“Địa chỉ đỏ” trên đất Pháp
Trước khi chuyển tới ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, Nguyễn Ái Quốc đã ở nhà số 6 Villa des Gobelins, quận 13, Paris, cùng với Nguyễn Thế Truyền và luật sư Phan Văn Trường. Sau đó, để tiện cho việc liên lạc và hoạt động cách mạng độc lập, giữa năm 1921, đồng chí Paul Vaillant Couturier đã giúp Người tìm một căn phòng hẹp trong một ngôi nhà cũ kỹ ở số 9, ngõ Compoint.
Ngõ Compoint sâu chỉ chừng 50m, rộng khoảng 15m. Nơi đây vốn là khu trọ của những người lao động nghèo, trong những năm ấy vẫn phải thắp sáng bằng đèn dầu. Căn phòng nơi Nguyễn Ái Quốc thuê với giá 40 francs/ tháng nằm trên tầng hai của ngôi nhà ba tầng. Căn phòng có diện tích hơn 9m2, vật dụng trong phòng đều đơn sơ, nghèo nàn. Sát tường bên trái là chiếc giường sắt đơn, đầu giường có một cái tủ con để sách vở và vài đồ lặt vặt. Phía trên có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để thắp sáng. Thậm chí, căn phòng không có chỗ để tắm giặt...
    |
 |
Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, thủ đô Paris (Pháp) năm 1921, nơi người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã từng sống từ năm 1921 đến 1923. Ảnh tư liệu
|
Khi mùa đông đến, để chống chọi lại giá buốt, mỗi buổi sáng, trước khi đi làm, Nguyễn Ái Quốc lại để một viên gạch vào bếp lò của chủ nhà. Đến chiều, Người lấy viên gạch ra, bọc trong những tờ báo cũ rồi để trên giường cho đỡ rét. “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê / Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá”. Câu thơ của Chế Lan Viên trong bài “Người đi tìm hình của nước” dường như đã nói hết những năm tháng khó khăn Nguyễn Ái Quốc khi sống tại Pháp.
Khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng tâm trí, hoài bão của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc không bao giờ nguội nhiệt tình cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước. Thời gian 24 tháng ở ngôi nhà này, bên cạnh việc kiếm sống để mưu sinh bằng mọi nghề cực nhọc như thợ ảnh, vẽ đồ cổ Trung Hoa..., Nguyễn Ái Quốc dành mọi tâm trí cho hoạt động tuyên truyền, cổ động cho phong trào yêu nước.
Trong thời gian sống ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động tích cực trong phong trào cộng sản và công nhân Pháp; tham dự nhiều cuộc họp quan trọng như: Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Ðảng Cộng sản Pháp (năm 1921), Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Ðảng Cộng sản Pháp (năm 1922)... Trên căn gác nhỏ bé, Nguyễn Ái Quốc đã cho ra đời nhiều bài báo, truyện ngắn, kịch... tố cáo tội ác của chủ nghĩa tư bản và thực dân Pháp tại Đông Dương.
Tại Paris, không chỉ ngôi nhà số 9, ngõ Compoint gắn liền với tên tuổi của người thanh niên Nguyễn Tất Thành/ Nguyễn Ái Quốc, mà còn có nhiều địa danh khác như cảng Le Havre hay ngôi nhà số 3, phố Marché des Patriarches, quận 5, Paris-nơi đặt trụ sở Hội Liên hiệp thuộc địa và là tòa soạn Báo Le Paria (Người cùng khổ). Báo Le Paria do Người sáng lập, đồng thời vừa là chủ bút, vừa là biên tập và đôi khi kiêm cả phát hành. Báo được in 3 thứ tiếng: Tiếng Pháp, tiếng Arab và tiếng Hán, ra số đầu tiên vào ngày 1-4-1922. Trong tôn chỉ của tờ báo đã nêu ở số đầu tiên, tờ báo không chỉ là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn của những dân tộc thuộc địa, lên án sự lạm quyền cũng như các chính sách hà khắc, bóc lột của chính quyền thực dân mà còn là nơi để tập hợp lực lượng, kêu gọi đoàn kết đấu tranh cho sự tiến bộ về vật chất và tinh thần của nhân dân các nước thuộc địa, hướng đến mục tiêu cao nhất là giải phóng con người.
Sự ra đời của Báo Le Paria đã nhanh chóng trở thành vũ khí chiến đấu, là diễn đàn để Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp thuộc địa tuyên truyền tư tưởng giải phóng các nước thuộc địa.
Dấu ấn không thể phai mờ
Qua nhiều năm tháng, ngôi nhà số 9, ngõ Compoint như một kỷ niệm, một dấu ấn không thể phai mờ đối với mỗi người dân Việt Nam khi nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 15-1-1983, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Hội Việt kiều tại Pháp gắn biển lưu niệm để ghi nhớ và giữ gìn những kỷ niệm sâu sắc về Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Tấm biển đồng đen, ghi chữ Pháp, kích thước 45cm x 70cm với nội dung: "Tại đây, từ năm 1921 đến 1923, Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh đã sống và chiến đấu cho độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác".
Cuối năm 1986, thành phố Paris có kế hoạch phá bỏ những tòa nhà cũ kỹ để xây dựng lại, trong đó có ngôi nhà số 9, ngõ Compoint. Lúc đó, Đảng Cộng sản Pháp đã cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp bàn cách giữ gìn di tích quan trọng này. Nhiều hiện vật của Người khi sống tại đây đã được Đại sứ quán Việt Nam chuyển về Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có một viên gạch hồng là hiện vật liên quan đến câu chuyện cảm động về Bác.
Trong khi đó, một căn phòng lưu niệm đã được phục chế tại Bảo tàng Lịch sử Sống ở công viên Montreau thuộc thành phố Montreuil ngoại ô Paris với những chi tiết nguyên bản (hiện vật gốc) tháo dỡ từ căn phòng trong ngôi nhà số 9, ngõ Compoint. Đặc biệt, vào 14 giờ 30 phút ngày 19-5-2005, nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã diễn ra lễ đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công viên Montreau, bên cạnh Bảo tàng Lịch sử Sống. Cũng tại công viên, nhiều bà con người Việt và bạn bè Pháp thường xuyên đến thăm và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau bao nhiêu biến thiên của lịch sử, tại vị trí ngôi nhà số 9, ngõ Compoint năm xưa giờ đây là một tòa chung cư năm tầng. Phía trước tòa nhà có gắn tấm biển đồng di tích ghi lại dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hằng ngày, bên cạnh những người Việt Nam tới thăm, nơi đây còn có các vị khách nước ngoài. Họ tới đây để hiểu hơn về ý thức tự rèn luyện tư tưởng, mài sắc ý chí của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc; đồng thời thể hiện lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
MINH HOÀNG