H’Linh nó vẫn hay than vãn về việc này, già Pết vẫn nhớ những ngày ngồi bên bếp lửa ở trên nhà sàn, nên mặc cho đây là cái nhà cấp bốn, xây trệt, bếp nấu ăn kê riêng ở sau nhà, già Pết vẫn tự tạo cho mình một bếp lửa ngay giữa nhà để ngồi, cái dáng ngồi rất đặc trưng như co thụt vào hai cái đầu gối dài quá khổ trồi lên của già. 

Bếp lửa có vài củ sắn vùi trong tro, già chỉ im lìm ngồi co chân như thế nhìn ngắm lửa. Trong nhà có điện, nhưng đến giờ già muốn ngồi bếp thì điện tắt, mọi người rút vào buồng hoặc mấy đứa trẻ thì đi chơi, để mặc già Pết cứ ngồi bên bếp lửa. Vân bước tới, già cũng chẳng buồn nhìn lên, cứ đắm mình vào bếp lửa.

- Mày về đi, không được đâu. Thầy Phan nói đúng đấy, đến cả cây để tạc tượng mồ cũng không được phép bước vào làng, rìu rựa để tạc cũng phải để ở nhà ma đến lúc làm xong, người sống không đi cùng lối với người chết được đâu. Không để tượng mồ vào trong làng được, đấy là luật rồi. Không đi trái được đâu.

Chẳng còn biết là đêm thứ mấy, nhưng Vân vẫn cứ đi, lách chân vào nhà, Y Ven cũng ở nhà quay ra nhìn Vân, cả ba cái bóng bị lửa hắt lên vách bập bùng. Già Pết cứ điềm nhiên như không thấy Vân và Y Ven, đi vào trong góc nhà, lấy ra cái chiêng, cô chỉ đưa mắt quan sát, già lần vào trong cái ba lô bộ đội cũ treo trên vách lấy ra một chiếc búa nhỏ xíu rồi quay trở ra chỗ ngồi cũ bên bếp lửa để gõ. Đêm vắng. Tiếng lửa tí tách, không gian trầm mặc khiến lửa ăn lùi ra phía ngoài, Vân lấy tay đẩy củi vào, nhìn vào lửa, đôi mắt như lạc vào ánh sáng nhảy nhót, tiếng chiêng nhỏ giọt theo chiếc búa nhỏ trên tay già Pết. Già thận trọng vừa lần bàn tay theo từng vòng, từng nếp chiêng, vừa gõ nhẹ, đôi mắt đục khép hờ lại nhưng đôi tai dường như đang động đậy để lắng nghe.

- Già làm gì vậy ạ? - Vân quan sát mãi, sốt ruột quá bèn cựa quậy hỏi. Già Pết vẫn im ắng, mắt nhắm như không bị ảnh hưởng bởi câu hỏi, bởi già biết có đứa sẽ trả lời giúp già.

- À, già đang chỉnh chiêng. Làng Rờng mới nhờ người đưa chiêng sang nhờ già chỉnh giúp, bên đó sắp có lễ - Y Ven biết già sẽ giả như không nghe để không phải nói.

- Sao làng đó không có người chỉnh chiêng à? - Vân đưa mắt sang Y Ven hỏi khẽ.

- Hà hà, giờ cả mấy làng xung quanh đây chỉ có một mình già Pết biết chỉnh chiêng thôi, không còn nhiều người biết cách chỉnh nữa đâu.

- Sao lại như vậy? Mình tưởng chiêng chỉ có tiếng là được thôi chứ?

- Mỗi cái chiêng phải có một cái tiếng khác nhau chứ. Nhưng cả một dàn chiêng như thế phải bắt được nhịp với nhau, một cái sai là không nghe ra được cả bài chiêng đâu, người ta đánh sẽ bị sai nhịp luôn đấy.

- À, kiểu như mình hát bè mà có người lạc nhịp chứ gì?

- Ừ, đúng rồi. Vân so sánh đúng rồi đấy, chiêng mà sai tiếng cũng như người bè mà sai bè thì cả bài lạc nhịp.

- Thế sao Y Ven không biết chỉnh chiêng?

- Chỉnh cái này phải học, phải có tai nghe. Đám thanh niên bây giờ chỉ có tai nghe đàn ghi ta, nghe nhạc ngoại, chứ có còn đứa nào biết nghe bài chiêng đâu mà chỉnh. - Già Pết đột ngột tham gia vào chuyện. Mắt người mở ra, nhìn sang Vân - Làng bây giờ có còn cái hồn nữa đâu. Chính mày cũng không biết, nên mới đòi đưa tượng mồ vào làng đấy thôi.

- Con biết đưa tượng mồ vào làng là sai, tượng là để cho người chết đem về bên Atâu để bầu bạn, để hầu hạ. Còn người sống thì không cần tượng, nhưng trong nhà rông không phải vẫn có tượng chim, có tượng người để làm đẹp thêm đấy thôi.

- Tượng mồ không được vào làng đâu. Quy định là thế rồi. - Già Pết lắc đầu nặng nhọc.

- Vào được hay không là do con người thôi già ạ. Chẳng phải quy định đều do con người đặt ra sao? Con biết thầy Phan đúng, con biết già đúng. Nhưng nếu chỉ đúng thôi thì chưa được. Già không thấy Pơthi bây giờ của làng cũng mất dần, người biết tạc tượng cũng ít dần, người biết chỉnh chiêng cũng chỉ còn mình già, người biết dệt vải cũng không còn muốn dệt. Thanh niên không có việc sẽ chỉ tụ tập và chơi bời sao? Già biết làng đang bị mất cái hồn, mà cái hồn ấy cũng có từ những lễ hội, có từ những bức tượng, có từ những tiếng chiêng, từ cái giọt nước đầu làng. Nếu bây giờ không làm thử thì hồn làng sẽ bị mất thật đấy ạ.

Già Pết thần người nhìn ra sân, buổi chiều sâu hun hút trên con đường đầy bụi đỏ. Tượng đã đẽo xong rồi, cái tay các già vẫn đang còn dẻo lắm, tốt hơn lũ thanh niên, tốt hơn lũ chưa già. Bàn tay chúng nó giờ chỉ quen cầm tay ga xe máy, biết lái cái công nông, biết sử dụng điện thoại, máy tính chứ không biết cầm đến cái rìu cái rựa nữa rồi. Đàn bà cũng chỉ còn vài người biết dệt vải, biết tạo hình hoa văn trên cạp váy, biết ủ rượu cần thôi. Nhẩm tính lại, cả làng giờ chỉ đếm đủ vừa trên bàn tay, bàn chân là biết làm nghề cũ. Đi tìm cái men ủ rượu thì có vài đứa gái trẻ chịu để ý, con H’Linh nhà già cũng biết này, còn lại chả mấy đứa trẻ chịu học, chịu làm. Cái quần jean cạp trễ của đám con trai con gái mài mòn mắt người già mà chúng vẫn không để ý, váy áo dệt chúng chê cũ, chê xấu, mặc không có đẹp mà ngồi dệt thì lâu hơn là đi mua nên chả còn đứa nào thèm học dệt. Đến các bài hát ru con bây giờ cũng ít đi, vì lũ trẻ không ru con nữa mà cứ đưa thẳng cái điện thoại cho trẻ con nghe cả ngày, đỡ mất công hát. Bước chân tha thẩn, người đi ra nhà mồ, đúng như Vân nói, những ngôi nhà mồ toàn làm bằng xi măng, còn vài ngôi lâu lắm rồi thì có mái tôn như cái nhà sàn cũng chẳng có tượng vì chẳng ai làm được tượng mồ bằng xi măng.

leftcenterrightdel

Minh họa: Lê Anh 

Nắng chiều hút xuống thung sâu, tiếng nẹt pô của đám trai trẻ sau một ngày đi rẫy cùng tiếng cười ré lên của đám con gái đánh thức già Pết. Già buông chân xuống nền đất nâu mềm mại để tìm lối về, già bỏ quên lại đôi dép mòn bên hàng rào cũ, một mảnh thủy tinh đâm vào chân già nhói buốt, già nhấc chân lên. Lớp da chân dày cộp chai cứng của ngày trẻ vẫn đi chân trần chỉ bị miếng mảnh chai cứa qua chứ không chảy máu. Già thở dài, miếng mảnh chai từ chai rượu vỡ nằm lăn bên đường, tối nào tụi thanh niên cùng tụ tập ở ngã ba này đàn hát và uống rượu. Rượu cần ngọt đằm chúng không quen nữa, chúng quen với rượu trắng của người Kinh rồi, cái đàn ghi ta sáu dây thì chúng học chẳng cần ai chỉ dạy, nhưng cái chiêng thì chúng quên hẳn cách chơi, cách đánh, chiêng có bị sai tiếng, lạc tiếng chúng cũng chẳng nghe ra. Cái giọt nước ở đầu làng chúng cũng lười ra tắm để trò chuyện, nhà nào nhà nấy có một cái giếng để dùng rồi, chỉ có những người chưa đào giếng mới ra giọt để lấy nước về thôi. Làng giờ hoang vắng và mất mát đến chả còn sức sống nữa, chỉ có sự lai tạp đang len vào, gỡ ra chẳng được nữa rồi sao?

Mọi việc không nhanh đến như Vân nghĩ, tưởng chỉ cần được già Pết đồng ý là có thể bắt tay vào việc, nhưng để tìm người làm tượng thì lại là việc khác, phải tìm ra cây thì việc này vẫn khả dĩ vì nguồn gỗ không thiếu, chỉ là hơi mắc một chút nên phần đầu tư sẽ phải cân đối lại. Xong nguồn gỗ thì mới nhớ đến việc quan trọng nhất là tìm ra người có thể tạc tượng, nhưng làng chẳng có ai chịu, những nỗi sợ hay ngần ngại nào đó vẫn khiến mọi người lắc đầu nghi ngại nhìn hai đứa loay hoay. Y Ven bần thần nhìn những hình chụp các bức tượng để trong album, cái này có từ lâu lắm rồi, từ ngày Vân và anh còn là sinh viên mượn được cái máy chụp ảnh rồi dẫn thầy Phan về làng để dự Pơthi. Ngày đó, nhà mồ của làng vẫn còn nhiều tượng mồ, thầy Phan thích đến nỗi ở lại nhà Y Ven cả tuần trời chỉ để đi vào làng trò chuyện và chụp ảnh, nhưng bây giờ, tượng cũng đã mục hết, mồ mới có, nhưng toàn mồ được xây. Phải làm thôi, không làm thì cái gì cũng mất hết, Y Ven tự nhủ rồi xắn tay áo lên, làm thôi, không đợi ai nữa, đợi đủ rồi...

Đề tài “Đưa tượng nhà mồ vào không gian sinh hoạt của nhà rông” vốn là một sự kiện văn hóa gây tranh cãi, dấy lên nhiều ý kiến trái chiều của tỉnh nhà, chịu nhiều sức ép, nhiều bất đồng bây giờ đã trở thành một báo cáo điển hình du lịch của tỉnh nhà. Với tính kiên trì của tuổi trẻ, cả Vân và Y Ven đã thành công trong bước đầu dựng tượng để quanh khu nhà rông, ngôi làng bỗng chốc trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch. Nhiều người sau khi nghe Y Ven giới thiệu về tượng mồ tỏ ra rất thích thú nhưng cũng không ngần ngại chia sẻ rằng may mà tượng được dời vào trong làng và làm với quy mô nhỏ để khách có thể nhìn ngắm, những hình ảnh đính kèm về khu nhà mồ với những lời chú thích để du khách tìm hiểu thêm, chứ còn thực tâm, nếu chỉ đi du lịch đến làng và bước chân vào một ngôi nhà mồ thực sự chỉ để xem các bức tượng này chắc chắn họ sẽ không dám.

Già Pết khoác một tấm dồ nhìn ra đống lửa mới đốt lên đầu tối, một tốp khách du lịch nước ngoài tới muốn được tham dự một đêm xoang. Phía trên các nhà sàn đã chật khách, bóng người mặc đồ dân tộc loáng thoáng chạy lên xuống từ gian bếp sang các phòng khiến già vui mắt. Những tưởng chỉ là dạy cho lũ thanh niên biết cách làm tượng, không ngờ từ sau những bức tượng đó, cả làng đã bắt đầu có thêm một công việc mới là phục vụ khách du lịch, tiếng chiêng vang đều từng đêm, đám đàn bà con gái nhà nào cũng lại biết ủ rượu cần để bán dần cho nhà hàng, cho khách. Đám thanh niên ngoài tạc tượng đã chú tâm học chiêng, đám con gái cũng theo già Phai tập dệt vải lại, già Lang thì đang truyền nghề đan gùi sang cho đám cháu. Có một sức sống mới đang dần nhen nhóm vào làng, dường như rất khẽ nhưng cũng sẽ rất lâu bền.

leftcenterrightdel
Tác giả Lê Thị Kim Sơn. 

 

 “Sức sống của làng” đặt ra một vấn đề băn khoăn của cuộc sống đương đại: Liệu những phong tục tập quán có nên được bảo toàn theo cách truyền thống hay cần có sự tiếp biến văn hóa để phù hợp với thời đại. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn là câu trả lời chân thực và lạc quan cho băn khoăn đó. Mảnh đất Tây Nguyên với nhiều tập tục, lễ hội, với đặc trưng văn hóa tạc tượng nhà mồ luôn cần có sự dũng cảm, dám nghĩ, dám làm của những con người trẻ, không chỉ gìn giữ những tập tục, mà còn thổi hồn, thổi sức sống vào những truyền thống ấy, để mang ích lợi cho chính những con người trên mảnh đất này. (Tiến sĩ HÀ THANH VÂN)

 

Truyện ngắn của LÊ THỊ KIM SƠN