Trung thành với “sợi chỉ đỏ”
Chiều ngày hè, tôi gõ cửa phòng làm việc của Trung tướng Trần Quang Trung. Sau bất ngờ bởi lâu ngày gặp lại là cái bắt tay thật chặt, anh tự tay pha trà mời khách mặc cho tôi xin giành “đặc ân” của người ít tuổi. Nước trà màu vàng chanh anh hãm nổi bật trong lòng cốc trắng tinh khiết thoang thoảng hương sen, khiến cái nắng hè bức bối, ngột ngạt của đất xứ Đoài dịu đi. Và cuộc trò chuyện giữa tôi với anh dường như không có hồi kết.
Anh Trung tâm tình: "Bố mẹ mình đặt tên là Trung và nghĩa của chữ ấy vận vào mình từ khi nhập ngũ như định mệnh. Đó không chỉ là trung với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung với nước-“sợi chỉ đỏ” Bác Hồ kính yêu đã dạy mà còn trung với nguyên tắc, nội dung, phương pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị". Chữ “trung” ấy đã dẫn dắt anh đến với chữ “đức”, chữ “liêm” một cách tự nhiên để làm tròn vai trò trung tâm đoàn kết trong lãnh đạo tập thể.
Anh nhớ lại ngày làm trợ lý hậu cần Tiểu đoàn 33, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia) cách đây 37 năm. Hồi đó, anh có nhiều cơ hội để “rủng rỉnh tiền tiêu”, nhưng chữ “trung” đã giúp anh đứng thẳng, tôi rèn thêm chữ “liêm”, chữ “đức”, giữ được tâm trong sáng. Chẳng là lúc ấy, anh phụ trách bảo đảm hậu cần phục vụ cán bộ, chiến sĩ các phân đội ngoài mặt trận nên thường xuyên di chuyển nhận, cấp hàng. Chỉ cần anh tham, cố tình bớt xén thì hàng chục cân gạo, đường, muối hoặc mấy lon sữa... rời khỏi thùng xe là anh đã có “của để dành”. Tuy nhiên, đời sống chiến trường thiếu thốn, bộ đội luôn phải đối mặt với những trận đánh lén của tàn quân Pol Pot không cho phép anh làm điều đó. Và trên hết là trách nhiệm của người phục vụ: “Một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sĩ” càng không cho phép anh ngụy tạo lý do bớt xén tiêu chuẩn bộ đội. Năm 1985, trong một lần đi nhận hàng hậu cần, xe của tổ công tác gồm 3 người do anh chỉ huy vướng phải mìn, bị lật nhào và anh bị hất tung xuống vệ đường, ngất lịm. Khi tỉnh dậy, dù đang bị thương nhưng anh nỗ lực hết mình, dùng chút tiếng Campuchia bập bẹ nhờ bà con bản địa xung quanh trợ giúp. Họ hối hả cứu đồng chí Uyên thủ kho người Hải Phòng bị hất xuống hồ nước, đồng chí Quang lái xe ở vệ đường rồi thu gom lương thực rơi vãi, tìm cách báo về đơn vị. Kỷ niệm ấy anh khắc cốt ghi tâm.
|
|
Trung tướng Trần Quang Trung với các học viên. Ảnh: TÂN LONG |
Sau này, lúc giữ cương vị bí thư đảng ủy, chính ủy của một đơn vị làm kinh tế, chữ “trung” càng giúp anh giữ vững liêm sỉ và đạo đức cán bộ, không sa vào việc xấu. Anh kể, thời điểm đó, một số cán bộ đã "tranh tối tranh sáng", chiếm dụng vốn, đầu tư sai mục đích và thậm chí tìm cách để quỹ ngoài sổ sách, trục lợi. Anh cùng với Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng thành viên kiên quyết xử lý. Một cán bộ bị khởi tố và 6 cán bộ khác bị kỷ luật về Đảng và chính quyền. Sau vụ việc đó, anh cùng Đảng ủy và Hội đồng thành viên tập trung mạnh mẽ các biện pháp để lãnh đạo, lấy lại niềm tin với đối tác để đơn vị phát triển tốt hơn.
Anh trải lòng, một cán bộ lãnh đạo, uy tín được hội tụ từ nhiều nguồn, nhưng nguồn cơ bản nhất vẫn là con người của cán bộ ấy có trung thành với những gì đã được học, được rèn và tiếp cận với việc công thế nào, chất lượng đến đâu; ứng xử với cấp trên, cấp dưới, đồng cấp ra sao... Nếu tận trung với lý tưởng, niềm tin, với nguyên tắc lãnh đạo thì sẽ có đạo đức tốt, có liêm sỉ, vượt qua mọi khó khăn, kể cả là sự bắn phá của “đạn bọc đường”.
Đứng vững trên cả hai lĩnh vực
Trung tướng Trần Quang Trung sinh năm 1962 ở xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thời học phổ thông, anh là học sinh chuyên toán của tỉnh và nằm trong đội tuyển tham dự thi quốc gia. Gác lại ước mơ vào đại học, năm 1980, Trần Quang Trung nhập ngũ vào Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 (Binh đoàn 678), tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào. Trong thời kỳ làm nhiệm vụ ở Campuchia, anh từng đạt danh hiệu “Chiến sĩ quyết thắng”, được báo cáo thành tích, kinh nghiệm trong Đại hội mừng công do Mặt trận 479 tổ chức.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Chính trị, anh được điều về Trung đoàn 33 (Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần) công tác. Tính đến nay, anh đã trải qua nhiều loại hình đơn vị, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý khác nhau. Và gần như mỗi lần chuyển công tác là một lần gia đình anh chuyển chỗ ở, trong đó có 3 lần chuyển xuyên Bắc-Nam với khoảng cách cả nghìn ki-lô-mét. Kèm theo những lần chuyển ấy là những khó khăn không tên phải trăn trở, phải khắc phục kéo dài cả năm trời mới ổn định. Anh tâm tình, muốn làm tốt vai trò của một chính ủy trong tình hình hiện nay, vấn đề quan trọng hàng đầu là cần nắm chắc và vận dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; định hướng, gợi mở các vấn đề cùng tập thể bàn bạc, xây dựng quy chế chặt chẽ và vận hành quy chế dân chủ, khách quan. Cán bộ chủ trì cần có nhãn quan chính trị tốt, đánh giá chính xác các hiện tượng trong đơn vị để huy động sức sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Liên tục đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện phương pháp, tác phong công tác và đừng bao giờ sợ mất thành tích hoặc sợ phê bình.
Trong năm 2021 vừa qua, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Trung tướng Trần Quang Trung và Thường vụ Đảng ủy đã lãnh đạo nhà trường đạt nhiều kết quả tốt, đặc biệt trong điều kiện vừa học tập, huấn luyện vừa phòng, chống dịch Covid-19. Anh kể, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang đầu tháng 5-2021 và sau đó là TP Hồ Chí Minh, anh cùng tập thể Thường vụ Đảng ủy họp, thống nhất tăng cường lực lượng, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, nhất là đấu tranh với những quan điểm đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và cộng đồng. Anh trải lòng, đây cũng là thời cơ để rèn luyện đội ngũ cán bộ chính trị tương lai, gắn học tập với thực tiễn xã hội và qua đó để phát huy, mở rộng vai trò, tầm hoạt động của các câu lạc bộ lý luận trẻ. Anh tâm tình, để phát huy được sức mạnh cá nhân, tập thể trong một việc nào đó thì người cán bộ chính trị phải thấm nhuần quan điểm, nguyên tắc, cách thức. Cần tổ chức lực lượng chặt chẽ gắn với công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng động cơ, quyết tâm để tạo thành phong trào. Muốn duy trì phong trào thì phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá, từ đó mới có biện pháp để nâng cao chất lượng.
Theo anh Trung, năm học 2021-2022, Đảng ủy nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định.
Trong năm học vừa qua, dưới sự chủ trì của anh, Thường vụ Đảng ủy đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo, loại học một học viên năm thứ tư, mà như anh nói là phải mất nhiều đêm cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi trong thời gian dài, học viên này liên tục có đơn, thư khiếu nại gửi tổ chức đảng các cấp trong nhà trường dù đã được các cơ quan chức năng làm việc nghiêm cẩn, kết luận trả lời thỏa đáng. Học viên này có các biểu hiện lợi dụng chủ trương chống tiêu cực và quyền khiếu nại, tố cáo để gây phiền hà cho đơn vị, vu khống đội ngũ cán bộ quản lý, tạo dư luận xấu trong tập thể.
Không chỉ hiểu sâu, thuần thục về kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, Trung tướng Trần Quang Trung còn là người có tầm nhìn xa về quân sự. Anh là người đề xuất với Đảng ủy tổ chức cho các tổ giảng viên đi thực tế ở những quân, binh chủng, đơn vị được trang bị khí tài mới, hiện đại, qua đó để giảng viên tổ chức giáo án, bài giảng chuyên sâu, sát thực tế đơn vị về lãnh đạo, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Anh cũng đề xuất với Đảng ủy tổ chức cho học viên thực tập ở nhiều loại hình đơn vị cơ sở trong toàn quân thay vì bó hẹp ở một số đơn vị bộ binh khu vực phía Bắc.
Trong đào tạo, huấn luyện, anh cho rằng, chính trị phải bám sát quân sự thì mới hiệu quả. Những biện pháp như anh đã đề xuất với Đảng ủy và triển khai thực hiện đều nhằm đến đích cuối cùng là giúp học viên chính trị tiếp cận và nắm chắc phương pháp chỉ huy quân sự. Đó chính là cơ sở để học viên không bị bỡ ngỡ trong tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị sau khi ra trường và về đơn vị mới công tác.
Chia tay Trung tướng Trần Quang Trung, nhiều câu chuyện anh kể tôi không thể tích hợp hết trong khuôn bài viết. Tôi cứ đau đáu khi nghĩ lại những vấn đề anh triết luận về chữ “trung”.
MẠNH THẮNG