Đã dặn lòng, đó là kỷ niệm đẹp, nàng cố phải quên đi, đừng hy vọng nữa. Thế nhưng, càng quên thì càng nhớ.

Má bảo rằng, yêu là khi quay mặt bước đi là thấy nhớ. Có lẽ, má đúc kết được điều ấy khi tiễn ba vào Nam chiến đấu. Cuộc đời má chính ra cũng có nhiều nhặn gì đâu ngoài những nỗi nhớ dài hơn mái tóc má chải rồi vấn mỗi ngày và những nỗi lo nhiều như cát. Má lo cho những đứa con dù không dứt ruột đẻ ra nhưng má chăm mỗi ngày bị thương. Má lo cả khi có tiếng ùng oàng của bom đạn nổ đâu đó. Má chẳng sợ phải đối đầu với địch nhưng lại sợ những đứa con mình mất một miếng da, giọt máu. Má sẵn sàng luồn vào vùng cứ địch để thám thính thông tin, má sẵn sàng bơi qua dòng nước xiết để chuyển nhu yếu phẩm lúc đêm khuya nhưng lại không chịu được quân ác ôn bắt con của má đi.

Má có chồng. Chồng má là bộ đội. Hai người gặp hai lần cả thảy. Má với chồng bên nhau đúng một buổi trưa. Và rồi, chồng má lên đường đi chiến đấu. Sau rồi làng cũng bị địch tràn vào và lập vùng cứ. Nàng còn nhớ như in lời của má, làng mình mà để nó chiếm thì còn ra làm sao. Nó chặn đường ni ta đi đường nớ. Đất của ta, nhà của ta, nó phải sợ ta chớ.

Chính má là người lội qua sông đưa Bình về làng để hoạt động nắm bắt thông tin. Và rồi, một tay má đào hầm nuôi bộ đội trong nhà.

Má bảo, ở với má thì không phải lo chuyện no đói. Ở với má thì hãy tin vào má, má chỉ không biết làm chuyện “chiến lược”, từ mà má học được của Bình, còn dặn má chuyện gì, má làm như in, không sai điều chi hết. Má luôn là như thế, cái dáng gầy nhẳng gió có thể thổi bay nhưng lòng má thì kiên định và vững bền như con sông ngàn năm còn đong đầy dội sóng. Một mình má có thể quần được bao thóc gần một tạ và đủ sức để vả cho những tên ác ôn phải choáng váng nếu để má cáu lên.

Câu nói tưởng bâng quơ nhưng lại thấu tới từng thớ thịt và đúng với cả hoàn cảnh của nàng.

***

Tính ra thì nàng gần ba mươi rồi. Thời còn đôi mươi, dòng sông kia hồi địch chiếm đóng, nàng cũng từng một mình bơi qua. Giờ dòng sông chẳng có địch nữa, lại có người lái đò, nhưng sang bên kia sông, nàng chẳng biết đi đâu.

Nàng gặp Bình năm nàng chưa đầy hai mươi. Khi ấy nàng vừa mới vượt qua cơn sốt rét. Đầu nàng trọc lông lốc, người bé tí, chỉ nặng chưa đầy ba mươi cân. Nếu không nhìn vào khuôn mặt nhăn nhúm của nàng, ai cũng nghĩ nàng là đứa trẻ con.

Thế mới có chuyện ngày ấy nàng giả làm trẻ con đi vào vùng cứ của địch. Tiếng là kiếm cái ăn nhưng thực ra là thám thính tình hình rồi về báo cho má. Khi chúng phát hiện nàng đã bị bắt lại. Thật may khi ấy nàng dính cơn sốt rét, chúng nghĩ thế nào nàng cũng chết nên vứt xác ra mép sông. Chính má là người cõng nàng đi trốn rồi chạy chữa cho nàng. Bằng sự diệu kỳ nào đó, nàng đã sống.

Nàng gặp Bình trong đêm trăng vàng như rót mật. Đêm đó, má thết Bình và nàng món mì Quảng. Má bảo, tạm thế đã, chờ khi đuổi được bọn ác ôn má sẽ thết hai đứa bát mì Quảng thật nhiều thịt. Nàng gặp Bình khi nàng đang độ xấu nhất. Ấy vậy mà anh không ngại lại còn thương nàng.

Bình thương nàng là thật. Ngay cả cái tên “Liền” trước nay luôn khiến nàng tự ti thì anh lại gọi một cách thật ngọt và thân thương. Chỉ khi anh gọi, nàng mới thấy nó cũng không xấu. Và từ đó, nàng mới nhận ra rằng, yêu thương thì làm gì có giới hạn cho người đẹp hay xấu.

Dưới đêm trăng, Bình kể cho nàng nghe về mẹ.

Bình bảo, mẹ Bình tên Nhàn nhưng số lại vất vả, lận đận. Mẹ nhận tin bố anh mất khi anh mới ba tháng tuổi. Một mình mẹ ở vậy nuôi Bình. Trong ký ức của Bình, cuộc đời mẹ phân làm hai nửa, một nửa của ban ngày, bà quần quật với chuyện mưu sinh, chuyện góp công điểm để gửi lương thực ra tiền tuyến. Phân nửa về đêm bà dành cả tâm hồn cho bố để hy vọng và nhớ nhung.

Bình hỏi nàng có biết nỗi nhớ cồn cào là thế nào không?

Nàng lắc đầu. Bình bảo, nhớ là không thể quên. Trong tuổi thơ anh, những đêm thật dài. Có những đêm mẹ anh đi ra đầu làng và đứng đó chờ. Mẹ anh bảo, biết đâu bố về trong đêm. Nhưng tin tức về bố cứ bặt tin như thế. Với anh, yên tâm và bình yên nhất là khi mẹ anh thường ngồi bên bậu cửa nhìn ra màn đêm đen rồi nhai trầu cho tới sáng. Trong giấc ngủ chập chờn thì mùi trầu không là tín hiệu để anh biết, mẹ còn ngồi đó chứ không phải lại đi trong đêm như kẻ mộng du.

Bình có nói về vùng quê Bình. Bình bảo, quê Bình có nghề làm than. Sau này hòa bình về quê anh cũng không lo đói. Rồi nỗi nhớ Bình trong nàng cứ lớn lên như thế. Những lần gặp sau đều vội vàng và gấp gáp.

Nhiêu đó năm nàng nhận được của anh có hai bức thư. Lần cuối cùng trong thư anh thông báo anh đang ở Tây Nguyên. Trong thư anh luôn nói với nàng về niềm tin chiến thắng. Anh muốn một ngày đưa nàng sang bên kia sông về thăm quê hương anh.

Bình trao cho nàng tình thương nhưng lời yêu lại chẳng nói. Nàng chỉ có niềm tin rằng Bình cũng yêu nàng. Và thế là không hẹn mà nàng cứ đợi.

***

Nàng đứng đó, nhìn chằm chằm vào những chuyến đò cuối ngày. Ánh mắt như là ngóng trông, như là hy vọng. Từng chuyến đò qua, người đã lên bờ hết, nỗi chán chường lại hiển hiện trong mắt nàng.

leftcenterrightdel

Minh họa: MẠNH TIẾN 

“Cô Liền lại chờ chú Bình đấy à? Có khi chú ấy về thẳng quê rồi. Lo mà lấy chồng thôi”.

Phải. Cũng giải phóng rồi. Từ đó tới nay, những đám cưới đã định cứ lần lượt diễn ra. Những chuyến đò chở người về quê cũng thưa dần, đa số đều là những người bị thương. 

Sau ngày giải phóng, làng lúc nào cũng nhộn nhịp. Tiếng nói cười đón bộ đội trở về, tiếng thóc thét lên cho thỏa nỗi nhớ mong, cũng có cả tiếng khóc của hối tiếc nữa.

Giá kể, Bình nói nhiều hơn về thông tin Bình ở vùng mỏ thì nàng cũng sẵn sàng ra Bắc đi tìm. Nàng đã không còn má ở bên mà tiếp thêm sức mạnh, để an ủi, để đưa đường dẫn lối, để cho nàng lời khuyên. Cuộc đời của má, tới hết cuộc đời vẫn không được gặp ba. Nhưng má vẫn tin một mực, bằng cách nào đó ba vẫn sẽ trở về. Sau ngày má mất đúng một năm, một người phụ nữ luống tuổi đã mang những kỷ vật của ông về sau khoảng một tháng nàng thay má nhận giấy báo tử của ba.

Ban đầu, trong nàng có chút hoài nghi. Nước mắt nàng cứ chảy ra vì thương má. Sau nén nhang thắp lên, nàng mới được người đàn bà kể tường tận mọi chuyện. Hóa ra chính ba đã cứu con trai bà trong trận địch càn. Người đàn bà bảo, ba là người đáng kính và mẫu mực. Thứ đồ mà người đàn bà mang về cho má là chiếc áo của ba và một chiếc lược ba tính chờ hòa bình rồi ba sẽ mang về tặng má. Thật không may, chiến tranh loạn lạc, đường người đàn bà đi tìm má thêm xa.

Chính má là người dạy cho nàng bài học về niềm tin.

Niềm tin để nàng bấu víu trước những trúc trắc của cuộc đời.

***

Có lẽ, đó chỉ là ảo tưởng của riêng nàng thật. Có lẽ... có lẽ hy vọng về một ngày được về quê Bình cạn thật rồi.

Hôm nay nàng quyết định không ra bến sông nữa.

Từ sáng sớm, làng xóm vẫn nhộn nhịp. Phải nhộn nhịp chứ. Lời bài hát “Giải phóng miền Nam” văng vẳng.

Nàng vẫn nằm đó nhìn lên đỉnh màn. Nàng xoay người cong lưng tôm. Tiếng thạch sùng tặc lưỡi khô ran. Liền nằm đó người dở như ốm. Nàng cố nhắm mắt ngủ thêm để kéo thời gian ngắn lại. Có lẽ đó là cách để nỗi nhớ vơi đi nhanh nhất.

“Cô Liền ơi có nhà không, ra đón người thân ớ...”

Nàng giật mình ngồi bật dậy như lò xo rồi chạy chân trần ra mở cửa.

Đập vào mắt nàng là người đàn ông khoác trên mình bộ áo quần bộ đội, trên vai đeo ba lô con cóc, hai tay xách theo hai túi gạo. Nhiêu đó thôi nàng đã biết trong trái tim anh vẫn có nàng.

Bình vẫn đủ bình tĩnh đặt hai túi gạo xuống nền sân và cám ơn ông Sinh đã dẫn đường. Liền khóc ré lên như đứa trẻ ăn vạ, khóc cho thỏa nỗi nhớ nhung. Nàng khóc cho tan đi bao nhiêu hờn tủi. Nàng khóc thay cho cả phần của má. Liền ôm anh như thể anh chắc chắn là của mình dù rằng lời yêu vẫn chưa được nói ra. Nàng ôm lấy Bình như thể sợ Bình đi mất.

Hóa ra, đáng lý Bình có thể trở về sớm hơn nhưng do đơn vị còn một số nhiệm vụ khác nên giờ anh mới về được. Bình còn nhớ nguyên lời hứa của má, khi hòa bình rồi sẽ cho hai đứa ăn một bữa thật no, thật ngon. Và hôm nay trở về, chính tay anh đã nấu món mì Quảng để cùng ăn với má và Liền. Chính tay anh đã đeo vào tay Liền chiếc nhẫn làm bằng vỏ đạn anh đã chuẩn bị từ lâu.

Nàng nhìn vào chiếc nhẫn mà nước mắt cứ chảy ra.

- Sao ngày đó anh không chịu nói lời yêu em?

- Liền ơi, nơi anh đến là trận địa. Chuyện sống chết làm sao tính được. Anh làm gì có tư cách làm em thêm khổ. Còn lòng anh thì em đã quá rõ, anh thương em còn không hết, sao lại đem đau khổ tới cho em nữa làm chi.

Dù lấn cấn nhưng nàng vẫn hỏi Bình thêm câu nữa: “Anh thắp hương cho má xong rồi anh lại ra Bắc hay sao?”

Anh ngước lên nhìn nàng khi đang cặm cụi lau từng chiếc chén.

“Anh báo với mẹ rằng anh sẽ về rồi. Mẹ bảo anh cứ qua với em và má, rồi đưa vợ về cũng được.” “Vợ”-thanh âm tưởng như đơn giản mà nàng phải đợi suốt mười năm có dư, khiến nàng lâng lâng.

Rất nhanh, chiều hôm ấy, Bình đưa nàng đi báo cáo với chính quyền và nhờ họ chứng kiến lễ thành hôn của hai người. Căn nhà ba gian phủ bụi mất hai nay cũng có hơi người.

Nàng bảo không nên để mẹ chờ quá lâu. Hai người nhìn nhau mỉm cười. Sáng ấy, nàng khoác lên mình chiếc áo mới hoa nhí màu hồng bước chân xuống thuyền đi sang bên kia sông, về quê chồng.

leftcenterrightdel

Tác giả Cát Lâm. 

Có lẽ trong muôn vàn sự chờ đợi thì chờ một người đi vào cuộc chiến luôn là nỗi chờ đau đáu nhất. Mẹ chờ con, vợ chờ chồng và đôi lứa chờ nhau dẫu chưa ai dám nói tiếng yêu trong thời tao loạn. Như chính má chờ ba bằng niềm tin bất diệt của một người phụ nữ dành trọn vẹn trái tim mình cho chồng và cho quê hương. Liền cũng chờ trong mỏi mòn cho đến ngày tàn cuộc chiến. Dẫu muộn mằn nhưng hạnh phúc vẫn nở hoa với Liền và Bình. Câu chuyện được tác giả kể lại bằng một giọng văn nhuần nhị, nhặt khoan và đầy hình ảnh sống động của cuộc chiến tranh kỳ vĩ mà dân tộc ta đã kiên cường vượt qua và chiến thắng. Dẫu nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng đề tài chiến tranh và hình ảnh người chiến sĩ luôn là niềm cảm hứng khơi gợi mãnh liệt nhất đối với văn chương. Và cũng từ những câu chuyện như thế, hòa bình hiện lên đẹp một cách lộng lẫy trong lòng của muôn triệu người Việt Nam. (Nhà văn TỐNG PHƯỚC BẢO)

Truyện ngắn của CÁT LÂM