Ông thấy lạ thì dợm bước lên thềm. Bà đứng trong cửa nhìn ra, vẫy tay nháy nhủ. Ông vào đây tôi bảo. Ông Cẩm nghe bà Bền nói thế thì cũng linh tính thấy sự bất thường. Ông Cẩm bước vào nhà, ngồi xuống ghế, hỏi một cách ôn tồn, điềm đạm nhất có thể. Nào, bà nói đi. Có chuyện gì vậy? Bà Bền mở cái khay bánh kẹo ra chỉ vào mấy cái hạt điều chỏng chơ còn sót lại và hỏi ông Cẩm. Tôi hỏi ông nhé. Thế cái túi hạt con Thuận đem về hôm trước Tết, ông cho hết rồi à? Ông Cẩm giật mình. Ô hay, chính tay bà cho chứ ai. Bà bảo hai người chứ có phải cả đàn gà đâu mà ăn hết cả yến hạt, để làm gì cho mốc mà chả chia cho mỗi nhà một hộp làm quà Tết. Mà đám cháu bên nhà tôi thì bà biết đấy, cho gì chúng chả thích. Bà Bền buông thõng tay bất lực. Thế ông có biết hôm qua tôi bán su hào, bắp cải và cà chua được mấy chục không? Ông Cẩm ngạc nhiên. Tôi làm sao biết, thấy bảo rẻ lắm. Mà sao đang chuyện hạt bà lại chuyển sang rau củ? Bà Bền tần ngần. Ừ. Su hào bằng cái bát con mà mười nghìn ba củ, còn bắp cải thì phải hai cân rưỡi một cái mới được bảy nghìn. Súp lơ cũng thế, cà chua thì sáu nghìn một cân. Tôi gánh quằn cả lưng mới được hơn sáu chục bạc. Nay tôi ra quán mua muối, thấy họ bán vài thứ hạt thứ quả giống như con Thuận mua về, tôi hỏi mới biết đắt thế. Riêng cái quả sung khô ấy, họ nói đấy là hàng nhập khẩu, tận tám trăm nghìn một cân. Mình thì chả biết những thứ con mua về lại đắt đỏ, quý giá thế. Nó mà biết những thứ nó biếu mình không trọng, mình vung vãi thì nó buồn. Chiều nay chúng về hỏi thì ta nói thế nào? Ông Cẩm dặn vợ. Thì bà cứ nói là đem tiếp khách, còn lại tôi với bà ăn hết, chứ sao nữa. Ai bảo chúng nó không nói thật. Hỏi thì cứ nói rẻ thôi mà, có vài chục nghìn, bố mẹ cứ ăn đi, không phải tiếc. Của ngon mà cho các cháu thì càng tốt chứ sao. Đã cho rồi thì đừng có tiếc. Bà Bền bỗng bật lên. Này ông, thế chiếc thắt lưng thằng Phương mua biếu ông còn không hay ông cũng cho nốt rồi. Nghe bà Bền hỏi, ông Cẩm giật bắn người nhớ đến chiếc thắt lưng da thằng con rể út mua tặng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Bà nói tôi mới nhớ, chiếc thắt lưng ấy, tôi tặng cu Phúc làm quà tân binh rồi. Vẫn biết là nhập ngũ rồi thì có chế độ quân trang nhưng tôi thấy nó thích thì tôi tặng thôi. Vì thắt lưng của tôi còn mới. Đến lượt bà Bền nổi đóa. Ông thật chả ra làm sao, vẫn biết nó là cháu họ nhà ông, tặng cũng được nhưng sao ông vội tặng thế? Chiều nay các con về không thấy lại tưởng chúng ta ham tiền đem bán hết thì sao? Thôi thôi, chả sao cả. Giờ tôi chở bà lên siêu thị trên thị trấn, bà mua lấy ít hạt và tôi tìm mua lấy chiếc thắt lưng da. Trên ấy hẳn là rẻ, Tết xong họ phải tháo vốn chứ. Tôi có tiền đây, bà lo gì.
Ông nói xong thì vội đi thay quần áo, hối bà chuẩn bị. Ông dắt xe ra sân, trời mưa bụi, chuẩn là mưa xuân rồi, nhưng sao buốt thế nhỉ. Gió hun hút từ đồng, từ sông lộng vào nhưng hai thân già vẫn quyết dấn đi. Có gần năm cây số thôi mà. May quá, đầu năm siêu thị mở cửa lấy ngày treo biển giảm giá, chắc hàng hóa rẻ mấy phần. Ông bà dắt tay nhau đi giữa những giá hàng tuy không còn đầy ắp như bữa trong năm nhưng cũng không thiếu thứ gì. Bà bảo ông. Hạt điều, hạt dẻ cười, nho, mắc ca, nấm hương, rong biển, cả yến nữa... Mỗi thứ ta mua một ít cho chắc. Hai ông bà hí hửng chọn đồ bỏ vào sọt kéo ra quầy thanh toán. Cô nhân viên rút ra cái tờ hóa đơn và bảo hơn hai triệu. Ông Cẩm tái mét mặt hỏi. Gì mà đắt thế? Cô nhân viên bán hàng nói riêng chiếc thắt dây lưng cũng hơn bảy trăm nghìn rồi ông ạ. Bà Bền giãy nảy. Còn mấy thứ này mà đắt thế sao? Thôi cô cho chúng tôi gửi lại. Chúng tôi không đủ tiền mua. Vừa nói bà vừa ôm hàng vào xếp lại lên giá. Nhưng ông Cẩm nhất định không trả lại chiếc thắt lưng. Ông run rẩy móc ví rút ra hơn bảy trăm nghìn để thanh toán và lập bập hỏi. Cái... cái... này đã phải bằng da chưa cô? Cô nhân viên bán hàng nhoẻn cười. Phải ạ. Da bò đấy ông. Còn cái da cá sấu thì khoảng triệu rưởi ạ. Ông Cẩm cười nhạt. Thôi thôi, da con gì cũng được, miễn là da.
Dọc đường về, cả hai ông bà không ai nói với ai câu nào vì tiếc tiền. Ông vốn là quân nhân xuất ngũ chuyển ngành sang làm nhà máy cơ khí chè, làm đến khi nghỉ hưu, bà thì làm ruộng. Ông bà tần tảo nuôi ba đứa con gái ăn học nên người rồi gả chồng. Cả đời tằn tiện chắt bóp, nào dám mua sắm gì xa xỉ đâu. Hóa ra trước giờ, mà cũng dễ đến cả hơn chục năm nay, những món đồ đàn con của ông bà sắm sửa đưa về cho bố mẹ cũng không ít tiền. Nhưng bà cứ nghĩ những món đồ ấy vừa rẻ vừa ngon lại vừa lạ miệng, các cháu thích thì cho thôi. Bà vẫn nhớ năm nào đó, thằng chồng con Hải mua đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, dặn ông mỗi tối uống một chén, thì ông cũng nhân nhà có giỗ đem rót ra mời mỗi người một chén là hết sạch. Đến khi chúng nó nói là mua tận Hàn Quốc và khá đắt tiền thì ông lại gắt lên. Từ nay không mượn chúng bay phải mua những thứ đắt đỏ về nhà này. Dù ông biết, đồ đạc chúng nó sắm sửa cho ông bà dùng từ ti vi, tủ lạnh đến cái máy đo huyết áp, máy xay hoa quả cũng toàn là đồ tốt. Mà sao bà chậm hiểu thế. Năm nay chúng nó về muộn là đợi chờ nhau, bố trí để cả ba cặp cùng về, mới chuẩn bị sẵn nhiều đồ ăn như vậy, còn có ý làm mát mặt bố mẹ. Chắc là sẽ có sự gì bất ngờ đây. Vậy mà bà lại đem tẩu tán hết.
Đúng ba giờ chiều thì về đầy một sân con cháu. Nhìn đàn cháu cao lớn lộc ngộc, bà Bền hoa mắt nhẩm đếm, sao lại có cả tám đứa thế kia nhỉ. Bà chưa kịp nói gì thì con gái lớn của bà đã khoe. Mẹ ơi, đây là Trung, người yêu của cháu Vân, còn đây là Linh, bạn gái của cháu Hiếu. Bọn con dự định tới cuối năm lo việc cho cháu Vân mẹ ạ. Bà Bền sững người, mừng đến nghẹn ngào. Hóa ra, cái sự bí mật mang niềm vui về cho bố mẹ đã được chúng chuẩn bị thu xếp từ trong năm rồi. Cuối cùng thì những đứa cháu lớn nhất của bà cũng đã có đôi có lứa. Cũng phải thôi, ông bà đều bảy tư, bảy lăm tuổi rồi. Con gái cả của ông bà cũng đã năm mươi tuổi, các cháu lớn tướng ra thế kia. Lòng bà tràn lên một nỗi ân hận. Biết thế đừng có trả lại những thứ đã chọn trên siêu thị sáng nay. Thì bây giờ đã có thứ cho bọn trẻ con nhấm nháp, tí tách. Cháu mình đã đành, còn cả cháu dâu, cháu rể tương lai, lần đầu đến nhà chúc Tết ông bà ngoại nữa chứ. Nghĩ thế, bà dang tay lùa đàn cháu vào nhà ngồi, đứng ngoài sân này gió sông lộng vào rét lắm. Bọn trẻ con ngoan ngoãn ríu rít kéo nhau vào nhà. Bà luống cuống đem bưởi ra gọt. Bọn trẻ gái giành lấy con dao bảo để cháu gọt cho. Cái Thuận xuống bếp kiểm tra đồ ăn thức uống xem còn gì hết gì. Cái Hải thì kiểm tra trên nhà xem kẹo bánh, trái cây thế nào để bày ra. Nhưng không thấy gì cả. Nó bảo chồng kiểu này ông bà lại đem chia hết cho các cháu trong họ từ trước rồi anh ạ. Nói đắt thì không dám ăn, nói rẻ thì đem biếu hết. Nhưng thôi, bố mẹ biếu ai cũng được, miễn ông bà thấy vui. Cô út tên Yến đề xuất việc đi mua thêm nhưng cô cả can. Giờ có gì ăn nấy, đi mua thêm về là ông bà giận.
Chiều tối, khi ba mâm cơm tươm tất dọn ra thì ông Cẩm cũng đóng bộ từ ngoài nhà văn hóa đi về. Tính ông thế, cứ phải để mọi người chờ đợi một chút ông mới thấy mình quan trọng. Rõ ràng là nai lưng ra mổ gà, mổ ngan, cùng các con cháu làm cơm, vậy mà khi sắp hoàn tất thì ông bảo các con làm nốt, ông ra nhà văn hóa có tí việc. Tí việc mà ông nói là chương trình trồng cây đầu năm của thanh niên và phụ nữ khu mà ông làm bên Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm đôn đốc, quán xuyến. Khi ông vừa về đến cửa thì thằng cháu ngoại đang học lớp mười tủm tỉm. Ông ăn chơi thật sự, có quả thắt lưng xịn xò quá. Ông Cẩm bật cười tán thằng cháu. Thắt lưng bố mày tặng ông còn gì. Bố thằng bé nghe thấy thế thì ngạc nhiên vô cùng. Chiếc thắt lưng da cá sấu màu đen anh tặng ông giờ sao lại thành chiếc thắt lưng da bò màu nâu thế kia. Chắc là ông đã đổi cho ai rồi lại quên. Tuy nhiên anh cũng thừa tinh tế để đáp lại con trai. Hiện tại, ông ngoại là người phong độ nhất nhà. Hẳn nhiên bố phải tặng ông đồ xịn chứ.
Nghe Phương nói thế, ông Cẩm đưa ánh mắt nhìn bà, vẻ đắc thắng. Kiểu, bà thấy chưa, chúng nó trăm công nghìn việc, cũng chả nhận ra cái nào là cái chúng đã tặng tôi đâu. Dẫu thế, bà Bền vẫn lái câu chuyện ra xa chiếc thắt lưng cho an toàn. Và cũng để thanh minh cho cái sự Tết chưa hết nhà đã chả còn tí gì trên bàn để đãi khách. Chúng bay nghe mẹ nói này, bận sau không phải mua sắm nhiều như thế đâu. Tốn kém lắm. Chúng bay toàn ép bố mẹ ăn cố thôi. Có bữa hai ông bà già pha trà ngồi ăn mấy thứ hạt, thứ quả khô trừ bữa, sợ để lâu thì hỏng lại phí của. Chị Thuận, con gái cả, cười cười. Toàn những thứ hạt, thứ quả tốt cho sức khỏe đấy mẹ ạ. Bố mẹ cứ yên tâm mà ăn, đáng bao nhiêu. Bà Bền mở cờ trong bụng, kín đáo đưa mắt sang ông. Ánh mắt ấy như ý nhị nói với ông rằng. May mà chúng nó không biết gì ông ạ!
Truyện ngắn của TỐNG NGỌC HÂN
Anh thanh niên tên Phúc lên đường nhập ngũ được ông Cẩm (quân nhân xuất ngũ) tặng một chiếc thắt lưng da mới-vật kỷ niệm của người con rể tặng bố vợ mà ông Cẩm lại sẵn lòng tạo nên một kỷ niệm mới với đứa cháu họ vừa trở thành chiến sĩ. Chiếc thắt lưng da là một chi tiết nghệ thuật đắt giá, có ý nghĩa tượng trưng cho hình tượng “Người lính già tóc bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Đoạn kết truyện với khung cảnh đoàn viên trong ngôi nhà có ngọn lửa ấm của vợ chồng ông Cẩm, bà Bền tạo nên một giá trị lớn lao về hạnh phúc gia đình rất đỗi thiêng liêng và quan trọng với cuộc đời của mỗi con người.
(Nhà lý luận phê bình BÙI VIỆT THẮNG)
|