Rét thì Sải không sợ. Sải đã quen với cái lạnh từ thủa lọt lòng. Bố mẹ còng lưng trên những nương ngô cho Sải xuống trường nội trú học cấp ba rồi xuống tận Hà Nội học đại học sư phạm, chỉ mong đôi chân con gái không phải lội suối, cái lưng không phải chắm chúi leo dốc. Nhưng rồi Sải không quen được với ồn ã thị thành. Sải về lại chính nơi mình sinh ra để làm cô giáo bản. Bố mẹ Sải giận dỗi trách móc, đã học để lấy được tấm bằng đỏ chót thế rồi mà còn quay đầu về núi thì đúng là chẳng biết cách làm bố mẹ mở mày mở mặt. Bố mẹ nói nhiều khiến Sải buồn đến phát khóc. Mãi đến khi bà nội đi chợ phiên rẽ vào chơi, nghe được chuyện mới quay ra mắng át bố mẹ rồi bảo Sải: “Ở vùng này bao đời nay vẫn cứ dựa vào núi vào rừng mà sống. Khổ mấy cũng không chết được, chỉ có chết vì trong bụng nuôi những điều xấu thôi. Bố mẹ mày không nuôi được nữa thì qua ở với bà”.

Thế là Sải sang bản Ót ở với bà thật. Không phải vì giận dỗi bố mẹ mà vì thấy lưng của bà đã còng rồi. Từ mấy năm nay, bố mẹ Sải mời thế nào bà cũng không chịu về ở cùng. Bố mẹ muốn ở đây để các em Sải bớt đi một quả núi khi đến lớp, còn bà thì nhất định không muốn dời căn nhà tự tay ông bà dựng lên. Bản Ót nằm ở khoanh thứ ba của quả núi đối diện. Chiều chiều nhìn thấy khói bay lên từ mái nhà mình dưới thung lũng là Sải bụng bảo dạ đã đến giờ cơm chiều rồi đấy, lại tưởng tượng cảnh bố từ ngoài vườn gọi ời ời sai thằng Vừ dọn cơm, mẹ cúi xuống thổi thêm một hơi lửa rồi lau tay vào vạt váy để nắm những nắm cơm bé bằng quả trứng đưa cho cái May cái Mua, hai đứa em gái sinh đôi của Sải chỉ thích ăn cơm nắm chấm với muối trộn chẳm chéo. Nhớ nhà đấy nhưng công việc cứ cuốn Sải đi, chẳng còn rảnh rỗi để nghĩ vẩn vơ nữa. Sáng chiều lên lớp, mang tiếng dọn về ở với bà mà có khi cả tuần chỉ kịp ăn với bà một bữa cơm cuối tuần rồi lại lặn lội xuống bản vận động học sinh trở lại trường. Nhiều lần xe chết máy giữa đường, Sải ngồi thụp xuống, không muốn khóc mà nước mắt cứ thi nhau chảy ra. Những câu mời chào của mấy chị em gái cùng bản rủ rê đi làm ở các homestay trên La Pán Tẩn lại loáng thoáng chạy qua trong óc. Nhưng những ánh mắt ngơ ngác trong veo của bọn trẻ lại níu lòng Sải ở lại với lớp học dựa lưng vào vách núi ấy.

Sải đếm năm công tác của mình theo mùa hoa tớ dày. Vì lúc hoa tớ dày nở rộ là khi đám trẻ nghỉ học nhiều nhất để theo bố mẹ đi chợ phiên, Sải lại lọc xọc với chiếc xe máy đỏ vượt những cung đường gập ghềnh xuống bản vận động học sinh trở lại trường. Rồi hàng năm tỉnh tổ chức thi giáo viên giỏi cũng vào mùa hoa tớ dày. Những vòng xe khấp khểnh lại đưa Sải đi đến các điểm trường lân cận để dự giờ, trao đổi chuyên môn.

Trong trường chỉ mình Sải là còn son rỗi. Ngay cả cô Súa, cô Phàn ít hơn Sải một tuổi cũng đã có con bế con bồng từ mấy năm nay vì các cô ấy chỉ học trường sư phạm dưới tỉnh hai năm là về nhận lớp chứ không xuống tận Hà Nội học tới bốn năm như Sải. Chồng của hai cô ấy đều là bộ đội biên phòng, thi thoảng mới đến đón vợ con về dưới bản. Những ngày cuối tuần, nếu không về thăm bố mẹ, không đi xuống bản vận động học sinh thì Sải ngồi tẩn mẩn cắt xén những tờ giấy còn trắng từ mấy tập vở cũ, khâu lại thành những quyển vở nhỏ xinh cho học sinh làm nháp. Mấy đứa trò bé thích dùng để vẽ nguệch ngoạc những hình thù ngộ nghĩnh, trò lớn thì lấy kéo cắt đôi cắt ba tờ giấy rồi vẽ lên đó những mệnh giá 20.000 đồng, 50.000 đồng chuyền tay nhau và cười rúc rích. Ban đầu thấy vậy Sải khẽ cau mặt, nhưng rồi lại cười xòa với cách tự tạo niềm vui ấy của chúng.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Đến năm thứ tám vào nghề thì Sải được bổ nhiệm làm hiệu phó chuyên môn ở điểm trường mới bên Lao Chải. Từ điểm trường này về nhà xa gấp ba lần nhưng bố mẹ lại có vẻ ưng lòng. Mỗi lần Sải về thăm nhà, những lời càu nhàu lại chuyển từ chủ đề công việc sang chủ đề chồng con. Lần nào thấy bóng Sải thấp thoáng sau bức tường đá, mẹ cũng chạy ra cổng ngó nghiêng xem có thằng trai nào theo về không. Con gái như vồng hoa tớ dày, lúc rực rỡ khoe sắc là khi đương xuân, qua mùa xuân là tàn tạ, chẳng ai muốn nhìn nữa, đến con trâu đi qua có khi còn khịt mũi.

Nhắc tới chuyện chồng con của Sải thì bà nội lại không bênh Sải được rồi. Bà bảo con người phải như đũa có đôi, chọn lấy một người hiểu mình, không cần giàu có nhưng hiền lành tử tế, có nghề nghiệp ổn định là được, chớ có nhìn theo mấy thằng trai bản, nhà nó nhiều trâu, nhiều ngô nhưng có khi là của bố mẹ, anh chị nó làm ra chứ nó thì suốt ngày long nhong trên cái xe máy phóng như con ngựa vía rồi không hợp nhau đâu. Sải rúc rích cười: “Bà nói gì cũng đúng cả”.

Sải thấy chuyện tình duyên của mình tựa như vầng mây trên đỉnh Lao Chải, muốn níu lấy mà cứ tan ra. Có mấy đồng nghiệp mối lái giới thiệu nhưng Sải chẳng thể mở lòng ra được. Sải vẫn giấu mọi người chuyện có người yêu từ thời sinh viên. Hai người học chung lớp. Nhà Kha dưới thị trấn nhưng Kha phải lên dạy ở điểm trường Tả Van cách chỗ Sải cả ngày đường. Hai người đã hẹn nhau khi nào cùng xin được về trường thị trấn thì mới để hai gia đình gặp gỡ. Nhưng năm ngoái, Kha bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Lời hứa hẹn loãng tan như mây lửng buổi, rũ xuống như vạt hoa cuối mùa. Sải không tiếc, nhưng Sải buồn. Làm sao mà không buồn cho được khi Kha là mối tình đầu của cô.

Sải dạy ở Lao Chải được một năm thì có thêm hai giáo viên trẻ về tăng cường. Vân múa rất đẹp, lại biết nhảy hiện đại khiến đám trẻ mê tít, còn Tần thì gảy đàn ghi-ta thành thạo và có giọng hát rất ấm. Chiếc loa kéo của một đoàn khách du lịch bỏ lại cách đây vài tháng Sải vẫn cất trong góc phòng giờ được Tần lôi ra hí hoáy một hồi, kết nối với cái điện thoại, âm thanh lại vang lên giòn giã. Khu nhà tập thể rộn rã hơn vào những ngày cuối tuần. Đám trẻ nhìn cô Vân nhảy mà tròn mắt. Sải nghĩ ra sáng kiến bảo Vân phải thành lập ngay một câu lạc bộ văn nghệ. Thế là bọn trò gái bảo nhau phải chịu khó đi học thì cuối tuần mới được cô Vân dạy nhảy. Cả những đứa hay bỏ học để theo mẹ đi chợ phiên bán hàng thổ cẩm trước kia giờ cũng chăm đến lớp hơn.

Vân và Tần như mang một vạt nắng mới đến ngôi trường nhỏ này. Sải ban đầu còn bỡ ngỡ với những trò chơi mà hai giáo viên trẻ ấy dành cho học trò. Có lúc Vân buột miệng trêu: “Chị học ở Thủ đô mà sao chẳng mang theo cái không khí hiện đại về cho núi rừng nhỉ”. Sải đỏ mặt ngượng nghịu: “Chị chịu thôi, hồi chị học dưới đó chẳng mấy khi đi đâu chơi, chỉ thuộc đường từ giảng đường về ký túc xá”. Tần dè dặt: “Em có quen với mấy anh ở đồn biên phòng trên Tả Phìn, hay là chị em mình lên mời các anh ấy sang đây giao lưu. Học sinh nữ thì có cô Vân dạy múa dạy nhảy rồi, học sinh nam thì em định nhờ các anh ấy dạy võ, chị thấy có được không ạ?”.

Sải gật đầu lia lịa. Được quá đi chứ. Thế mà Sải không nghĩ ra. Bao lâu nay Sải chỉ cặm cụi với những bài giảng, mang tất cả những kiến thức học được ở trường đại học về để dạy cho bọn trẻ. Mà bọn trẻ lại bảo cái chữ của cô chẳng làm bụng no hơn được. Bố mẹ chúng thì nghĩ miễn sao chúng tính được giá ngô giá mận, nói được dăm ba câu tiếng Anh mời chào khách du lịch mua thổ cẩm được giá, ấy đã là giỏi rồi. Thế nên có lúc Sải thấy ước mơ của mình cứ chênh vênh như những bông tớ dày cuối mùa, cố khoe sắc trước khi theo gió rụng tả tơi xuống vạt đồi.

Cuối tuần, Tần chở Sải lên Tả Phìn. Mưa xuân khiến con đường mòn lép nhép bùn đất. Trời lạnh mà Sải thấy mồ hôi túa ra ở hai bàn tay Tần, đoán cậu chàng chắc đang căng thẳng với đoạn đường gập ghềnh này. Sải bảo: “Em để chị chở cho, đi đường núi chưa quen rồi lại chóng nản”. Tần đỗ xe lại ngượng nghịu: “Lát nữa gần lên đến nơi, chị lại đổi lái cho em nhé, kẻo các anh ở đồn biên phòng lại cười em”. Sải nhìn điệu bộ lúng túng của Tần, giấu nụ cười thật hiền sau chiếc khăn len dày sụ.

Chiếc xe ì ạch leo dốc. Tần ngồi phía sau xe nói như cổ vũ: “Bên ấy có anh Kiên cùng quê với em cũng mới lên tăng cường. Anh ấy đã hẹn em tuần này xuống trường mình nhưng lại có lịch trực thay đột xuất. Anh ấy hơn chị mấy tuổi, lát nữa em giới thiệu chị với anh ấy nhé. Anh ấy... được lắm đó”. Sải phì cười: “Tóm lại là em đưa chị lên để giới thiệu với anh Kiên hay là lên để mời các anh ấy đến dạy võ cho bọn trẻ?”. Tiếng Tần cười khì khì lẫn trong tiếng xe lọc xọc: “Cả hai ạ...”.

Sải thấy má mình chợt nóng bừng lên. Cô liếc nhìn sang sườn núi bên kia, những vồng tớ dày nở muộn như phết vệt hồng tươi trên nền xanh thắm của núi rừng.

leftcenterrightdel
Tác gỉa Tạ Thị Thanh Hải 
Viết về miền núi, đặc biệt là về cuộc sống của những giáo viên vùng cao không phải là đề tài mới lạ. Song với khả năng quan sát nhạy bén và những rung cảm chân thành của một nhà giáo, Tạ Thị Thanh Hải đã tạo được ấn tượng bởi cách viết nhẹ nhàng mà duyên dáng về đề tài tưởng chừng đã rất quen thuộc ấy. Ngòi bút của tác giả như một chiếc máy ảnh lướt qua khoảng không gian cao rộng của đồi núi điệp trùng, lia đến cả những góc nhỏ của căn phòng tập thể hun hút gió. Song bức tranh núi rừng hoang sơ mà hùng vĩ chỉ là cái phông nền để Thanh Hải đan cài khắc họa những phận đời, phận người, gửi gắm vào câu chuyện niềm tin yêu cuộc sống. Truyện hấp dẫn người đọc bởi giọng văn trong trẻo mà đằm thắm, trữ tình. (Đại tá, nhà văn TRẦN ĐỨC TĨNH)

Truyện ngắn của TẠ THỊ THANH HẢI