặc biệt lắm đâu!-Thượng úy QNCN Lê Đình Hưng, chiến đấu viên Mũi 2, Đội Chống khủng bố, Lữ đoàn 113 vừa nhoẻn miệng cười, vừa bóp tay tôi đau điếng. Thật đúng là bộ đội đặc công, cái bắt tay cũng “khác người”, lòng bàn tay ai cũng gai gai, thô ráp.

leftcenterrightdel

Nội dung huấn luyện đầy khắc nghiệt của Đội Chống khủng bố, Lữ đoàn 113 (Binh chủng Đặc công). Ảnh: NGUYỄN LINH 

- “Cánh” đặc công mình ai chẳng thế, lăn lộn, “đánh đấm” suốt ngày trên thao trường, bãi tập, nên tay chân chẳng được mềm mại như các nhà báo đâu!-Người chiến đấu viên vừa đoạt huy chương vàng cá nhân tại Hội thao Quân sự quốc tế nội dung thi “Vùng tai nạn” năm 2021 vỗ vai tôi, cười hóm hỉnh.

 Tham quan các khu vực luyện rèn đầy khắc nghiệt của bộ đội đặc công với hệ thống hàng rào bùng nhùng, hàng rào cũi lợn, hàng rào mái nhà, cơ cấu bám leo tường đá, bãi mìn giả định, tôi hiểu phần nào vì sao mà bàn tay, bàn chân các anh lúc nào cũng chai sần, thô ráp, cứng đanh chẳng khác nào gỗ lim như thế.

Gần trưa, mưa bất ngờ nặng hạt, không khí xuống thấp, khiến cái lạnh ngấm vào da thịt. Lẽ thường khi trời đổ mưa như vậy, chỉ huy đơn vị cho bộ đội nghỉ tập hoặc chuyển nội dung, nhưng các chiến đấu viên Đội Chống khủng bố vẫn không rời “trận địa”, thậm chí không khí huấn luyện dường như có “lửa” hơn, khi các bài tập được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, chính xác.

leftcenterrightdel
 Bộ đội đặc công sử dụng kỹ thuật ngụy trang nhằm tránh sự phát hiện của kẻ địch. Ảnh: MINH PHONG

- Câu thành ngữ vui “Nắng tốt dưa, mưa tốt lính” không áp dụng với bộ đội đặc công chúng tôi đâu anh ạ!-Thượng úy Vương Đắc Dương, Đội trưởng Đội Chống khủng bố, phân trần.- Nhưng huấn luyện trong điều kiện thời tiết như vậy liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội cũng như chất lượng huấn luyện?-Tôi thắc mắc.

 - Không đâu anh, điều kiện thời tiết càng khắc nghiệt lại càng thuận lợi cho chúng tôi rèn luyện sức bền và khả năng chịu đựng. Bởi thực tế, các tình huống bất ngờ xảy ra, có bao giờ chọn ngày đẹp trời đâu?

Cứ như vậy, tôi bị cuốn vào nhiệm vụ của các chiến sĩ đặc công, nhất là công tác huấn luyện đầy đặc thù của họ. Đối diện với tôi lúc này là Thượng úy QNCN Lê Công Dũng, chiến đấu viên Đội Chống khủng bố. Gần 17 năm đầu quân cho lực lượng chống khủng bố là bấy nhiêu thời gian anh được gắn với cái tên “người sắt”. Nhìn dáng vẻ có phần thư sinh của Dũng, ít ai nghĩ khi bước vào luyện tập, anh lập tức biến thành “mình đồng da sắt” trước kiếm, đao sắc nhọn.

leftcenterrightdel

Các chiến đấu viên biểu diễn vượt vòng lửa. Ảnh: HÀ HÙNG 

Sau vài giây vận khí, người lính đặc công dày dạn kinh nghiệm bình thản nằm trên bàn chông sắt tua tủa. Trên bụng đặt thêm khối bê tông nặng 80kg, các đồng nghiệp ra sức dùng búa tạ nện xuống. Thật đáng kinh ngạc khi tấm bê tông thì vỡ vụn, còn “làn da sắt” của Dũng không hề hấn gì. Chưa hết, anh còn nằm trên hàng trăm mảnh thủy tinh sắc lẹm, kê tấm gỗ lên bụng, cho xe máy chở 2-3 chiến sĩ đi qua đi lại vài ba lần.

Để có được bản lĩnh thượng thừa như vậy, theo Đội trưởng Đội Chống khủng bố, việc rèn luyện thể lực thường xuyên cho bộ đội là hết sức quan trọng. Bởi huấn luyện cường độ cao, trên mọi địa hình, điều kiện thời tiết, nếu sức khỏe không bảo đảm thì các chiến sĩ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, ngoài huấn luyện theo tiến trình biểu đã xác định, từng cán bộ, chiến đấu viên đều chủ động xây dựng cho mình kế hoạch rèn luyện thể lực, sức chịu đựng và khả năng sinh tồn trong những môi trường khắc nghiệt.

leftcenterrightdel
Vận khí dùng yết hầu uốn cong thanh sắt. Ảnh: HÀ HÙNG

- Anh em chúng tôi đều hiểu rằng, nếu không chủ động tự học, tự rèn luyện, tinh thông nghiệp vụ, thì khi vào thực tế chiến đấu, không những bản thân khó tránh khỏi đổ máu, mà đơn vị cũng không hoàn thành nhiệm vụ-Thượng úy Vương Đắc Dương khẳng định.

 Trò chuyện với những người lính “xuất quỷ nhập thần”, tôi còn hiểu thêm rằng, muốn trở thành chiến sĩ đặc công, hăng say luyện rèn thôi chưa đủ, mà còn phải có niềm đam mê thực sự, lòng dũng cảm, gắn bó với nhiệm vụ. Cùng với đó, tất cả đều xác định rõ vinh dự, trách nhiệm của mình khi được tổ chức tin tưởng đưa vào lực lượng đặc biệt, thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt.

Tôi rèn ý chí

Cũng như bộ đội đặc công, bản lĩnh, ý chí, lòng quả cảm của các chiến sĩ công binh cũng luôn thường trực trong huyết quản. Có dịp chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, vật liệu nổ tại xã biên giới Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang), tôi càng thấu hiểu nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và đầy hiểm nguy ngày ngày họ đối mặt.

Cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác trong từng bước đi, từng động tác, công việc của các chiến sĩ “mở đường thắng lợi” không cho phép bất cứ sai sót nào, dù là nhỏ nhất, bởi họ sẽ không còn cơ hội rút kinh nghiệm nếu xảy ra mất an toàn. Nhìn hàng trăm quả nổ hoen rỉ, cũ kỹ như những mẩu sắt vụn chỏng chơ trên mặt đất, ít ai biết rằng, ngòi nổ của chúng vẫn còn “nguyên giá trị”. Nhiệm vụ của các anh là phải hủy nổ chúng, trả lại sự sống cho dải đất biên cương vốn ngủ yên bao năm nay. Hoàn thành nhiệm vụ được giao trong phạm vi đảm nhiệm, Binh nhất Nguyễn Văn Minh, Đội thi công số 1, Tiểu đoàn 4 thổ lộ: "Ngày đầu đối mặt với “thần chết”, tôi cũng khá căng thẳng. Nhưng do được huấn luyện bài bản, kỹ lưỡng, lại được thực hành ngay trên tuyến, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tôi thấy vững vàng và hứng thú với nhiệm vụ".

Bao giờ cũng vậy, trước khi bước vào thực hiện nhiệm vụ, chỉ huy đơn vị cũng phổ biến chi tiết công việc, tranh thủ huấn luyện bổ sung cho bộ đội. Vẫn là các bài học quen thuộc: Cấu tạo, tính năng sử dụng các loại máy rà phá bom, mìn, biện pháp xử lý khi gặp sự cố... nhưng các chiến sĩ đều chú ý nghe giảng, tích cực trao đổi, sẻ chia kinh nghiệm. Ai cũng hiểu công việc mình đảm nhiệm vừa vất vả, vừa hiểm nguy, nên việc chủ động nghiên cứu, học tập trở thành ý thức tự giác trong từng cán bộ, chiến sĩ.

leftcenterrightdel
  - Chỉ huy Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) giao nhiệm vụ cho các tổ trước khi tiến hành rà phá vật cản.

"Chúng tôi thấy hào hứng với các giờ học ngoài thời gian thi công, ngay trên trận địa, công trường. Để tránh gặp phải rủi ro và đổ máu vô ích, chúng tôi xác định, bản thân phải tự học, tự rèn, thường xuyên nắm chắc nhiệm vụ, không được chủ quan, lơ là"-Binh nhất Nguyễn Văn Minh bộc bạch.

 Đóng quân phân tán trên nhiều địa bàn, chủ yếu là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, địa hình rừng núi hiểm trở, nên thao trường huấn luyện dành cho các chiến sĩ công binh hết sức khó khăn. Lữ đoàn Công binh 543 phải vận dụng địa hình thực tế để huấn luyện. Theo Đại tá Lê Anh Tuấn, Lữ đoàn trưởng, việc lựa chọn, kiện toàn khung cán bộ các cấp cũng được Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn chú trọng, ưu tiên các đồng chí có kinh nghiệm quản lý, huấn luyện, đặc biệt là vận dụng linh hoạt nguyên tắc vào điều kiện thực tế làm nhiệm vụ.

Ví như khi huấn luyện chuyên ngành công binh vượt sông, đơn vị đều gắn với thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Với lực lượng làm đường tuần tra biên giới, xây dựng công trình, rà phá bom, mìn, vật nổ, thì tổ chức huấn luyện ngay tại nơi thi công, lấy “công trường làm thao trường”; huấn luyện theo ca kíp, xoay vòng, đổi tập hợp lý. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn sau khi huấn luyện xong đều có thể lên tuyến thực hiện nhiệm vụ được ngay.

Đúng là “Mồ hôi đổ xuống thao trường/ Chính quy, tinh nhuệ, quân cường, lính vui”. Người chiến sĩ dù ở đơn vị bộ binh, công binh, pháo binh, hóa học, đặc công, phòng không-không quân, tăng thiết giáp, thông tin liên lạc... nếu được huấn luyện, rèn luyện chặt chẽ, nghiêm túc, đồng thời tự mình trau dồi kiến thức, miệt mài học tập, tâm huyết với công việc, chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và ngược lại. Rõ ràng “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” không còn đơn thuần là khẩu hiệu, mà đó là bài học quý báu được đúc kết từ thực tiễn sinh động trong huấn luyện, chiến đấu của các thế hệ đi trước để mỗi cán bộ, chiến sĩ hôm nay và mai sau tiếp tục tôi rèn ý chí, bản lĩnh...

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG