Đó là một khu rừng...
Nhưng... thôi! Tôi sẽ bắt đầu về biển trước. Bởi vì rất đơn giản, tôi giờ đang ở biển.
Đó là một khu rừng...
Nhưng... thôi! Tôi sẽ bắt đầu về biển trước. Bởi vì rất đơn giản, tôi giờ đang ở biển. Quần đảo Trường Sa khi lần đầu tôi đến chim bay rợp trời. Đó là một ngày trước cơn bão lớn. Sau này, Trang viết thư cho tôi, nói rằng đã từng có cơn bão tràn qua khu rừng của cô ấy, gió mạnh đến nỗi lay chuyển từng hòn đá to nhưng thật may không có cây nào đổ gục, tất cả vẫn nguyên vẹn, bình yên thì tôi liên tưởng ngay đến cơn bão đó. Tôi không cố xác minh có đúng là tôi và Trang đã cùng đón một cơn bão hay không, khi tôi và cô ấy chưa hề quen biết nhau. Tôi chỉ viết Trường Sa khi anh đến chim bay rợp trời. Hình ảnh đó khiến anh liên tưởng đến bức ảnh chụp cảnh Bộ đội Đặc công hải quân trên đảo Trường Sa được giải phóng vào tháng 4-1975. Sau lưng 3 chiến sĩ không mang vũ khí là rợp trời chim biển, đằng xa ngoài mép nước là hai chiếc tàu hải quân... Dưới chân họ là cát, đá san hô khấp khểnh. Không có bóng cây nào cả. Còn anh khi đặt chân lên quần đảo hôm đó... Anh thấy buồn. Và sau đó là cơn bão tràn qua nơi anh vừa đến.
Cơn bão đánh dạt từ đại dương lên bờ đá san hô thân cây gỗ lớn, mà tôi muốn nghĩ rằng nó đã đến từ khu rừng của cô ấy. Tôi sờ lên thân cây đẫm ướt nước biển, nó không còn vỏ, phơi ra thịt cây nâu trầm màu của đất liền... Đất liền! Đó là một nơi người ta hay nói là miền ký ức, không chỉ của anh mà của tất cả những người ở biển. Mỗi lần bước lên cầu cảng, rồi con tàu hú lên 3 hồi còi tạm biệt, lập tức đất liền trở thành ký ức. Nên vì thế, em đang là ký ức của anh dù chỉ mới gặp nhau một lần trên chuyến tàu cao tốc, chỉ đơn giản vì em đang ở đất liền.
Mấy hôm sau, tôi trở ra bờ đá san hô, thân cây vẫn nằm đó nhưng bị sóng đánh dịch đi một chút, làm lộ ra dòng chữ khắc sâu vào thịt cây: “Hiền ơi. I love you!”. Vậy là tôi có thể đúng một chút, cây của nước Việt mình. Và Hiền? Cô gái nào đó cùng tên là Hiền, chắc là đã hạnh phúc hơn... Còn thân cây gỗ, có thể từ công viên nào đó chăng, vì có ai vào giữa rừng sâu mà kỳ công khắc chữ lên thân cây? Nhưng có thể lắm chứ, những người kiểm lâm, cánh thợ rừng, hay là đồng chí Bộ đội Biên phòng nào đó trên đường tuần tra biên giới đã khắc tên người mình yêu dấu? Nếu anh được phép viết lên thân cây tên ai đó, thì anh viết tên ai? Đừng nói là viết tên mẹ mình nhé! Còn em, em sẽ viết tên... À mà không, em không viết tên ai cả, vì như thế làm cây đau lắm...
Anh không viết tên người, mà viết đúng tên loài cây đó. Thân cây gỗ đó là đinh hương, một loại gỗ rất quý có nhiều ở rừng miền Trung quê anh. Gỗ đinh hương rất thơm. Đây em xem, dù nó đã băng qua đại dương, bão tố mà anh vẫn thoảng thấy mùi hương dịu nhẹ, như một loài hoa nào đó màu trắng tinh khiết hình như anh đã gặp trong giấc mơ...
Thư anh viết cứ như là em đang ở đảo xa ngoài kia cùng anh vậy... Nhưng anh có tin không, em nghe được tiếng cây cối đó anh à. Hằng ngày em vẫn nghe, trong khu rừng của em cũng có nhiều cây đinh hương cổ thụ mọc lên từ bao giờ. Anh sẽ hỏi em cây nói với em điều gì phải không? Chúng nói bằng tiếng cây và rất nhiều điều, anh không hiểu được đâu... Em trò chuyện với chúng, em hát cho chúng nghe nữa... Có kỳ lạ lắm không anh? Nhưng em dừng bút ở đây. Tái bút: Em có kể cho chúng nghe về anh nữa đấy...
Đúng thế, chẳng rõ từ khi nào tôi đã xem Trang như đang ở bên mình, mọi lúc, mọi nơi... Có thể là từ chuyến tàu Tết năm đó từ ga Đà Nẵng chở tôi về quê với lòng trĩu nặng để “giải quyết việc gia đình”, như lời chính trị viên Long. Đã quá nhiều năm tôi xa nhà, lênh đênh hết đảo chìm này đến đảo nổi khác nên Hiền quyết định chia tay... Đơn giản vậy thôi sao? Hay là cô ấy đã có ai khác? Mà thôi, truy vấn nhau làm gì khi người đã muốn ra đi... Tôi cảm nhận được điều đó từ mùa xuân năm trước, khi tin nhắn tôi gửi đi có khi vài ngày sau cô ấy mới trả lời, còn gọi điện thì thường là máy bận, không liên lạc được hoặc không trả lời. Lẽ nào công việc của một giáo viên trung học bận bịu đến vậy? Cho đến một hôm, có tàu ra đảo mang theo lá thư của cô ấy. Trong đó vẻn vẹn lá đơn ly hôn cùng mảnh giấy: “Anh ký rồi gửi về. Hãy tha lỗi cho em. Hiền”. Dù sao tôi cũng choáng váng, đứng trên tầng thượng của đảo chìm, tôi níu tay vào thân khẩu súng máy phòng không 14,5 ly, mặc cho gió biển thổi tung mái tóc bờm xơm vì muối mặn.
- Đảo trưởng sao vậy?
- Hỏng rồi ông ạ!
Tôi chìa cho chính trị viên Long tờ đơn cùng mảnh giấy của Hiền.
- Đúng là hỏng thật. Thôi, ông cứ đau khổ thoải mái đi rồi làm lại. Tôi sẽ đề nghị ông được nghỉ phép Tết này về lo giải quyết việc gia đình.
Tôi áp mặt vào cửa kính con tàu cao tốc trân trân nhìn làng xóm, núi đồi, phố xá lướt qua nhoang nhoáng. Dòng người hối hả. Những nếp nhà miền Trung nhỏ xinh xắn trên đồi giữa chan hòa ánh nắng cuối đông và trong đó, người ta có hạnh phúc không nhỉ? Có ai đang gặp phải chuyện như tôi không? Trong ba lô có con ốc biển to rất đẹp, tôi mang về để khi nào em sinh con thì cho con chơi với nó. Em bảo con và cả em nữa, hãy ghé tai vào con ốc biển sẽ nghe được tiếng sóng, tiếng gió biển, và cả tiếng anh trong đó... Tôi từng nói với Hiền như vậy. Anh làm đảo trưởng mà lãng mạn thế có chỉ huy anh em được không đấy? Tôi giả bộ nghiêm trang, đứng bật dậy, giơ tay chào kiểu điều lệnh: "Báo cáo thủ trưởng, tôi Thượng úy Nguyễn Thành, đảo trưởng đảo chìm Mũi Tên đã liên tục 3 năm liền được bầu là Chiến sĩ thi đua. Xin được tiếp tục phấn đấu...". Hiền bật cười: "Thôi, đồng chí đảo trưởng. Lại đây với em...".
Hạnh phúc đó giờ không còn nữa rồi...
Con ốc biển tôi mang trở lại đảo chìm Mũi Tên và gắn nó trên bức tường phía đầu giường. Đúng thế, đêm khuya tĩnh lặng, tôi nghe từ nó phát ra âm thanh rất thoảng nhưng không phải của biển mà là tiếng đất liền. Tiếng chim, tiếng người lao xao, tiếng xe cộ rền rĩ và đôi lần tôi nghe tiếng mẹ ru con. Một người mẹ trẻ, vì cô ấy hát những bài hát mới thịnh hành. Có lần hình như cô ấy mệt quá nên ngủ thiếp đi, em bé oe oe khóc, tôi bật dậy định vỗ về... Ngoài cửa sổ, ánh trăng chao xuống lấp lánh trên mặt biển lúc nào cũng ngờm ngợp gió. Những ngọn gió đại dương đi đâu, về đâu. Có phải chúng luôn bay về phía đất liền? Tôi thờ thẫn bước vào cầu thang dẫn lên tầng thượng đảo chìm, bảo chiến sĩ đang gác về nghỉ, tôi gác thay cho.
Đến ga Huế thì có cô gái lên tàu, cùng buồng với tôi. Cô ấy nhẹ nhàng như một cơn gió và mang theo mùi thơm như của cây cối, hoa cỏ. “Anh bộ đội ơi, sao anh buồn thế?”. “Không, tôi đâu có buồn. Mấy năm rồi, tôi không buồn nữa”. Tôi và Trang làm quen như thế. Trang nói rằng cô ấy đang làm nhân viên ở một trung tâm thương mại, cô ấy còn bán hàng online. Ánh sáng hắt qua cửa kính con tàu từ những ngọn đèn đường phảng phất qua nụ cười của Trang thật bất ngờ đã làm tôi ấm áp. Trang hứa sẽ viết thư cho tôi. “Sao ta không gọi điện và nhắn tin? Đảo chìm Mũi Tên của anh đầy sóng điện thoại”. “Điện thoại của em chỉ để bán hàng online. Và em thích mùi thơm của giấy, em thích viết lên giấy. Chúng ta sẽ viết thư như ngày xưa... ông bà ta... yêu nhau... Lời một bài hát cũ đó anh. À, anh biết không, ông nội em từng là bộ đội giải phóng Trường Sa...”.
Có khi nào ông nội của Trang là một trong 3 chiến sĩ trong bức ảnh Bộ đội Đặc công hải quân trên đảo Trường Sa tháng 4-1975 không nhỉ? Lần đầu tiên bước chân lên quần đảo Trường Sa, chim bay rợp trời như trong bức ảnh, không có bóng cây nào, kể cả loài phong ba vốn mọc nhiều trên các đảo xa, tôi thấy buồn. Vì sao thế anh? Hay vì anh nghĩ đàn chim rồi sẽ tơi tả trong cơn bão biển? Ông nội của em cũng hy sinh trong một cơn bão, cái pông-tông của ông và đồng đội bị bão đánh giật đứt neo, trôi đi xa mãi... Em nghe kể lại như vậy, Trang viết. Những loài chim biển biết cách tránh và chống chọi lại những cơn bão, một số loài lại có thể bay vào giữa cơn bão để tìm kiếm thức ăn. Có lẽ vì thế, nhìn những bầy chim biển rợp trời cũng bay ào ào như bão vậy, đầy an nhiên khiến trong một thoáng chốc, anh cảm thấy mình đơn độc, lẻ loi, Trang ạ... Tôi nhớ trong thoáng chốc đó, khi cơn bão còn cách xa Mũi Tên chừng 50 hải lý, tôi gọi điện cho Hiền thì mất sóng. Và tôi mường tượng cơn bão với sức gió cấp 13, 14 tràn qua Mũi Tên khi đổ bộ vào đất liền, nó sẽ gây ra những gì... Khi cơn bão tiến đến cách Mũi Tên chừng 10 hải lý, gió đã mạnh lên rất nhiều, mưa rát mặt, tôi kiểm tra đơn vị xong, trở về phòng mở điện thoại xem có tin nhắn nào của Hiền không. Nhưng điện thoại ngấm nước mưa, màn hình đen sì, bất động.
*
* *
Đảo trưởng Thành và chính trị viên Long tìm đến địa chỉ Trang ghi trong thư. Đúng số nhà, tên đường, thành phố, nhưng không phải là trung tâm thương mại như cô từng nói với Thành hôm nào trên chuyến tàu về Tết.
Đó là một khu rừng!
Kỳ lạ thế chứ! Hay là Trang lừa anh? Người lái taxi giải thích: “Lâu rồi, nơi này đúng là trung tâm thương mại sầm uất, cao đến gần một trăm tầng. Tôi nghe các cụ kể lại như thế. Nhưng rồi một hôm, cây cối từ dưới lòng đất bỗng dưng mọc lên, xuyên qua những lớp bê tông, gạch đá. Cỏ dại lan tràn vào tận phòng làm việc, quầy bar. Người ta phải tháo dỡ nhà cửa, công trình để nhường chỗ cho cây... Các anh thấy đó, bây giờ khu rừng tự nhiên này đang được thành phố bảo tồn nghiêm ngặt”.
- Hỏng rồi ông ạ! Thời đại này có ai sống giữa rừng đâu?-Chính trị viên Long nắm chặt tay Thành.
Không thể hỏng được, những bức thư của Trang vẫn còn ấm nóng trong túi áo đây mà. “Anh có nhớ cách đây vài năm có cơn bão rất lớn tràn qua đây mà khu rừng này vẫn yên ổn không bị thiệt hại gì không?”-Thành hối hả hỏi người lái taxi. “Đúng thế. Ai cũng ngạc nhiên vì điều đó. Bão thổi bay cả xe hơi, sập đổ nhà cửa nhưng khu rừng vẫn bình yên vô sự. Người ta bảo đây là rừng thiêng!”.
- Đấy, ông thấy chưa, hỏng thế nào được!
Thành kéo Long mở cánh cổng làm bằng những thanh gỗ nhỏ, bước vào khu rừng rất nhiều cây cối và hương thơm hoa lá. Có mùi gỗ đinh hương. Anh gọi cho Trang, “chờ em một lát, chắc các anh ngạc nhiên lắm phải không. Em đã đùa đấy, em làm nghề gác rừng, anh ạ. Chính xác là em nghiên cứu về địa chất, về sinh thái học cảnh quan, hằng ngày em trò chuyện với cây cối và... viết thư cho anh. Chờ em chút xíu”.
Thành nhẹ nhàng đặt con ốc biển năm xưa lên bậc thềm ngôi nhà là trạm quan trắc khoa học nép bên bờ suối đang chảy rất dịu dàng. Anh cúi xuống ghé tai vào miệng ốc. Thật kỳ diệu, giữa khu rừng như không còn xa lạ, đảo trưởng Thành nghe được những âm thanh quá quen thuộc. Tiếng sóng, gió, tiếng rì rào đại dương mênh mông sâu thẳm và có tiếng đàn chim biển như đang bay rợp trời.
Truyện ngắn “Ốc đảo” mô tả một thế giới giữa biển khơi và đất liền, giữa hiện thực và mộng tưởng. Nhân vật chính, đảo trưởng Thành, xuất hiện trong không gian cô đơn của đảo chìm, nơi gió biển rì rào và bão tố luôn rình rập. Nhưng câu chuyện không chỉ là về cuộc sống của người lính mà còn là về mối quan hệ sâu sắc với Trang-cô gái yêu thiên nhiên và làm công việc liên quan đến rừng. Lối viết hiện đại, không sử dụng những câu chuyện quá trực tiếp mà thay vào đó, lựa chọn những lá thư viết tay, thể hiện tình cảm của nhân vật đầy ẩn dụ và biểu cảm. Thủ pháp đối lập giữa không gian đảo hoang vắng và khu rừng thiêng, giữa những âm thanh biển cả và âm thanh của đất liền, tạo nên sự chuyển động tâm lý nhân vật, giúp người đọc cảm nhận sâu sắc hơn về sự cô đơn, yêu thương và khát khao kết nối. (Tiến sĩ LÊ THANH NGA)
|
Truyện ngắn của TRẦN HOÀI