Tôi đến Lữ đoàn 86, một trong những đơn vị chủ lực của Binh chủng Hóa học. Tiếp tôi là Đại úy Nguyễn Văn Thiết, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 902, Lữ đoàn 86. Anh có nước da sạm nắng, mới nhận quyết định phó tiểu đoàn trưởng cách đây gần hai tháng. Trước đó, Thiết là Đại đội trưởng Đại đội 66, đơn vị chuyên làm nhiệm vụ chống khủng bố về hóa chất, độc xạ và là Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Ứng cứu sự cố, hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân miền Bắc (Binh chủng Hóa học). Đây là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ các sự kiện chính trị của đất nước hoặc sự kiện chính trị quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Biết tôi có ý định tìm hiểu về nghề đặc biệt này, Thiết nói: “Anh muốn biết phần cứng hay phần mềm? Nếu muốn “thưởng thức” phần cứng thì em sẽ giới thiệu cho anh một vài phương tiện và khí tài tác nghiệp. Còn nếu muốn biết phần mềm thì phải theo em đi huấn luyện”. Cuối cùng, tôi quyết định chọn điểm, có nghĩa là nhờ Thiết giới thiệu cho mấy khí tài đặc chủng của nghề khi “thực mục sở thị” một nội dung nhỏ công việc đặc thù.
Sau vài cuộc điện thoại báo cáo chỉ huy và triển khai cho cấp dưới của Thiết, vài phút sau, chiếc xe đặc chủng đã phanh kít trước mặt chúng tôi. Hai chiến sĩ khác từ nhà ở phân đội với quân tư trang đầy đủ cũng cơ động đến. Xe phóng vụt qua cổng. Thiết nói với mọi người trong xe: “Chúng ta đi đếm mây, đo gió” tại tòa nhà X. Anh giải thích, đây là một phần rất nhỏ trong kế hoạch tác chiến bảo vệ sự kiện. Căn cứ vào mùa, thời tiết, hướng gió, người chỉ huy sẽ chọn các vị trí trên cao đặt khí tài, đón được gió, các đám mây có thể di chuyển đến trung tâm sự kiện. Ví dụ, một sự cố hóa chất độc hại nào đó xảy ra ở địa phương khác lẫn vào mây và theo gió có thể tán phát đến nơi tổ chức sự kiện thì những chiến sĩ trinh sát độc xạ vòng ngoài phải phát hiện ra nó cách vị trí quan sát bao xa, là loại hóa chất gì, tốc độ di chuyển thế nào, bao lâu thì sẽ đến nơi tổ chức sự kiện. Thông qua những thông số ấy, người chỉ huy phòng hóa sẽ phối hợp để di chuyển người, phương tiện trong sự kiện ra khỏi nơi nguy hiểm.
- Các anh tưởng tượng ra “đối tượng" à?-Tôi thắc mắc.
- Dĩ nhiên, nhưng sự tưởng tượng ấy phải trên cơ sở nghiên cứu, phân tích âm mưu, thủ đoạn, phương tiện của đối phương một cách khoa học rồi lên các phương án, tình huống đối phó. Bài toán ấy “xương” lắm!
Một sĩ quan trẻ ngồi bên tôi thổ lộ, công việc của bộ đội phòng hóa gần giống như lính đặc nhiệm. Dù đang đi tranh thủ, đang đi phép hay chỉ đơn giản là ra ngoài mua vật dụng cá nhân, nhưng khi có lệnh là phải tìm mọi cách về đơn vị nhanh nhất. Ba lô của mỗi người trong “đội đặc nhiệm” luôn đầy đủ trang bị, đồ dùng thiết yếu để có thể nhấc và chạy. Nếu phát hiện nguồn phát khí độc dù nhỏ cũng phải lao mình vào mà "khóa" nó lại. Thiết thổ lộ, trong công việc đặc biệt này, bộ đội phòng hóa phải có độ bền ý chí, nghị lực và sức khỏe, như một xạ thủ bắn tỉa.
|
|
Một nội dung huấn luyện chuyên ngành của Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân miền Bắc. Ảnh: MINH HƯNG |
- Nhưng mặt trái của nghề này là gì anh biết không?-Thiết bất ngờ hỏi tôi.
- Chịu, anh nói xem nào?
- Đó là không chịu được tù túng.
Rồi Thiết giải thích:
- Nói thật với anh, nếu về nhà ở với vợ con vài ngày trong căn chung cư hoặc nhà ống mặt phố thì chẳng khác bị tra tấn. Bọn em cảm thấy như bị bịt mắt, thiếu gió, thiếu không khí, thiếu bầu trời.
- Sao lại thế?-Tôi thắc mắc.
- Rồi anh sẽ biết ngay thôi!
Sau khi đã lên tum của tòa chung cư, Thiết lệnh cho các chiến sĩ triển khai công việc. Một chiến sĩ triển khai máy thông tin cầm tay và thử độ nhạy. Tiếng sóng thông tin xẹt xẹt lẫn vào tiếng gió. Chiến sĩ khác thì nhanh nhẹn mở vỏ chiếc máy trinh sát chất độc từ xa đựng trong cái túi to nặng tới hơn 40kg. Thoáng cái, tôi đã thấy đầu cảm biến, dây cáp và máy tính được lắp đặt và kết nối. Màn hình hiển thị các hình ảnh, thông số đặc trưng rất phức tạp.
Thiết giải thích: Hai người phải thay nhau trực máy này để đo gió, đếm mây, phát hiện độc xạ từ các hướng tới. Nếu phát hiện bất thường, tức là có độc xạ lẫn trong mây, trong gió thì phải báo cho lực lượng khác xử lý. Thực tế gần đây, Thiết và đồng đội phải nằm trên những nóc nhà cao tầng tới 21 ngày trong tình trạng đầu óc cực kỳ căng thẳng. Điện thoại cho người thân hoặc lướt web, xem tin tức như những người bình thường cũng không được thực hiện vì đó là điều cấm kỵ. Khó nhất là việc vệ sinh cá nhân và ăn uống. Dù được tiếp tế chu đáo nhưng đôi khi cũng phải dùng đến cơm hộp. Nhưng khổ hơn cả là bất chợt gặp người quen khi đang tác nghiệp, không giữ được bí mật công việc. Có lần người dân thấy người lạ đi lại còn gọi điện báo ban quản lý chung cư hoặc báo công an, khiến sự việc phức tạp.
|
|
Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân miền Bắc bảo đảm an toàn cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: MINH HƯNG |
Trên đường về, Thiết tiết lộ, trước khi lên xe làm nhiệm vụ, các thành viên trong đội được chính trị viên phát cho một miếng giấy ép plastic nhỏ ghi họ tên, cấp bậc, chức vụ, số hiệu. Mục đích là để nếu có sự cố hóa chất độc xạ và chẳng may hy sinh thì những người tìm kiếm dễ phân biệt. Nghe câu chuyện của Thiết, mắt tôi cay cay. Thời bình, được về nhà thăm bố mẹ, vợ con cũng chỉ là tranh thủ chốc lát. Mỗi tháng chuyển khoản hoặc giúi vào tay vợ vài triệu đồng rồi tất tưởi lên đơn vị chờ còi báo động. Như Thiết, hơn 3 tháng mới được về nhà dù gia đình cách đơn vị không xa là chuyện thường. Khi làm nhiệm vụ phải giấu mình, lẫn vào mây trời, không khí để hết lòng tận hiến.
Điều đó trong xã hội có mấy ai thấu hiểu cho những người lính chỉ "mong" thất nghiệp!
MẠNH THẮNG