Món quà hào phóng
Món quà của Hoàng gia Qatar muốn tặng chính quyền Tổng thống Donald Trump được hãng truyền thông Mỹ ABC News tiết lộ có giá trị khoảng 400 triệu USD. Nhã ý của Qatar được ông chủ Nhà Trắng đón nhận, ca ngợi đây là một “cử chỉ tốt đẹp” và “chỉ có kẻ ngốc” mới từ chối đề xuất này.
Trong mắt Tổng thống Donald Trump, lời đề nghị của Qatar đến đúng lúc và ông không thể bỏ qua: Doha cung cấp cho Tổng thống Mỹ cơ hội thay thế chiếc Air Force One (Không lực Một) đã cũ kỹ của mình bằng một chiếc máy bay phản lực sang trọng mà không tốn một xu nào. Theo tờ The New York Times, Tổng thống thứ 47 của Mỹ muốn sử dụng máy bay Boeing 747-8i như một phiên bản mới của Không lực Một cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 1-2029. Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng đến thăm chiếc máy bay phản lực khổng lồ Boeing 747-8 khi nó đỗ tại sân bay quốc tế Palm Beach vào tháng 2-2025. Vào thời điểm đó, tờ The New York Times đưa tin rằng Boeing 747-8 đang được xem xét để hoán cải thành một chiếc Không lực Một mới.
    |
 |
Tổng thống Donald Trump lên chiếc Không lực Một ngày 4-5. Ảnh: AFP
|
Tuy nhiên, tại Mỹ, dư luận dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt sau khi báo chí đưa tin ông Trump đang xem xét sử dụng chiếc máy bay do Qatar tặng làm chuyên cơ Không lực Một. Một số ý kiến gọi đây là hành vi nhận “hối lộ”, cho rằng việc ông Trump chấp nhận món quà đắt giá này sẽ tạo ra xung đột lợi ích.
Liệu ông Trump có đủ thẩm quyền pháp lý để nhận một món quà có giá trị lớn như vậy? Hiến pháp Mỹ cấm các quan chức chính phủ nhận quà từ “vua, hoàng tử hay bất kỳ quốc gia nước ngoài nào” mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Phản biện của Nhà Trắng nhấn mạnh, món quà hào phóng này từ Hoàng gia Qatar cho Nhà Trắng sẽ không cấu thành xung đột lợi ích và hoàn toàn hợp pháp vì máy bay sẽ chính thức được cung cấp cho không quân chứ không phải cho cá nhân Tổng thống. Tuy nhiên, thỏa thuận quy định rằng “cung điện bay” này sau đó sẽ được trao tặng Quỹ Trump, cho phép quỹ này tiếp tục sử dụng sau khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc. “Bộ Quốc phòng có quyền hợp pháp để chấp nhận chiếc máy bay như một món quà và sau đó trả lại Quỹ Trump. Điều này không vi phạm luật chống tham nhũng hoặc lệnh cấm của hiến pháp”, hãng ABC News dẫn lời các chuyên gia nêu rõ.
Về phần mình, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al-Thani khẳng định: “Đây là một giao dịch giữa hai chính phủ. Không liên quan gì đến cá nhân-dù là bên phía Mỹ hay phía Qatar-mà là giữa Bộ Quốc phòng hai nước”.
Rắc rối về pháp lý và kỹ thuật
Không lực Một, chuyên cơ của Tổng thống Mỹ, là một trong những máy bay mang tính biểu tượng nhất trên thế giới và được nhiều người coi là bất khả xâm phạm.
Về mặt kỹ thuật, Không lực Một dùng để chỉ bất kỳ máy bay nào của Không quân Mỹ chở Tổng thống Mỹ, bất kể mẫu mã hay kích thước. Nhưng thông thường, cái tên này ám chỉ đến hai chiếc máy bay Boeing 747-200 được cải tiến mạnh mẽ mà Tổng thống Mỹ dùng để công du khắp thế giới. Hai mẫu máy bay hiện tại được đưa vào sử dụng năm 1990, dưới thời Tổng thống George Bush Sr (Bush cha). Với màu xanh và trắng đặc trưng, chiếc máy bay phản lực hiện tại đã trở nên nổi tiếng đến mức nó còn được dùng làm bối cảnh cho một bộ phim của Hollywood mang tên “Không lực Một” với sự tham gia của Harrison Ford. Ngoài ra, còn có một mô hình nhỏ hơn được cải tiến từ máy bay Boeing 757.
Bên cạnh tiện nghi sang trọng, vai trò chính của Không lực Một là bảo đảm an ninh cho Tổng thống Mỹ. Theo Nhà Trắng, một hệ thống điện tử được tăng cường bảo vệ máy bay khỏi các xung điện từ của các vụ nổ hạt nhân hay máy gây nhiễu của đối phương, đồng thời “cho phép máy bay hoạt động như một trung tâm chỉ huy di động trong trường hợp Mỹ bị tấn công”. Hệ thống liên lạc của máy bay cũng cho phép Tổng thống duy trì liên lạc với mặt đất và tiếp tục đăng bài lên tài khoản mạng xã hội của mình trong khi đang bay. Theo các chuyên gia hàng không, máy bay này còn được trang bị hệ thống phòng không bí mật, có khả năng tránh radar và hệ thống theo dõi hồng ngoại của đối phương.
Tổng thống Donald Trump bị ám ảnh bởi Không lực Một ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Vì vậy, Đảng Cộng hòa luôn tìm cách hiện đại hóa chúng. Tháng 7-2018, nhà sản xuất máy bay Boeing giành được hợp đồng của Nhà Trắng để cung cấp hai máy bay Không lực Một mới nhằm thay thế hai chiếc Không lực Một cũ. Ngoài số tiền 3,9 tỷ USD, hợp đồng này còn có ý nghĩa biểu tượng và cũng đại diện cho một thách thức về công nghệ: “Pháo đài bay” này phải bảo đảm cho các chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Mỹ, với sự trợ giúp của thiết bị liên lạc hiện đại, hệ thống chống tên lửa và chống tin tặc.
Boeing cam kết giao những chiếc máy bay này vào năm 2024. Tuy nhiên, công ty đã sa lầy trong cuộc khủng hoảng không hồi kết kể từ năm 2019, khiến thời gian giao hàng của Không lực Một mới ngày càng kéo dài, đồng nghĩa ngân sách ngày càng tăng cao. Theo tờ The Wall Street Journal, chính quyền Tổng thống Joe Biden thậm chí còn có ý định phá vỡ hợp đồng và chuyển sang... Airbus. Những nguyên nhân như đội vốn chi phí, chuỗi cung ứng gặp khó khăn và mức độ phức tạp trong quá trình hoán cải máy bay chở khách thành chuyên cơ cho Tổng thống Mỹ khiến những chiếc Không lực Một mới khó được bàn giao trước năm 2029, thời điểm ông Trump rời nhiệm sở. Tổng thống Donald Trump vô cùng thất vọng vì điều này. “Chúng tôi rất thất vọng vì Boeing mất quá nhiều thời gian (...). Chúng tôi có một chiếc Không lực Một gần 40 năm tuổi”, ông Trump cho biết. Nhà lãnh đạo Mỹ còn so sánh: “Nếu bạn nhìn vào một số quốc gia Arab và những chiếc máy bay họ đỗ cạnh máy bay Mỹ, bạn sẽ có ấn tượng là chúng đến từ một hành tinh khác”.
Do vậy, món quà mà Qatar tặng Mỹ được cho là có ý nghĩa thiết thực. Nhưng nếu tiếp nhận chiếc Boeing 747-8i, ngoài vấn đề về pháp lý, chính phủ và quân đội Mỹ sẽ gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật. Một trong những câu hỏi lớn nhất là liệu Boeing 747-8i có đáp ứng yêu cầu tối thiểu về mặt an ninh và vận hành để phục vụ một Tổng thống Mỹ đương nhiệm hay không. “Hoán cải máy bay chở khách thành chuyên cơ phục vụ Tổng thống Mỹ là quá trình rất phức tạp. Nhà sản xuất phải bảo đảm độ an toàn cao, bổ sung các hệ thống liên lạc bảo mật và biện pháp phòng vệ nhằm duy trì hoạt động của nó trong trường hợp xảy ra tình huống nghiêm trọng, kể cả chiến tranh hạt nhân”, chuyên gia Tyler Rogoway của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận xét.
Xét đến các vấn đề về đạo đức và an ninh xung quanh việc sử dụng máy bay nước ngoài cho mục đích nhạy cảm như vậy, không chắc chắn liệu dự án này có thành công hay không. “Tuy nhiên, trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump sẽ là người quyết định yêu cầu về an ninh, an toàn và liên lạc trên bất cứ máy bay nào được chọn làm chuyên cơ Không lực Một", biên tập viên Howard Altman của War Zone nhận định.
VŨ LINH