Rồi cái trạm y tế mà bà con mong chờ cũng được hoàn thành. Dân dưới ấp Cái Cối ở tuốt luốt mé cửa sông, xa trung tâm xã cả chục cây số cũng đánh nguyên cả chục chiếc vỏ máy ngược kinh Vàm Ông Lớn về dự khánh thành.

Lãnh đạo huyện và xã không lường hết được số người về dự, đành phó mặc, người trên bến, kẻ dưới thuyền... cứ đùng đưa vậy mà đứng ngắm trạm y tế mới. Tiếng nói cười ngập tràn dòng kinh.

Cô Sáu Chà Và hổn hển rẽ đám người chui ra, miệng la bai bải:

- Anh Tư ơi, bác sĩ này ở đâu tới vậy ta? Ổng đâu có mặc áo trắng như các bác sĩ trên huyện. Ổng mặc quân phục, mà cầu vai, quân hàm cũng lạ nữa, nó xanh lét hà, đâu có giống của mấy anh xã đội nhà mình...

Chú Tư Cộc vội len vào trong sân, ngó nghiêng một hồi rồi len ra, cánh tay trái bị cụt đến khuỷu lúc lắc theo nhịp chân. Nhác thấy thằng Được, cháu cụ lang Hiền đang đứng xớ rớ gần đó, chú ngoắc nó lại:

- Được, mày guồng chân chạy thật lẹ về báo cho ông Năm biết, đây là trạm xá quân dân y kết hợp do mấy chú trên đồn biên phòng xây. Ông bác sĩ tên là Tuấn. Bắt đầu từ ngày mai, trạm xá sẽ mở đợt khám bệnh toàn diện cho bà con. Rồi đó, đi đi con.

Được vắt giò lên cổ mà chạy. Về tới nơi, nó đã nghe tiếng nội rổn rảng:

- Thấy tụi nhỏ kéo nhau ra trạm xá mới mà tui bắt ham quá. Dân mình từ nay đỡ cực biết mấy.

Bà Tám Hậu bắt lời:

- Ờ, anh Năm nói phải. Có trạm xá, anh Năm đỡ vất vả. Tuổi cao rồi mà phải đi coi bệnh từ ấp trên qua ấp dưới thì sức nào chịu thấu.

Dì Út Đẹt dưới bếp nói hóng lên:

- Cô Tám nhớ không, dạo anh Tư Cộc bị ngã từ trên mố cầu tràm xuống, lọi cả xương tay. Ba con sơ cứu cho ảnh, rồi biểu người nhà khênh lên xe bò chở vô bệnh viện huyện. Người đẩy, kẻ kéo, miết rồi mới tới nơi thì cánh tay đã không còn cứu kịp. Thế nên giờ mới kêu tên Tư Cộc.

Ông Năm khà khà:

- Ờ hén! Thiệt tình, cái thằng đó cũng tội. Bảnh trai dữ dằn nghe, mà cũng chịu thương, chịu khó nữa chớ. Vậy mà nó mặc cảm cái tay cộc, không có chịu thương cô nào hết. Con Hai có ưng để tao kêu nó vô gả phứt cho rồi.

- Khỏi, ba ơi. Có con Sáu Chà Và nó đeo ảnh rồi. Kêu con chi cho mất công...-dì Út Đẹt phụng phịu.

Được chạy ào vô sân, thấy nội đang quấn điều thuốc rê, nó vội la lớn:

- Nội, chú Tư Cộc biểu con về báo nội hay. Trạm xá mới đẹp lắm! Mà con thấy biểu là trạm xá quân, quân... gì gì đó. Mà thấy nhiều chú bộ đội ghê lắm.

Ông Năm gật gù:

- Cha, vậy là hay rồi hén. Có bác sĩ quân y về xã mình là số dách đó.

- Chú Tư còn dặn, bắt đầu từ ngày mai sẽ có đợt khám sức khỏe toàn diện cho nhân dân trong xã. Thôi, con vô học nghe nội. Chiều nay con có bài kiểm tra.

- Ờ, thôi bay vào học đi-ông Năm xây qua nói với bà Tám-Hồi năm bảy ba, tui cũng được một anh quân y giải phóng cứu thoát khỏi bệnh sốt phát ban đó. Chị còn nhớ anh Hạo không? Không có anh đó cứu thì tui đâu còn được ở với bà nhà tui, rồi có thêm con nhỏ Út Đẹt này. Rồi tui mới nguyện theo ảnh học cách sơ cứu cho người bệnh, sau học thêm nghề thuốc Nam của thầy Hướng. Giờ cứ nghe nhắc tới quân y là tui lại nhớ tới ảnh.

- Ai chớ anh Hạo thì tui còn nhớ à. Vậy từ hồi đó tới giờ, anh Năm có gặp lại ảnh không?-bà Tám tiếp.

- Không có. Trung đoàn của ảnh chỉ lấy xã mình làm căn cứ, sau rồi kéo vô giải phóng Sài Gòn. Trước khi đi, ảnh có nói với tui rằng tui hạp với nghề thầy thuốc lắm đó, ráng học thêm để sau này cứu chữa cho bà con. Kháng chiến còn dài, mình biết nghề thuốc thì bà con đỡ khổ. Rồi ảnh đi liền hà...

 Bà Tám thủng thẳng:

- Khéo mà chiều nay, tui kêu sắp nhỏ đưa lên trạm xá, ngó mặt ông bác sĩ mới coi tướng tá có ngon lành không.

- Cái chị này, bác sĩ quân y thì không đùa à nha. Thôi, khỏi lên cho cực. Vài bữa nữa cả ấp mình lên trạm xá khám bệnh là biết mặt ổng liền à.

Ở buồng trong, Được nghe hai ông bà trò chuyện mà thấy mắc cười. Rồi nó quyết tâm chiều nay, sau khi thi xong sẽ chạy qua trạm xá rình coi mặt của ông bác sĩ quân y ra sao, đặng về có chuyện mà khoe với nội và dì Út nữa chớ.

Vậy mà kế hoạch của nó thất bại. Được luẩn quẩn cả tiếng trước trạm xá mà chỉ thấy cô y tá chạy qua chạy lại xếp đồ. Còn ông bác sĩ thì biệt tăm. Thất vọng, nó ra về. Vào đến ngõ, Được đã nghe tiếng nội mình khóc, mà đâu phải chỉ có mình nội, còn có cả tiếng khóc của bà Tám, dì Út và chú Tư Cộc nữa.

- Trời đất quỷ thần ơi, anh Hạo ơi! Tui có lỗi, chưa kịp ra thăm anh thì anh đã đưa con anh về thăm tui. Trời ơi! Tuấn ơi, rồi, rồi... Con sẽ đưa bác ra thăm ba con nghe.

Chú bộ đội, giờ thì Được đã đoán ra đó là bác sĩ Tuấn, đang nói:

- Mà không phải ba con quên đâu. Sau giải phóng, ba con ra Bắc. Chưa bao lâu thì lại được điều động tăng cường cho biên giới Tây Nam. Ba con vướng mìn, phải cưa mất đôi chân nên đi lại khó khăn lắm, bác ạ.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN 

Vậy ra, bác sĩ Tuấn là con của ông Hạo mà hồi sáng Được đã nghe nội kể. Nó lặng lẽ đứng một lúc, thấy mấy người lớn cứ đứng xớ rớ trước sân, liền nhắc:

- Sao nội cứ để chú Tuấn đứng hoài vậy nội? Nội mau mời chú vô nhà uống nước đi. Mà cả dì Út nữa, sao kỳ vậy? Dì mau bắc nước cho nội con pha trà.

Tất cả như bừng tỉnh. Ông Năm vội cầm tay bác sĩ Tuấn dắt vào nhà, không quên quay qua nói với bà Tám và chú Tư Cộc:

- Mấy người vô nhà cả đi. Bác cháu tui gặp nhau mừng quá nên quên hết cả.

Dì Út đã chạy vô bếp cời lửa. Lúc mang nước lên cho ông Năm châm trà, ánh nhìn của dì đặt vào bác sĩ Tuấn cũng thiệt lạ. Vừa thiết tha như gặp người thân vừa bối rối như e ngại người trai lạ. Chú Tư Cộc cũng vui, miệng cười hoài:

- Mèng ơi, giá ngày xưa khi tui bị ngã mà có các anh quân y ở gần thì đỡ biết mấy. Giờ thì đành chịu cái tên Tư Cộc vậy hà. Chỉ mong cho tụi nhỏ như thằng cu Được đây được chăm sóc y tế đàng hoàng-rồi chú quay qua Được: Phải có sức khỏe thì học hành, làm việc mới ngon được. Chứ cứ như tụi bay hồi nào đến giờ, nhỡ ốm đau nhờ ông Năm bốc cho thang thuốc là khỏe, nhưng lúc cảm hàn hay té ngã thì đành chịu để thành tật. Thấy thương lắm, bác sĩ Tuấn à.

Bác sĩ Tuấn điềm đạm trả lời:

- Anh Tư nói phải đó. Sức khỏe là điều quý giá nhất. Trước khi em xuống đây, chính ủy biên phòng tỉnh đã dặn rất kỹ. Thủ trưởng bảo, vùng Duyên Hải này trước đây là căn cứ cách mạng, bà con hy sinh nhiều lắm. Giờ phải trả nghĩa cho bà con, giúp bà con được cái gì thì phải ráng mà làm.

Bà Tám vẫn bỏm bẻm nhai trầu. Bà thấy miệng mình như thoang thoảng mùi thơm ngọt của ống thuốc dạo nào. Bác sĩ Tuấn chính là con của y sĩ Hạo. Có nằm mơ bà cũng không tưởng tượng ra nổi tình huống này. Ngày mốt đến lịch khám của ấp Cái Cùng, bà sẽ đến sớm để nói nhỏ với bác sĩ Tuấn, xin bác sĩ một ống thuốc thủy tinh ngọt thơm như ngày xưa anh y sĩ Hạo cho bà. Chỉ thế thôi rồi bà sẽ ra ngay để nhường chỗ khám bệnh cho người kế tiếp.

Bác sĩ Tuấn nắm tay ông Năm, thủ thỉ:

- Ngày mai, bác Năm ra trạm xá khám cho bà con cùng con nghe bác. Ba con nói bác rành y thuật lắm. Nhờ có bác mà hồi ở chiến trường Tây Nam, ba con đã kiếm được nhiều loại thảo dược để bổ sung vào cơ số thuốc chữa trị cho thương binh đó bác. Rồi cả anh Tư nữa, sau đợt khám này, tui sẽ đưa anh lên tỉnh để lắp một cánh tay giả, được không?

Chú Tư Cộc như bừng tỉnh:

- Ờ há. Vậy thì còn gì bằng. Rồi coi ai dám gọi Tư Hoàn này thành Tư Cộc nữa, tui sẽ xử đẹp hà.

Dì Út ngồi lặng lẽ bên Được suốt buổi, giờ mới lên tiếng:

- Để coi hen. Ai thì tui hổng biết, nhưng tui với nhỏ Sáu Chà Và là nhất định gọi anh bằng cái tên Tư Cộc rồi đó.

Chú Tư bật cười trước lời thách đố:

- Ông Năm, ông coi cô Út Đẹt kìa...

Dì Út đỏ bừng mặt, quạu cọ:

- Kêu người ta Út Đẹt hoài. Tên người ta là Thương chớ bộ. Ba, tại ba cả đó.

Nói xong, dì Út chạy ào xuống bếp. Ông Năm được thể ngồi cười khà khà. Được nhìn theo bóng dì khuất sau rặng trâm bầu, thấy dì bữa nay sao lạ quá, mọi lần kêu dì là Út Đẹt, có thấy dì phản ứng gì đâu. Tự nhiên bữa nay lại kỳ vậy? Rồi cậu nhận ra ánh mắt bác sĩ Tuấn cũng đang dõi theo rặng trâm bầu thì chợt hiểu. Thì ra... Dì Út ơi là dì Út, có vậy mà cũng mắc cỡ.

Rồi Được thấy mình mến thương chi lạ. Cái vùng đất mang tên Duyên Hải còn nhiều lam lũ của Được mang trong lòng nó bao nhiêu câu chuyện đáng nhớ. Được thấy nội cười thật hiền, bác sĩ Tuấn cũng cười thật hiền. Cả chú Tư Cộc, bà Tám và dì Út Đẹt nữa, ai nấy cũng đều đáng yêu biết mấy.

- Dì... Út ...Thương... ơi... lên nội nhờ dì nè. Dì mau làm cơm cho nội con đãi khách nghe.

Được bước ra sân, cố ý kéo dài giọng hai chữ Út Thương.

- Út Thương...-người bác sĩ quân y trẻ cũng bất giác gọi theo, nhưng anh chỉ gọi thầm mà thôi. Tiếng gọi ấy có lẽ chỉ lòng anh và rặng trâm bầu nghe được.

leftcenterrightdel
Tác giả Nguyễn Thành Trung. 
Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Trợ lý Chính trị, Ban CHQS huyện Hàm Tân, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận là một quân nhân mẫn cán và tràn đầy nhiệt huyết. Xuất thân trong gia đình cách mạng, cha mẹ là thương binh nặng, cùng với tình yêu dành cho văn chương, anh đã có nhiều sáng tác về người lính dung dị và hồn hậu như chính cuộc đời quân ngũ mà anh đã trải qua. Câu chuyện về người lính quân y trong “Người về duyên hải” là kỷ niệm khó quên của Nguyễn Thành Trung khi anh còn là một thiếu nhi, giúp anh cùng đồng bào miền Nam hiểu thêm về Bộ đội Cụ Hồ cùng nhân dân trong những năm tháng đổi mới của đất nước. (Nhà văn PHẠM VÂN ANH)

Truyện ngắn của NGUYỄN THÀNH TRUNG