Sau gần hai giờ lắc lư cùng chiếc xe bán tải từ cột cờ Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, men theo con đường độc đạo chênh vênh, vắt ngang sườn núi, chúng tôi cũng đặt chân đến Y Tý, nơi có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển.

Trước mắt chúng tôi lúc này bao la là rừng, là các tràn ruộng bậc thang, bát ngát một màu xanh, kéo dài từ đỉnh Lảo Thẩn-nóc nhà Y Tý xuống tận thung sâu, tiếp giáp biên giới. Giữa không gian bồng lai tiên cảnh ấy, chúng tôi nghe rõ tiếng trêu đùa, nói cười khúc khích của các chàng trai, cô gái vùng cao đang hối hả trên đường xuống chợ phiên.

Còn đang ngây ngất trước không gian vùng cao ngập tràn sắc xuân, tôi bỗng giật mình bởi cái vỗ vai đau điếng. Thì ra Thiếu tá Nguyễn Tài Phước, Đội trưởng Đội sản xuất số 3 đã đón đợi từ bao giờ, giọng anh hồ hởi:

- Rất vui được đón các anh lên với “đại gia đình Y Tý"!

- “Đại gia đình Y Tý”?

- Những ngày xuân ấm áp, cả đại ngàn Y Tý này chẳng khác nào đại gia đình-Anh Phước vui vẻ giải thích.

Đêm vùng cao, bên chén rượu San Lùng nồng ấm cùng nồi thắng cố sôi lục bục, cán bộ, chiến sĩ Đội sản xuất số 3 và các chàng trai, cô gái bản Lao Chải chuyện trò rôm rả. Tết Nhâm Dần năm nay, bà con người Mông, Hà Nhì, Dao đỏ trên đỉnh núi mù sương Y Tý càng phấn khởi hơn khi nhiều loại cây, con giống cùng những kinh nghiệm quý về chăn nuôi, trồng trọt được cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đội sản xuất số 3 phổ biến cho đồng bào giờ đã “kết trái đơm hoa”. Nhất là giống lúa nếp cao sản gieo cấy ở thung lũng Thề Pả, đạt năng suất cao gấp hai lần giống lúa truyền thống. Bởi thế, mâm cơm của đồng bào Y Tý dịp Tết này thêm đầy đặn.

Đến bản Mò Phú Chải, Trưởng bản Phu Xuy Có và đồng bào đã đợi sẵn. Giọng trưởng bản trịnh trọng tuyên bố: “Hôm nay, bản mình được đón các anh bộ đội và lãnh đạo địa phương. Họ là những người đã hướng dẫn đồng bào Hà Nhì mình cách làm ra nhiều của cải. Bởi thế, bữa tiệc này, bà con phải mời họ uống say nhé, cũng là mừng bản mình có cái Tết thật to”.

leftcenterrightdel
Bộ đội Đội sản xuất số 3 cùng bà con chuẩn bị các món ăn ngày Tết. 

Nói đoạn, ông tưới chén rượu ngô lên một góc bàn thờ, chắp tay thành kính, lầm rầm tiếng Hà Nhì. Già làng Lý Giá Xe gật gù, quay sang tôi giải thích: “Bao giờ có khách quý đến nhà, đồng bào mình cũng phải báo tổ tiên, để nhận được sự an lành, sức khỏe...”. Bữa cơm của đồng bào Hà Nhì ở Mò Phú Chải càng trở nên vui vẻ, ấm cúng khi có bộ đội, công an, dân quân và cán bộ xã cùng tham dự. Chị Có Gờ Be, người dân trong thôn vui vẻ: “Mấy năm nay, người Hà Nhì, người Dao đỏ, người Mông ở Y Tý đều ăn chung cái Tết cùng cả nước đấy”.

leftcenterrightdel

Bộ đội Đội sản xuất số 3 và bà con bản Lao Chải luyện tập văn nghệ chuẩn bị đón xuân. 

Khắp núi rừng “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” vẫn lạnh tê cóng, nhưng lòng đồng bào Y Tý lại ấm áp lạ thường. Trong mỗi ngôi nhà trình tường kiên cố, bếp lửa rực hồng làm dậy mùi những tảng thịt lợn hun khói. Trên đường về xuôi, chúng tôi bắt gặp từng đoàn ngựa thồ, những bước chân gùi hàng vội vã của các thiếu nữ người dân tộc như đang chạy đua với thời gian. Hòa trong làn sương sớm là sắc thắm của hoa đào, hoa mơ, hoa mận điểm xuyết, tô thắm thêm cho vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc. Sắc xuân vùng cao Y Tý càng thêm lung linh, ý nghĩa khi cuộc sống của quân và dân nơi địa đầu Tổ quốc đang "thay da đổi thịt" từng ngày.

Bài và ảnh: HỒNG SÁNG