Vào thời điểm sắp chuyển giao giữa năm cũ và mới, bà Maria Van Kerkhove-Trưởng nhóm Kỹ thuật chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khiến cả thế giới phấn chấn khi khẳng định: “Năm 2022 là năm chúng ta có thể chấm dứt đại dịch Covid-19. Hiện đã có các công cụ, chúng ta có thể khiến Covid-19 không còn gây chết chóc nữa”.
Đúng là thế giới không thể để dịch Covid-19 kéo dài mãi trong vô vọng, bởi điều đó đồng nghĩa với dấu chấm hết. Thực tế nghiệt ngã với gần 5,5 triệu người thiệt mạng, gần 300 triệu người nhiễm bệnh cùng hàng nghìn tỷ USD thiệt hại về kinh tế do dịch Covid-19 gây ra không cho phép chúng ta có thể chậm trễ. Viễn cảnh có nhiều người chết đến mức phải chôn chung, nhiều người xấu số không được yên nghỉ trong huyệt riêng của mình không thể được tái hiện.
|
|
Đại dịch Covid-19 cho thấy thế giới phải chung tay trước những thách thức. Ảnh: TASHA ART |
Sự hiểu biết ngày càng rõ hơn về cách tiến hóa của virus SARS-CoV-2 cùng chương trình tiêm chủng thần tốc và các biện pháp hạn chế lây nhiễm được triển khai trên quy mô toàn cầu đã ngăn bớt cơn lốc dịch bệnh cũng như quy mô tàn phá của nó. Bên cạnh vaccine, sự xuất hiện của các loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 cũng đang tạo bước đột phá trong điều trị Covid-19. Và dù biến thể Omicron vẫn còn gây lo ngại, làm tan vỡ giấc mơ của nhiều người về một kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới trọn vẹn sau thời gian dài gò bó, có thể thấy “giai đoạn cấp tính” của đại dịch đã qua và Covid-19 đang chuyển dần thành một bệnh đặc hữu trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, “Chung sống an toàn với Covid-19” đã trở thành chiến lược phổ biến ở các nước, thay thế khẩu hiệu đóng cửa thực hiện “Zero Covid” bởi “cấm ra khỏi nhà” kéo dài là sự xa xỉ mà chỉ người giàu mới có được, còn với người nghèo thì đó là con số “0” tròn trĩnh. Nhịp sống trên Trái đất đang bình thường trở lại, chỉ khác là với phương cách hoàn toàn mới. Một cuộc chiến khác thường với vũ khí chủ yếu là xà phòng và thuốc sát trùng cùng chiến thuật “cố thủ trong nhà” thì hệ quả của nó cũng không thể bình thường. Trạng thái “bình thường mới” trong dịch bệnh đã khiến nhiều thứ liên quan đến con người, từ tư duy, nhận thức tới tâm lý, thói quen, lối sống đều phải thay đổi để thích ứng. Giờ đây, hàng loạt sự kiện quan trọng, kể cả chính trị, kinh tế lẫn văn hóa đều diễn ra trực tuyến. Khái niệm làm việc, học tập, thậm chí khám, chữa bệnh từ xa đã trở nên quen thuộc. Giao dịch không dùng tiền mặt, hệ thống thanh toán không tiếp xúc hay thương mại điện tử đang “lên ngôi”.
Những gói kích thích tăng trưởng khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ USD mà các nước liên tục tung ra đang giúp kinh tế thế giới lấy lại sức sống. Mặc dù đà phục hồi có dấu hiệu chững lại trong những tháng cuối năm 2021, khi các làn sóng dịch mới khiến nhiều nước trì hoãn kế hoạch mở cửa, song các thể chế tài chính đều cho rằng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5-6% và dự kiến ở mức 4,9% vào năm 2022. Trong đó, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc tiếp tục là đầu tàu cho đà phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong tương lai.
Nhưng những dòng tiền ồ ạt chảy vào các nền kinh tế cũng đang gây nguy cơ bùng nổ lạm phát. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và các nước nhằm hồi sinh nền kinh tế sau đại dịch đã khiến giá hàng loạt sản phẩm đua nhau lập kỷ lục, từ gỗ xẻ, quặng sắt, đồng đến ngô, đậu tương, lúa mì và dầu thô. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực đồng euro (Euzone) chạm 4,9%, mức đỉnh trong 24 năm. Lạm phát ở Mỹ là 6,8%, cao nhất kể từ năm 1982. Tại Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất (PPI) và CPI cũng liên tục tăng tốc trong vài tháng qua.
Một nguyên nhân nữa khiến lạm phát tăng cao là nhu cầu tiêu dùng đã phục hồi sớm và mạnh hơn nhiều so với diễn biến thường thấy sau một cuộc suy thoái. Trong khi đó, nguồn cung lại đang bị đứt gãy, khiến sản xuất toàn cầu bị đình trệ. Tình trạng thiếu các thành phần quan trọng như thiết bị bán dẫn cũng như việc các cảng biển bị đóng cửa, thiếu xe chở hàng, thiếu nhân công vì các biện pháp phong tỏa nhằm chống dịch đang xảy ra ở nhiều nơi. Sự mất cân bằng cung-cầu đã khiến giá năng lượng và hàng hóa “leo thang” tạo áp lực lạm phát và đe dọa làm chệch đà phục hồi kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, lạm phát có thể trở lại mức trước khi có dịch vào năm 2022 nếu như tình trạng đứt gãy nguồn cung được ngăn chặn.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến một nguy cơ với thế giới sau đại dịch là tình trạng nợ công. Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, 72 nền kinh tế đang phát triển hiện ở trong tình trạng “dễ bị tổn thương cao vì nợ”. Còn theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), các chỉ số nợ đang xấu đi ở tất cả các khu vực trên thế giới, cũng như ở tất cả các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều nước đang phát triển vốn dễ bị tổn thương về nợ, giờ lại phải chi ngân sách cao chưa từng có để chống dịch và ngăn nền kinh tế rơi vào suy thoái, khiến cho tình trạng khó khăn càng thêm bấp bênh.
Còn nhiều ẩn số khó lường mà thế giới sẽ phải đối mặt sau đại dịch. Nhưng qua cơn dịch bệnh, thế giới mới càng thấy rõ hơn sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau, càng thấu hiểu một thực tế Trái đất là ngôi nhà chung mà ở đó, tất cả cùng chung một số phận. Trước đối thủ có tên SARS-CoV-2, mọi sự phân cách về chính trị, giàu-nghèo, màu da, tôn giáo, sắc tộc, tuổi tác đều mất hết ý nghĩa. Điều đó buộc chúng ta phải thay đổi suy nghĩ để xích lại gần nhau, bỏ qua mọi dị biệt để cùng chung tay đối phó với các mối đe dọa chung trong tương lai.
TƯỜNG LINH