Từ hơn một tháng nay, xuất hiện nhiều tin tức trên báo chí Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung về khả năng Moscow có thể tấn công Kiev vào đầu tháng 12 này hoặc trong tháng 1-2022. Một số chính trị gia ở Ukraina cũng có những nhận định tương tự. Thế nhưng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, đó toàn là những sự “ăn không nói có” để làm gia tăng căng thẳng tình hình ở khu vực vốn dĩ không yên ả gì từ nhiều năm nay và đang có những vấn đề gay cấn cần giải quyết...

leftcenterrightdel
 

Ukraine chỉ trích NATO vì không tăng tốc trở thành thành viên Liên minh bất chấp căng thẳng mạnh mẽ với Nga. Ảnh: tomisnews.ro

Thực ra, đó chỉ là một trong những biểu hiện của tình trạng không thân thiện kéo dài, thậm chí thù địch, giữa phương Tây và Nga. Ngày 2-12, phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng, chính NATO đang “kích động quân sự Ukraina”. Ông Lavrov cho rằng, phương Tây đang xúi bẩy Kiev phá hoại các thỏa thuận Minsk vốn có mục đích nhằm dập tắt những đốm lửa xung đột ở Donbass giữa các lực lượng vũ trang Ukraina với những người theo chủ trương ly khai ở đó. Trong 7 năm qua, xung đột vũ trang ở Donbass đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người. Cách hành xử như thế, theo ngoại trưởng Nga, đã và đang dung dưỡng ảo tưởng về việc có thể sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột.

Nhiều nhà quan sát nhận định, ngay ở thời điểm hiện nay, NATO vẫn không từ bỏ tham vọng mở rộng hơn nữa khu vực ảnh hưởng của mình thêm sát gần nước Nga, bất chấp những lời hứa trước đây về việc sẽ không làm như thế sau khi Liên bang Xô viết tan rã. Và Ukraina có thể là một sự lựa chọn mới. Ít ra là không ít chính khách ở Ukraina cũng đang mong muốn như thế. Có điều, đây cũng chính là nguyên do khiến Moscow cảm thấy lo lắng. Ngày 30-11, phát biểu tại hội thảo về đầu tư BTB Capital “Nước Nga mời gọi”, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, việc mở rộng hạ tầng cơ sở quân sự của NATO trên lãnh thổ Ukraina có thể sẽ là “ranh giới đỏ” đối với nước Nga. Ông Putin cho rằng, cách hành xử như thế của NATO sẽ tạo ra những mối đe dọa đối với an ninh của Moscow. Theo ông Putin, quan hệ giữa Nga và tập thể Tây phương ở những năm 90 của thế kỷ trước và đầu thế kỷ 20 đã khá “trời quang mây tạnh” trong thực tế, gần như hai bên đã là đồng minh của nhau. Và nguyên do là đâu khiến tồn tại cảnh “cơm không lành canh không ngọt” hiện nay?

Theo lời ông Putin, đó là vì bất chấp những cảnh báo và yêu cầu của Moscow, hạ tầng cơ sở NATO đã tiến tới sát gần biên giới nước Nga. Ông Putin đưa ra thí dụ là các hệ thống phòng thủ tên lửa mà NATO đã xây dựng ở Ba Lan và Rumani: "Trên những bệ phóng MK-41 được xây lắp ở đó có thể đặt những hệ thống tấn công Tomahawk. Và cái đó tạo ra những nguy cơ đối với chúng tôi. Đấy là việc rõ như ban ngày. Chính vì thế, chúng tôi bắt buộc phải bắt đầu chế tạo vũ khí siêu âm. Đó là câu trả lời của chúng tôi...”.

Ngày 1-12, tại Điện Kremli, trong buổi lễ trình quốc thư của các đại sứ nước ngoài tại LB Nga, Tổng thống Putin cũng tuyên bố rằng, nước Nga cần những bảo đảm pháp lý về việc NATO sẽ không tiếp tục mở rộng sang phía Đông, vì lời nói gió bay, phương Tây đã không thực hiện những “cam kết miệng” của mình trong vấn đề này. Mục tiêu mà Moscow đặt ra là đạt được những bảo đảm tin cậy, lâu dài và trong các cuộc thương lượng với Mỹ cũng như với các đồng minh của Mỹ sẽ kiên trì yêu cầu xây dựng những thỏa thuận cụ thể loại bỏ bất cứ một sự dịch chuyển nào của NATO về phía Đông...

Cũng trong cuộc họp của OSCE ngày 2-12, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhận xét, “kịch bản ác mộng của tình trạng đối đầu quân sự đã lại trở về với lục địa Âu châu...”. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề hội nghị OSCE, ông Lavrov cũng tuyên bố: “Chúng tôi, như Tổng thống Putin từng nhấn mạnh, không muốn bất cứ một sự xung đột nào, nhưng nếu như các đối tác của chúng tôi từ NATO tuyên bố rằng, không ai có quyền áp đặt bất cứ một nước nào có ý muốn gia nhập NATO có làm việc đó hay không, thì chúng tôi dẫn ra một điều luật quốc tế rằng, mỗi một quốc gia có quyền lựa chọn các phương pháp bảo đảm những lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực an ninh”.

Quan hệ giữa NATO và Nga trở nên đặc biệt xấu kể từ đầu tháng 10, khi NATO quyết định cắt giảm số lượng thành viên trong đoàn ngoại giao Nga tại tổ chức này. Đáp lại, phía Nga tuyên bố dừng toàn bộ hoạt động của đoàn ngoại giao Nga tại NATO và xóa bỏ phái đoàn quân sự cũng như cơ quan thông tin của NATO tại Moscow.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Moscow ở thời điểm hiện tại mới đưa ra đề nghị với NATO thương thảo để xây dựng những bảo đảm pháp lý về việc tổ chức này không tiếp tục “Đông tiến” nữa là bởi, thực tế cho thấy rõ hơn bao giờ hết sự trái ngược giữa những “cam kết miệng” của các lãnh đạo phương Tây với những gì đã diễn ra. Hơn nữa, giới hạn thực tế để NATO có thể “Đông tiến” đã gần như cạn kiệt. Nếu NATO tiếp tục hành trình về phía Đông của mình bằng cách tiếp nhận những thành viên mới từng thuộc không gian Xô viết cũ có thể sẽ lợi bất cập hại cho chính NATO bởi những xì căng đan chính trị mới. Tất nhiên, cũng khó có thể đạt được những cam kết pháp lý đó trong tình hình chính trị quốc tế hiện nay với thời điểm hiện tại, Moscow không còn nhiều “chủ bài” để gây áp lực với phương Tây như hơn 20 năm trước, khi nước Nga vẫn còn những lực lượng quân sự đồn trú ở Đông Âu từ thời Xô viết... Nhưng dẫu sao, việc lãnh đạo Nga đưa ra đề nghị này vẫn có thể coi là bước đi chính trị khôn ngoan, dù khá muộn màng.

HỒNG THANH QUANG