Làm chủ biển

Thượng tá Nguyễn Đình Lịch, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 125 thường tâm sự với các thủy thủ là đừng say biển.

Lạ nhỉ! Thủy thủ sống, làm việc trên tàu, trên biển mà không say biển, không yêu biển thì yêu ai? Nhân lúc vắng bóng thủy thủ, tôi ghé tai anh:

- Theo anh, thủy thủ yêu biển, say biển có gì không tốt?

- À, chuyện tếu với lính trẻ ấy mà. Nhưng cũng có lý đấy. Say biển là rất nguy hiểm.

- Anh cứ đùa, biển có bùa yêu chắc! Biển mênh mông có sức hút lạ kỳ với bất cứ ai. Này nhé, lúc dịu êm, các nhà văn ví biển như một nàng tiên giáng thế. Ngắm bình minh hoặc hoàng hôn trên biển rất khó cưỡng, kể cả với những người chai sạn nhất. Về đêm, có nhà thơ thả hồn trò chuyện với hàng nghìn mảnh trăng sao dát vàng lấp lánh, lung linh trên mặt sóng nước lăn tăn, rì rào, du dương chẳng khác nào được thưởng yến tiệc. Có hàng trăm cuốn sách viết về biển, đảo để nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc. Thế mà anh lại bảo thủy thủ không được say biển!

- Thì tôi cũng lo xa ấy mà! Các thủy thủ mà lạc vào thế giới thần tiên ấy, dễ quên nhiệm vụ.

Rồi anh Lịch phân tích:

- Trong cái mênh mông, sâu thẳm của biển luôn tiềm ẩn những bất trắc. Khi đi tàu, sóng nhồi vài nhịp, tàu lắc, mũi tàu trồi lên ngụp xuống là biết tay nhau ngay. Nôn nao, liêng biêng, khó chịu trong người đến độ phải “cho cá ăn chè” ấy chứ. Lúc đấy, sức nào mà làm nhiệm vụ nữa.

- À ra là vậy. Anh lo xa quá. Anh có biện pháp gì để thủy thủ cai được “bệnh” say biển?

- À, chỉ có huấn luyện và huấn luyện liên tục mới cân bằng được.

leftcenterrightdel

Thiếu tá, Thuyền trưởng Trần Văn Hải (ngoài cùng), Tàu Trường Sa 04 trong thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: HẢI MINH

Thấy tôi “mắt tròn mắt dẹt”, anh Lịch giảng giải, đưa tôi lạc vào thế giới kiến thức của nghề thủy thủ vận tải biển, dù đại cương thôi nhưng cũng rất quý giá, bổ ích. Trước tiên, để hoạt động trên biển trơn tru, mỗi con tàu đều phải có phương án bảo vệ sức sống. Thực chất đó là các phương án chống cháy, nổ, chìm tàu trong các tình huống ở cảng, khi tàu hoạt động trên biển. Nội dung này đặc biệt khó khi bị địch tấn công hỏa lực từ các phía. Tiếp đến là các bài huấn luyện ra vào cảng, neo tàu rồi đến nhận hàng, trả hàng trong các điều kiện khác nhau. Không chỉ huấn luyện ban ngày mà còn phải huấn luyện cả đêm. Huấn luyện ở cảng chỉ là chuyện nhỏ so với huấn luyện ngoài biển khơi mênh mông. Thế nên, khi tàu làm nhiệm vụ trên biển là cơ hội có một không hai để huấn luyện thủy thủ. Đó là nội dung phối hợp hệ thống các công việc và hiệp đồng giữa các ngành hàng hải, máy, thông tin, vũ khí... Đơn cử như khi huấn luyện hạ xuồng công tác thôi cũng đã khó chứ đừng nói đến các nội dung huấn luyện phối hợp chiến đấu bảo vệ tàu.

Anh Lịch kể lại một tình huống phức tạp mà anh mới gặp gần đây. Theo hiệp đồng với lực lượng đổ bộ, đúng giờ G, tàu LST của lữ đoàn sẽ tiếp cận mép nước để xe bộ binh cơ giới đổ bộ lên đảo. Tuy nhiên, do thủy triều rút nhanh nên chỉ huy tàu không tiếp cận được vị trí đã định, buộc xe thiết giáp phải bơi xa hơn. Thế nên, nếu trinh sát nắm chiến trường tốt sẽ đưa ra được giờ hiệp đồng chính xác, tận dụng tối đa thời cơ.

Muốn an toàn tuyệt đối trong thực hiện nhiệm vụ vận tải biển hoặc trực trên biển, một con tàu phải có công tác chuẩn bị, huấn luyện công phu, làm chủ các tình huống, làm chủ sóng gió và sự phức tạp của biển. Kết quả ấy chỉ có được khi thủy thủ tập trung cao độ, huấn luyện thực chất thành kỹ năng, kỹ xảo, không cho phép thủy thủ được quyền say biển, thả hồn theo sóng, gió, mây trời.

Vượt lên sóng dữ

Cuối tháng 9-2021, tôi xuống Tàu Trường Sa 04, Hải đội 1, Lữ đoàn 125 đang cập tại cảng Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật, Vùng 2 Hải quân. Dù vừa đi sửa chữa định kỳ tại Nhà máy X55 về được vài hôm, nhưng ngày kỹ thuật ở tàu vẫn rất rộn ràng. Thủy thủ cặm cụi dưới mặt boong kiểm sửa, lau chùi các chi tiết, cụm chi tiết của cẩu điện trong nắng mới chói chang.

leftcenterrightdel

Thiếu tá, Thuyền trưởng Trần Văn Hải (ngoài cùng), Tàu Trường Sa 04 trong thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: HẢI MINH 

Trên đài chỉ huy, Thượng úy QNCN Hoàng Thảo Trường vừa làm việc vừa khe khẽ cất giọng ngọt ngào như ca sĩ: "Có gì sáng nay mà sóng xôn xao?/ Chân trời vẫn xanh màu nắng vẫn ngọt ngào/ Môi cười rất xinh lung linh màu áo/ Câu hát gợi lên những khát khao đại dương". Thấy tôi đứng ở cửa ca-bin và tủm tỉm cười, Trường thanh minh:

- Em chỉ hát khi tàu neo ở bờ thôi!

- Nghe nói cậu giàu nhất tàu này - Tôi tếu táo.

- Ồ! Đúng đấy anh ạ. Khoản tinh thần, sóng nước, mây trời và trăng sao thì thủy thủ bọn em nhiều vô thiên lủng, nhưng không được say nó mới khổ. Tối nay anh ở lại liên hoan “sóng” với tụi em ở tàu, tâm hồn tha hồ bay bổng!

Sau vài lời thăm hỏi, tôi chào Trường rồi cùng Thuyền trưởng, Thiếu tá Trần Văn Hải trở về câu lạc bộ của tàu. Trong số thuyền trưởng của các tàu thuộc Lữ đoàn 125 hiện nay, Hải là người có kinh nghiệm tổ chức đi biển dày dạn. Anh gắn bó với Tàu Trường Sa 04 và vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc gần 10 năm ở chức vụ Phó thuyền trưởng và Thuyền trưởng. Gặp Hải trên Tàu Trường Sa 04, tôi lại nhớ đến câu chuyện Thượng tá Lê Hồng Quang, Phó chính ủy Lữ đoàn 125 kể.

Lúc ấy, Tàu Trường Sa 04 trực tại vùng biển trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc ngày thứ 58. Vào khoảng 21 giờ ngày 3-9-2019, khi tàu đang nổ máy chống sóng thì bất ngờ nhận lệnh của trên cơ động đến Nhà giàn DK1/18, đón thi thể Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Tài. Tin ấy lan nhanh như làn sóng điện, buốt sống lưng các thủy thủ trên tàu. Biển đêm đen như mực, sóng cấp 6-7 thi nhau gầm gào, vỗ bùm bụp vào thân tàu. Con tàu rung lắc, làm anh Quang càng sốt ruột hơn. Trước đó, đầu tháng 7-2019, Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Tài và một số chiến sĩ được lệnh theo Tàu Trường Sa 04 ra Nhà giàn DK1/18 thay quân. Sau gần 60 ngày ở trên khối thép cố định giữa biển khơi, chiến sĩ có biệt danh “Tài đen” vốn rất cần mẫn, vui tính ấy đã không còn nữa. Anh đột ngột ra đi bỏ lại phía sau đồng đội, người vợ trẻ và những đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn cùng cha mẹ già. Thời bình, anh Quang và đồng đội làm nhiệm vụ trên vùng biển này đều xác định rất rõ trách nhiệm, chẳng nề hà khó khăn, gian khổ, kể cả hy sinh, nhưng khi nghe tin một đồng đội ngã xuống, anh và mọi người không khỏi bàng hoàng, đau xót. Vừa hành quân trên biển, các hoạt động chuẩn bị nơi đặt thi hài Thiếu tá QNCN Nguyễn Xuân Tài ở boong chìa được gấp rút chuẩn bị. Những suy nghĩ miên man trong đầu Lê Hồng Quang không khiến hải trình 12 hải lý trên biển đêm rút ngắn, cho dù tàu chạy với vận tốc lớn nhất. Đến lúc tàu từ từ tiếp cận nhà giàn trong ánh đèn pha loang loáng, anh càng lo hơn. Trong điều kiện sóng to, gió mạnh, công tác phối hợp vận chuyển người và hàng từ tàu vào nhà giàn ban ngày đã khó, huống hồ ban đêm. Đèn pha vệt sáng trắng như lưỡi gươm thọc vào biển đen, nhưng không thể đi hết vào những góc khuất, đôi khi làm chói mắt thủy thủ tác nghiệp phía dưới, dễ gây mất an toàn. Tất cả thủy thủ mặt boong và lực lượng tăng cường mặc áo phao đứng thành hàng dọc lan can tàu sẵn sàng đón đồng đội. Tiếng xích neo va vào biển đêm lục cục. Tàu nổ máy cơ động nhẹ chống sóng. Sau gần một giờ vật lộn với sóng gió cấp 6-7, các thủy thủ của Trường Sa 04 cũng cẩu được cáng thương từ xuồng lên tàu. Neo tàu được thu lên, 3 hồi còi hơi trầm buồn vang lên xé lòng biển đêm mịt mùng, Trường Sa 04 rời khu vực Nhà giàn DK1/18 với vận tốc cao nhất, đưa người con của biển về với Đất mẹ. Trên tàu, các thủy thủ thay nhau gác và thắp hương cho Tài như những người thân trong gia đình. 38 giờ sau, Trường Sa 04 về tới đất liền.

leftcenterrightdel

Tàu của Lữ đoàn 125 phối hợp huấn luyện với lực lượng Hải quân đánh bộ. Ảnh: HẢI MINH 

Thiếu tá Trần Văn Hải kéo tôi trở về thực tại: Đầu tháng 5-2020, Tàu Trường Sa 04 tổ chức tiếp nhận 30 ngư dân từ Nhà giàn DK1/11 bị hỏng tàu cũng là một kỷ lục đáng nhớ trong tác nghiệp đêm. Các thủy thủ trên tàu phải mất tới 5 giờ đánh vật với sóng dữ để đưa 30 ngư dân lên tàu. Năm 2021 này, Tàu Trường Sa 04 có hai chuyến đi khó quên, nhất là chuyến chở cán bộ đi thực hiện nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV từ ngày 4 đến 20-5.

Không thể kể hết khó khăn, vất vả trong thực hiện nhiệm vụ ngoài biển mà cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 đang đối mặt. Với họ, biển rất đẹp nhưng không được say và chủ quan với biển. Lời Thượng tá Nguyễn Đình Lịch quả chí lý.

QUANG DŨNG