- Khách gì mà khách, má toàn làm miễn phí mà kêu khách!-Thành quạu nhưng vẫn mở sẵn gác chân, rướn người lấy nón bảo hiểm trên kệ đưa bà.
- Má làm vầy hoài chừng nào mình mới có cái nhà đàng hoàng...-Thành bực bội nói tiếp, thẳng chân đạp mấy cái khởi động chiếc xe có tuổi.
Chiếc xe nhả khói đen xì mấy lần, nặng nhọc lăn bánh chở hai má con đi. Thả má xuống Mậu Thân, Thành đi làm luôn. Dạo này anh nhận thêm việc, để dành một mớ sau này sửa sang lại nhà cửa. Cái nhà rệu rã rồi, hên đang mùa khô, chớ vô mùa mưa tứ bề đều dột. Gom nhanh thì kịp sửa, nhưng cũng chỉ là vá víu tạm bợ. Biết chừng nào mới đủ tiền cất lại căn nhà khang trang như người ta.
Má đi khuất, Thành mới buông tiếng thở dài. Tiếng thở hóa gió, bay qua những hàng cây xác xơ làm rơi mớ lá khô. Những chiếc lá me vàng lắc rắc chạm vai nhắc anh nhớ cái áo mình sắp bung chỉ, phải nhắc má khâu lại thôi. Chiếc xe bỗng dưng giở chứng, anh đành chờ máy nguội bớt, thường như vậy lát nó mới chịu chạy. Trong mấy phút nghỉ ngơi ngắn ngủi, anh thầm trách má. Trách sao má không chịu thương bản thân, đi làm việc thì phải thu tiền đàng hoàng chớ, đằng này làm không công cực thân mà có được gì. Má từng tuổi này rồi, nhà cửa kiên cố còn không có. Thành cũng chưa báo hiếu được cho má trọn vẹn.
Mắt Thành hơi cay cay. Anh mở rộng ngực, hít một hơi thật sâu, động viên bản thân cố lên. Cái xe đã chạy trở lại. Thôi, đi làm, dành dụm được nhiêu hay bấy nhiêu, rảnh rỗi mắc công còn nghĩ chuyện không đâu.
***
Hội cựu chiến binh họp không đông đủ như mọi lần. Một số cô bác cao tuổi nhiều bệnh nền không đi dự nổi, một số khác bận việc gia đình. Ngồi kế ông Hai Hùng là bà cô nào lạ quá, không nhớ có cùng đơn vị hồi xưa không. Chắc ngày càng vắng nên người ta gộp cả tiểu đoàn lại cho tiện.
Thấy Hai Hùng vươn tay tự xoa bóp đôi vai nhức mỏi, bà cô ngồi cạnh lên tiếng hỏi thăm:
- Chú chắc nhiều bệnh xương khớp hả? Tui thấy nãy giờ ngồi nhấp nhỏm hổng yên.
- Không giấu gì chị-Hai Hùng thật thà nói-Giờ tuần nào em cũng phải đi bệnh viện. Mệt nhất là dạo gần đây xương cốt nhức mỏi, ngủ cũng không yên giấc thành ra khó chịu hoài.
- Đâu, chú đưa tay tui bắt mạch thử coi!-Bà cô chủ động.
Bắt mạch một hồi, bà kể vanh vách mấy căn bệnh ông Hai mang trong người. Trước ánh mắt khâm phục của người đồng đội, bà nói hồi xưa mình là y tá. Sau này bà còn học thêm Đông y, mấy bệnh khác bà không rành chứ bệnh nhức mỏi là thuộc chuyên môn rồi.
- Hay chú cho tui địa chỉ đi, tui ghé nhà bấm huyệt cho!-Bà cô cười gợi ý.
- Được vậy thì tốt quá...-Hai Hùng xoa xoa đầu ngần ngại-Nhưng mà giá cả sao hả chị?
- Cứ làm đi, khi nào chú thấy khỏe thì cho nhiêu cũng được. Không đỡ thì thôi khỏi!-Bà cô vỗ vỗ ngực-Thầy tui dạy làm phước là trên hết, chuyện tiền bạc tính sau.
Bà cô đó không ai khác chính là bà Thúy. Bà giở cuốn sổ tay chi chít chữ, ghi lại địa chỉ nhà Hai Hùng. Chà, vậy là bà kín lịch trong tuần rồi. Không bỏ ngày nào được, toàn là những ca cần thiết. Kiểu này thằng Thành sẽ cằn nhằn bà cả ngày cho coi, nó sẽ la sao bà không chịu nghỉ ngơi mà cứ ôm việc vô mình.
Biết làm sao được. Bà Thúy làm để trả ơn cuộc đời, trả ơn người thầy đã dạy bà nghề thuốc Đông y. Chỉ mong một ngày nào đó con trai sẽ hiểu cho bà.
***
- Tới rồi hả con?-Ông Biển thấy bóng Thành từ ngoài bờ rào, rướn cổ hỏi vọng.
- Dạ, con tới cướp nghề ông đây!-Thành lém lỉnh trả lời, mở cổng dắt cái xe cà tàng vô.
- Thằng quỷ sứ, học lỏm mấy bữa mà đòi cướp nghề, mạnh miệng dữ à!-Ông Biển bật cười vang.
Chỉ vô mấy chậu cây ngổn ngang xung quanh, ông biểu Thành tháo chậu trồng xuống đất. Thành đã quen tay, thoăn thoắt làm mà không bị ông la như hồi trước nữa. Anh nâng niu từng cái cây. Sợ chúng động rễ. Có những cây đương nụ. Một bông nở sớm he hé cánh, Thành nhìn thấy, thoáng chạnh lòng.
- Người cũng như cây ông ha. Cây trồng cùng lúc mà có cây nở sớm có cây còn chưa ra nụ. Người có kẻ thành công cửa cao nhà rộng, có kẻ loay hoay chưa làm được gì ra hồn... - Nói xong Thành thở dài thườn thượt.
- Mày khùng!-Ông Biển cười khùng khục-Cây cũng như người, mỗi cây mỗi khác nhau, ai cũng y chang ai thì sao thành cuộc đời được. Đó, con tưởng tượng coi, nguyên cái vườn này cây nào cũng y chang nhau, nở tàn cùng một lượt, nhìn có phải chán không?
Thành không khỏi gật gù. Ờ, ông Biển nói đúng ha. Nếu cả khu vườn này chỉ có một loại cây duy nhất, như bông hồng chẳng hạn, mà chậu nào cũng y hệt nhau từ lá tới bông thì thật là kỳ lạ. Nó có khác gì một vườn bông nhựa được sản xuất hàng loạt, mất hết sức sống của tự nhiên đâu chứ.
- Còn cuộc đời, nếu ai cũng đi cùng một con đường, làm cùng một việc thì sẽ rối loạn ra sao hả con?-Ông Biển cởi bao tay, vỗ vỗ vai Thành-Có cây chậm, có cây nhanh, nhưng cây nào cũng tới lúc nở bông thôi con!
- Vậy tới chừng nào cây đời con mới trổ bông hả ông?-Thành mím môi, cười buồn buồn-Chứ con thương má con quá...
- Cũng còn phải coi con là cây gì!-Ông Biển đứng lên, cầm lấy một chậu cây chi chít lá-Ông cho con chậu cây này, đố con làm nó trổ bông!
Thành ngại ngùng cầm lấy. Loại cây này tới tên anh còn chưa biết, làm sao hay cách kích nó ra bông đây.
***
- Sao chị học được nghề này?-Vừa nằm cho bà Thúy xoa bóp, ông Hai Hùng vừa trò chuyện cho đỡ ngại.
Mùi dầu thuốc bay khắp nhà. Ông nằm trên bộ vạc ở phòng khách, cửa để mở. Kế bên là bộ bàn ghế có đứa cháu họ đang ngồi chơi game, ông rủ nó qua cho bà Thúy đỡ ngại.
- Không giấu chi chú, tui có duyên mới gặp được thầy...-Bà Thúy chầm chậm kể, lần theo những đường dây trí nhớ phủ bụi.
Bắt đầu kể từ đâu đây. Phải chăng từ cái lúc bà được người đồng đội kịp lôi xuống hầm trú ẩn. Hai người nên duyên với nhau, nhưng chồng bà mang nhiều di chứng cũ, sức khỏe yếu đi nhiều. Có lần ông sốt cao, chân bị co cơ, không đi lại được. Bà chạy vạy khắp nơi, may tìm được thầy. Thầy hốt thuốc trong chùa, tận tình chạy chữa cho chồng bà mà không lấy tiền. Thầy chỉ nói nhìn bà có duyên, cùng là dân ngành y với nhau, nếu muốn thì thầy truyền nghề cho. Rồi sau đó hành nghề làm thiện tích phước, coi như trả công cho thầy.
- Chuyện vậy đó chú!-Bà Thúy tự kéo mình ra khỏi những hình ảnh quá khứ để tiếp tục công việc. Bà nhiệt tình dùng sức nhấn, kéo để ông Hùng thư giãn cơ bắp.
- Chị không tính phí rồi hai má con lấy gì sống?-Ông Hùng không khỏi bùi ngùi trước câu chuyện của vợ chồng người đồng đội.
- Thì ai cho nhiêu tui lấy nhiêu, chớ gọi là miễn phí cũng kỳ đó chú!-Bà Thúy vén mấy sợi tóc lòa xòa, ngẩng lên lẩm nhẩm tính-Mọi người thương ủng hộ chút đỉnh, sống lai rai qua ngày cũng được. Nhưng ai khó khăn là tui kiên quyết không nhận gì hết nha!
Ông Hai Hùng ngồi dậy sau buổi xoa bóp, mừng rỡ thấy cơn đau nhức đỡ nhiều. Ông định gửi tiền luôn cho bà Thúy mỗi buổi, nhưng nán lại chờ một dịp khác. Ông cần hỏi chuyện một số người trước mới quyết định được.
Thành tìm mọi cách, cái cây vẫn trơ ra. Trong lúc đang không biết làm gì thì bà Thúy về tới.
- Ủa, sao má không gọi con rước?-Thành đứng lên đỡ đồ phụ má.
- Thôi, lâu lâu con mới có ngày nghỉ, để con ở nhà dưỡng sức. Sẵn má lội bộ đi cho khỏe chân!-Bà Thúy ngạc nhiên nhìn chậu cây-Ủa cây linh sam nè, con mới mua hả?
- Dạ ông Biển cho con, ông kêu con thử làm cho cây nở bông-Thành gãi gãi đầu-Con thử hoài không được má ơi! Chịu thua chờ nó ra bông thôi.
- Cây này ra bông chậm. Chờ sao nổi hả con!-Bà Thúy vừa cười vừa lắc đầu.
Thành ngỡ ngàng trước câu nói đó. Ra bông chậm là sao? Bà Thúy liền giải thích, linh sam cũng giống mai, muốn nó ra bông phải trút lá. Hết lá rồi thì nhanh lắm, đâu chừng một tuần là sẽ ra nụ chi chít cho coi. Chứ để tự nhiên có khi mấy năm trời không biết nó đã chịu ra bông chưa.
Giờ thì Thành đã hiểu ý của ông Biển. Anh ngắm nhìn má thật lâu. Bà Thúy dạo này đi nhiều, nước da sạm dần vì nắng. Nhưng nhìn bà lúc nào cũng vui vẻ, tràn đầy năng lượng vì được làm điều mình thích. Mắt anh bỗng thấy cay xè...
***
Không ngờ mọi chuyện thuận lợi hơn mong đợi. Nghe ông Hai Hùng kể về hoàn cảnh bà Thúy và ngỏ ý lập quỹ cất lại nhà cho bà, hội cựu chiến binh đồng ý ngay. Ngạc nhiên hơn là khi tin đó lan ra, mọi người gần xa kéo về xin được đóng góp một phần. Họ đều là những người được bà Thúy chăm sóc, chữa trị mà không đòi hỏi được trả công.
Trao cho bà Thúy tiền sửa lại nhà, ông Hai Hùng dặn dò:
- Tấm lòng của hội chỉ có nhiêu đây, vẫn chưa đủ lợp tôn phần mái...
- Trời đất, nhiêu đây là tui mừng lắm rồi chú!-Bà Thúy bối rối mân mê xấp tiền ông đưa.
- Ông Hai yên tâm, con sẽ ráng để dành, đủ lợp tôn mấy hồi!-Thành tài lanh lên tiếng dõng dạc.
- Ủa, em chưa nói hết mà, phần còn thiếu em bù vô, coi như tiền công mấy tháng chị hỗ trợ em cái bệnh nhức mỏi!-Ông Hai Hùng cười-Không phải phần một mình em mà còn nhiều bệnh nhân của chị hùn vô nữa đó!
Bà Thúy cười hoài, nhìn bà vui lắm. Bà không nỡ từ chối tấm lòng của mọi người. Ngắm má vào lúc này, Thành càng hiểu hơn điều ông Biển gửi gắm trong chậu linh sam. Mỗi người là một loài cây khác nhau, thời gian ra bông khác nhau, ganh chi rồi buồn trong lòng. Mình cứ là mình, làm việc mình thấy cần, thấy đúng, rồi cuộc sống sẽ trả lại những bông hoa rực rỡ.
Trước nhà, chậu linh sam đã trút lá đang đơm đầy bông đứng tắm trong ánh nắng vàng. Những bông hoa sắp nở, rung rinh trong gió như đang cười...
Bằng một giọng văn kể chuyện mộc mạc, đậm chất miền Tây Nam Bộ, truyện ngắn “Bông nở chậm” của tác giả Phát Dương như một lời rủ rỉ thầm lặng về triết lý sống làm người. Tác giả muốn nhấn mạnh một chân lý là lòng tốt, sự giúp đỡ vô tư, tình nguyện sẽ luôn được đền đáp xứng đáng. Hơn thế nữa, lòng tốt đến từ những đồng đội có hoàn cảnh sống khó khăn, từng đi qua chiến tranh càng đáng được trân trọng. Những sự giúp đỡ âm thầm cũng như những bông hoa nở chậm, rồi sẽ đến lúc nở rộ, chỉ cần người ta có lòng tốt với nhau, quan tâm đến nhau. Đó là ý nghĩa nhân văn của truyện ngắn này. (TS HÀ THANH VÂN)
|
Truyện ngắn của PHÁT DƯƠNG