Ở Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân, Trung tá Đặng Văn Hiếu được ví như “thầy thuốc” của con tàu chiến vì những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật của anh luôn xuất phát từ thực tiễn quá trình quản lý, khai thác và sử dụng phương tiện, trang bị, khí tài trên tàu. Đến nay, dù làm việc trên cơ quan Lữ đoàn nhưng anh vẫn coi những con tàu là người bạn thân thiết. Anh có thói quen, niềm vui là luôn chủ động thăm, “kiểm tra sức khỏe” của những con tàu bất kể lúc nào.

Lần ấy vào buổi trưa, trời nắng chang chang thì hệ thống điều hòa không khí của Tàu 380 bị hỏng. Nhân viên chuyên môn của tàu chạy hết chỗ này đến chỗ khác để kiểm tra mà vẫn không tìm ra lỗi. Thế rồi tôi thấy anh xuống tàu và đi vào khoang. Không lâu sau, anh em thông báo hệ thống điều hòa trên tàu đã hoạt động trở lại.

Số là khi nghe tin hệ thống điều hòa trên tàu “chết lâm sàng”, anh Hiếu đã mang theo bo mạch do chính anh tự nghiên cứu, thiết kế đến để thay thế. Anh nói với tôi, do ở dưới tàu nhiều năm nên anh phát hiện ra hệ thống điều hòa của tàu loại này rất hay chết bo mạch. Tìm mua trên thị trường thì không có, vì tàu sản xuất ở nước ngoài. Anh quyết định bắt tay vào nghiên cứu nguyên lý hoạt động rồi tự mua vật liệu, linh kiện, chế ra một cái bo mạch mới. Sau nhiều lần thử nghiệm, chỉnh sửa, bo mạch hoạt động trơn tru. Thế là, cứ tàu nào bị mất điều hòa là cán bộ, thủy thủ lại gọi đến anh.

Càng gần, càng hay trò chuyện, tôi càng biết được nhiều thông tin và kính phục cái chân chất, giản dị trong suy nghĩ của anh. Một trong những phẩm chất đáng nể ở anh đó là khắc phục khó khăn. Năm 2008, sau khi cưới, anh đưa vợ vào TP Vũng Tàu và thuê nhà ở. Hai năm sau, anh và vợ quyết định vay tiền của gia đình, người thân mua một mảnh đất nông nghiệp và dựng nhà tạm. Đến nay, sau nhiều năm chắt bóp, anh cũng chưa có tiền để xây nhà mới tiện nghi. Tuy nhiên, dù cuộc sống còn khó khăn và thiếu trước hụt sau nhưng nhuệ khí, niềm tin và sự say mê sáng tạo của anh không hề tụt giảm.

Gần đây, vào hôm tàu của chúng tôi tổ chức ngày kỹ thuật, tôi thấy anh chui ra từ hầm máy với những giọt mồ hôi thấm bộ rằn ri.

- Anh đến lúc nào đấy?

- À, mình đến lâu rồi.

Tôi kéo anh đến chỗ thoáng ở boong tàu. Khi tôi phóng mắt về những con thuyền “no cá” ỳ ạch mang theo thành quả của ngư dân về cảng thì anh lau vội khuôn mặt còn lấm lem dầu máy. Rồi anh đưa tôi trở về miền quê Giao Thủy, Nam Định của anh. Anh kể, ngày bé anh rất vất vả vì phải giúp mẹ công việc đồng áng. Cũng từ bé, anh đã mang trong mình ước mơ và khát vọng được trở thành lính thủy trên những con tàu hải quân, bảo vệ quê hương. Anh nỗ lực học tập không ngừng nghỉ. Anh tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, khi chăn trâu cắt cỏ, khi gặt lúa trên đồng để học và thi đỗ vào ngôi trường mơ ước...

Những nỗ lực của anh được đền đáp xứng đáng khi anh nhận giấy trúng tuyển vào Học viện Hải quân. Sau thời gian dài “mài chữ” ở đây, anh được điều động về nhận công tác tại Tàu 378, Lữ đoàn 167 với chức danh Trưởng ngành cơ điện.

leftcenterrightdel

Trung tá Đặng Văn Hiếu theo dõi hiệu quả sáng kiến tại hệ thống pháo Ak-176 trên tàu tên lửa.

Thời điểm này, Lữ đoàn được biên chế nhiều trang bị mới, hàm lượng công nghệ cao, đa dạng về chủng loại. Nhưng dưới sự tác động khắc nghiệt của môi trường, qua nhiều năm khai thác, sử dụng, tuổi thọ, độ tin cậy, tính đồng bộ của phương tiện ngày càng suy giảm, tần suất hỏng hóc ngày càng tăng. Trong khi đó, vật tư, linh kiện để thay thế là loại đặc chủng khó khai thác trên thị trường. Từ đây, anh bắt đầu ứng dụng những gì mình học vào thực tiễn. Rồi các sáng kiến, cải tiến nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị, máy móc của anh ra đời, tạo động lực, kích thích, khơi dậy đức tính ham tìm tòi, sáng tạo của anh.

Anh đã nhen nhóm cho mình những ý tưởng táo bạo. Anh đánh vật với những sáng kiến. Biết bao đêm thức trắng dưới ánh đèn để nghiên cứu tài liệu về cấu tạo, tính năng từng trang bị, những hạn chế, bất cập trong khai thác sử dụng, trong bảo dưỡng và sửa chữa. Biết bao cuộc gọi kéo dài hàng tiếng đồng hồ cho các kỹ sư tiếp nhận, lắp đặt máy móc trang thiết bị để có thể hiểu thêm về những “đứa con” của mình. Nhiều sáng kiến của anh đã ra đời trực tiếp góp phần tăng hiệu quả công việc, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho Nhà nước và đặc biệt là nâng cao tuổi thọ cho trang bị, cung cấp được nguồn dự phòng thay thế cho các linh kiện đặc chủng quân sự khó tìm.

Anh trầm tư nhớ lại: “Hôm đó, đơn vị chúng tôi đã vào tuyến bắn thì tổ hợp tua bin của Tàu 380 bất ngờ gặp sự cố, việc thì gấp, thời gian ngắn, trước áp lực từ sở chỉ huy phía trước, nhiều anh em lúc đấy đã mất bình tĩnh trong xử lý các hỏng hóc. Từ đó, tôi đã nhen nhóm lên ý tưởng đưa ra cuốn cẩm nang để anh em thuận tiện trong vận hành và học tập, đặc biệt là trong điều kiện thời gian cấp bách trên biển xa”.

Sau này, để biết rõ hơn tác dụng của những sáng kiến của Trung tá Đặng Văn Hiếu, tôi tìm gặp Đại úy Lê Văn Du, Trưởng ngành cơ điện của Tàu 377. Du chia sẻ: “Cuốn cẩm nang “Sử dụng Tổ hợp tua bin khí M15-E” của anh Hiếu gần như đã tổng hợp tất cả lỗi hư hỏng và biện pháp xử lý, cho biết được các cảnh báo, nghiêm cấm khi khai thác sử dụng. Đây cũng là cuốn tài liệu gối đầu giường của cán bộ, chiến sĩ ngành cơ điện”.

Thiếu tá QNCN Hoàng Tuấn Vũ, Tiểu đội trưởng Tua bin thì tâm sự: “Cuốn cẩm nang của đồng chí Hiếu giúp chúng tôi rút ngắn được thời gian tìm và sửa chữa nhiều hỏng hóc mà không phải phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho Nhà nước, công sức của bộ đội, đặc biệt lúc hoạt động ở biển xa”.

leftcenterrightdel
 Thiết bị báo vị trí và tốc độ tàu của Trung tá Đặng Văn Hiếu được đưa vào áp dụng thực tiễn.

Trước những vấn đề khó, anh càng quyết tâm, trăn trở cố gắng hết sức để tìm tòi, nghiên cứu cách khắc phục. Để hiểu rõ từng trang bị, từng lỗi và có phương án thích hợp nhất, anh xuống tận khoang máy, mở từng con ốc, tháo từng nắp máy, lật từng trang tài liệu để nghiên cứu, từ đó có những ý tưởng thực tế nhất. Có thời điểm anh thức xuyên đêm, mắt thâm quầng vì vật lộn với những đống tài liệu tiếng Nga. Nhưng khó khăn nhất với anh vẫn là kinh phí phục vụ nghiên cứu. Nhiều lúc anh phải chia nhỏ số lương ít ỏi của mình để phục vụ đam mê.

Chỉ tay về phía Tàu 380 đang gầm gừ nhả khói, anh cho biết, con tàu ấy đang áp dụng rất nhiều sáng kiến do anh làm ra. Trong đó có những sáng kiến tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Trên con tàu ấy, anh có nhiều kỷ niệm nhất, đặc biệt là lần “vượt sóng cứu tàu” khi đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực bí mật.

Ngoài những sáng kiến giá trị đã được triển khai áp dụng thực tế trên các tàu của Lữ đoàn thì sáng kiến “Tổ sửa chữa cơ động” của anh lại trực tiếp giảm thiểu sức lao động, nâng cao tay nghề cho cán bộ, chiến sĩ. Tổ sửa chữa cơ động do anh thành lập đã tham gia sửa chữa, khắc phục các sự cố hỏng hóc về máy móc đặc biệt nghiêm trọng, nhiều tình huống cấp bách, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

Anh chia sẻ, có lần đang tiến hành sửa chữa trạm năng lượng, hệ thống điều khiển và trạm khởi động động cơ tua bin khí M15-E thì hệ thống điều khiển động cơ PAXMAN bị hỏng. Anh và đồng đội mò ra vị trí hư hỏng, nhưng suốt mấy ngày trời không tìm được căn nguyên. Cuối cùng, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài và đọc nát mấy cuốn tài liệu, sau khi tham khảo thêm ý kiến của đồng đội thì anh mới giải quyết xong.

 “Cậu biết lúc đó bọn mình vui như thế nào không?”. Đang kể anh quay sang hỏi. Tôi chưa kịp đáp lời, anh đã hỏi tiếp.

- Cậu có con chưa nhỉ?

- Em có rồi anh.

- Lúc ấy bọn mình vui như khi được ôm đứa con đầu lòng trong tay!

Đến đây thì tôi cảm nhận được nhiệt huyết, tình yêu của anh dành cho những máy móc, thiết bị, những động cơ mà anh đã sửa chữa thành công. Anh coi chúng là bạn, là đứa con mình sinh ra. Có lẽ chính vì vậy mà anh có thể gắn bó và cống hiến hết mình để đạt được những thành tích nhất định trên cương vị là một người lính kỹ thuật. Các sáng kiến của Trung tá Đặng Văn Hiếu đã giành nhiều giải thưởng. Thiết bị điều khiển khởi động của động cơ PAXMAN VP185 trên Tàu TT-400TP và bơm nhớt sơ bộ phục vụ quay cơ cho tổ hợp tua bin khí M15Э trên Tàu 12418 đoạt giải khuyến khích cấp Quân chủng. Phần mềm kiểm tra quá trình khởi động của tổ hợp tua bin khí M15Э đoạt giải nhất cấp vùng và nhiều giải thưởng khác.

Bài và ảnh: ĐẶNG ĐỒNG