Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, quan hệ hai bên liên tục lao dốc và giờ đã ở mức thấp nhất kể từ sau “Chiến tranh lạnh”. Trong khi Moscow liên tục có những động thái khẳng định sức mạnh, thì danh sách cấm vận mà Mỹ cùng các nước phương Tây áp đặt với Nga cứ ngày một dài thêm và chưa biết bao giờ mới dừng lại.
Bước vào phòng họp với tâm trạng nghi kỵ và đối đầu như vậy, làm sao hai bên có thể nhanh chóng khai thông bế tắc. Đã thế, danh sách các vấn đề bàn thảo lại toàn liên quan đến những chủ đề nhạy cảm, rất khó có thể nhượng bộ. Từ tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine, kế hoạch “đông tiến” của tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho tới cạnh tranh chiến lược toàn cầu, an ninh mạng, vấn đề nhân quyền, phương cách xử lý các “điểm nóng” trên thế giới như Iran, bán đảo Triều Tiên...
Tại cuộc gặp hồi tháng 6-2021 ở Geneva, hai bên mới đưa ra các “lằn ranh đỏ” mang tính nguyên tắc trong xử lý quan hệ Nga-Mỹ. Giờ đi vào cụ thể, sự đụng độ về quan điểm mới có cơ hội hiện rõ. Dù được đánh giá là “thẳng thắn”, nhưng cuộc gặp lần này vẫn chưa tìm được sự đồng thuận trong cách xử lý cuộc khủng hoảng ở Ukraine, bất đồng lớn nhất hiện nay giữa hai bên. Rời bàn hội nghị, tuyên bố mà các bên đưa ra vẫn đầy cứng rắn. Đáp lại lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington và châu Âu sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nếu Moscow có hành động gây hấn với Ukraine, ông Yuri Ushakov, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tuyên bố thẳng: “Các lệnh trừng phạt chẳng phải là hành động gì mới, vì đã xảy ra từ lâu mà chẳng có bất kỳ tác dụng nào”.
Trong con mắt của Moscow, chính việc Mỹ và NATO tăng cường khả năng quân sự gần biên giới Nga mới là thách thức nghiêm trọng. Thứ nước Nga cần là bản cam kết chính trị đáng tin cậy và ràng buộc về pháp lý từ phía Mỹ và các đồng minh châu Âu, loại trừ việc NATO mở rộng về phía đông và triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia giáp với Nga như Ukraine. Rất tiếc là yêu cầu tưởng như hoàn toàn xác đáng này xét từ góc độ an ninh của Nga lại không hề được ông Joe Biden ghi nhận hay tỏ ý nhượng bộ trong cuộc gặp.
Vấn đề bởi cái gốc mâu thuẫn ở đây là Mỹ và châu Âu chưa bao giờ coi Nga là đối tác bình đẳng. Trong quan điểm của các nước phương Tây, “con gấu” Nga là đối thủ tiềm tàng phải kiềm chế, không để nó trỗi dậy, phải tìm cách vô hiệu hóa những “nanh vuốt” nguy hiểm của nó là tiềm lực của một trong những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới. Chiến thuật của Mỹ và phương Tây là bao vây và cấm vận kinh tế, đồng thời cạnh tranh ảnh hưởng với Nga tại không gian hậu Xô viết.
Cũng vì bầu không khí ít thân thiện như vậy nên nhiều vấn đề mà Mỹ và Nga cần thảo luận tại cuộc gặp trực tuyến lần này, như: Dỡ bỏ các hạn chế mà Washington và Moscow đang áp dụng với cơ quan ngoại giao hai bên để hướng đến bình thường hóa quan hệ song phương, mối đe dọa của tin tặc, tấn công mạng, chương trình hạt nhân của Iran... chỉ được đề cập chứ chưa đi vào các giải pháp cụ thể. Không những thế, ngay sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng với các đồng minh châu Âu đã tính ngay đến khả năng cô lập hoàn toàn Nga với hệ thống tài chính toàn cầu để răn đe.
Cuộc gặp trực tuyến ngắn ngủi đã không đủ sức để giải quyết bất đồng gay gắt giữa Washington với Moscow. Tuy nhiên, dù coi Nga là đối thủ nhưng Mỹ và các nước châu Âu vẫn rất cần Nga hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Nga không chỉ là nhà cung cấp khí tự nhiên lớn nhất của châu Âu mà còn đóng vai trò quan trọng trong một loạt “điểm nóng” trên thế giới, như xung đột ở Libya và Syria, đối phó với thách thức biến đổi khí hậu. Washington cũng cần đến Moscow trong việc khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc giảm bạo lực ở Afghanistan.
Đặc biệt, Mỹ và Nga còn cần phải khởi động đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START), một khi nó hết hạn vào năm 2026. Sau khi hiệp ước này được gia hạn hồi đầu năm 2021, Mỹ muốn thỏa thuận tiếp theo phải bổ sung những vũ khí chiến lược chưa có trong thỏa thuận hiện hữu. Tiến trình thảo luận thường mất nhiều năm nên cần khởi động sớm nếu hai bên muốn đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Cần phải nói thêm rằng, con bài trừng phạt kinh tế với Nga đã không đem lại kết quả như Mỹ và châu Âu mong đợi. Dù có thể gây những chấn thương nhưng những cú đòn trừng phạt này không thể hạ gục được “con gấu” Nga. Ngược lại, nước Nga cũng không thiếu các con bài, kể cả về kinh tế, để phản đòn. Châu Âu đã bao lần tìm cách bóp nghẹt Nga rồi lại phải thỏa hiệp trước con bài khí đốt lợi hại của Moscow. Đó là chưa kể tiềm lực của kho vũ khí hùng hậu mà Nga mới tiến hành các vụ thử nghiệm gần đây, như vũ khí siêu thanh, hệ thống vũ khí bắn hạ vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất, tên lửa phòng không S-550 đang làm Washington đau đầu.
Bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ, đưa mối quan hệ này trở về trạng thái ổn định nhằm tránh các rủi ro, cũng như bảo đảm lợi ích của các bên tại những địa bàn chiến lược là yêu cầu cấp thiết với cả hai phía. Còn hiện tại, quan hệ Nga-Mỹ vẫn trong tình trạng hỗn độn. Hợp tác giữa hai bên mới dừng ở mức “giữ cầu” ngoại giao và cuộc gặp trực tuyến vừa rồi chỉ là thêm một “cú hãm phanh” nhằm tránh để quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục xấu đi mà thôi.
TƯỜNG LINH