- Con có muốn vậy đâu bác Hai, số bông này đáng ra là ông Tư Liên lấy để bán. Ổng ấy cọc tiền trước được một nửa rồi chứ có ít đâu. Đâu ngờ bà vợ ổng vỡ hụi, bỏ trốn. Ổng tới khóc quá trời xin lại con tiền cọc để trả bớt chứ người ta tới siết nhà làm tụi nhỏ sợ. Mình cũng cực nhọc cả năm mới được mùa hoa, lời lãi có bao nhiêu đâu, bỏ cho mối thì coi như lấy công làm lãi thôi chớ có được mấy tiền đâu. Nghĩ ổng cũng tội quá nên con hồi lại tiền cho ổng, đi bán một phen xem thế nào. Mà tình hình bán buôn sao rồi bác Hai?

- Ế lắm mày ơi! Lên đây cả tuần rồi mà mới bán được mấy chục chậu, đủ tiền cơm lai rai mấy rày chứ đã có tiền bến bãi, lời lãi gì đâu. Mày lên coi muộn chứ sắp vô ngày bận rồi đó, thiên hạ mà nghỉ Tết là người lên bộn nha con. Mà tao nghi năm nay hàng bông mình không thịnh lắm đâu.

- Sao lại vậy bác Hai?

- Thì mới dịch dã xong, lại đến lũ lụt nữa, người ta lo thu vén vô chứ ai dám vung tay như mọi năm nữa. Tao đi coi chợ mấy hôm rày thấy người ta vô hàng quất với hàng cúc kiểng là nhiều, mà không chọn cây lớn, số mai của mày coi bộ khó nhằn đó nha.

- Dạ, con biết rồi, cảm ơn bác Hai. Để con lo bày biện cho xong rồi con đi một vòng xem sao ha bác Hai.

- Ừ, lẹ lẹ đi con, bày ra cho người ta biết, mà hàng bác cháu mình ở chỗ khuất nẻo vầy ít người qua thiệt chớ. Phải chi có nhiều tiền, vô xịt phía trong xí nữa thuận đường xe, người ta ghé coi rồi lựa có khi nhanh hơn đó.

- Có tiền thì nói làm chi nữa bác-Nhân nhe răng cười, rồi đẩy chậu mai sang một bên lấy lối ra vô cho ngay hàng thẳng lối. 

Thiệt chớ, đã hăm ba rồi mà người đi chợ hoa lác đác quá, đi chủ yếu để ngắm rồi dò giá giữa các hàng chứ chưa mấy ai mua. Có mấy nhà đã bắt đầu muốn quạu, cứ thở vắn than dài suốt. Khu chợ hoa năm nay quy hoạch ra bãi đất trống ở ven thành phố chứ không ở quảng trường như mọi năm, bụi mù mà hiu hắt. 

Trưa hăm tám Tết. Cả ngày, Nhân như ngồi trên đống lửa, khách lưa thưa. Đã có thêm chục hàng hoa đang hồ hởi thu dọn để về, các chủ vựa hoa ế vừa đốt phong long vừa dõi mắt theo dòng người đang đổ vào chợ hoa. Vẫn nhiều người chỉ dạo xem từ hôm Nhân lên đến giờ, dường như người ta đã nhắm được cây nhưng vẫn muốn mua được với giá rẻ hơn. Một chú sơ vin như dân công chức về hưu, tha thẩn đi khắp chợ hoa, hàng nào Nhân cũng thấy chú ghé vô hỏi thăm, nhìn ngó. Kiểu này chắc cũng chẳng mua rồi, nhìn gần hai trăm chậu cây còn lại, Nhân nóng ruột nhẩm thầm, tiền công thuê xe, dọn chậu về tới nhà coi như xông đất rồi, mà buôn bán kiểu này có mà dông cả năm.

Có vài xe lác đác đi nhắm hỏi mấy hàng hoa ế, mà giá chở đắt quá, đã bán không được mà còn gặp phải mấy chủ xe vầy chắc ép chết người ta mất. Nhân rầu rĩ, nhìn đồng hồ nhích dần qua 9 giờ đêm. Cả chợ hoa xôn xao, ồn ào, có vài chủ hoa to tiếng cự với khách khi người ta trả giá chậu hoa năm trăm ngàn xuống còn tám chục. Nhân ngó ra, bác Hai cũng đang lăm lăm một cây gậy, khi khách trả chậu quất của bác xuống còn một trăm, gương mặt bác gằm xuống một nỗi niềm cay đắng khó tả.

leftcenterrightdel
 Minh họa: Khôi Nguyên

- Trời, bác Hai ơi. Đừng, đừng, có giận mấy cũng đừng vậy-Nhân hoảng hồn bỏ quán chạy qua, mặc ông chú hồi sáng đang đứng hỏi han tình hình ngơ ngác. Nhân ngỡ như bác Hai có thể vung gậy vào người khách sỗ sàng kia, hoặc nhẹ hơn là vào chậu quất để trút bực. Từ đầu hôm đến giờ đã có nhiều chủ vựa quạu vậy rồi, không trút giận vào khách được, họ trút vô chậu cây của mình mà quật cho tơi tả rồi bưng mặt ngồi khóc khan. Không khóc sao được khi mà năm nay bão lũ triền miên, nhà vườn nâng chậu bông chạy lũ đến ê người mà giờ đổi lại bằng những lời ỉ ôi, chê bai công sức vầy. Biết khách có quyền trả giá, mình có quyền bán hoặc không, mà vẫn thấy ức, vẫn thấy nghẹn lòng với những bông hoa mình chăm chút, để đến khi cầm gậy đập vô phá hủy những nhánh bông cũng có khác gì mình tự lấy cây mà quật vào mình đâu?

- Không, bác biết mà. Bác không sao. Bác không sao.

- Đừng, bà con đừng đập bỏ, bà con bình tĩnh-ông chú cứ đi loanh quanh chợ hoa cả ngày nay vội chạy tới-Bà con mình cứ bình tĩnh, cứ cân đối lại số bông đã bán được, số còn lại đừng đập bỏ, mà cũng đừng để ép giá quá. Bà con cứ bán buôn bình thường, đến trưa ngày cuối năm mà vẫn không hết thì ủy ban tỉnh có kế hoạch mua lại để trưng ở quảng trường, chỉ cần bà con đừng tính toán đắt quá. Kinh phí của ủy ban có hạn, nhưng nhất định sẽ hỗ trợ được cho bà con phần nào để bà con không bị quá thua thiệt. 

- Trời ơi! Thiệt không kìa? Người nghe lao xao, nhìn ông chú sơ vin thì đã quen nhẵn mặt. Ba, bốn ngày liền cứ toàn dạo chợ hoa hỏi khơi khơi tình hình chứ nào đã mua chậu bông cho ai đâu. Nhưng bét ra, đó là lời nói có tính an ủi nhất lúc này.

Tưởng ông chú nói chơi để dịu tình hình, đến hôm sau đã thấy có người cầm danh sách xuống từng hàng, làm thống kê và hỏi han mọi người thì người chợ hoa mới ngỡ ngàng tin là thiệt.

Rồi đó, chỉ có một cái thông báo loan đi vậy thôi mà người đông như kiến, chợ mới hiu hắt, lèo tèo bữa đó nay đã thành nhộn nhịp. Các chủ hàng hoa nhỏ nhẩm thấy đủ lời thì bán rẻ lại, nhắm còn ít bán lại cho Nhà nước đủ tiền chậu là vui rồi. Thằng Châu cười toét miệng khoe: "Trời, bữa em nhìn ông chú đó lù khù cứ đi hỏi han thấy phát bực, ai dè đâu ổng là phó chủ tịch đi thị sát vậy chớ, người đâu mà có tâm dễ sợ". Hồi khuya, vãn chợ, cả khu chợ hoa nhìn nhau mà rưng rưng, số hoa mỗi hàng vơi đi hơn phân nửa, dự là đến chiều mai hàng nào cũng sẽ gần xong. Cô Ba chạy lại hô lớn: "Bay, tập trung qua tao làm tô cháo cho ấm ruột. Nãy thấy đông vui quá, tao giao hết cho cha con ổng chạy ra mua liền ba con gà làm sẵn về hầm cháo, mượn cái nồi nấu bánh chưng của ông bảo vệ gần đây để nấu luôn đủ cả hội. Cha chả nó vui chứ, chưa năm nào mà thấy cái chợ bông nó vui như năm nay á". Chẳng cần biết thế nào, cả chợ nhìn nhau cười sung sướng, kéo về sạp hoa nhà cô Ba. Năm nay sướng thiệt bây ơi, chưa năm nào mà được chính quyền ra dặn bán hông hết mấy ổng mua, tự dưng thấy nhẹ gánh. Con Thiệt nãy giờ im re nơi góc, hàng mai của nó còn nhiều quá. Nhân nhìn con Thiệt im re nên kéo thằng Châu chạy qua.

- Mỗi nhà lấy một cây mai trưng Tết cho con Thiệt. Con lấy cho nó ba cây luôn, về trưng từ trong nhà ra ngoài ngõ cho nó xôm-bác Hai đang bê chén cháo, đứng sau lưng hai thằng từ bao giờ, thẳng lời nói.

- Vậy em lấy hai chậu-thằng Châu cũng tà lưa theo sau cho kịp.

- Rồi, con Thiệt, chỗ bông nhà tao bán sắp hết rồi. Tí ăn cháo xong sắp chậu vô giữa mà bán cho đặng, bán không xong thì mỗi người ủng hộ lấy một, hai chậu cho mày, khóc cái gì mà khóc-ông chú Tài, chủ sạp cúc giữa chợ cười ha hả. Hàng hoa của ông hơn bảy trăm chậu mà giờ chỉ còn một góc tầm năm chục chậu, cái này mai bán đến trưa, còn chục chậu thì để tặng luôn mấy ông ủy ban chứ tính tiền làm gì.

- Tao nữa nha, nhớ để tao-những người quây quanh nồi cháo ngẩng đầu lên hồ hởi ra hiệu.

- Đó, cả chợ bông hùn vô mua rồi. Lại mà ăn đi đặng lấy sức, tí mấy đứa trai trẻ nó qua phụ mày dọn hàng sang bên ông Tài.

Nhân mỉm cười nhìn mọi người, bác Hai rưng rưng vỗ vai Nhân, giọng có chút sụt sịt: "Thiệt mày, chưa năm nào đi bán bông mà ấm lòng như năm nay. Đành rằng tiền cũng không nhiều, nhưng không phải đập bỏ đi chậu của mình, bông của mình, mồ hôi công sức của mình mà dồn lên xe cho người ta chở ra bày ở quảng trường, tao thấy mãn nguyện quá. Đúng thiệt là, mỗi người chung tay một chút, mỗi người để ý một chút thì đâu cũng ra đó mày hen. Với lại, năm nay tự dưng được đón Giao thừa ở nhà, đã quá mày ơi! Mọi năm toàn sáng sớm chạy về xông đất. Mà mày có thấy cái quảng trường đó đẹp hôn? Mai nữa tao cũng tặng lại mấy ổng chục chậu bông cho mấy ổng đem trưng cho nó đẹp. Mà chắc qua mồng Ba, tao thuê xe cho cả nhà lên đây ngắm hoa, chụp hình cho nó có không khí".

Trưa Ba mươi, ông chú ủy ban quay lại thì cả chợ hoa như đã tàn, các chủ vựa hết sớm đang loay hoay xếp dọn đồ đạc nhẹ tênh. Khu giữa chợ trưng lại đủ thứ hoa, các chậu này không bán nữa mà để gửi lại ông chú ủy ban, cái bắt tay vui mừng của ngày cuối năm, những cái ôm thật chặt được gửi gắm lại khiến ai cũng bùi ngùi. Nhân đứng kề nhỏ Thiệt, lòng vui phơi phới, quay qua nhìn con nhỏ đang cười rạng rỡ liền lấy điện thoại ra chụp cho một kiểu ảnh, nhỏ Thiệt đỏ bừng mặt, đấm vào tay Nhân ra chiều không đồng ý.

Chú Hai với ông Tài trịnh trọng trao lại số hoa Tết của các quầy hàng tặng ông chú ủy ban, chỉ có vài quầy còn nhiều thì ủy ban mới cần thu mua thêm. Ông chú ủy ban cười rạng rỡ khi gửi tặng mỗi quầy hàng một cái phong bì nhỏ, coi như là tiền mừng tuổi sớm. Nhỏ Thiệt thì thầm vào tai Nhân: "Nhất định năm sau em xin ba lên đây bán bông tiếp, anh có đi nữa không?". Nhân nhe răng cười, chắc chắn rồi, chắc chắn năm sau Nhân sẽ chừa cho mình một dạt bông để rời vườn, hưởng trọn cái không khí mùa xuân ấm áp tình người như thế này.

Truyện ngắn của LÊ THỊ KIM SƠN

Tết chưa đến mà không khí Tết và hương xuân đã tràn ngập cả khu chợ hoa ấy. Thật náo nức và tràn đầy sự ấm cúng trong lòng mỗi người, dù những kẻ chợ hoa vẫn luôn thấp thỏm đợi khách, chút lo lắng hằn lên trên những gương mặt quen lạ chồng chéo. "Những nụ hoa xuân" của Lê Thị Kim Sơn được mở ra trong không gian tràn đầy tia sáng của giấc mơ tươi đẹp sum vầy mỗi cuối năm. Truyện cũng được viết với bút pháp giản dị như kể câu chuyện nôm, nhưng ẩn sâu là vẻ đẹp trong trẻo của thiện lương. Có thiện lương mới có thể tụ hội lại, họp lại thành một chợ hoa với đủ sắc màu cung bậc như thế. (Nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ)