Từ đó, Kuăt hằng ngày vẫn chăm chỉ vào cánh rừng tràm gần nhà để gom củi. Những đống củi lớn được cánh tay sẫm màu của Kuăt sắp xếp gọn gàng dưới sàn nhà. Kuăt vẫn đinh ninh trong đầu mình theo đúng tập tục của người Gia Rai, nhà càng có được nhiều củi thì càng có nhiều điềm lành sung túc, ấm no dù cho mùa mưa năm nay cũng sắp tới gần. Khi nghe tin vợ sắp sinh cho mình đứa con, Kuăt thấy vui trong lòng, anh nghĩ đến việc sẽ có đứa trẻ cùng mình lên rẫy phát nương, xuống suối xúc cá. Mùa này cũng là cuối tháng “ning nung” rồi nên anh cũng phải tranh thủ bắt vài con chồn hay sóc để treo gác bếp, món thịt khô này sẽ rất cần thiết khi nhà có khách hay mưa dai.
Tây Nguyên tháng tư, trời đổ cơn mưa đầu mùa, mưa tới là mưa tối trời tối đất. Với nhà mình, Kuăt lại chẳng phải lo lắng về củi đốt, mà chỉ lo kiếm thêm của ngon, vật lạ cho vợ tẩm bổ. Tháng Wor-tháng quên cũng là tháng Tết đến rồi. Nhuin và Kuăt phải cùng nhau hát múa, cùng nhau quên đi những cực nhọc từ trước tới giờ. Nhuin cũng đã kiếm cho mình được công việc trên thành phố. Với cô, từ trước đến nay, công việc dạy học vẫn là ước mơ của bản thân. Ngay khi được nhận vào dạy học ở trường tư nhân có tiếng tại thành phố, Nhuin tranh thủ ở lại phòng trọ nhiều hơn để thuận tiện cho công việc.
Nhà của Kuăt và Nhuin ở thị trấn cách thành phố hơn chục cây số. Vì mùa mưa tới, Nhuin chẳng muốn sau một ngày dài mệt nhọc lại lê cái bụng bầu lặc lè qua màn mưa chỉ để về ăn tối. Căn nhà sàn cũ kỹ ở góc nhỏ thị trấn cũng bị Nhuin bỏ quên tự bao giờ. Kuăt cũng thường xuyên gọi điện cho vợ. Anh biết bản thân mình trình độ và năng lực không đủ để có thể kiếm sống trên thành phố. Ngoài những việc chân tay ra thì thực sự Kuăt khó có thể kiếm được việc gì khác. Khoảng cách giữa hai người cứ thế dần xa cũng gần cả nửa năm.
Ngày Nhuin sinh con cũng tới. Kuăt quyết tâm lên thành phố để chăm vợ con. Kuăt đã tìm được công việc khuân vác cho nhà thuốc ở gần đó. Việc nhẹ nhưng nhiều, những lần buổi trưa trời nắng gắt, chưa kịp thay quần áo, Kuăt chỉ kịp rửa tay chân vội để đưa cơm cho vợ trong bệnh viện. Nhuin cũng chỉ biết cười trừ với sự vụng về của Kuăt. Không biết Nhuin có xấu hổ vì điều ấy không mà những lần Kuăt muốn bế con, Nhuin cũng tỏ ra khó chịu. Có thể vì một phần là đôi bàn tay chai sần của Kuăt, nhưng chắc cũng vì vẻ bề ngoài bụi bẩn của chồng. Còn Kuăt thì vẫn vô tư, say sưa với bé con đang ngủ ngon trên tay của mình.
Ama, amí (cha, mẹ) của Nhuin khi đến thăm hai mẹ con Nhuin thì muốn tới lễ thổi tai sẽ công bố tên với mọi người trong làng. Dù biết theo họ mẹ nhưng Kuăt vẫn muốn có cái tên riêng cho bé con của mình. Kuăt và Nhuin thì gọi bé bằng cái tên Bắp cho gần gũi. Trước đây là nỗi buồn vì chồng không có công việc phụ giúp kinh tế gia đình, giờ đây mặc dù Kuăt đã có thể góp tiền hằng tháng, nhưng nhìn hình ảnh chồng nhớp nháp bên cạnh đống vật liệu, Nhuin cảm thấy càng tự ti, nhất là khi nhìn thấy những người chồng công chức, quần áo gọn gàng, bóng bẩy của các chị trong trường. Sự bực bội của Nhuin cứ thế nén tụ qua từng ngày chỉ đợi dịp bùng phát.
Chẳng ai nói với ai điều gì, nhưng trong tâm can Nhuin muốn gạt Kuăt ra khỏi tầm mắt của mình. Được bữa Nhuin ăn cơm ở nhà. Kuăt nói với Nhuin muốn cho bé con về ở với ông bà ngoại để có người chăm sóc, sướng hơn là ở đây với Nhuin. Nhuin lập tức gạt phắt đi.
- Có đi thì mày đi một mình đi, con tao là của tao. Nó phải ở với tao.
Chỉ là một lời nói khẽ, mà đáp lại bằng cái nhìn nảy lửa và sự gay gắt không đáng có. Hôm sau Kuăt lặng lẽ khăn gói, đầu không ngoảnh lại vì biết nếu bé con thấy sẽ đòi mình. Cả chặng đường, Kuăt không khỏi buồn bã, tay chỉ nắm chặt giỏ đồ, nghiến răng không nói gì. Sau lưng của Kuăt giờ là hai mẹ con Nhuin đang chật vật. Những ngày được chồng ở nhà chăm con, Nhuin toàn tâm toàn ý cho công việc. Nay không có Kuăt, Nhuin muốn mọc thêm mấy cánh tay cũng chưa xoay xở kịp để cho Bắp ăn rồi đưa đi nhà trẻ. Sự trống vắng của Kuăt dường như đang thúc vào người Nhuin những cú thật đau. Nhuin đã nhớ đến Kuăt, nhớ đến những buổi đi dạy về đã thấy Kuăt và bé con gọn gàng, sạch đẹp ngồi chơi với nhau vui vẻ bên mâm cơm ấm áp.
Nhuin nhớ những lần Kuăt chăm chút cho bé Bắp, những lúc anh cười hiền lành và đưa tay khẽ siết lấy tay cô, truyền vào đó sự an ủi và vững chãi. Cô nhớ cái cách Kuăt nhìn mình đầy yêu thương khi cô mệt mỏi trở về sau một ngày dài. Chỉ là những hành động giản đơn, nhưng với Nhuin, chúng giống như chiếc neo giữ cho cô không bị cuốn trôi giữa dòng đời xô bồ. Kuăt khi ấy tràn đầy tự tin và dịu dàng, dù chưa bao giờ hứa nhưng luôn là người bảo vệ cô, là bờ vai vững chãi cho cô tựa vào mỗi khi mỏi mệt.
Rồi ngày lễ thổi tai cũng tới, chỉ khi Nhuin mở lời muốn ông bà ngoại đứng ra để làm lễ cho con thì mẹ Nhuin mới nói.
- Chúng tao sẽ làm lễ thổi tai cho con Bắp, nhưng mày và thằng Kuăt phải đứng ra để mời khách trong làng và làm ở sân nhà mày.
Nhuin gượng gạo, không biết mở lời với Kuăt như thế nào. Từ ngày Kuăt bỏ về nhà, Nhuin biết mình sai nhiều lắm, nhưng cô lại tự nhủ đó là lỗi của Kuăt. Tại Kuăt không tài giỏi để lo cho mẹ con cô mới khiến cô tức giận, mà cũng tại Kuăt giận dai, không chịu nhún xuống để làm cô dịu lại. Giờ đây cô tự nhủ rằng nếu Kuăt trở về, cô sẽ không bao giờ để bất kỳ điều gì chia cách hai người thêm một lần nữa. Trằn trọc mãi, Nhuin quyết định sang gặp Kuăt để bàn tính làm lễ cho con.
Kuăt thấy Nhuin và con sang, gương mặt anh bừng sáng, cả ngày chỉ quanh quẩn trò chuyện với Bắp. Nhìn hai bố con Kuăt chơi với nhau, Nhuin thấy tim mình như mềm ra, muốn tìm cơ hội làm lành với anh mà Kuăt chỉ chăm chú vào việc chuẩn bị làm lễ cho con. Kuăt cũng hồi hộp chờ đợi ngày làm lễ trọng đại của con. Mỗi đêm trôi qua, vợ chồng dẫu cùng giường nhưng vẫn lặng im, trằn trọc. Kuăt biết, bao nhiêu thứ cần cho lễ, nhà vợ đều lo cả. Mọi thứ trong gia đình từ trước đến giờ, anh chưa thực sự được làm chủ. Kuăt thi thoảng nằm cạnh con, vuốt nhẹ trán con, hy vọng những điều tốt đẹp cho Bắp. Còn Nhuin thì vẫn ngập ngừng câu xin lỗi nơi cửa miệng chẳng thể nào thoát ra.
Ngày lễ thổi tai, cây nêu đẹp nhất được ama K’Vơm chuẩn bị từ trước đấy cả tuần được Kuăt dựng lên đầy kiêu hãnh. Rượu cần cũng được ama ủ cùng với cơn mưa “lẹh rah” đầu mùa xếp quanh gốc nêu. Amí H’Buk sắp những chiếc mẹt lấm tấm màu rêu, bầu đựng nước khô, mấy con dao quắm, cả bông vải, ống nứa, bát đồng, đặc biệt là cuộn chỉ ở xung quanh cây nêu. Kuăt thì tất bật với con gà. Sau khi mổ thịt, Kuăt chọn ra một vài miếng gan, thịt, lòng, tiết... bỏ vào cái rổ nhỏ, lót lá cây sạch, rượu thì rót vào bát đồng để chuẩn bị đồ cho thầy cúng. Bà đỡ cũng đến từ sớm. Cả nhà Nhuin cũng thống nhất để thầy cúng báo lên với Yàng tên cho Bắp là RơCơm H’Kik.
Thầy cúng sau những lời cúng các yàng lấy tay dâng các thần bằng rượu ngọt, rượu chua, thịt gà rồi thổi nhẹ vào tai cho bé. Dây chỉ được cột vào tai H’Kik. Cô bé nhíu mày, vẻ mặt hốt hoảng trong lòng của H’Kik khi nhìn thấy những nếp nhăn nheo, mái tóc dài của thầy cúng ghé sát vào mình. Kuăt luôn ở bên, anh nắm chặt tay con gái. Hy vọng rằng tương lai tươi sáng sẽ luôn bên con. Không khí vui vẻ tràn ngập khắp sàn. Mùi thơm của thịt heo, gà nướng ngập tràn mọi ngách nứa cả bếp trên, bếp dưới. Mấy con chó dưới sàn cũng sủa ầm lên, chạy loanh quanh chực chờ miếng ăn khiến cả nhà Nhuin quên đi những lo toan cho ngày làm lễ.
Tiệc tan, Nhuin nhìn thấy Bắp đang nằm trong lòng Kuăt, gương mặt bé ánh lên vẻ hạnh phúc, vui vẻ. Kuăt ngẩng mặt, nhìn Nhuin rồi im lặng vỗ nhẹ vào vách nhà sàn, vẫy Nhuin qua góc bếp ngồi cạnh. Giữa tí tách tiếng lửa vẫn bập bùng trong gian nhà, Nhuin ngập ngừng nói lời xin lỗi và cảm ơn chồng, nước mắt cô cứ thế chẳng vì khói mà xộc ra. Kuăt thấy vậy cũng im lặng phút giây, rồi anh rướn người đưa tay lấy chiếc gùi tre, trong đó có tờ giấy công văn thông báo Kuăt được nhận công việc chính thức ở sở văn hóa, thể thao và du lịch. Nhuin biết, giờ mình muốn ở bên Kuăt mà chẳng cần tờ giấy kia, nhưng nhìn vào mắt Kuăt, Nhuin biết đây là niềm tự hào, là lời hứa vững chắc của anh dành cho gia đình nhỏ của mình. Nhuin từ lúc nào tự tay thêm củi vào bếp lửa đang vang lên những âm thanh của những bình dị mà bao lâu nay cô vẫn đang tìm kiếm...
Chu Hoàng Sinh là cây bút mới, niềm đam mê đọc và viết được nảy nở trong môi trường Quân đội, đây là tín hiệu vui. Sinh âm thầm viết. Những trang viết đầu tay như những hạt giống lành. Những góp nhặt tích lũy trong cuộc sống, trong môi trường huấn luyện, sinh hoạt của một sĩ quan trẻ, nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc vùng miền có thể sẽ là chất liệu tốt cho Sinh thỏa sức cùng câu chữ, khám phá trải nghiệm và thể nghiệm trong sáng tạo. Đọc Sinh hôm nay để hy vọng, trông chờ sự trưởng thành của anh ở tương lai.
Nhà văn NGÔ THANH VÂN
|
Truyện ngắn của CHU HOÀNG SINH