Ngoài ô cửa sổ, lẫn trong tán lá cây nhãn là véo von tiếng chim hót. Lũ chim sâu vừa chuyền cành vừa ríu rít gọi nhau. Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Khanh mỉm cười hài lòng. Màu nắng thu sau mưa như vàng rực hơn. Nhìn màu nắng vàng rực ấy chợt khiến ông có gì đấy hơi hướng buồn buồn. Ông thẫn thờ ngồi xuống ghế, mắt vẫn hướng qua ô cửa sổ.
- Ông không nằm thêm nữa à? - Bà Hiền, vợ ông, đến bên chỗ ông ngồi từ lúc nào, bà đến nhưng không đánh tiếng mà chỉ lặng lẽ quan sát thái độ của chồng.
Ông Khanh khẽ giật mình. Ông quay hẳn người lại, ngồi ngay ngắn trên ghế. Bà Hiền sau câu hỏi thì đưa tay với ấm nước chè, rót cho chồng một chén.
- Ông uống ngụm nước cho ấm người-bà nhìn chăm chú vào ông như thể để kiểm tra xem tình hình sức khỏe của chồng có ổn không. - Hay là ông đang bận tâm chuyện gì?
Đàn bà thật tinh ý, ông Khanh thầm nghĩ, ông ngẩng lên nói nhỏ:
- Tôi vẫn bình thường. Tại... tại màu nắng thu vàng rực làm tôi nhớ.
- Nhớ?
- Ừ tôi nhớ cũng vào đúng ngày nắng vàng rực như thế này tôi được về thăm nhà, thăm mẹ mình. Thời gian trôi nhanh thật đấy.
Ông Khanh nói đến đây thì dừng lại. Như một phản xạ tự nhiên, ông lại đưa mắt hướng qua ô cửa sổ. Ánh nắng nhuộm vàng màu lá, tiếng chim hót ríu ran.
Hồi còn nhỏ ông thích chơi chim. Hồi ấy ông còn tự tay làm một chiếc lồng chim. Hai chú chim khuyên nghe tiếng huýt sáo gọi chim của ông từ ngoài đầu ngõ, chúng nhảy nhót tưng bừng, giọng hót ran ran như để chào mừng cậu chủ đã về nhà.
Cậu bé Khanh sau câu chào cha mẹ thì vội nhấc chiếc lồng chim lên tay. Cậu chun miệng huýt sáo. Cha cậu buông bát nước chè xanh đã uống cạn, ông úp cẩn thận vào chiếc khay đan bằng mây.
- Tôi sang nhà anh cả quai búa giúp anh ấy. U nó xem có gì làm cơm cho con nó ăn. Chắc học hành trên Hà Nội cũng vất.
Bà Khanh gật đầu, ở quê khi người đàn bà lấy chồng thì họ bị “mất” tên, người trong làng ngoài xã chỉ gọi bà theo tên người chồng. Đến khi có con đầu lòng thì một lần nữa cái tên gọi theo tên chồng cũng bị “mất” nốt, người trong làng ngoài xã bấy giờ đều gọi theo tên người con đầu. Cái tên bà Khanh ra đời từ đấy, gọi mãi thành quen, quen đến mức ngay cả bà cũng “không nhớ” tên thật của mình.
Bà Khanh vừa đong xong mấy bát gạo, bà mang ra bậc hiên ngồi đón nắng chăm chú nhặt thóc sót, nhặt sạn lẫn. Bà nói bằng giọng kiểu mắng yêu:
- Thày u cho con lên Hà Nội trọ học cũng chỉ mong con bằng chị bằng anh. - Bà ngừng tay nhặt thóc, nhặt sạn lẫn. Bà nhìn cậu Khanh đang mải chơi với chim. - Chim với chả chóc, phải để ý học hành con ạ.
- Thì con vẫn nghe lời thày u mà chăm chỉ học đấy thôi.
- U là u cứ nhắc thế. Mà sao sáng nay con về nhà sớm thế? Mới về nhà mấy bữa trước đấy thôi.
- Con nhớ u thì con về thôi.
Cậu Khanh nói dối mẹ mình thế. Mấy hôm nay cậu được nghỉ học. Ở ngoài Hà Nội xe tăng Pháp chạy ầm phố, lính Pháp tay súng lăm lăm đi rầm rập. Lớp học của cậu được nghỉ vì sợ học trò đi lại trên đường phố không an toàn. Khanh không dám nói với mẹ mình chuyện như vậy, nếu nói mẹ lại lo lắng.
- Con đảo về thăm u chút thôi. Đến chiều con lại quay ra Hà Nội.
- Ừ thế cũng được. Nhớ chăm chỉ học vào con nhé. Nhớ u thì nhớ trong lòng, ít về nhà thôi. Mà mày lấy tiền đâu mà đi tàu điện?
- Con... con.
Khanh không nói hết vì cậu sợ mẹ mắng. Cánh học trò nhỏ lại nghèo thì lấy tiền đâu mà đi tàu điện. Chính sáng nay thôi cậu phải chạy theo nhảy tàu điện.
***
Nắng soi vàng cánh cổng sắt, ngôi nhà của vợ chồng nghệ sĩ Lê Ngọc Khanh tuy nằm giữa làng Thành Công thật đấy nhưng mấy năm gần đây tốc độ xây dựng của người dân tăng lên chóng mặt. May mà gia đình vẫn còn giữ được chút sân nhỏ trước nhà và mảnh vườn sau nhà trồng mấy cây nhãn, cây na nên dù đô thị hóa nhưng ngôi nhà vẫn giữ được chút làng yên ắng.
Ông Khanh chợt thấy cay cay sống mũi. Bà Hiền biết vậy nhưng không nói gì thêm. Mấy chục năm sống bên ông nên bà hiểu rõ tính ông, ông hay xúc động nhất là những khi vợ chồng ngồi xem tivi. Thấy cảnh gì đó nhang nhác hình ảnh quê nhà là ông Khanh xúc động. Thấy hình ảnh nào đó gợi lại những tháng năm kháng chiến vất vả là ông lại xúc động. Bà Hiền biết trong lòng chồng mình luôn có khoảng tình cảm cho những tháng năm xưa ăm ắp kỷ niệm.
Bà Hiền nhớ lại, hồi kháng chiến có một đơn vị bộ đội về quê bà đóng quân. Những anh bộ đội trẻ về làng đã làm xôn xao cả những vạt đồi cọ lá xòe che nắng. Các anh ngoài những lúc luyện tập ra thì tỏa đi các xóm giúp dân quét dọn. Nhờ có các anh mà làng xóm sinh động hẳn lên. Năm đó bà Hiền mới tròn mười bảy tuổi. Cô thôn nữ tên Hiền rất thích được xem các anh bộ đội múa hát, trong tốp ấy có anh tre trẻ đẹp trai tên Khanh khiến Hiền để ý. Nhưng mỗi khi thấy anh nhìn mình thì cô lại đỏ mặt tìm cách lảng đi.
Có hôm anh Khanh đi đến bên cô, nói rất khẽ:
- Cô... cô Hiền có thích học múa không? Thích thì tôi dạy múa cho?
Cô thôn nữ mới nghe nói thế đã gật đầu. Thế là từ hôm đó, Hiền được sự đồng ý của thủ trưởng đơn vị cho “nhập” với đội để học múa.
Chao ơi! Mừng đến thế là mừng! Hiền học múa rất chăm chỉ. Được cái cô cũng dẻo và khéo nên học múa điệu nào là cô múa được ngay. Hôm đơn vị chuẩn bị di chuyển thì các anh chỉ huy đến nhà cô, các anh đã nói chuyện với thày bầm cô xin cho cô được vào đơn vị. Cô thôn nữ tên Hiền trở thành cô diễn viên múa của văn công sư đoàn từ ngày ấy, trở thành học trò của anh Khanh từ ngày ấy.
***
- Không ngờ buổi sáng nhảy tàu điện về thăm nhà của tôi ngày đó lại là buổi sáng chia tay không được báo trước.
Ông Khanh quay người lại, nói với vợ bằng giọng bùi ngùi. Bà Hiền gật đầu, bà cũng biết ông đang bồi hồi ký ức.
- Cứ bảo là nhớ u là về thăm đâu ngờ cũng phải đằng đẵng 8 năm sau tôi mới về thăm thày u tôi được.
Sau buổi sáng về làng Đa Sĩ thăm thày u thì đến tối cả Hà Nội ầm vang tiếng súng. Cậu bé Khanh ban đầu sợ lắm, ngồi dịt trong nhà trọ không dám đi đâu. Chỉ đến khi có mấy người bạn học cùng khu nhà trọ kéo nhau đến và nói:
- Toàn quốc kháng chiến rồi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi. Bọn mình chắc không được đi học nữa. Phải làm gì hưởng ứng lời ông cụ kêu gọi. - Anh bạn học trên Khanh một lớp tên là Nam nói dõng dạc.
- Hay là tìm đường về làng? - Anh bạn tên Chung nói lí nhí. - Mà không biết đường nào an toàn để về nữa?
- Không được. Về làng lúc này có khi nó đòm cho một phát là đi chầu Diêm Vương - Anh Nam lặng im như để nghĩ ngợi - Chỉ còn một cách.
- Cách gì? - Cả bọn nhao nhao hỏi.
- Chỉ còn một cách là bọn mình cũng đi đánh giặc. Tao nghe nói ngoài phố có nhiều như bọn mình đi Vệ quốc quân đấy.
- Nhưng đi như thế nào?
- Khó gì. Bọn mình không ngồi lì ở trong nhà nữa. Ra phố xem chỗ nào có đánh nhau thì đến. Đến chỗ có quân mình ấy.
- Đến đấy làm gì?
- Thì các anh Vệ quốc bảo làm gì thì làm. Ví dụ như mang cơm cho các anh Vệ quốc này; giúp các anh ấy băng bó vết thương này. Thằng nào lớn và kiếm được súng thì cùng các anh ấy đánh giặc.
Cậu học trò Khanh bỗng nhiên trở thành “Vệ út” như bao bạn bè cùng học, Khanh đi theo các anh đánh giặc. Rồi đơn vị rút lên chiến khu thì Khanh cũng rút đi theo. Cậu đã trở thành bộ đội như thế.
Có hôm anh chỉ huy gặp cậu, anh nói:
- Tớ thấy chú mày cũng được đấy.
- Được đấy là gì hả anh?
- Chắc là mày múa được. Đơn vị đang thành lập văn công. Chú mày vào đội múa nhé?
Khanh bỗng hào hứng hẳn lên.
***
Hôm đó bà Khanh vừa mới ở ngoài đồng về. Bà thực sự bất ngờ khi thấy có một anh bộ đội trẻ ăn mặc chỉnh tề, đầu đội mũ có gắn ngôi sao vàng đứng giữa sân nhà mình.
- Anh bộ đội tìm nhà ai?
- Con đây mà. Con là Khanh đây mà!
- Anh là thằng Khanh thật à? Mày đi đâu mà ngần bấy năm mới về thăm u?
- Con đi đánh giặc, u ạ.
- Mày đi đánh giặc thật đấy chứ?
- Vâng! - Khanh ngần ngừ vì tiếng là đi đánh giặc nhưng thực tế anh chỉ được múa hát phục vụ bộ đội thôi! - Vâng con đi đánh giặc thật.
- Cha tông ngông nhà anh. Đi đánh giặc là tốt rồi nhưng sao không nói cho thày u một tiếng. Làm u...
Bà Khanh im lặng. Khi tiếng súng kháng chiến nổ vang ngoài Hà Nội bà lo lắng lắm. Ra ngoài đấy tìm con cũng không đi được. Cho mãi đến sau Tết Đinh Hợi bà mới mạnh dạn tìm tới nơi trọ học của con. Đến đây chẳng gặp một ai. Phố xá tan hoang. Súng nổ khắp nơi. Bà thất vọng trở về nhà. Ông Khanh gặng hỏi thế nào bà cũng chỉ khóc mà không nói được. Ông thì cho rằng thằng cu Khanh đã bị đạn lạc mà chết ở đâu đó. Còn bà thì luôn niệm Phật cho con được bình an trở về.
- Con đã về rồi. U phải vui lên chứ. Mà thày con đâu?
- Thày mày sang quai búa giúp bên bác cả.
- Làng mình vẫn rèn dao kéo hả u? Để con sang bên đó mời thày con về
- Ông ấy tầm này cũng sắp về rồi. Mày cứ ngồi đấy. U chạy đi nhoáng cái.
- U chạy đi đâu?
Bà Khanh không nói, bà tất tả chạy ù ra ngoài ngõ, dáng chạy có gì đấy lâng lâng.
***
Nắng đã ngang đầu. Ánh nắng vàng rực khiến cả ngôi nhà như bừng lên. Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Khanh đứng dậy. Bà Hiền cũng đứng dậy theo. Hai ông bà đứng bên nhau cùng lặng im nhìn qua ô cửa sổ. Tiếng chim hót vang lừng.
Truyện ngắn của NGUYỄN TRỌNG VĂN
Đọc đi đọc lại “Vệ út trở về”, tôi thấy đây là truyện ngắn sâu sắc mà viết dễ như không. Đi xem múa xong, theo bộ đội 8 năm sau đến giải phóng Thủ đô mới trở về. Anh bộ đội ấy phải là bộ đội đánh Pháp mới có chuyện kỳ lạ thời ấy. Và nói đến chuyện tàu điện, tôi nghĩ ngay là bộ đội ở Hà Nội những ngày cuối năm 1946. Nguyễn Trọng Văn sinh sau giải phóng Thủ đô. Ấy thế mà viết về sự kiện ấy dễ như không. Hoài niệm hay đến thế. Phải là nhà văn dày dạn kinh nghiệm và đầy tính nghệ sĩ mà rất sâu sắc mới viết được thế. Hoài niệm sâu sắc không cứ là người từng trải nhưng phải là người có trình độ văn chương... (nhà văn LÊ TUẤN LỘC)
|