Hóa ra người khách này thì tôi chưa từng gặp. Anh ta vòng vo làm tôi mơ hồ khó đoán. Bất ngờ, anh lấy từ trong túi ra một vật và hỏi tôi: “Anh có nhận ra bức tượng này không?”. Tôi ngạc nhiên nhận ra đó là tượng cha tôi làm. Người nghệ sĩ nghèo sống cả cuộc đời ở con phố này để lại những nét cọ và dao khắc.
Đó là một ngày tháng Chạp từ một thời xa lắm rồi. Hồi ấy mới hết bao cấp, người dân đang bắt nhịp vào kinh tế thị trường trong hoàn cảnh mọi thứ còn thiếu thốn. Từ trong năm, mẹ vẫn phải căn cơ sắm dần từ cân miến, cân măng, chục bát sứ Hải Dương, mảnh vải may áo... Bố tôi làm đơn xin đổi lịch trực Tết cho chú Hà rồi tất tả ra bến xe lo bốn tấm vé có số ghế liền kề. Như thế là mang đủ một cái Tết đầm ấm về cho bà nội.
Bà tôi là một bà giáo nghèo, từng dạy học ở trường làng. Ông tôi mất sớm, tất cả những gì còn lại là tấm bằng Tổ quốc ghi công và những tấm huân chương được đặt trang trọng trong chiếc hộp lồng kính. Bố tôi mỗi khi về đều kính cẩn thắp hương, xin phép rồi mới nhẹ nhàng lau lớp bụi phủ trên mặt kính. Tôi nhớ bà nội đi lại chậm chạp, ăn nói từ tốn và luôn giữ nhà cửa sạch sẽ.
Hăm tám Tết, thay vì bày biện như mọi nhà, chúng tôi được mẹ dặn gói ghém dần đồ đạc. Con cún mực biết sẽ bị bỏ lại cứ bồn chồn lục sục dưới gầm giường. Cây bàng trước sân như một người già rụng tóc, lá khô xào xạo lay lắt trên phố mùa đông ảm đạm. Tết như người khách đường xa, càng mong ngóng càng sốt ruột. Chỉ hết trưa mai, bố mẹ sẽ được nghỉ, thêm một lần bóc tờ lịch nữa là cả nhà được leo lên chiếc xe vượt dốc đèo về núi với bà.
Chiều hôm ấy, bố về khá sớm nhưng thay vì lẳng lặng như mọi khi, bố tôi gọi toáng tên chúng tôi ngay từ chân dốc. Ngày đó từ dưới đường cái đến cửa nhà tôi vẫn còn một con dốc nhỏ. Bố chẳng cần đợi chúng tôi ào đến đã rút từ túi ra mấy gói kẹo vừng. Mẹ tôi chạy ra, tay còn cầm cái chổi đứng sững người nhìn cảnh đó. Sau này mẹ bảo: “Người trầm tính như bố mày mà bỗng dưng hào hứng thì chẳng có gì hay hớm cả”.
Tôi nghe bảo, người trực thay bố phải tức tốc ra bến xe vì mẹ mất. Bố tôi động viên nhà mình còn may mắn hơn người ta. Sáng mai bố sẽ nhắn bà gửi bánh Tết xuống cho các con. Bố nói thế chứ chúng tôi đều biết chẳng còn chuyến xe nào từ quê xuống nữa. Tất cả chỉ trông đợi vào chính bàn tay của mình.
Thằng Quý em tôi được “lệnh” đi kiếm mấy hòn gạch về bắc nồi. Nó vừa ngáp ngủ dụi mắt, vừa than: “Người ta bắc bếp hết rồi, lấy đâu ra”. Tôi được giao kiếm những mẩu gỗ ở xưởng mộc, đến nơi thì mùn cưa cũng chả còn. Chị Hảo đạp xe từ chợ nhà máy vòng ra chợ ngoại ô nhưng đến cái cuộng lá dong cũng không mua nổi. Giờ này chắc mọi thứ đã về hết nhà người ta.
Mẹ tôi ngồi chống cằm, lần đầu tiên tôi thấy mẹ lo lắng và bất lực. Hộp mứt chai rượu chanh, gói chè hoa đào bánh pháo tét đã có nhưng “bài toán” về bánh chưng thật sự hóc búa.
“Đúng vào lúc khó khăn nhất, bố của các con sẽ mạnh mẽ và sáng tạo”-câu nói ấy của mẹ được nhắc lại chúng tôi đã lớn. Bố không nói gì lẳng lặng đạp xe lên cơ quan, lấy tất cả màu, giấy, bột đem về rồi cái chiếu cũ rải ra hè phố. Ông vẽ rất nhanh, đủ cả mười hai con giáp hiện ra. Vẽ hết con giáp trải ra chiếu, ông vẽ cảnh trẻ em nhặt pháo xịt, cảnh phường bùa đi chúc Tết, cảnh người nông dân ra đồng khai xuân...
Mấy mẹ con tôi xúm quanh xem bố vẽ. Mọi khi đi học thấy bố đang vắt vẻo trên thang kẻ khẩu hiệu. Mẹ kể là từng quen bố vì được nhờ giữ chân thang. Nhưng người qua đường ban đầu đi chậm lại hỏi han, sau tò mò ngó nghiêng, sau có người thích thú hỏi mua. Bố tôi ban đầu ngại sau thấy người ta nhiệt tình quá cũng nhận. Cứ thế, từ sáng đến trưa hăm chín Tết cái túi xách nhỏ của mẹ đã cộm lên.
Bố bảo không vẽ để bán nữa. Giờ chỉ cần vẽ gì để đem về nhà treo cho ấm lòng. Mẹ bảo bố vẽ cảnh nấu bánh chưng được không, tức khắc bố múa bút say sưa, trên giấy hiện ra một bếp lửa với nồi bánh chưng và mấy đứa trẻ quây quần. Tôi thắc mắc sao đứa lớn không giống con, thằng bé không giống mặt Quý, chị kia mặt dài không phải chị Hảo. Bố xoa đầu tôi, mực màu bết cả vào mái tóc tơ và bảo: “Con giữ lấy bức tranh, sau này lớn lên nhìn lại sẽ hiểu bố vẽ để tiên liệu...”.
Chiều tối nhá nhem, cả nhà trở về thì thấy con cún mực đã đứng dưới chân dốc và sủa vang. Nó về trước nên có lẽ đã cảm nhận được gì đó bất thường. Gì kia, một đống đồ ai đó để trước cửa. Đến gần thì tôi thấy mấy cái chân bàn học sinh đã gãy hỏng, mấy bó lá dong, bao gạo nhỏ, có cả đoạn giang bánh tẻ. Bà tiên hay ông bụt mang đến? Bố cầm lên một mảnh giấy nhỏ với mấy dòng chữ của bác Mạnh bảo vệ, bố đọc cho cả nhà nghe: “Biết chú mày nhỡ Tết, anh mang ít đồ nấu bánh bên nhà sang. Năm nay chị sắm nhiều lắm...”.
Cả nhà bắt đầu “vắt chân lên cổ” chạy đua với đêm Giao thừa. Người vo gạo, rửa lá, gói bánh, bắc bếp, nhóm lửa. Quý bảo may vẫn có bốn hòn gạch làm cọc gôn tôm ngoài sân đá bóng. Tôi nhặt được mấy cái vỏ hộp các tông ngoài bãi rác để nhóm lửa cháy rực hồng. Ngọn lửa ngơ ngác ở sân nhà tập thể đã làm nước trong nồi quân dụng sôi lên.
Thấy hai chị em không chịu đi ngủ, bố đem giấy, màu và kéo ra hướng dẫn cắt xúc xích. Những cánh hoa giấy được cắt, xâu bằng dây và treo lên làm căn phòng tập thể thêm ấm áp. Nhà không có cành đào nên bố lấy cành tre, cắt hoa, lá, có bố làm họa sĩ cái gì cũng tạo ra được. Đêm ấy, mấy bố con cười vui trong khói bếp ám vào quần áo nồng nàn ngai ngái.
Tôi tỉnh giấc thấy mình đang nằm bên cạnh thằng Quý. Chị Hảo giường bên đang ngáy. Mấy chị em không biết đã được bố bế vào giường từ lúc nào. Chạy ra sân thấy bố đang đứng cạnh đống bánh bị bén nồi. Chắc mệt nên bố ngủ quên. Chúng tôi bắt đền bố không cho thức trông bếp, bố cười, dụ chúng tôi: “Tí bố lấy cho cái bánh con con bố gói riêng cho hai chị em. May quá nó không sao”. Tôi thấy bố gầy đi nhiều quá. Bố tôi như sực nhớ ra điều gì vội vã cời than và tìm thấy mẩu gỗ nhỏ. Bố hì hục gọt đẽo, thấy lâu quá nên tôi cũng quên...
Rồi mấy ngày Tết đi qua, khu phố lại đông đúc, tôi vẫn còn bánh chưng để ăn, để rán, để khoe với lũ bạn. Có một điều sau này tôi mới được biết năm ấy vợ bác Mạnh ốm nặng phải nhập viện. Ra Giêng được vài hôm thì bác gái mất, có lẽ những món đồ nấu bánh năm đó là món quà mà hai bác đã bàn bạc rồi quyết định san sẻ cho gia đình tôi.
Tôi lớn lên, mỗi dịp xuân về ban thờ luôn có bánh chưng xanh ngày Tết nhưng tuyệt nhiên chẳng có thêm lần nào được nấu bánh trên khu phố này như ngày đó nữa...
- Thế sao anh lại có thứ mà tôi đã đánh mất?
- Anh còn nhớ sau Tết đó, bức tượng đã biến mất như thế nào không?
Tôi lắc đầu, muốn anh kể rõ, anh thủng thẳng:
- Là anh đã tặng cho tôi, đứa trẻ đi lạc, lang thang khóc tu tu trên phố, anh cho tôi chiếc bánh chưng cuối cùng và cái tượng. Anh bảo bố anh tạc tượng giỏi lắm, sẽ làm cho anh cái khác. Và nhớ bức tượng ấy, tôi đã nuôi khát vọng trở thành một kiến trúc sư.
Tôi ngạc nhiên, vẫn chưa nhớ ra, ngoài sân mưa bay, những cánh đào đang bay trong gió, chỉ biết mùa xuân đang về...
Tôi cầm cái tượng gỗ từ người khách lạ lên và nghĩ: Những người lớn đã khuất bóng yên giấc sau bức màn bí mật của tàn tro nhưng ký ức vẫn luôn khắc ghi.
- Năm đó nếu nhà anh không nấu bánh, anh có buồn không?
- Buồn, nhưng hương vị của mùa xuân thì tôi vẫn cảm nhận được. Ở phố chật chội, Tết đến thiếu đủ thứ nhưng chỉ cần có một ước mơ.
Tiễn anh ra cửa, mưa phun lay phay, tôi cầm tượng gỗ đặt lên ban thờ trước di ảnh của bố. Con thuyền và cánh buồm mà bố khắc đã trở về sau ba mươi năm. Từ một mẩu gỗ còn sót lại sau khi đun bánh mà hôm nay cũng trở nên quý giá. Hình như Tết bao giờ cũng là những gì man mác từ xưa vọng về...
Tết có lẽ là dịp đặc biệt nhất trong năm. Đó không chỉ là những ngày đầu tiên, mới mẻ của một năm theo nghĩa “Nguyên đán” mà còn là thời khắc dồn tụ biết bao câu chuyện đời người, giữa những kết thúc-khởi đầu, khép lại-mở ra, cũ mới, quá khứ-hiện tại-tương lai, ký ức-hiện thực-mơ mộng, và dĩ nhiên, kèm theo tất cả là rất nhiều hy vọng. Truyện ngắn "Bánh chưng ở phố" của Bùi Việt Phương ngắn thôi, nhỏ nhắn mà mang đầy dư âm. Đó là dư âm của ước mơ, của ký ức, đi qua thời gian làm đậm đà thêm một lần Tết đến, xuân về. Năm mới sẽ trở nên chông chênh thiếu thốn, nghèo nàn và lạnh lẽo nếu ký ức cũ xưa không trở về bồi hồi trong giờ phút hiện tại. (TS, nhà phê bình NGUYỄN THANH TÂM) |
Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG