Cái lồng sáo treo lủng lẳng trên xà ngang, con sáo đen nhảy nhót, vỗ cánh phành phạch, rồi bám vào cửa lồng mà kêu “sang sông, sang sông”.

Hai Giàu nhíu mày, cầm cành cây khô chọt vào lồng:

- Không phải sang sông! Nói: “Em yêu Hai Giàu”, nghe chưa? “Em yêu Hai Giàu”!

Nhưng con sáo vẫn mặc kệ, nghiêng đầu, cất tiếng rõ to hơn “sang sông, sang sông”.

Hai Giàu bực bội ném phăng cái que, lớn giọng:

- Sang sông cái gì mà sang sông! Mày có sổ lồng được đâu mà đòi sang sông?Cậu trừng mắt nhìn con sáo ngang bướng, rồi đưa mắt về phía hội quán đờn ca tài tử, nơi mấy ông già trong xóm ngày nào cũng ca đi ca lại câu: “Ai đem con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng nó bay”. Cậu nhăn mặt, cái điệu ca buồn ngủ ấy sao có thể so với những bản rap sôi động cậu vẫn nghe ngoài quán cà phê? Vậy mà con sáo của cậu lại thuộc nằm lòng đúng hai chữ “sang sông”.

 Nghĩ đến cuộc thi “hội chim sáo” tự lập của mình, Hai Giàu thở dài. Phải dạy nó nói “em yêu Hai Giàu” mới đúng chứ! Chán nản, cậu xách lồng sáo đi dọc con sông nhỏ, nơi lục bình trôi lững lờ. Chợt một bông hoa tím biếc lấp ló giữa nền nước xanh làm cậu khựng lại. Cúi xuống định hái, cậu trượt chân suýt làm cả người lẫn sáo rơi xuống dòng nước.

Cầm bông hoa lục bình sắp héo vì nắng trên tay, Hai Giàu đi tìm nhỏ Thương, giờ này chắc nhỏ đang đi bán bánh cam vòng vòng trong xóm. Tưởng kiếm lâu, ai ngờ đi mấy bước là gặp nhỏ đang gắp mấy cái bánh cam bán cho một thằng nhóc không mặc áo, bán xong, nhỏ còn tiện tay véo mặt thằng nhóc một cái, chắc véo nhẹ quá nên thằng nhỏ mắc cỡ rồi chạy đi. Tự nhiên Hai Giàu muốn giống thằng nhóc đó ghê.

- Út Thương đi bán giờ này chưa về nữa hả?

Nghe giọng Hai Giàu, Thương định quay đầu đi luôn, làm bộ không thấy, vậy mà vẫn bị Hai Giàu nhanh chân chặn trước mặt:

- Gặp anh mà trốn là sao? Anh tặng nè! Đưa cành lục bình vì héo mà rủ xuống như nét mặt hiện giờ của nhỏ Thương, Hai Giàu cau mày:

- Má nó, nắng quá héo rồi.

- Nó héo rồi thì anh Hai đi chỗ khác đi, cho tui còn đi bán.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Thương lách sang một bên định đi thì bị Hai Giàu đang một tay cầm cái lồng sáo kéo lại bằng tay kia: “Chưa nói chuyện với anh mà em đi rồi hả?”. Cái giọng Hai Giàu nhừa nhựa làm cho Thương tưởng như đang nghe mấy con bò kêu giữa trưa ngoài đồng. Cô liếc anh một cái, rồi vùng mạnh tay ra:

- Cậu Hai vừa phải thôi, tui la lên bây giờ.

Nghe vậy thì lòng khó chịu, nhưng Hai Giàu vẫn cười nửa miệng:

- Thì la đi, tui đang nói chuyện với vợ sắp cưới của tui chứ có chọc ghẹo ai đâu mà sợ.

Nghe ba chữ “vợ sắp cưới”, đôi mắt trốn tránh nãy giờ của Thương liếc Hai Giàu một cú bén lẹm, đỏ lên. Thấy vậy, Hai Giàu hơi giật mình, né sang một bên mà cằn nhằn:

- Tui có nói không cho em đi bán đâu mà em làm dữ vậy?

Nghĩ cũng lạ, người gì đâu gặp mặt là liếc người ta, liếc từ nhỏ đến lớn. Hồi nhỏ, Thương bị Hai Giàu ăn hiếp tại con gái mà mắt nhỏ xíu, da đen thui, tóc thì rối nùi. Mỗi lần như vậy, Thương vẫn không quên liếc lại cái thằng ăn hiếp mình bằng một ánh mắt sắc như dao sau khi có cơ hội chạy. Vậy mà lớn lên, Hai Giàu hết ghét, không biết vì mấy cái liếc mắt, bặm môi của Thương làm Hai Giàu sợ hay tại mái tóc rối kia đã dài mượt mùi bồ kết, lúc nào cũng được buộc thành cái đuôi dài sau đầu, làn da đen cũng trắng lên nhiều sắc độ, cái giọng lúc bình thường thì ngòn ngọt như nước mía nhưng lúc nói chuyện với Hai Giàu lại như gằn từng chữ. “Cũng dễ thương”, Hai Giàu nghĩ.

Hai Giàu quyết định theo đuổi người ta, mà tính xấu quá, lớn xác rồi mà suốt ngày cứ đi chơi bời, nhậu nhẹt, ca hát om sòm cả xóm. Thương không ưa nổi, gặp đâu tránh đó, mặc kệ Hai Giàu phở lở xóm làng chuyện nó để lòng yêu Thương.

Bà Ba, má của cậu Hai nói tìm vợ cho cậu để cậu bớt ăn chơi lại, như cá gặp nước, cậu đòi cưới Hoài Thương, mà bà Ba không chịu:

- Cái con nhỏ nhà nghèo ở với dì ghẻ đó hả? Sao mày đòi cưới thứ dữ vậy! Cậu ghẻ của nó còn từng ở tù đó. Cái giọng chua lét của má làm cậu khó chịu.

 Hai má con cãi qua cãi lại, Hai Giàu tức mà nhịn ăn suốt mấy ngày, suýt ngất xỉu. Cứ chơi bài đó là cậu thắng chắc. Bà Ba xanh mặt, lập tức chuẩn bị sính lễ qua nhà Thương dạm hỏi. Thấy sính lễ là hai chục mẫu ruộng với năm cây vàng, mắt bà dì ghẻ của Thương mở to, miệng cười đến muốn rách tận mang tai, rồi dạ dạ, thưa thưa hứa sẽ đưa con nhỏ qua bên đó sớm. Đến khi Thương đi bán bánh về, nhìn thấy mâm lớn, mâm nhỏ được che khăn đỏ mới biết chuyện của mình. Thương thấy đời lạ, mình cưới mà mình còn không biết, vậy mà người ta đã tính tới ngày gả mình đi. Nhưng Thương không muốn bị gả đi, cô vẫn ôm giấc mơ được đi học đại học, được trở thành cô giáo để dạy chữ cho lũ trẻ trong xã. Nhìn mâm sính lễ trải dài trên bàn, Thương cảm thấy như nó đang đè nặng lên ước mơ của mình. Thương nói:

- Dì thích thì dì cưới đi, con không cưới. Con muốn đi học.

Bà dì ghẻ cho Hoài Thương một cái bạt tai, gằn giọng:

- Mày đừng mong đi học gì hết! Nhà này không có tiền nuôi mày ăn học, tao kêu thằng Phủ đánh què giò mày rồi coi mày có đi học nổi không?

Nghe nhắc đến em trai dì, người từng ngồi tù vì đi chém thuê, Thương dù muốn cãi cũng phải ngậm đắng nuốt cay đi vô buồng. Tính Thương không dễ khóc, vậy mà lần này, Thương khóc đến ướt cả gối vì cái phận mồ côi sống với người dưng nước lã mà còn bị người ta sắp xếp đến cả một đời. Còn cậu Hai thì vui vẻ, hí hửng vì sắp lấy được nhỏ Thương, ngày nào cậu cũng tìm Thương mà gọi là “vợ” làm mắt Thương mỗi lần liếc cậu là cứ đỏ lên.

Hai Giàu nhìn hai con mắt nhỏ xíu của con sáo đang đu cái cửa lồng mà râm ran lòng dạ, sao chưa từng thấy Thương cười với mình, cười như cái cách mà Thương cười với cậu sinh viên thực tập ở nhà máy nước kia. Hai Giàu nhớ lại cái hôm định đi xin lỗi Thương vì hay ghẹo nhỏ, định nói “tui thương em thiệt, lấy em rồi tui không ăn chơi nữa mà làm thằng con trai đàng hoàng”. Ai ngờ chưa kịp nói thì cậu thấy Thương ngồi cùng một người con trai lạ, trên tay còn ôm xấp sách. Cô gái nhỏ mà cậu từng nghĩ là cứng đầu, giờ lại đang tha thiết nói về giấc mơ được đứng trên bục giảng với người con trai lạ. Ánh mắt, nụ cười ấy của Thương, Hai Giàu trước giờ chưa từng thấy. Siết chặt nắm tay đến đau nhói da thịt, vậy mà bên ngực trái Hai Giàu lại có cái gì đó nhói hơn, nhói đến độ không nhấc chân lên nổi.

Sau bữa đó, gần đám ăn trầu uống rượu, Hai Giàu đến nhà gặp Thương, xin dì dẫn Thương đi chơi đến hôm sau. Nhỏ Thương không chịu, nhưng bà dì ghẻ nghiến răng đưa ánh nhìn sắc lẹm về phía nó. Lạ là Hai Giàu không đưa Thương đi đâu xa, vào chỗ tối tăm nào, mà dẫn vào quán cà phê đầu chợ xã. Hai Giàu hỏi nhiều, gạ chuyện đủ điều nhưng Thương không buồn nói. Hai Giàu nghĩ, con sáo nó không nghe lời mình nhưng vẫn thánh thót “sang sông”. Ly sữa chua Hai Giàu gọi ra cho Thương chảy hết mà cô vẫn không thèm ngó tới, mắt cứ nhìn ra cái hướng nào không có cậu.

Khuấy ly cà phê, Hai Giàu gõ cái muỗng vào thành ly hai cái rồi uống một hơi hết sạch, sau đó thở ra khịt khịt như cái máy sắp hết xăng, nói: “Thương hông thương anh hả?”.

Chỉ có duy nhất câu này là Thương trả lời, quả quyết, không cần suy nghĩ: “Ông biết mà”. Câu trả lời làm Hai Giàu im lặng. Sự im lặng làm mắt Thương lại như xát muối, như van nài, Thương nói tiếp: “Ông Giàu, ông làm ơn nói má ông đem sính lễ về đi, chứ tui khổ quá”.

- Tui mà đem sính lễ về là dì em đánh chết em.

- Có chết tui cũng không thương ông được.

Hai Giàu đập bàn rồi đứng dậy bỏ đi, bỏ lại Thương cùng ánh mắt khó hiểu.

Khuya, sắc đen nhuộm màu khắp nơi, xóm nhỏ kéo vẻ yên tĩnh và hiu lạnh của khí trời. Hai Giàu ngồi sau bụi cây đối diện đám cỏ lau của con bến bên cây cầu Đá, nhớ con sáo không cách nào uốn lưỡi nói lời yêu. Một hồi, nhìn thấy từ xa bóng dáng quen thuộc. Thương đứng ngay con bến như chờ ai đó. Nhớ tới chuyện Giàu bỏ lại mình ở quán cà phê tới khuya, Thương cảm thấy may mắn mà không hay may mắn này là sắp đặt cố tình của kẻ tương tư.

Một lúc lâu, cậu sinh viên kia lái chiếc xe máy đến trước mặt Thương, ngay lập tức, nhỏ ngồi lên rồi hai người cứ như vậy mà chạy theo cái hướng đi ra khỏi xã. Tiếng của chiếc xe máy xa dần như hiện thực hóa những gì mà trước đó Hai Giàu nghe lỏm được, Thương nói muốn trốn đi lên thành phố kiếm việc làm để ôn thi vào đại học, không phải vì ai, mà vì chính mình.

Về nhà, con sáo thấy Hai Giàu ngoài cổng đã cất giọng “sang sông, sang sông”. Hai Giàu cười buồn rượi, “có sổ lồng thì mới sang sông được chớ mậy”. Nói vậy, cậu mở cái lồng sáo, đưa cái lồng lên cao. Con sáo mới ban đầu còn e dè, sau đó từ từ nhảy đến cửa lồng, cuối cùng nó cất cánh. Mới ban đầu chao đảo, sau đó thì bay lên cao, nó bay đậu lên cành cây, ngoái đầu nhìn chủ cầm cái lồng trống đứng bồn chồn bên dưới, cuối cùng cất cánh bay xa.

Gió đêm lành lạnh quét qua mái hiên, lòng Hai Giàu bỗng nhẹ bẫng. Cậu từng nghĩ nếu không có Thương, xóm nhỏ này sẽ buồn lắm, nhưng giờ đây, cậu lại thấy khác. Ở một nơi nào đó, Thương đang bước đi trên con đường mà nhỏ đã chọn, một con đường sáng rực những hy vọng. Cậu tin vài năm nữa thôi, Thương sẽ trở về, là một cô giáo dịu dàng, truyền tri thức và ước mơ cho những đứa trẻ như cô từng khao khát.

Con sáo đã sổ lồng bay về chân trời mới đang mở ra. Cậu khẽ ngân nga câu hát: “Ai đem con sáo sang sông/ Để cho con sáo sổ lồng nó bay...”. Nhưng lần này, cậu không thấy chán ghét, không thấy buồn, mà chỉ thấy lòng mình bình yên lạ thường.

Truyện ngắn của ĐỖ THỊ THANH THẢO