Những biểu tượng của tinh thần đấu tranh
TP Hồ Chí Minh hiện sở hữu 188 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia và 128 di tích cấp thành phố. Các di tích này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch văn hóa của thành phố, trong đó, 4 di tích lịch sử đã trở thành những biểu tượng của du lịch TP Hồ Chí Minh.
Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) là địa danh lịch sử gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi Người đã rời Tổ quốc vào ngày 5-6-1911 trên con tàu Latouche-Tréville, bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Bến Nhà Rồng được xây dựng năm 1863 theo phong cách kiến trúc phương Tây nhưng có phần mái ngói cong mang nét Á Đông, đặc biệt là hình đầu rồng. Chức năng ban đầu là trụ sở của hãng tàu Messageries Maritimes, chuyên chở hàng hóa và hành khách giữa Pháp và các thuộc địa. Ngày nay, Bến Nhà Rồng là một điểm đến tham quan văn hóa-lịch sử quan trọng, trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
    |
 |
Dinh Độc Lập-nơi ghi dấu sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30-4-1975). Ảnh: PHẠM HÂN |
Dinh Độc Lập (dinh Thống Nhất) là nơi ghi dấu sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào trưa 30-4-1975, xe tăng của Quân Giải phóng đã húc đổ cổng dinh, đánh dấu sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn, thống nhất đất nước. Dinh Độc Lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, mang phong cách hiện đại kết hợp yếu tố truyền thống Á Đông, gồm khoảng 100 phòng. Dinh Thống Nhất hiện là Di tích quốc gia đặc biệt, mở cửa cho khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Bên trong vẫn giữ nguyên nhiều nội thất, vật dụng và tài liệu gốc từ thời điểm năm 1975.
Địa đạo Củ Chi là hệ thống địa đạo nằm tại huyện Củ Chi, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 70km về phía Tây Bắc. Đây là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng nhất của Việt Nam, đặc biệt gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hệ thống địa đạo bắt đầu được đào từ cuối thập niên 1940 trong kháng chiến chống Pháp và phát triển mạnh vào thời kỳ chống Mỹ. Tổng chiều dài của địa đạo lên đến 250km, gồm nhiều tầng, nhánh rẽ chằng chịt, có nơi sâu 8-10m dưới lòng đất. Địa đạo có đủ các khu vực như hầm ở, kho vũ khí, bếp Hoàng Cầm, bệnh xá, phòng họp... Địa đạo được thiết kế cực kỳ thông minh để chống lại bom đạn, khí độc và truy lùng của quân địch. Địa đạo Củ Chi hiện là một khu du lịch lịch sử-văn hóa, thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan mỗi năm. Du khách có thể trải nghiệm chui hầm, xem mô phỏng chiến đấu, thưởng thức món ăn thời chiến như khoai mì, muối mè. Địa đạo Củ Chi được xem là "thành phố ngầm" độc đáo và là một kỳ tích quân sự trong lịch sử chiến tranh du kích thế giới.
Chiến khu Rừng Sác là một địa danh lịch sử nổi bật trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân miền Nam Việt Nam. Rừng Sác nằm ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, trải dài đến vùng biển Cần Giờ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Rừng Sác là căn cứ địa quan trọng của lực lượng Đặc công Rừng Sác-một đơn vị tinh nhuệ thuộc Quân Giải phóng miền Nam. Đây là nơi tổ chức nhiều trận đánh lớn, nổi bật nhất là các chiến công đánh vào cảng Nhà Bè, kho xăng Thị Nghè, kho bom Thành Tuy Hạ... Lực lượng Đặc công Rừng Sác hoạt động trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt: Rừng ngập mặn, đầm lầy, muỗi vắt, thú dữ... Họ di chuyển bằng xuồng, chiến đấu bằng vũ khí nhẹ và sử dụng chiến thuật du kích, tập kích bất ngờ. Chiến khu Rừng Sác là biểu tượng của lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu kiên cường và khả năng thích nghi phi thường của người chiến sĩ cách mạng. Nơi đây góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ như “chiến tranh cục bộ” và “bình định nông thôn”. Ngày nay, Rừng Sác-Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là khu du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Khu căn cứ Rừng Sác đã được phục dựng thành di tích lịch sử, thu hút nhiều khách tham quan, nhất là học sinh và cựu chiến binh.
Phát huy tiềm năng du lịch của các di tích lịch sử
Du lịch di tích lịch sử tại TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ lực, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Năm 2024, sản phẩm du lịch văn hóa và lịch sử đóng góp khoảng 41% vào tổng doanh thu ngành du lịch thành phố. Trong đó, địa đạo Củ Chi, dinh Độc Lập là những điểm du lịch nổi bật của TP Hồ Chí Minh, thu hút mỗi năm khoảng 1 triệu lượt khách. Vì thế, việc phát triển du lịch di tích lịch sử tại TP Hồ Chí Minh không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương.
Nắm bắt xu hướng này, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hình thức tổ chức hoạt động hiệu quả. Những ngày này, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều đơn vị du lịch lữ hành đã xây dựng các tour du lịch độc đáo, đặc sắc mang nhiều ý nghĩa hướng đến những giá trị văn hóa-lịch sử... Trong đó, tour “Từ Mậu Thân đến mùa xuân đại thắng” đưa du khách ngược dòng thời gian qua các di tích nổi bật, tái hiện hành trình đấu tranh để thống nhất đất nước, như: Bến Nhà Rồng, trụ sở Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, cơ sở giấu vũ khí của biệt động thành đánh dinh Độc Lập năm 1968, bia tưởng niệm các chiến sĩ biệt động Sài Gòn... Đặc biệt, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-2025, du khách sẽ có mặt tại dinh Độc Lập, được hòa mình trong sự kiện trọng đại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng tự hào về chiến công lẫy lừng của cả dân tộc.
Một tour du lịch khác là “Huyền thoại về những anh hùng đặc công Rừng Sác-Đất thép thành đồng-TP Hồ Chí Minh” đưa du khách tìm về lịch sử với nhiều di tích mang ý nghĩa, như: Di tích lịch sử Rừng Sác, Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác, địa đạo Củ Chi... Trong khi đó, tour “Biệt động Sài Gòn-Những căn hầm huyền thoại” đưa du khách khám phá những công trình ngầm được thiết kế tinh vi giữa lòng thành phố, được lắng nghe những câu chuyện hào hùng của các chiến sĩ biệt động hay đi thăm Di tích lịch sử Cơ sở bí mật Thành ủy Sài Gòn-Gia Định...
Trong chiến lược phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, du lịch văn hóa-lịch sử được xác định là một sản phẩm mũi nhọn. Để hiện thực hóa chiến lược đó, ngành du lịch thành phố đang nỗ lực tăng cường kết nối, xâu chuỗi các điểm đến di tích vật thể, di sản phi vật thể trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng; tổ chức các sản phẩm du lịch theo chủ đề; du lịch hội thảo, hội nghị, du lịch lễ hội và du lịch ban đêm... để phát triển hơn nữa du lịch văn hóa-lịch sử của thành phố. Trong đó, giải pháp phát triển du lịch văn hóa-lịch sử cụ thể gồm: Đầu tư trùng tu, sửa chữa các di tích xuống cấp để bảo đảm an toàn và giữ được giá trị nguyên bản; nâng cấp hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, bảng chỉ dẫn tại các khu di tích; xây dựng bản đồ số, mã QR, công nghệ thực tế ảo (VR/AR) giúp khách tham quan trải nghiệm trực quan, sinh động; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tổ chức tour chuyên đề: “Theo dấu chân Bác Hồ”, “Hành trình giải phóng Sài Gòn”...; kết hợp tham quan với kể chuyện lịch sử; kết hợp trải nghiệm di tích với thưởng thức món ăn đặc trưng vùng miền, tạo dấu ấn khó quên... Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch đang được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế.
Năm 2024, tổng thu du lịch của TP Hồ Chí Minh ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2025, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tổng thu du lịch lên tới 260.000 tỷ đồng. Với mức đóng góp lên tới gần một nửa tổng doanh thu ngành du lịch của thành phố, các sản phẩm du lịch di tích lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng. Hơn thế, việc phát triển các sản phẩm này còn mang tính giáo dục sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
HOÀNG LONG