Cú “sấm động trời quang” AUKUS

Chưa phải là những cú đột biến làm thay đổi cán cân sức mạnh nhưng động thái từ những trung tâm quyền lực đang làm hé lộ tư duy của các nước lớn về phương thức tạo thế liên kết trên bàn cờ quyền lực nhằm sắp xếp lại trật tự thế giới theo toan tính của riêng mình.

Lâu nay, liên minh xuyên Đại Tây Dương luôn được coi là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Cứ nhìn vào các cuộc động binh lớn của Mỹ ở Iraq, Afghanistan... cùng chung chiến hào với Mỹ luôn là những đồng minh như Pháp, Đức. Ấy thế nhưng đùng một cái, những người bạn tưởng như thân thiết này bỗng bị gạt ra bên lề. Tiết lộ của Mỹ, Anh và Australia về thỏa thuận an ninh ba bên (AUKUS) chỉ được thông báo với các đồng minh châu Âu trước vài giờ. Đây chẳng khác nào cú “sấm động trời quang”, khiến tất cả đều ngã ngửa khi trở thành người quan sát thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực cấm kỵ như hạt nhân.

leftcenterrightdel
 Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là địa bàn cạnh tranh chính giữa các siêu cường. Ảnh: US NAVY

Theo thỏa thuận AUKUS, Australia quyết định hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Attack trị giá 65,9 tỷ USD của Tập đoàn Naval Group (Pháp) để đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo công nghệ mà Mỹ và Anh chuyển giao. Khỏi phải nói Paris tức giận thế nào khi bị qua mặt. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thốt lên đầy phẫn nộ: “Đây thực sự là một nhát dao đâm sau lưng”. Nỗi đau của Pháp không chỉ là mất trắng hợp đồng béo bở hàng chục tỷ USD theo đuổi cả chục năm mà đến phút chót lại bị người khác nẫng mất, mà giờ Paris mới hiểu mình ở vị trí nào trong lòng ông bạn đồng minh Mỹ.

Kể từ khi lên nắm quyền, ông Joe Biden đã lật ngược khá nhiều chính sách của người tiền nhiệm, từ bỏ chủ nghĩa đơn phương mà chuyển sang dựa vào các đồng minh để triển khai cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Nếu như ông Donald Trump sẵn sàng đối đầu trực diện với Trung Quốc thì ông Joe Biden lại khéo léo củng cố liên minh cũ, xây dựng liên minh mới, tìm cách thiết lập “luật chơi” với vai trò “cầm cương” của Mỹ.

Có điều, trong lúc Mỹ đang vất vả “xây thành” quanh Trung Quốc thì những người mang danh đồng minh đâu phải lúc nào cũng đồng lòng với Washington. Lợi ích từ thị trường khổng lồ Trung Quốc luôn khiến châu Âu phải đắn đo. Dù Washington không hài lòng nhưng năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) với đầu tàu là Đức và Pháp vẫn ký thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, sự kiện được mô tả là “thắng lợi mang tính biểu tượng” của Trung Quốc kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2001. Để có thêm những chiếc Mercedes lăn bánh, để dòng rượu vang Bordeaux chảy mạnh thêm vào thị trường Trung Quốc, Paris và Berlin sẵn sàng thỏa hiệp với Bắc Kinh.

Bắt tay với Australia, Mỹ và Anh (giờ đã không còn là thành viên EU) chính thức phát đi thông điệp rằng, không phải Đại Tây Dương mà Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới là “chiến trường” quyết định trong cuộc đua giành vị trí siêu cường. Trong bối cảnh đó, chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho Australia-quyết định lần đầu tiên của Mỹ sau lần chuyển giao cho Anh vào năm 1958 là lời nhắn gửi với châu Âu rằng, giờ là lúc phải chọn phe rõ ràng chứ không thể cứ “đi dây” mãi để kiếm lời. 

Giấc mộng sau bức trường thành

Năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vượt ngưỡng 100.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 15,42 nghìn tỷ USD), tiến một bước gần hơn tới quy mô ngang bằng với GDP của Mỹ. Không những thế, theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh Anh (CEBR), nhờ là quốc gia hiếm hoi duy trì được tốc độ tăng trưởng dương trong đại dịch Covid-19 cùng triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó.

Không còn chỉ là “công xưởng vĩ đại nhất thế giới”, Trung Quốc giờ đây bổ sung vào các danh hiệu vốn có của mình những lời ca ngợi, như: “Thị trường hấp dẫn nhất thế giới”, “trung tâm đổi mới trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới”, “chưa nước nào làm rung chuyển trật tự kinh tế toàn cầu mạnh mẽ như Trung Quốc”... Thực tế đã rõ ràng, đằng sau bức Vạn lý trường thành cổ kính là bóng dáng khổng lồ của một nước Trung Quốc hiện đại, hiện thực hóa giấc mộng phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.

Chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP là bước đi tiếp theo trong chiến lược nâng cao vị thế của Trung Quốc trong cấu trúc khu vực để tranh giành ảnh hưởng với Mỹ. Cũng có người cho rằng, đây chỉ là chiêu bài về mặt chiến lược của Bắc Kinh nhằm phản ứng sau khi Washington thành lập đối tác an ninh AUKUS. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc gia nhập CPTPP sẽ giúp Trung Quốc giành vai trò chủ động hơn trong xây dựng luật chơi quốc tế sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với láng giềng châu Á và Hiệp định toàn diện về đầu tư với châu Âu hồi năm ngoái.

Từng là người khởi xướng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)-tiền thân của CPTPP, Mỹ đã rút khỏi thiết chế kinh tế đa phương này dưới thời ông Donald Trump. Thật trớ trêu khi nay Washington phải ngồi bên lề và chứng kiến tham vọng của Trung Quốc tìm cách gia nhập thỏa thuận thương mại từng được Washington “đo ni đóng giày” để kiểm soát ảnh hưởng của Bắc Kinh. Sự vắng mặt của Mỹ trong CPTPP là một cơ hội lớn và Bắc Kinh đang tận dụng điều đó. Với quy mô kinh tế của mình, một khi gia nhập CPTPP, Bắc Kinh sẽ trở thành lực lượng quan trọng thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, dần leo lên vị trí dẫn dắt khu vực. Toan tính của Washington muốn liên kết với các đồng minh để cản trở Trung Quốc về kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí là không thể.

Không những thế, nếu Trung Quốc trở thành thành viên CPTPP trước Mỹ, Bắc Kinh có quyền phủ quyết việc Washington xin gia nhập hiệp định. Nếu điều đó xảy ra, Washington sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong khi Bắc Kinh có thể thoải mái tái định hình CPTPP thành một công cụ để thực hiện tham vọng chiến lược của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi đó, chuỗi cung ứng của khu vực sẽ hội nhập với hệ sinh thái khổng lồ của Trung Quốc, trở thành yếu tố chi phối không chỉ kinh tế khu vực mà cả thế giới. Liệu “vòng vây” an ninh AUKUS của Washington có đủ sức ngăn sức mạnh nhân lên của Bắc Kinh trong CPTPP?

“Đắp nền vững để đổ mái cao” tòa nhà liên minh

Không ồn ào gây nhiều chú ý như Mỹ và Trung Quốc, nước Nga vẫn bền bỉ củng cố không gian hậu Xô viết truyền thống vốn gắn kết cả lợi ích kinh tế và an ninh. Đầu tháng 11-2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ký Sắc lệnh hợp nhất Nhà nước liên minh Nga-Belarus.

Đây có thể coi là bước đi quan trọng nhằm tái hợp hai quốc gia từng là mảnh ghép quan trọng của Liên Xô. Các điều khoản cơ bản của Hiệp ước thành lập Nhà nước liên minh đã được hai bên đặt ra từ năm 1999. Tuy nhiên, khi đó hiệp ước mới chỉ nhằm tăng cường sự hội nhập của Nga và Belarus về lĩnh vực kinh tế. Với 28 chương trình được thông qua kèm Sắc lệnh hợp nhất Nhà nước liên minh, Nga và Belarus đã mở rộng sự hội nhập sâu rộng trên hầu hết lĩnh vực, không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị, quân sự.

Một nhà nước liên minh có phần giống với EU đang định hình trong không gian hậu Xô viết với khởi đầu là liên minh Nga-Belarus. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ mô hình EU đang bộc lộ nhiều trục trặc với việc Anh rút khỏi EU, Nga và Belarus hướng tới việc nhất thể hóa cả về lập pháp và hành pháp. Đây là cách “đắp nền vững để đổ mái cao”, giúp cho tòa nhà liên minh vững chắc trong tương lai.

Chắc chắn, Nhà nước liên minh Nga-Belarus sẽ là mô hình độc đáo với thế giới. Tất nhiên, ở đây không có chuyện tái hiện Liên Xô mà là tái hiện các mối liên kết cũng như ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô viết truyền thống. Một liên minh đúng nghĩa sẽ giúp cả Nga và Belarus có được một không gian kinh tế rộng lớn, cùng với ảnh hưởng đáng kể về mặt chính trị và quân sự. Giờ đây, sức mạnh của nước Nga không chỉ là những quả tên lửa đạn đạo bắn xa cả vạn ki-lô-mét mà sai lệch chỉ vài mét, không chỉ là “con bài” khí đốt luôn tiềm ẩn sức mạnh thần bí khiến các đối thủ phải nản lòng mà còn là các mối liên kết chặt chẽ với các đối tác truyền thống-yếu tố quan trọng giúp Nga ngăn chặn sức ép cùng sự can thiệp từ bên ngoài của Mỹ và các nước phương Tây.

 Trước mắt, sự gắn kết giữa Nga và Belarus sẽ trở thành "tấm khiên" vững chắc trước những bước “Đông tiến” mạnh mẽ của khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như những đòn trừng phạt kinh tế mà các nước phương Tây nhằm vào Nga và Belarus. Còn nhìn về tương lai, Nhà nước liên minh và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) sẽ đóng vai trò nòng cốt để giữ vững an ninh, ổn định không gian hậu Xô viết, từng bước thu hút thêm các quốc gia, mở rộng liên minh, tạo đối trọng với EU, NATO.

Xem ra, cơ cấu an ninh thế giới hiện nay đã không còn mang tính lưỡng cực. Một trật tự thế giới tự do hơn đang định hình với sự xuất hiện của các cơ chế “tiểu đa phương”, trong đó, từng nhóm nhỏ quốc gia sẽ tìm kiếm các mô hình liên kết để giải quyết những vấn đề khác nhau. AUKUS, Nhà nước liên minh Nga-Belarus, nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia là những ví dụ điển hình. Không kịch tính đến mức phải có kẻ thắng, người thua như thời “chiến tranh lạnh”, nhưng cạnh tranh trên bàn cờ quyền lực thế giới thì vẫn nóng bỏng chẳng kém. Tất nhiên, trong bất cứ quá trình định hình trật tự mới nào, Mỹ, Trung Quốc và Nga vẫn là những nhân tố quan trọng nhất.

TƯỜNG LINH