|
|
Trung tướng Phùng Khắc Đăng dự Chương trình giao lưu song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, tháng 12-2015. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Trưởng thành trong khói lửa chiến tranh
Những ai thường xuyên được gặp gỡ và làm việc với Trung tướng Phùng Khắc Đăng đều nhận thấy ở ông một phong thái điềm đạm, lịch lãm của “sĩ phu Bắc Hà”. Nhưng bất ngờ nhất với tôi là tâm hồn thi sĩ nơi ông. Đầu tháng 5-2020, ông tặng tôi tập thơ ‘Thời gian xanh mãi” mới in với lời nhắn nhủ: “Đọc cho vui”. Thế nhưng, không chỉ vui, những vần thơ ông làm từ năm 1965-những ngày đầu quân ngũ, đã ghi lại những trải nghiệm thật đặc biệt. Đó là tham gia “một lèo 11 năm đánh Mỹ ở chiến trường miền Nam mà không một ngày về thăm nhà”, tiếp nữa là 4 năm bám trụ làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.
“Sau những ngày băng rừng, vượt núi, gồng mình chống chọi với đói cơm, nhạt muối, với sên, vắt, sốt rừng, muông thú, đạn bom và sau những trận đánh ác liệt người còn, người mất, sự sợ hãi và chai lỳ là hai cảm xúc mãnh liệt đan xen trong mỗi con người. Những trải nghiệm ấy thôi thúc người lính chiến ghi lại vài dòng nhật ký hoặc viết vội mấy câu thơ”. Ông bộc bạch như thế. Nhưng đọc hết những vần thơ của vị tướng, đồng cảm với những bâng khuâng, day dứt của ông về lẽ đời, tình người, về đồng đội, gia đình, về các miền đất ông đã đi qua mới thấy rung lên những xao động chất chứa, những thấm thía tâm can đến thắt lòng, thắt ruột.
Là thanh niên xung phong đi xây dựng công trình đập Suối Hai, sau đó chuyển về làm công nhân Xí nghiệp Mộc xẻ Sơn Tây, tháng 5-1965, chàng trai Phùng Khắc Đăng trở thành người lính. Đời bộ đội của Phùng Khắc Đăng trải qua không biết bao lần cái chết cận kề. Và, cũng vì thế, những kỷ niệm của ông luôn thấm đẫm tình đồng đội. Chuyện chia bom, chia lửa, chia đói, chia khát ở chiến trường kể bao nhiêu cũng không hết và vô cùng cảm động.
Ông nhớ mãi kỷ niệm, tháng 10-1970, sau khi làm nhiệm vụ trở về hậu cứ, bộ đội ta chịu đựng nhiều khó khăn vất vả, trong đó đói và bệnh sốt rét là nỗi ám ảnh khủng khiếp. Phùng Khắc Đăng cũng bị sốt rét nặng. Để bảo vệ những người ốm yếu, trung đoàn quyết định cho các đồng chí này lui về phía sau. Cả thảy có 35 đồng chí ở nhiều đơn vị khác nhau, cấp trên giao Phùng Khắc Đăng trực tiếp chỉ huy.
Qua một ngày hành quân, đơn vị đến vùng núi phía tây Hòa Vang (Đà Nẵng). Phùng Khắc Đăng quyết định dừng lại tìm một hang đá cho anh em trú chân. Nào ngờ, mới đến chiều hôm trước thì ngay sáng hôm sau, vùng núi này đã bị máy bay địch đến giội bom. Rồi địch xuất hiện, tràn lên. Ta nổ súng. Trận chiến giằng co, dai dẳng. Với “đơn vị thương binh”, đây là trận đánh ở tình thế hết sức hiểm nghèo. Sau hơn nửa ngày “giáp lá cà”, buộc địch phải lùi ra củng cố lực lượng, nhận thấy thời cơ di chuyển thuận lợi, Phùng Khắc Đăng cùng với chiến sĩ Nhữ Đình Quý tiếp cận các chốt chiến đấu. Tới chốt do Nguyễn Duy Toản, bạn học ở quê với Phùng Khắc Đăng và hai người nữa ở Đại đội 10 đảm nhận, Toản bị thương ở ngực, nằm ngửa, thoi thóp bên gốc cây. Một đồng chí khác hy sinh trong tư thế ôm súng, tựa vào gốc cây rừng. Các anh vội băng bó cho Toản. Phùng Khắc Đăng cầm tay bạn lay nhẹ: "Toản ơi, cố gắng sống để về quê... Đừng chết nhé...". Toản mấp máy môi nhưng không nói được câu gì, rồi tắt thở.
Phùng Khắc Đăng cúi xuống ôm bạn, cố kìm không khóc mà nước mắt vẫn cứ ứa ra mặn chát. Nhập ngũ cùng đợt với Phùng Khắc Đăng có 3 người cùng học cấp hai. Đó là Phùng Khắc Đăng, Nguyễn Duy Toản và Đỗ Danh Đồng. Những hình ảnh thời học trò ùa về, nhức nhối.
Sau chiến tranh, chỉ có Phùng Khắc Đăng trở về, Đỗ Danh Đồng và Nguyễn Duy Toản đã hy sinh ở chiến trường.
Một kỷ niệm chiến đấu khác của Phùng Khắc Đăng, đó là trong cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng tháng 3-1975. Lúc này ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 368. Trên đường hành quân tiến ra Đà Nẵng, Phùng Khắc Đăng nhận được thư của người em thứ tư báo tin bố mất. Mẹ mất sớm, bố là người nuôi dạy, chỉ bảo Phùng Khắc Đăng rất nhiều về lẽ sống ở đời. Người cha thường mang các điển cố trong sách cổ để dạy con. Là người khá am hiểu về nghề thuốc và chữ Nho, ông cũng dạy cho con những bài thuốc thông thường để chữa bệnh. Giấu đi niềm đau xót quặn lòng, Phùng Khắc Đăng đút vội lá thư vào túi áo, tiếp tục chỉ huy tiểu đoàn hành quân. Đơn vị đã tập kết đúng thời gian ở đầu cầu Trịnh Minh Thế để hành quân xuống chiếm sân bay Nước Mặn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975.
Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất nhưng Phùng Khắc Đăng và nhiều đồng đội của mình tiếp tục cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer đỏ từ cuối năm 1977 đến tháng 8-1980.
Nặng tình đồng đội
Cuối năm 1980, Phùng Khắc Đăng được điều về Học viện Chính trị-Quân sự học rồi ở lại làm giảng viên của trường.
Khi trở thành Phó chủ nhiệm TCCT, Trung tướng Phùng Khắc Đăng được giao nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo khối công tác tư tưởng, báo chí, văn hóa, văn học nghệ thuật. Một công việc rất cần ở người phụ trách kiến thức lý luận sâu rộng và sự bình tĩnh, thấu đáo, tinh tế trong ứng xử. Bởi lẽ, không phải lúc nào quan điểm của các văn nghệ sĩ cũng trùng khít với thủ trưởng TCCT.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý từng kể cho tôi câu chuyện về Trung tướng Phùng Khắc Đăng vào thời gian này. Trong một cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một tác giả được ban giám khảo nhất trí đề nghị giải nhất. Đọc tác phẩm, Trung tướng Phùng Khắc Đăng thấy nội dung còn xa rời với tiêu chí, mục đích cuộc thi đề ra và chưa thiết thực với bộ đội trong giai đoạn đó. Ông nêu ý kiến với Ban biên tập tạp chí và chỉ đồng ý truyện ngắn ấy được xếp loại B cùng với một số tác giả khác.
Đến dự lễ trao giải, ông gặp nữ tác giả ấy và nói rằng: "Xét về mặt nghệ thuật, anh rất thích truyện ngắn của em, nhưng theo yêu cầu cuộc thi thì không thể xếp nó ở giải cao nhất được. Vì em biết đấy, mọi cuộc thi văn chương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì trước hết phải ưu tiên cho việc viết về người lính, cho người lính, vì người lính". Nhà văn ấy tươi cười: "Em biết mà, các anh đã ứng xử đúng. Em cảm thấy rất vui với giải B truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong cuộc thi này".
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nói thêm: "Kể một mẩu chuyện như thế để thấy cách ứng xử vừa thẳng thắn, vừa tinh tế với các văn nghệ sĩ của những người lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa văn nghệ cần thiết biết bao. Anh em nhà văn trong quân đội dành cho Trung tướng Phùng Khắc Đăng thiện cảm, sự quý mến chân thành cũng bởi ông có sự hiểu biết về những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ quân đội và có cách ứng xử mềm mại, tế nhị".
Năm 1999, tỉnh Thừa Thiên Huế gặp trận lũ lịch sử mà nhân dân vẫn gọi là “đại hồng thủy”. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cử ông trực tiếp vào chỉ huy lực lượng quân đội giúp dân chống lụt. Ông quyết định dùng trực thăng bay vào Huế cho nhanh. Thời tiết xấu, trực thăng không có ra-đa, phi công trình bày với ông về khó khăn của chuyến bay, ông quả quyết: “Các cậu cứ bám vào dải cát ven biển mà bay”. Vào đến Huế, ông lại lệnh tiếp cho phi công bay hai vòng xung quanh TP Huế. Khi đã hạ cánh an toàn, cơ trưởng mới đến hỏi ông: “Bay trong điều kiện thời tiết xấu, thủ trưởng có sợ không? Tại sao đến Huế, thủ trưởng lại lệnh bay quanh thành phố hai vòng?”. Ông trả lời rất thật: “Sợ chứ, nhưng ở thời điểm ấy, nếu tớ cũng lộ nỗi sợ thì cậu làm sao có thể bình tĩnh mà bay. Còn về lệnh bay quanh TP Huế, nhân dân bị cô lập vì lũ lụt đã mấy ngày, đang chờ lực lượng của Trung ương đến cứu hộ, cứu nạn; chúng ta lượn mấy vòng để nhân dân nhìn thấy, có thêm niềm tin chống chọi với lũ lụt”.
Kỷ niệm nhớ mãi của đồng chí Phùng Khắc Đăng trong chuyến chống lụt lịch sử ấy là tấm lòng của nhân dân. Khi ông chỉ đạo bộ đội phát bánh mì cho người dân, nhiều người đã nói: "Các chú mang đi phát cho nơi khác. Ở đó họ bị ngập nước nhiều hơn, khổ hơn bọn tui. Họ sắp chết đói rồi...". Câu nói đó làm vị tướng từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường rưng rưng xúc động. Về sự kiện này, cuốn "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam-Biên niên sự kiện” có ghi: “Thiếu tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ nhiệm TCCT... trực tiếp chỉ huy chống lũ lụt tại miền Trung năm 1999". Khi hỏi ông về chuyện này, ông nói vui: "Mình bao năm đi chiến đấu, được thưởng cũng khá nhiều huân, huy chương mà không có một dòng nào được ghi trong Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Thế nhưng, qua trận lụt năm 1999, không những một mà được ghi tới hai dòng vào cuốn sử”.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng cũng được Bộ Quốc phòng cử vào Tây Nguyên công tác hai lần (năm 2001 và năm 2004) khi nơi đây có “tình huống” về an ninh, quốc phòng. Mỗi chuyến đi, ông đều coi trọng việc trực tiếp nắm dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, từ đó thấy được thực chất vấn đề. Ông đã có những ý kiến sắc sảo, sát thực khi đề xuất các giải pháp ở tầm chiến lược với lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Năm 2020, ông đi nghỉ dưỡng ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Một hôm, trên bãi biển, ông thoáng thấy một người đàn ông đi ngang qua. Người này sau nhiều đắn đo đã tiến lại gần và hỏi: “Em hỏi thủ trưởng có phải là Trung tướng Phùng Khắc Đăng không ạ?”. “Chính là tôi, anh là ai?”. Người đó tự giới thiệu tên là Thanh, trước là cán bộ tuyên huấn trong quân đội, nay chuyển ngành ra ngoài làm công tác tuyên giáo. Anh Thanh nói: “Có thể thủ trưởng không để ý, nhưng khi chuyển ngành, em mang theo bộ sách về phòng, chống “diễn biến hòa bình” (DBHB) do thủ trưởng chỉ đạo xuất bản, thật là cuốn “cẩm nang” rất quý cho công tác của em hiện nay, nhất là trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.
Tâm sự của anh Thanh gợi lại trong Trung tướng Phùng Khắc Đăng một kỷ niệm đáng nhớ. Đầu năm 2005, đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch tiến hành chiến lược DBHB ngày càng tinh vi, hiểm độc. Một cuộc hội thảo lớn tầm cỡ quốc gia về phòng, chống DBHB do Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và TCCT phối hợp tổ chức. Sau hội thảo, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương đề nghị quân đội làm nòng cốt trên “mặt trận” đặc biệt này. Là Phó chủ nhiệm TCCT phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa, đồng chí Phùng Khắc Đăng nghĩ đến việc biên soạn một bộ sách 5 quyển gồm những vấn đề cơ bản về: Dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và phòng, chống DBHB. Công việc công phu và đầy khó khăn này được giao cho Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng). Bộ sách ra đời, thực sự là “cẩm nang” cho công tác phòng, chống DBHB cả trong và ngoài quân đội. Cho đến nay, đã gần 20 năm trôi qua, nhưng giá trị của bộ sách vẫn được đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo đánh giá là “còn nguyên giá trị và tính thời sự”.
Nghỉ hưu chứ không nghỉ việc, điều đó rất đúng với Trung tướng Phùng Khắc Đăng. Ông vẫn theo dõi kỹ lưỡng những vấn đề thời sự của đất nước và quân đội, tự mình thẩm định những thông tin, góp ý đến các cơ quan chức năng rất cẩn thận và đúng quy định. Có lần, trên mạng xã hội xôn xao tranh luận về một vấn đề lịch sử quân sự. Tận mắt tôi chứng kiến ông tra cứu tư liệu, tìm gặp nhân chứng rất tỉ mỉ, cụ thể. Tưởng ông sẽ trực tiếp phát ngôn về vấn đề này thì ông bảo: “Mình tìm hiểu để biết rõ sự thực, nếu lãnh đạo Bộ Quốc phòng và TCCT mà hỏi ý kiến thì bày tỏ cho đúng đắn”. Khi biết Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, ông đã chủ động tra cứu các nguồn tài liệu trước đó, so sánh, đối chiếu để phát hiện những nội dung mới, bổ sung và phát triển của Nghị quyết 847 về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ...
Từ một chiến sĩ, Phùng Khắc Đăng trưởng thành theo năm tháng gian lao, qua nhiều thử thách nghiệt ngã của thời chiến tranh và cả hòa bình, được Nhà nước thăng quân hàm Trung tướng, giữ chức vụ Phó chủ nhiệm TCCT, rồi nghỉ hưu nhưng vẫn đảm nhiệm trọng trách Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (2 khóa), đại biểu Quốc hội... Trên tất cả các cương vị, ông đã sống trọn vẹn trách nhiệm với đất nước, với quê hương, với đồng đội, người thân. Hiện nay, “cáo lão điền viên” nhưng ông vẫn mải miết với những công việc nghĩa tình đồng đội, tổ chức những sinh hoạt giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, vẫn miệt mài đi và viết, như một nghĩa vụ mà ông tự giao cho mình.
HOÀNG VIỆT