Đánh giá về cựu Thủ tướng Đức Merkel, Tổng biên tập báo Pháp Libération, nhà báo người Israel Dov Alfon, nhận định: “Hoàn toàn có thể là, người kế nhiệm bà Merkel sẽ muốn học theo phong cách làm việc của bà: Tránh những thay đổi, chỉ phản ứng trước các cuộc khủng hoảng khi chúng đã ập tới, thể hiện một thái độ cứng rắn trước sau như một nhưng luôn luôn bảo vệ các lợi ích của ngành công nghiệp lớn...”. Tuy nhiên, ông Alfon cũng chỉ là cái gọi là “sở đoản” của bà Merkel: “Nước Đức chưa bao giờ giàu có như thế và không có một cường quốc công nghiệp phát triển lớn nào lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao như thế. Tuy nhiên, nước Đức vẫn bị tụt hậu trong tất cả các lĩnh vực quan trọng của thời đại một tương lai đang tới: Đó là các công nghệ số, các lĩnh vực bảo vệ môi trường, giao thông công cộng, chuyển đổi sang năng lượng xanh...”. Và theo Tổng biên tập Libération, nếu thủ tướng mới của Đức vượt qua được sự tụt hậu mà bà Merkel để lại thì có thể hy vọng vào sự trụ vững lâu dài bằng hoặc hơn người tiền nhiệm trên cương vị đầy trọng trách của mình...

leftcenterrightdel
  Thủ tướng Đức Olaf Scholz - Ảnh: AP

Tân thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz sinh năm 1958. Ông vẫn được đánh giá là một chính trị gia điềm tĩnh, hướng nội, luôn có cái nhìn đúng mực vào thực tế và không thích những lời lẽ đao to búa lớn. Con đường hoạt động chính trị của ông không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng ông luôn biết tìm cách vượt qua các sự cố, chuyển bại thành thắng, để đi tiếp lên cao theo cách mà mình đã chọn. Còn nhớ, năm 2019, ông đã phải chịu thất bại trong cuộc đua nội bộ để trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ-Xã hội Đức (SPD). Thế nhưng, tháng 8-2020, ông đã được đại đa số đảng viên SPD, vốn được coi là những người có thiên hướng tư duy theo cảm xúc, lựa chọn làm ứng cử viên vào ghế thủ tướng. Nguyên do có vẻ như rất oái oăm: Ở thời điểm đó, trong SPD, ông đã là gương mặt chính trị nặng ký duy nhất để gánh vác trọng trách tiếp theo bà Angela Merkel. Từ năm 2018, ông đã là bộ trưởng tài chính và phó thủ tướng trong chính phủ liên minh với khối Liên minh Dân chủ Kitô giáo ở Đức (CDU)/Liên minh Xã hội Kitô giáo Bayern (CSU) mà trong đó, SPD đã đứng ở vai đối tác thấp cổ bé họng hơn...

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel trong các bài diễn văn của mình trước Quốc hội đã luôn bắt đầu từ những vấn đề chung của châu Âu. Thế nhưng, trong phần trình bày chương trình hành động của mình trước Quốc hội, ông Scholz đã dành toàn bộ 75 phút đầu tiên cho các vấn đề nội bộ. Tuyên bố đầu tiên của chính phủ liên minh ở Đức được công bố ngày 15-12-2021 cho biết, Thủ tướng Đức đã nêu rõ, trọng tâm hành động trước hết phải là việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Cho tới hết năm 2021, người dân Đức sẽ phải tiêm thêm 30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, đối tượng chủ yếu là những ai đã tiêm một hoặc hai liều vaccine trước đó, hoặc là những người cần tiêm thêm liều thứ 3. Ông Scholz đã bày tỏ quyết tâm sau khi thông báo rằng từ ngày 18-11-2021 đã phân bổ được 19 triệu liều vaccine: “Phải, tình hình lại được cải thiện. Phải, chúng ta sẽ chiến đấu chống lại đại dịch này với sự quyết tâm lớn lao nhất. Và phải, chúng ta sẽ giành được thắng lợi trong cuộc chiến này...”. Tân Thủ tướng Đức cam kết sẽ không cho phép những phần tử cực đoan và những đối thủ bài xích vaccine quá đà tác động tới chương trình nghị sự. Ông tuyên bố: “Chúng ta sẽ không cam lòng với việc một thiểu số tí xíu những kẻ cực đoan ngoan cố ép buộc ý chí của họ đối với toàn bộ dân tộc. Theo ông, thiểu số đó đang xoay lưng lại với không chỉ “khoa học, sự hợp lý và cách hành xử tỉnh táo” mà còn cả với “xã hội của chúng ta, nền dân chủ của chúng ta, tình đoàn kết của chúng và nhà nước của chúng ta”. Ông cũng cho rằng, thực ra trong xã hội Đức không xảy ra sự chia rẽ nào lớn về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 vì đại đa số đều ủng hộ cách tiếp cận nhất quán và được cân nhắc kỹ càng hiện nay.

Hơn ai hết, tân Thủ tướng Đức đã hiểu rõ những “gót chân Achille” cần phải được khắc phục trước mắt và dài lâu trong nền kinh tế Đức. Không ngẫu nhiên mà một phần riêng biệt của bài phát biểu trước Quốc hội đã được tân Thủ tướng Đức dành cho các vấn đề tài chính. Theo ông Scholz, câu chuyện liên quan tới bước biến đổi lớn trong nền kinh tế và sản xuất của nước Đức: “Đã lùi lại sau lưng 250 năm mà ở đó sự thịnh vượng của chúng ta được đặt trên việc đốt than, dầu mỏ và khí. Còn bây giờ ở trước chúng ta sẽ là 23 năm mà chúng ta cần phải và có thể từ bỏ những loại nhiên liệu được khai thác như thế”. Theo cách nhìn của tân Thủ tướng Đức, tới năm 2045, nước Đức phải trở thành một quốc gia trung lập về khí hậu (tức là đạt được sự cân bằng 0 nhìn từ góc độ thải khí CO2 và khí quyển). Và không ngại “nói trước bước không qua”, ông Scholz đã lớn tiếng tuyên bố: “Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải đạt được những biến chuyển vĩ đại nhất trong công nghiệp và trong nền kinh tế trong vòng 100 năm gần đây...” 

Tân Thủ tướng Đức tự nhận về mình nhiệm vụ xây dựng nền móng cho một thế kỷ công nghệ mới và thông báo về những khoản đầu tư nhiều tỷ vào các trạm nạp điện, các nhà máy điện gió, các hệ thống điện mặt trời, những dự án đổi mới các hệ thống truyền điện, quỹ nhà ở và đường sắt...

Về đối ngoại, các nhà quan sát cho rằng tân Thủ tướng Đức sẽ là một người cư xử cứng rắn với những quốc gia đang bị phương Tây coi là các đối tượng cần sự chú ý đặc biệt ở phía Đông châu Âu. Tuy nhiên, trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Đức ngay sau khi nhậm chức, ông Scholz đã nhất mạnh rằng, Berlin sẵn sàng tiến hành đối thoại mang tính xây dựng với Moscow. Có điều, cuộc đối thoại đó sẽ diễn ra trong khuôn khổ chung châu Âu chứ không phải từ một chính sách đối ngoại đơn phương. Theo ông, nước Đức cần cố gắng tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau với Điện Kremlin và thoát ra khỏi tình trạng leo thang căng thẳng. Tân Thủ tướng Đức cũng cho rằng, không nên coi thái độ đó là một cách áp dụng chính sách đối ngoại mang tính khu biệt Đông Đức vì trong một châu Âu thống nhất, chính sách hướng Đông cũng phải có sự thống nhất chung của toàn châu Âu. Và quan điểm đó cũng cần được áp dụng đối với tình hình biên giới Ukraine: “Bất cứ một sự vi phạm biên giới nào cũng sẽ phải trả một giá rất đắt...”.

Trước đó, Điện Kremlin cũng tuyên bố rằng Moscow muốn thiết lập những mối quan hệ mang tính xây dựng với thủ tướng mới của nước Đức. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho rằng, những thông tin mà các phương tiện truyền thông ở phương Tây tung ra về cái gọi là “các kế hoạch tấn công lãnh thổ Ukraine” đều là những chuyện "ăn không nói có" để hâm nóng tình hình...

HỒNG THANH QUANG