Thằng Yang giờ cũng sắp thành bộ đội biên phòng, lại thay thế ba nuôi Ba Ngón của nó bảo vệ làng như ba nó đã từng vậy. Đoàn thiện nguyện hôm nay ghé thăm cũng là do thằng Yang liên hệ về đây. Nếu ba nó ở đây, chắc cũng sẽ vỗ vai khề khà khen, đôi mắt sẽ ánh lên vẻ tự hào không giấu nổi.
Ba Ngón nào phải dân nơi đây, hình như gốc gác đâu tận ngoài miền Trung. Chẳng hiểu sao sau khi chiến tranh đi qua, Ba Ngón không về quê nhà mà đến nơi này sinh sống. Nhiều người hỏi, Ba Ngón chỉ cười. Đôi lúc lại vui đùa: Do lỡ thương núi rừng hoang sơ, thương dân làng nên ở lại. Hồi ấy không phải ai cũng có thể thoải mái mà chung sống với đồng bào Gia Rai, bởi họ nghị kỵ những kẻ ngoại tộc sẽ phá vỡ đi những gì họ tôn thờ và trân trọng.
Ba Ngón cũng vậy thôi. Khi vừa được xã cấp cho mảnh đất ngay giữa làng, nhiều người cứ đứng từ xa chăm chú nhìn, ánh mắt săm soi dò xét không rời. Xã hỗ trợ Ba Ngón dựng căn nhà ván gỗ đơn sơ, tạm bợ để có nơi chui ra chui vào. Ngôi nhà của Ba Ngón lọt thỏm giữa những mái nhà sàn cao cao, trông đến là nhỏ bé. Ba Ngón dùng hết chân chất và thân tình của anh thương binh để đối đãi từ người lớn cho đến trẻ con. Cái vẻ ngoài giản dị và hiền lành khiến người ta buông bỏ mấy nghi ngờ, cũng chẳng cần đề phòng làm gì ông cán bộ xã hết lòng vì dân làng, vì cái xã còn nhiều nghèo khó.
Ba Ngón có tên có tuổi đàng hoàng, nói sao thì cũng là ông cán bộ mẫn cán và có tiếng nói ở cả cái xã này. Thế nhưng người ta quen nhìn bàn tay phải thoăn thoắt làm, lại còn hay vẫy tay, vỗ vai từng người, ba ngón tay trông không đáng sợ, cứ thấy ngộ ngộ rồi gọi tên như thế. Chả hiểu cái biệt danh ấy đi theo từ bao giờ mà thành câu cửa miệng của dân làng Krái, của cái xã vùng núi ẩn mình một góc Chư Nâm.
- Kêu tên cũng được, kêu Ba Ngón cũng không sao. Xưa cầm súng, giờ mất hai ngón rồi nên về cầm cuốc làm với bà con dân làng-Ba Ngón nói vậy.
Tay phải ông mất đi hai ngón, người thì gầy đét, hư hao bởi chiến tranh. Ấy vậy mà cứ như con sóc trong rừng. Mới thoăn thoắt ở chỗ này, chốc lát sau đã thấy bận rộn ở chỗ kia. Ai kêu ai gọi cũng lập tức có mặt. Đôi khi là hỏi cách trồng giống cây xã mới cấp về. Lúc thì cho dăm ba con gà rừng mới vừa săn được. Ai bảo Ba Ngón được lòng dân làng như thế. Họ mến, họ thương, nào có tiếc với Ba Ngón bao giờ.
Tính Ba Ngón cười thì cười đó, nhưng khi ai làm sai thì có thể ngay lập tức nghiêm nghị. Không phải Ba Ngón có ác ý hay khó ở gì đâu, mà vì tính cách luôn rõ ràng đúng sai, lại từng là quân nhân đối diện với hết thảy những gì đau đớn nhất của chiến tranh. Vậy nên ai hiểu thì quý lắm. Nhưng nhìn vậy thôi chứ cũng lành lắm. Ông chủ tịch xã việc gì cũng nghĩ cho dân. Từ cái việc xin giống cây trồng đến hỗ trợ canh tác. Gom từng đồng trong nhà cho người trong làng có ai đổ bệnh, đến cái việc không quản đường sá xa xôi một mình đạp xe đưa người đau nặng lên tới tận bệnh viện huyện cách làng hơn chục cây.
Bởi do Ba Ngón lành như vậy, tốt như vậy, dân làng nhiều kẻ thương đến hạt gạo cũng muốn bẻ đôi. Nhưng đôi khi cái nghèo cái túng khiến người ta vô tình mà lầm đường lạc lối. Những cái sai vì thiếu hiểu biết, đôi khi Ba Ngón cũng sẽ mắt nhắm mắt mở mà bỏ qua. Nhưng người trong làng ai cũng rõ, chạm đến rừng như là động vào gan ruột của Ba Ngón.
Mẹ thằng Yang mất ngay sau khi sinh con. Đứa nhỏ khát sữa khóc ngặt vì thiếu hơi mẹ. Dẫu cho các mí vẫn thường cho thằng Yang bú nhờ, thế nhưng những ngày ấy, cả làng chẳng ai no đủ, bụng đói dán vào lưng khiến cho dòng sữa cũng tắc nghẹn lại, mặc cho tình thương dành cho nhau thì bao la. Ba thằng Yang cũng vì thiếu thốn mà như con dúi lẩn vào trong rừng, dẫn đường cho đám người lạ vào phá rừng hạ cây. Tiếng cưa máy vọng khắp núi rừng như tiếng khóc nỉ non đứa con phản bạc.
Khi bị bắt, ba thằng Yang nhìn Ba Ngón với đôi mắt vừa hối lỗi vừa đau buồn. Giọng nói lơ lớ giải thích cho mọi lỗi lầm gây ra cho làng, cho rừng, cho cả Ba Ngón nữa. Sau cùng, hắn gửi gắm thằng Yang nhờ Ba Ngón nuôi dưỡng. Có lẽ trong thâm tâm hắn hiểu rõ Ba Ngón sẽ dạy dỗ đứa trẻ đó nên vóc nên hình. Sau khi ra tù, hắn biệt tích, không trở về làng nữa. Ba Ngón cũng đổi cho thằng Yang về họ mình, chỉ có cái tên vẫn gắn liền với những người thân sinh ra nó.
Nuôi lớn một đứa trẻ chẳng đơn giản như chăm một thân cây. Ba Ngón cũng trăn trở khôn nguôi, nhất là mỗi lần Yang hỏi mẹ đâu, hỏi vì sao màu da nó khác, đôi mắt cũng chẳng giống chút nào, thắc mắc những điều mà Ba Ngón vẫn chưa nghĩ ra lời giải đáp. Ông sợ sẽ để lại trong lòng nó những vết thương chẳng biết khi nào nguôi, cũng có chút tâm lý rằng chính mình đã góp một tay đưa ba nó ra chịu tội trước pháp luật.
Ba Ngón chăm sóc Yang chẳng thể như người dân ở đây, mặc kệ đứa trẻ ấy ăn mưa uống nắng lớn lên như cây cối trong rừng. Ba Ngón chăm sóc cho thằng Yang từng điều nhỏ nhất, dặn dò nó đủ thứ, nhắc nhở bảo ban đủ điều. Cho nó đi học ở trường làng, lớn một chút đẩy đến trường huyện. Thằng Yang lớn lên cũng được người lớn trong làng kể cho nghe chuyện về gia đình nó. Có lẽ những đứa trẻ sinh ra trong nghịch cảnh lại thường hiểu chuyện nhiều hơn.
Ba Ngón ngày xưa cứ một thân một mình như con cút rừng. Lủi thủi một bóng tưởng đã quen, nhưng khi về già có thằng Yang kề cận sớm hôm cũng có thêm chút niềm vui trong cuộc đời. Mấy ngày trời rợp bóng, Ba Ngón lại dắt thằng Yang lang thang trên triền núi dạo quanh. Có lúc Ba Ngón còn kể cho thằng Yang nghe mấy chuyện vu vơ ngày cũ, thằng bé vừa rong ruổi theo chân cha, vừa lắng tai nghe chẳng rớt rơi chữ nào.
Cái thời còn mưa bom bão đạn, anh bộ đội Hải đóng quân ở nơi đây rồi thương cũng là cô du kích trẻ can trường ôm trong lòng đầy hoài bão. Thứ tình yêu lớn lên trong bom đạn nó sâu sắc và mãnh liệt vô cùng. Những ngày lặng tiếng súng, anh vẫn thường lén tìm đến bên đơn vị cô ấy, dắt cô đi dạo quanh trên những triền núi. Có cây có cỏ, có những vạt hoa dã quỳ rực rỡ sắc vàng. Họ từng hẹn nhau sau khi hết chiến tranh sẽ sinh sống tại đây, dựng căn nhà nhỏ, sinh mấy đứa con, sống thật bình yên và hạnh phúc.
Nếu cứ như vậy mà đi đến ngày hòa bình, có lẽ giờ anh cũng đã có một gia đình ấm êm. Thế nhưng một lần địch bất ngờ tập kích từ trên cao, những làn bom ào ào như thác lũ giội xuống nơi triền núi khiến cô du kích hy sinh. Rừng khi ấy tan hoang xơ xác, vạt dã quỳ đỏ như máu nằm ngã rạp khắp một vùng. Cô ấy mất rồi, hóa thành một mảnh linh hồn tan vào núi. Vậy nên anh yêu rừng, yêu từng tấc đất, từng nhánh cỏ, ngọn cây nơi đây. Ra quân, anh xin về làm cán bộ cơ sở bám làng giữ rừng, giữ trọn lời hứa cũ. Rồi lâu dần người ta quên đi cái tên Hải, chỉ còn nhớ ông cán bộ Ba Ngón hết lòng vì cái làng Krái nằm lặng yên nơi chân núi này.
Thằng Yang đi học trường Quân đội, Ba Ngón mặc dù nhiều lần được đề bạt lên huyện, nhưng ông cứ lắc đầu, khua bàn tay phải mất đi hai ngón từ chối. Dẫu cho giờ đây người trẻ cũng nhiều, chẳng cần Ba Ngón phải bỏ quá nhiều công sức chạy tới chạy lui, nhưng hình như từ trong tâm khảm, ông vẫn ôm khư khư ý nguyện bảo vệ cho làng, cho rừng núi.
Hôm ấy, bão kéo về muộn, người ta cảnh báo mưa dông sẽ kéo dài, sạt lở sẽ xuất hiện ở một số nơi trong tỉnh. Ba Ngón vẫn lặn lội đi nhắc từng hộ dân như một thói quen. Người ta cứ thấy Ba Ngón mải miết chạy đi chỗ này chỗ kia. Thế nhưng bỗng một sớm lại chẳng thấy Ba Ngón xuất hiện như mọi khi, không thấy chiếc xe đạp chậm rãi đi trên con đường ngoằn ngoèo nữa. Dân trong làng bắt đầu toán loạn hỏi nhau. Căn nhà từ khi thằng Yang đi học xa giờ thêm hiu quạnh khi chẳng thấy bóng người quen thuộc. Đàn bà, trẻ con túm tụm trước sân chờ đợi, đàn ông nháo nhác tỏa đi tìm kiếm khắp nơi. Bầu trời xám ngoét càng làm lòng người ủ ê. Mãi cho tới lúc già Y Man xuất hiện trấn an, người ta mới vỡ lẽ Ba Ngón trong lúc đi xem xét tình hình mưa bão gặp sạt lở. Nỗi lo thì vơi đi, mà xót thương lại dâng lên mãi không thôi.
Ngày từ bệnh viện trở về, trời thả những tia nắng sớm hong khô những đêm mưa. Người già mang sang mấy bầu rượu ủ men đợi xuân. Người trẻ kẻ xách mấy con gà rừng, đứa mang qua mớ gạo thơm trong năm vừa thu hoạch. Lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ, chật kín một gian nhà cũ. Mấy đứa trẻ chạy quanh nơi Ba Ngón và già Y Man đang ngồi, thằng Yang được nghỉ phép, đứng chững chạc góp đôi lời cảm tạ tình thương của bà con trong làng. Đôi mắt già Y Man hướng về phía nó, lẩm bẩm: “Lạ thật, chẳng phải cha con ruột mà sao giống thế...”. Những lời còn lại, già nuốt vào trong, vì già biết, có những thứ vẫn tiếp nối truyền đời như tiếng chiêng đang rộn ràng lên tiếng, như mùa xuân đang vội vàng ngoài cửa, mạch của đời vẫn nối tiếp không thôi...
Phan Thúy Quỳnh là cây bút trẻ, viết khá lặng lẽ nhưng lại có một gia tài kha khá các giải thưởng. Thúy Quỳnh chọn cách viết khá hiền hòa để tiếp cận độc giả và "Trong lòng Chư Nâm" là một câu chuyện như vậy: Không cố gồng hay đa ngôn, câu chuyện dường như rất cũ kỹ về một tình yêu nam nữ băng qua chiến tranh, rồi lặng lẽ chuyển hóa thành tình yêu mảnh đất nơi người con gái ngã xuống, rồi cứ thế đem yêu thương để đồng hành với năm tháng, khiến cho mảnh đất Chư Nâm cứ thế xanh tươi như mùa xuân đang gần kề... (Nhà văn PHẠM ĐỨC LONG) |
Truyện ngắn của PHAN THÚY QUỲNH