Hơn 3.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO đã được huy động đến Kazakhstan theo yêu cầu của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev nhằm hỗ trợ nước này kiểm soát tình hình, chống lại thách thức mà ông Kassym-Jomart Tokayev cáo buộc là “các băng nhóm khủng bố do nước ngoài đào tạo” chiếm giữ các tòa nhà, cơ sở hạ tầng ở Kazakhstan, tấn công các công dân, phá hoại sự toàn vẹn của nhà nước.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 30 năm tồn tại, CSTO tiến hành chiến dịch hỗ trợ an ninh trong khuôn khổ phản ứng chung của tổ chức này tại một nước thành viên. Đất nước Kazakhstan đang trong cảnh bạo loạn. Mọi việc bùng phát khi chính phủ nước này nâng mức trần giá dầu nhằm điều chỉnh thị trường nhiên liệu theo cơ chế thị trường, khiến giá khí tự nhiên hóa lỏng dùng để chạy ô tô tăng gấp đôi. Điều này đã thổi bùng lên những cuộc biểu tình phản đối ở khu vực phía Tây Kazakhstan rồi lan rộng ra cả nước.

leftcenterrightdel
 Người biểu tình xông vào toà thị chính thành phố Almaty lớn nhất Kazakhstan. Ảnh: AFP

 

Đúng là bất ổn ở Kazakhstan có nguyên nhân từ những mâu thuẫn nội bộ vốn đã tích tụ trong thời gian dài, lại được “đốt nóng” thêm bởi thực trạng đời sống khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đúng là tăng giá nhiên liệu chỉ là “giọt nước tràn ly” làm bùng phát những bức xúc dồn nén của người dân trước sự bất bình đẳng trong thu nhập và nạn tham nhũng trong chính quyền. Nhưng cũng có một thực tế không thể phủ nhận là đằng sau tình trạng căng thẳng leo thang ở Kazakhstan có bàn tay kích động của những kẻ khủng bố muốn lợi dụng bất ổn ở nước này cho mục tiêu chính trị của mình. 

Khi các hành động đốt phá xảy ra tràn lan và các công sở nhà nước bị đánh chiếm, khi tiếng súng nhằm vào các lực lượng thực thi pháp luật vang lên và hành động man rợ chặt đầu cảnh sát xuất hiện, thì bộ mặt thật của những kẻ giật dây bạo lực đã hiện rõ. Đó là “những đám côn đồ có vũ trang và được huấn luyện”, như cáo buộc của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Hình bóng một cuộc “cách mạng màu” từng xảy ra ở các nước thuộc Liên Xô trước đây đã xuất hiện. Cũng như “cách mạng hoa hồng” ở Gruzia năm 2003, “cách mạng cam” ở Ukraine năm 2004,  “cách mạng hoa tulip” ở Kyrgyzstan năm 2005, biến động ở Kazakhstan cho thấy những căng thẳng nội bộ ở nước này đã bị các lực lượng chính trị chống đối đẩy lên thành bạo động nhằm thay đổi chính quyền. 

Thực tế cho thấy nhiều cuộc biểu tình ở Kazakhstan đã không còn ôn hòa mà biến thành các cuộc bạo động cướp chính quyền. Các đòi hỏi của lực lượng cực đoan cũng không còn dừng ở giá dầu mà là những yêu sách chính trị đòi thay đổi chính thể ở Kazakhstan. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev còn cảnh báo rằng các cuộc biểu tình bùng phát tại nước này có thể bị những kẻ âm mưu “có động cơ tài chính” kích động từ nước ngoài. Tình trạng đó buộc ông Kassym-Jomart Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp và đề nghị CSTO hỗ trợ ổn định tình hình.

Triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kazakhstan, CSTO dựa trên Điều 4 của “Hiệp ước an ninh tập thể” của tổ chức này. Được thành lập năm 1992, CSTO hiện gồm các nước thuộc Liên Xô trước đây: Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Theo Hiệp ước trên, các hành động gây hấn nhằm vào một trong số nước thành viên được xem như hành động gây hấn với tất cả các nước thành viên CSTO. Các quốc gia thành viên khác sẽ lập tức cung cấp sự trợ giúp cần thiết, bao gồm cả hỗ trợ quân sự, sau khi nhận được yêu cầu của quốc gia thành viên đó.  

Trên thực tế, hơn 3.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của CSTO được triển khai đến Kazakhstan thực hiện nhiệm vụ chính không bao gồm việc tiến hành các chiến dịch chống lại phần tử cực đoan và khủng bố, mà là bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, cùng các cơ quan của chính quyền Kazakhstan. Điều này sẽ giúp giảm tải cho lực lượng an ninh Kazakhstan để họ tập trung đối phó với âm mưu khủng bố và đảo chính. Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO còn có nhiệm vụ giám sát ngừng bắn và thỏa thuận ngừng bắn, tạo điều kiện đàm phán, chống bạo động, thúc đẩy nhân quyền, bảo vệ các cơ sở thiết yếu và bảo đảm việc tiếp cận viện trợ nhân đạo.

Nòng cốt của lực lượng này cũng như của cả tổ chức CSTO là Nga. Nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev và triển khai ngay chiến dịch không vận đưa các lực lượng của CSTO đến Kazakhstan, Nga đã thể hiện rõ vai trò dẫn dắt trong CSTO, đồng thời giải quyết những thách thức liên quan trực tiếp đến lợi ích an ninh của nước này. Sự ổn định chính trị ở Kazakhstan rất quan trọng với Nga bởi biên giới giữa hai nước dài gần 7.000km là tuyến biên giới trên bộ dài nhất thế giới, lại đi qua nhiều vùng dân cư thưa thớt và rất khó kiểm soát. Kazakhstan lại có vai trò chiến lược bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là dầu mỏ. Nước này luôn nằm trong tâm điểm tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Mỹ ở khu vực Trung Á. 

Một nhân tố quan trọng khác với Nga là thành phố Baikonur của Kazakhstan. Một khu vực ở thành phố này được Nga thuê để đặt sân bay vũ trụ nổi tiếng Baikonur. Cho đến khi xây dựng xong sân bay vũ trụ mới Vostochny Cosmodrome ở vùng Viễn Đông, Nga sẽ cần cả Baikonur và sự ổn định chính trị ở Kazakhstan để phát triển các công nghệ không gian và phóng các con tàu vũ trụ. Khu vực thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa đạn đạo của Nga là bãi thử Sary-Shagan cũng nằm ở Kazakhstan. Việc sử dụng và vận hành địa điểm thử nghiệm này đóng vai trò quan trọng trong duy trì năng lực phòng thủ của Nga.

Tình hình Kazakhstan đang dần ổn định trở lại. Nếu vượt qua được “phép thử Kazakhstan”, CSTO sẽ không chỉ còn bó hẹp với các hoạt động trên nền tảng hợp tác quốc phòng hạn chế, mà khẳng định mình như một cơ chế không thể thiếu trong việc duy trì an ninh và ổn định ở khu vực Trung Á và không gian hậu Xô viết. 

TƯỜNG LINH