Chuyến tàu định mệnh
Cách đây tròn 10 năm, trong chuyến đi tìm tư liệu viết về 6 chiến sĩ Đoàn tàu không số làng chài Phước Hải nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi được gặp má Mười Riều (mẹ ruột của ông Lê Hà-PV) và ông Lê Hà, nguyên Thuyền trưởng thuộc Đoàn tàu không số. Bên ghế đá trước căn nhà đồng đội do Lữ đoàn 125 xây tặng, má Mười Riều kể về chuyện bán hết tài sản và số vàng là của hồi môn ngày đi lấy chồng để mua gỗ đóng thuyền phục vụ cách mạng. Còn ông Lê Hà kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng cùng đồng đội vượt biển trên con tàu gỗ.
10 năm sau, chúng tôi lại có cơ hội trò chuyện cùng ông, tiếp tục nghe ông kể những câu chuyện trong 11 năm gắn bó với những chuyến tàu không số. Trong đó, câu chuyện về chuyến tàu thứ 10 để lại trong ông nhiều nỗi buồn sâu thẳm...
|
|
Ông Lê Hà (đứng giữa, hàng sau) trước ngày vượt biển ra Bắc. |
Gần 50 năm trước, ngày 12-4-1972, trên con tàu mang bí số 645, ông Lê Hà cùng 21 thủy thủ chở 50 tấn đạn, 1 tấn thuốc nổ TNT theo hải trình từ Hải Phòng tới vùng biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cũng như 9 chuyến đi trước đó, cuộc vượt biển thứ 10 của ông và đồng đội vẫn thực hiện với chiến thuật đêm đi, ngày ngụy trang thành tàu đánh cá trong điều kiện “trên trời máy bay địch do thám, trinh sát, dưới mặt biển tàu địch phục kích”. Phương tiện dẫn đường duy nhất của tàu là chiếc la bàn từ dẫn. Việc xác định phương hướng, đường đi chủ yếu bằng mắt thường và kinh nghiệm của thủy thủ.
Sau 11 ngày lênh đênh trên biển, Tàu 645 tiến vào vùng biển Cà Mau. 14 giờ ngày 23-4-1972, tàu nhận được điện mật: “Đêm nay có thuyền đón ở mũi Cà Mau”. Tất cả thành viên đều mừng rỡ bởi chuyến đi sắp thành công. Nhưng đến chập tối, tàu địch xuất hiện, đánh tín hiệu yêu cầu kiểm tra. Tình thế nguy cấp, quyết không để tàu rơi vào tay địch, Thuyền trưởng Lê Hà và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu bình tĩnh chỉ huy các thủy thủ cho tàu tiến ra vùng biển quốc tế, vòng tránh và ngụy trang làm “ngư dân đánh cá”.
Rạng sáng 24-4-1972, khi xác định rõ Tàu 645 là “tàu Bắc Việt giả dạng”, địch nổ súng bắn uy hiếp. Trước tình thế đó, thuyền trưởng và chính trị viên quyết định nổ súng chống trả. Các loại súng của ta hướng nòng về phía tàu địch đồng loạt nhả đạn... Các thủy thủ: San, Lân, Giang, Thẻ lần lượt trúng đạn và hy sinh.
Trúng một quả đạn pháo lớn, Tàu 645 bị hư hại nặng. Biết rằng tàu không thể thoát, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đề nghị Thuyền trưởng Lê Hà và anh em khoác áo phao nhảy xuống biển, còn anh xin ở lại, điểm hỏa bộc phá hủy tàu để phi tang vũ khí, hàng hóa. Thủy thủ Thẩm Hồng Lăng cũng xung phong ở lại cùng Nguyễn Văn Hiệu. Khi các thủy thủ đã xuống nước, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu và Thẩm Hồng Lăng nán lại thu thập tài liệu để hủy. Lúc hai anh khoác áo phao định xuống cùng đồng đội thì phát hiện một tình huống vô cùng nguy hiểm: Tất cả thủy thủ đều bị thương và đang cố gắng cụm lại thành một khối, dìu nhau bơi ngay sát thân tàu.
Tàu bị hỏng lái, chỉ còn chạy vòng tròn, lúc ở gần thủy thủ, lúc ở xa. “Nếu hủy tàu bây giờ thì tất cả sẽ hy sinh”. Nghĩ vậy, Nguyễn Văn Hiệu quyết định không rời tàu, đợi tàu ra xa vị trí của đồng đội rồi mới điểm hỏa. Anh nói với Thẩm Hồng Lăng, nửa như ra lệnh, nửa như khẩn khoản: “Em còn trẻ. Anh đã có vợ con, em còn chưa có người yêu. Lăng nhảy xuống biển bơi cùng anh em đi”.
Thẩm Hồng Lăng vờ như không nghe thấy, cứ lúi húi ngồi đốt hủy tài liệu trên boong tàu. Nguyễn Văn Hiệu quát to: “Đồng chí về báo cáo với đoàn là tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và cho tôi gửi tới anh em lời chào chiến thắng”, rồi bất ngờ anh lao tới đẩy Lăng xuống biển. Nguyễn Văn Hiệu bước về phía cột cờ, nơi cao nhất của con tàu, nơi để đoạn dây điện nối với kíp điểm hỏa bộc phá, đợi khoảng cách an toàn giữa tàu và đồng đội...
Một tiếng nổ mạnh phát ra, kéo theo quầng lửa đỏ cùng với cột sóng cao hàng chục mét. Trung úy Nguyễn Văn Hiệu hy sinh. Các thủy thủ sau khi nhảy xuống biển, bơi được một đoạn dài thì bị địch dùng trực thăng trinh sát và tàu vây bắt. Thuyền trưởng Lê Hà và đồng đội bị chúng giam tại nha cảnh sát Sài Gòn, sau đó chuyển về Biên Hòa, rồi chuyển sang nhà tù Phú Quốc.
Tìm lại danh dự
Sau gần một năm bị giam cầm, tháng 3-1973, Lê Hà cùng nhiều đồng đội được ra Bắc theo hình thức trao trả tù binh. Tháng 12-1976, ông Lê Hà trở về quê hương Phước Hải, Long Đất, Đồng Nai (nay là thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) theo chế độ phục viên. Thế nhưng, trong thời gian tù đày, ông bị thất lạc hết hồ sơ, giấy tờ đảng viên. Vì thế, địa phương “chưa chấp nhận” ông là đảng viên, thậm chí còn xuất hiện nhiều tin đồn xấu.
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên chiến sĩ Đoàn tàu không số, từng công tác với ông Hà, khẳng định: “Khi bác Hà về địa phương, có nhiều tin đồn. Nhưng đó là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt. Chiến tranh loạn lạc, chuyện thất lạc giấy tờ là bình thường”.
Trước câu chuyện của ông Lê Hà, có đảng viên ở địa phương đề nghị tổ chức kết nạp Đảng lại cho ông. Ông gạt đi: “Tôi có bị khai trừ đâu mà phải kết nạp Đảng lại!”.
|
|
Má Mười Riều và con trai Lê Hà. |
Thời gian trôi nhanh, cuộc sống của một ngư dân không làm người cựu chiến binh vơi đi ký ức về những ngày cùng đồng đội chiến đấu, trong những chuyến vượt biển sinh tử. Song hành với đó là những điều tiếng không đáng có. Nhưng, không vì thế mà ông ngừng cống hiến cho xã hội. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mẫu mực, ông được người dân địa phương tin tưởng, giao nhiều trọng trách, như: Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Đất Đỏ... Trong những năm tháng cống hiến ở quê nhà, ông thích nhất việc gặp gỡ, kể chuyện truyền thống, giao lưu với thế hệ trẻ. Ông được nhiều trường học ở địa phương mời nói chuyện cho học sinh về “6 chiến sĩ Đoàn tàu không số ở làng chài Phước Hải vượt biển ra Bắc từ năm 1962”; những câu chuyện chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng của thủy thủ hải quân trong chuyến vượt biển cuối cùng trên Tàu 645...
Thanh niên làng chài Phước Hải được ông truyền đạt lý tưởng sống đẹp của tuổi trẻ thời lặng im tiếng súng. Hàng trăm câu chuyện chiến đấu, hàng chục buổi trò chuyện với học sinh, thanh niên, dân quân, cựu chiến binh trong xã là ngần ấy lần ông truyền đi hình ảnh về bản lĩnh cao đẹp, trí tuệ kiên cường, dũng khí kiên trung, tận trung với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân của Bộ đội Cụ Hồ.
Đồng thời, để chứng minh cho sự trong sạch của mình, ông làm “kiểm điểm tự thực”, báo cáo toàn bộ quá trình chiến đấu, đặc biệt sau khi bị địch bắt, trong suốt thời gian bị giam cầm. Cùng với đó, ông trở ra đơn vị cũ (Lữ đoàn 125, khi đó đóng quân ở Hải Phòng-PV) để xin chứng nhận sinh hoạt đảng tạm thời. Được thêm sự giúp đỡ, bảo đảm từ những nhân chứng là đồng đội, chỉ huy các cấp của đơn vị, ngày 24-6-1995, ông nhận được Quyết định phục hồi Đảng tịch của Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu, sau nhiều năm mang hàm oan “bị khai trừ Đảng”.
Kể từ đây, cuộc đời ông Lê Hà bước sang trang mới trong lấp lánh niềm vui. Đến nay, ông là người duy nhất còn sống trong 6 chiến sĩ Đoàn tàu không số làng chài Phước Hải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày ấy. Ở cái tuổi ngoài bát thập, ông vẫn khỏe mạnh, bất kể khi nào có cơ quan, trường học mời đến trò chuyện, ông lại hào hứng tham gia. “Nếu có ai cần việc gì mà tôi làm được, tôi luôn sẵn sàng”, người đảng viên 82 tuổi đời, 58 tuổi Đảng quả quyết.
(còn nữa)
Bài và ảnh: MAI THẮNG - HOÀNG VIỆT