“Lọt mắt xanh” của cấp trên
Một buổi sáng cuối tháng 7-1967, Trung đội 1 trong đội hình Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 10, Sư đoàn 338) hành quân rèn luyện đường rừng núi để chuẩn bị đi B. Một chiến sĩ trượt chân, mu bàn tay va vào vách đá, chảy máu. Chiến sĩ Lê Đình Nhượng đi sau lập tức đỡ dậy rồi sà vào bụi cây ven đường lấy một thứ lá, nhai dập, rịt vào, ngay lập tức máu không chảy nữa. Trung đội trưởng Nguyễn Tiến Phi thấy vậy khen ngợi: Cậu Nhượng luôn nhanh nhẹn, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, có nhiều sáng kiến trong luyện tập, đặc biệt là biết nhiều loại cây dược liệu.
Lúc giải lao, anh Phi đến bên Nhượng hỏi han. Nhượng tâm sự: "Khi em chưa đầy 14 tuổi thì bố mẹ và hai chị gái đều đã qua đời do bệnh nan y. Còn lại anh Nhưỡng, anh Bót và em tự bươn chải nuôi nhau nên học hành cũng muộn màng. Mặc dù lớp 5, 6, 7 (phổ thông cấp 2, khóa 1963-1966) em đều là học sinh giỏi cấp quốc gia, nhưng không có điều kiện để học tiếp... Từ năm 4 tuổi, em đã biết đến những dược liệu: Cam thảo, táo tàu, kỷ tử, đỗ trọng, thổ phục linh, sơn tra... do chú ruột truyền dạy. Thế nên, Tết Đinh Mùi 1967, trước bàn thờ tổ tiên, em chính thức được chú cho nhập nghề đông y gia truyền, tiếp bước tam đại (cụ Lê Đình Thửa, ông Lê Đình Dình, chú Lê Đình Lộng) trị bệnh cứu người... Ngày 1-7-1967 em nhập ngũ".
- Thế còn bây giờ?
- Em phấn đấu để thành chiến sĩ giỏi. Mong có cơ hội phát huy sáng kiến, lập chiến công! Hòa bình, sẽ trở về và làm nghề lương y.
- Được lắm! Vào chiến trường, anh sẽ đề nghị em sang đơn vị trinh sát kỹ thuật. Em sẽ có nhiều điều kiện thể hiện tài năng của mình.
Nghe Trung đội trưởng nói vậy, Nhượng mừng khấp khởi...
Chiến sĩ trinh sát kỹ thuật trung kiên, tài trí
    |
 |
Cựu chiến binh - lương y Lê Đình Nhượng.
|
Nay đã 76 tuổi nhưng ông Nhượng “săn chắc như củ tam thất”. Ông hóm hỉnh dí ngón tay trỏ vào trán mình, kể: “Đây là một yếu tố để đồng chí Nguyễn Văn Lắm, bậc thầy về quân báo, nhận tôi vào C150 Trinh sát kỹ thuật thuộc Ban Tham mưu, Bộ tư lệnh Tây Nguyên ngay khi anh Nguyễn Tiến Phi giới thiệu. Về sau, khi bản thân đi tuyển lính trinh sát, tôi mới tỏ điều đó qua lời dặn dò của ông Lắm: “Những người đã đủ phẩm chất cơ bản rồi mà lại có cái trán như của cậu, thì đấy là “vàng 10”. Vì các cậu gan góc vượt trội”. Ngẫm, tôi thấy ông Lắm nói có cơ sở!
Hồi ấy tại C150, Binh nhất Lê Đình Nhượng cũng như 12 đồng đội được thử thách riêng rẽ. Trận sốt rét rừng đầu tiên quật Nhượng chí tử. Nhân đấy, ông Lắm giao anh cho nữ bác sĩ Liên điều trị. Trong một hang đá vắng vẻ, hai chiếc võng được mắc song song, cách nhau non một gang tay! Bác sĩ Liên trẻ trung, xinh xắn, ngày ngày chăm sóc anh ân cần, chu đáo. Nhượng cắt sốt. Sức trẻ hồi phục nhanh. Anh cảm ơn bác sĩ Liên đã điều trị và chăm sóc giúp anh vượt qua cơn sốt ác tính. Sau đó anh chia tay bác sĩ Liên để về kịp dự khai giảng lớp kỹ thuật trinh sát. Khi chia tay bác sĩ Liên, anh nói: “Mong gặp lại nhau khi đất nước hòa bình. Cả hai cùng nhau thi đua để hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao nhé”.
Tốt nghiệp lớp tình báo quân sự, Lê Đình Nhượng được biên chế về Trung đội 3, C150 chuyên thu thập tình hình địch để báo cáo cấp trên. Việc rất khó, yêu cầu cao. Nhờ trí thông minh và chí tiến thủ, Nhượng trưởng thành nhanh chóng, được Chi bộ C150 kết nạp Đảng ngày 28-1-1971.
Thành tích nổi bật của Lê Đình Nhượng là lập chiến công độc đáo trong Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975. Theo lời kể của ông và tư liệu lịch sử, sau khi ta giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột (10-3) rồi đập tan cuộc phản kích của Sư đoàn 23 và một đơn vị biệt động của địch, trong vòng một tuần (từ ngày 18 đến 24-3), ông đã thu qua và dịch chính xác, kịp thời báo cáo cấp trên hai tin của phía địch cực kỳ quan trọng và nhờ đó, ta đã ứng phó rất hiệu quả với từng tình huống. Đặc biệt là bố trí Sư đoàn 320 và một số đơn vị tập kích địch rút chạy trên Đường 7, tiêu diệt hầu hết lực lượng này, giải phóng Cheo Reo, Củng Sơn, góp phần rất quan trọng kết thúc toàn thắng Chiến dịch Tây Nguyên. Sau chiến dịch, ông được thăng quân hàm vượt cấp, từ Hạ sĩ lên Thượng sĩ.
Với những thành tích ở chiến trường, Lê Đình Nhượng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Ba, 5 lần được nhận danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ".
    |
 |
Một số phần thưởng từ việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng của lương y Lê Đình Nhượng. |
Từ mẫu giữa đời thường
Ngày 20-10-1976, Lê Đình Nhượng phục viên. Sau đó, ông thi đỗ rồi tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật cơ khí Thanh Hóa, được Xí nghiệp ép dầu lạc Hàm Rồng nhận vào làm thợ máy. Ông yêu nghề, tinh thần làm chủ cao, 3 lần là Chiến sĩ thi đua của ngành công nghiệp Thanh Hóa, ông còn có nhiều sáng kiến làm lợi cho xí nghiệp. Đến năm 1987, ông xin nghỉ và hưởng chế độ mất sức theo quy định.
Về quê, ông Lê Đình Nhượng cùng vợ và các con vượt qua những thăng trầm hoàn cảnh, tạo cơ sở vững chắc để nghề đông y gia truyền phát triển. Dược liệu sạch do ông tự tay trồng cấy, chọn mua, bào chế không dùng chất bảo quản, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh thường xuyên của bà con. Ông dày công tạo ưu thế về chữa “hiếm muộn”, sinh con theo ý muốn, chữa các bệnh về tiểu đường, xương khớp, dạ dày, đại tràng, tim mạch, sa dạ dày, sa dạ con, sa trĩ và tai biến... Sổ theo dõi hành nghề được ông ghi chép cẩn thận, vì nó là "sổ về con người”-ông bảo thế. Tính đến hết năm 2024, đã có hàng nghìn người được ông khám, chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, dạy nghề. Rất nhiều người đã được ông cứu giúp...
Với những bệnh thông thường, ông hướng dẫn người bệnh tự chữa khỏi, không tốn tiền. Ông dành thời gian chữa các bệnh mà người thường không có khả năng tự chữa. Ông duy trì miễn giảm tiền thuốc theo hạn mức: 30% trở lên cho cựu chiến binh; giảm tối đa cho đồng đội C150, trẻ mồ côi, người tàn tật, người không có khả năng lao động; giảm 50% cho người góa chồng.
Tôi đã chứng kiến những lần ông rất nghiêm khắc với người bệnh. Trong đoàn 5 người từ Thái Nguyên vào để ông bắt mạch, bốc thuốc thì bà Thạo suýt phải ra về, vì bà mặc váy, trái với quy định mà ông đã thông báo: “Người đến để được bắt mạch, trang phục phải sạch sẽ, kín đáo; nhất thiết phải mặc quần dài, không được dùng váy thay quần”. Trường hợp chị Sim ở Hải Hậu (Nam Định) thắc mắc vì không được miễn giảm 50% tiền thuốc như chị H cùng đoàn. Ông ân cần giải thích: “Chị H là thợ may, góa chồng, một mình nuôi mẹ già và hai đứa con ăn học nên được giảm 50% tiền chữa bệnh”.
    |
 |
Lương y Lê Đình Nhượng với công việc thường ngày của mình.
|
Hết mình vì đồng đội
Năm 2004, Ban liên lạc truyền thống C150 tổ chức gặp mặt đồng đội ở Hà Nội. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên biết ông Lê Đình Nhượng là chuyên gia đông y giỏi, giàu y đức nên đã chỉ thị: “Từ nay trở đi, đồng đội có bệnh gì, đồng chí Nhượng chủ động cứu chữa. Gia đình người bệnh có nhiệm vụ đón tiếp lương y Nhượng!”.
Năm 2005, ông Nhượng đến tận xã Hoàng Diệu (Gia Lộc, Hải Dương) chữa bệnh tâm thần cho một đồng đội. Sau 3 năm định kỳ mỗi tháng một tuần bên nhau, ông bạn từ tình trạng đang ngồi trong xó giường bất ngờ ra nhảy xuống ao, sau một thời gian được ông Nhượng điều trị thì trở lại khỏe mạnh, yêu đời... Năm 2007, ông Nhượng cũng chữa tai biến cho một cựu chiến binh, nguyên Chính trị viên C150 ở thôn Thanh Sầm (Đồng Thanh, Kim Động, Hưng Yên). Khi gặp nhau, ông cán bộ ấy không nhận ra chiến sĩ của mình, nói không rõ tiếng, cứ quay mặt đi. Ông Nhượng hằng tháng “khăn gói quả mướp” từ xứ Thanh ra xứ Nhãn để chữa bệnh cho đồng đội. Sau hai năm, người cựu chiến binh ấy đã tự chống gậy, đi lại được. Toàn bộ chi phí thuốc men cho hai đồng đội được ông Nhượng tài trợ...
Xuân này, ông Nhượng dành cả tháng hai thăm chiến trường xưa Tây Nguyên. Ông đang tìm những đồng đội, người dân sở tại đã cùng đơn vị C150 chiến đấu mở đầu thắng lợi của mùa xuân đại thắng 50 năm trước. Ông cho biết sẽ tự tay khám, chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho họ.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG