Lo sợ rằng sự xuất hiện của nhóm các nhà đầu tư đến từ vùng Vịnh, trong đó có PIF, sớm đặt giới chủ các đội bóng ở Ngoại hạng Anh vào thế bất lợi trong cạnh tranh về tài chính, các đội Premier League vừa bỏ phiếu để hạn chế, ít nhất là trong một thời gian ngắn (trước khi ra lệnh cấm vĩnh viễn), ngăn cấm chủ sở hữu mới của Newcastle đầu tư số tiền khổng lồ cho đội bóng vùng Đông Bắc nước Anh.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch giải Ngoại hạng Anh Gary Hoffman bị các đội bóng ở Premier League kêu gọi từ chức, sau việc PIF được hậu thuẫn bởi chính quyền Riyadh đã tiếp quản Newcastle. Ảnh: Evening Standard

Hiếm khi các đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh họp khẩn cấp, trừ những lần trước đây liên quan đến bản quyền truyền hình và ăn chia lợi nhuận. Còn lần này, Liverpool, Arsenal, Chelsea, Tottenham... đã sớm đồng lòng, đồng thuận bỏ phiếu thông qua việc cấm tạm thời PIF đầu tư ồ ạt vào "Chích chòe".

Trước nay, luật của Ngoại hạng Anh rất dễ hiểu: Kiếm được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Ví như mùa giải 2021-2022, sau khi trừ đi các khoản đầu tư, tiền thuế, Man United lãi 100 triệu bảng Anh, thì mùa giải 2022-2023, "Quỷ đỏ" được chuyển nhượng cầu thủ trong số tiền trên.

Các câu lạc bộ (CLB) ở xứ sương mù có lý do để lo ngại rằng, Newcastle khi nhận được sự hỗ trợ bởi nguồn lực tài chính vô biên của PIF, một trong những quỹ tài sản công lớn nhất thế giới, sẽ nhanh chóng vươn tới thành công theo cách tương tự như Man City. Bởi, Man City những năm qua đổ rất nhiều tiền để tăng cường lực lượng. Họ làm được điều này nhờ những khoản tài trợ khổng lồ đến từ Etihad Airways và Bộ Văn hóa và Du lịch Abu Dhabi (tiểu vương quốc lớn nhất trong số 7 tiểu vương quốc hợp thành Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất-UAE).

Những thỏa thuận của Man City với hai đối tác trên lâu nay là chủ đề tranh cãi không chỉ của Ngoại hạng Anh mà còn ở Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) về cái gọi là “khả năng vi phạm các quy định kiểm soát chi phí của Premier League”, hay ngắn gọn hơn, dễ hiểu hơn theo cách gọi của UEFA là “vi phạm luật công bằng về tài chính”.

Hãng hàng không Etihad Airways cùng Bộ Văn hóa và Du lịch Abu Dhabi làm ăn thua lỗ liên tục, nhưng hai đối tác này vẫn đều đặn tài trợ cho Man City cả trăm triệu bảng Anh/năm. Hai đơn vị trên đều thuộc quyền quản lý của Abu Dhabi United, cũng chính là tập đoàn đã thâu tóm Man City vào tháng 8-2008.

Mức độ lo ngại đến từ các đối thủ của Newcastle đã rõ ràng khi họ bỏ phiếu ngăn cản việc PIF đổ tiền đầu tư vào đội bóng này. 18 CLB bỏ phiếu cho lệnh cấm tạm thời, chỉ có Newcastle phản đối. Man City, sau khi tham khảo ý kiến của các luật sư đã bỏ phiếu trắng.

Man City không phải đội duy nhất ở Premier League có những nhà tài trợ có mối liên kết với nhà đầu tư của đội bóng. Dưới thời chủ sở hữu trước đây của Newcastle là doanh nhân Mike Ashley, sân vận động St. James’s Park bị đổi tên thành Sports Direct Arena, để quảng cáo cho công ty quần áo thể thao giảm giá của chính ông chủ Mike Ashley.

Người hâm mộ Newcastle nổi đóa trước việc 18 đội bóng ở Ngoại hạng Anh bỏ phiếu ngăn cản PIF đầu tư ồ ạt cho "Chích chòe". Trước đây, Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh lo ngại chính quyền Riyadh (chủ của PIF), mà cụ thể là Thái tử Mohammed bin Salman, người đàn ông quyền lực tại Saudi Arabia, sẽ can dự sâu vào CLB Newcastle, nhưng hóa ra Premier League còn có mối lo hơn. Các đội bóng e ngại Newcastle vươn lên mạnh mẽ sẽ “ngốn” nhiều hơn “chiếc bánh” kim tiền mà giải đấu mang lại. 

Các chủ sở hữu đội bóng ở Ngoại hạng Anh đã lên tiếng về cách xử lý của Premier League đối với việc PIF tiếp quản và thâu tóm Newcastle. Lãnh đạo Tottenham, Liverpool, Chelsea... phàn nàn rằng, họ không được thông báo về tiến độ mua bán Newcastle cho đến khi việc chuyển nhượng quyền sở hữu được công bố vào ngày 7-10-2021.

Sau khi 18 vị lãnh đạo đội bóng ở Ngoại hạng Anh bỏ phiếu ngăn cản PIF trong thời gian trước mắt không được đầu tư vào Newcastle, họ đã thống nhất ra văn bản, theo đó “các tổ chức được kiểm soát bởi cùng một chính phủ (ở đây là PIF với Chính phủ Saudi Arabia) có cổ phần trong một đội ở Premier League thì không thể trở thành nhà tài trợ của CLB đó”.

Dẫu là giấy trắng mực đen nhưng PIF và Newcastle hoàn toàn có lý do để tin rằng, ngay kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải này, không gì có thể ngăn cản PIF chi ra hàng trăm triệu bảng Anh để chiêu mộ hảo thủ cho Newcastle, bởi chính Ban tổ chức Premier League đang phải vật lộn trong mớ bòng bong thực thi các quy định kiểm soát chi phí mà tổ chức này đưa ra. Còn cuộc điều tra về việc liệu Man City có vi phạm các quy định tài chính của giải đấu hiện đã kéo dài sang năm thứ 3, lãnh đạo Man City thừa khôn khéo để đệ trình và tiến hành một loạt hành động pháp lý làm chậm quá trình điều tra. Trong lúc đó, Etihad Airways cũng như Bộ Văn hóa và Du lịch Abu Dhabi vẫn đều đặn tài trợ hàng trăm triệu bảng Anh cho Man City, bất chấp sự khó chịu lẫn thèm muốn của các đội bóng khác.

HÀ THÀNH