Tuổi trẻ thường hăng say, táo bạo, lãng mạn và cao vọng. Tâm tính ấy của tuổi trẻ hiện diện trong con người Nhật, một chàng trai Hà Thành hào hoa phong nhã. Anh mong mỏi và cố gắng trui rèn để có một món quà tặng người ruột thịt, đặc biệt để tặng người yêu-một phát minh, sáng kiến có giá trị trong ngành tự động hóa mà anh đam mê theo đuổi. Cũng dễ hiểu khi người trẻ có khát vọng “phải có danh gì với núi sông”.

Buông tay khỏi những nốt đàn, Nhật thở dài đứng lên. Bố Nhật đi từ trong phòng ra. Nhìn ánh mắt Nhật, ông nói: “Mới gặp chút khó khăn đã....”. Người bố hiểu tâm trạng con qua tiếng đàn. Ông động viên: “Con còn quá trẻ, con đường phía trước rất dài và có nhiều cơ hội nỗ lực”. Nhật xin vâng, nhưng tâm trạng chưa thể vui lên được. Chẳng là, Nhật đã không thành công như mong đợi trong cuộc thi thiết kế sáng tạo cấp thành phố. Từ năm ngoái, Nhật muốn dành tặng ông nội và người yêu món quà. Mà với ông, món quà quý giá nhất là thành tích học tập, nghiên cứu của các cháu. Nhà có hai anh em. Anh trai Nhật là bộ đội, phải trực chiến liên miên, ít khi ở nhà. Nhật làm ở viện nghiên cứu tự động hóa. Mấy năm liền anh giành giải cấp ngành hoặc thành phố về chế tạo máy. Song anh chỉ đoạt giải ba hoặc khuyến khích. Năm nay, anh quyết tâm “đổi màu giải” nên nỗ lực gấp đôi, gấp ba.

Dành quá nhiều thời gian tập trung cho công việc, Nhật phải cáo lỗi với Dương, cô người yêu đam mê làm thiện nguyện và yêu chim chóc. Nhớ hồi trước đứng bên hàng tường vi duyên dáng, anh dõng dạc hứa với Dương sẽ làm rạng rỡ gia đình, người yêu bằng một thành tích đặc biệt. Đôi mắt Dương ngời sáng đầy tin tưởng. Thế rồi một lần nữa, anh chỉ dừng ở giải... khuyến khích. Mình giỏi thì người khác tài. Mình nỗ lực một người ta cũng nỗ lực một. Sau cuộc thi, Nhật thất thểu về nhà trong tâm trạng rối bời, chán nản, thất vọng với chính mình. Phải ăn nói với ông nội và Dương thế nào đây? Một món quà cho tình yêu, một đám cưới với nhiều niềm vui... vậy mà Nhật đã không làm được.

Anh muốn xin lỗi và xin lời khuyên của ông. Bà nội mất cách đây ít năm nên điều gì khó tâm sự với bố mẹ, anh thường tâm sự với ông.

Ngôi nhà trên êm ái nhiều hoa lá và chim chóc. Ông đã truyền lan tình yêu chim chóc và thắp cho Nhật lòng say mê công nghệ từ tấm bé, để lớn lên anh dấn thân vào cuộc cách mạng công nghệ bằng niềm đam mê. Có lúc, ông nói: "Cháu đã tiếp cận công nghệ với tâm hồn của một người có máu nghệ sĩ. Cháu chơi được đàn, hát rất phiêu, thế chẳng phải cháu có tài lẻ là gì!".

Ông nội đang chăm và thưởng lan. Những giò lan đai châu đang tỏa kiệt cùng sắc hương.

- Chàng tiến sĩ đấy ư, có gì chỉ đạo ông nào?

Ông luôn dành cho Nhật một sự bình đẳng, niềm hồ hởi. Và ông luôn coi anh như người bạn.

Ngồi cạnh ông, suýt nữa Nhật bật khóc. Chẳng ngờ một chàng trai công nghệ mà lại có giây phút yếu đuối đến thế. Khi ông hỏi, Nhật luống cuống nói về chuyện mình và Dương. Anh bế tắc, không biết ăn nói với người yêu thế nào khi bản thân chắc như đinh đóng cột sẽ đạt thành tích cao. Còn Dương, cô đã đi hết thành công này đến thành công khác. Khi giới trẻ có vẻ ghẻ lạnh với nghệ thuật truyền thống thì Dương gắng gỏi đi con đường khó, là người góp phần chắp cánh cho các làn điệu dân ca quê hương... Nghe xong, ông nội bảo:

- Cháu không có lỗi. Con người ta, mong muốn, ước mơ thì nhiều nhưng đạt được thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chỉ cần cháu không đầu hàng khó khăn, những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với cháu.

Suốt những năm qua, ông nội ra sức vun vén cho tình yêu của Nhật và Dương. Ông luôn bảo, nhìn vào Dương thấy toát lên vẻ nhân hậu và nội lực của người làm nghệ thuật. Chính Nhật cũng không hiểu, vì sao ông quý Dương đến thế.

Nhật ngắc ngứ:

- Cháu vẫn cảm thấy mình lép vế, chưa xứng đáng với Dương ông ạ. Cô ấy như ngôi sao sáng, còn cháu...  

Bầy chim lích chích, sà liệng ở khoảng sân. Nhìn chúng, ông bảo:

- Bầy chim nhỏ bé thế nhưng vẫn thể hiện mình theo cách của chúng. Cháu đã giành chiến thắng nhiều, và điều đó cũng khiến cháu có phần hiếu thắng đấy. Vậy nên, cháu cũng cần một chút thay đổi. Có những thứ không cầu toàn được.

leftcenterrightdel

Minh họa: BẢO TRÂM 

Ông nội đưa Nhật về một thời thanh niên sôi nổi...

Năm đó, ông Kháng vào bộ đội, theo Trung đoàn 57 về An toàn khu Việt Bắc, bà Mỵ cũng theo đoàn văn công về Thái Nguyên. Hai người quý mến nhau từ thời để chỏm ở khu phố nhiều cây xanh này. Ông bà thề non hẹn biển dưới bóng cổ thụ vào đêm trăng sáng vằng vặc. Niềm vui nữa, ông bà có mặt trong Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954). Ngày cả Thủ đô rực rỡ sắc màu, cờ và hoa trong niềm vui khôn xiết. Ông Kháng, bà Mỵ cùng bao gương mặt khác, những nụ cười rất trẻ trong sắc thu tuyệt diệu hân hoan. Ngay hôm sau, các đoàn văn công đã biểu diễn ở Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà Đấu Xảo, Nhà máy điện Yên Phụ... Chuyện tình đẹp của ông bà tưởng sẽ có một kết quả viên mãn, là một đám cưới giản dị thân thương. Nhưng không, ít tháng sau ông Kháng tiếp tục ra trận, bà Mỵ vẫn đi văn công nhưng bặt tin người yêu. Ba năm sau bà nghe tin ông hy sinh. Rồi bà đi lấy chồng... Bà vừa yên bề gia thất thì năm “sáu mươi”, ông Kháng trở về với cơ thể không lành lặn. Ông Kháng, bà Mỵ gặp nhau trong bùi ngùi bởi ván đã đóng thuyền. Thời gian sau, ông Kháng có cô giáo là người “nâng khăn sửa túi”. Nỗi niềm tình xưa nguôi ngoai, nhưng ký ức đẹp của mùa yêu đầu còn găm trong lòng. Khi con cái lớn, ông Kháng gặp bà Mỵ trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô, cả hai đã cho nhau một khoảng không gian riêng. Hai người có duyên nhưng không phận, đã giao hẹn sau này nếu còn duyên sẽ gả con cho nhau. Nhưng các con cũng không nên duyên, những ông bà ở tuổi ngoài chín mươi lại giao hẹn tác thành cho các cháu. Ông Kháng có cháu Nhật, bà Mỵ có cháu Dương. Bằng một cuộc gặp lãng mạn, ông bà đã để hai đứa cháu gặp nhau. Tình cảm đôi bên thấm bén...

Nghe xong chuyện, Nhật há hốc miệng.

- Vậy mà đến bây giờ ông mới kể chuyện này cho cháu.

- Ông muốn các cháu yên bề gia thất mới kể câu chuyện này. Nhưng các cháu làm ông nhớ tới mùa yêu đầu của thế hệ mình. Giờ thế hệ ông như trái chín mùa thu, chỉ mong các cháu phương trưởng, hạnh phúc.

Chuyện của ông cũng thật lâm ly. Thế mà ông vẫn ngời ngời tự tin, sức sống. Nhật thấy mình chẳng là gì so với ông nội và thế hệ cha ông, bao năm gian khó, vẫn vững tâm để nuôi dạy các con nên người. Nhật hạ quyết tâm làm một việc, lấy lại phong độ trước người yêu.

***

Mưa dữ dội. Mưa chồng mưa. Trên đường đi biểu diễn về, trận gió xoáy khi bão đang cận kề làm cành cây bên đường gãy rơi trúng Dương. Cô bị gãy xương quai xanh, gãy chân trái và đa chấn thương. Dương bị sang chấn, ảnh hưởng đến cặp mắt diễm tuyệt. Sự trong trẻo của đôi mắt đã bị tráo đổi thành đôi mắt đờ đẫn, mệt mỏi. Các chuyến biểu diễn bị dở dang, cô không còn tâm trạng chơi dương cầm. Xa tiếng đàn, tiếng nhạc, tâm hồn cô càng trở nên khô khan, buồn nản.

Thật chẳng ngờ mọi chuyện diễn biến xấu đến mức ấy. Nhưng Nhật không nản. Dù gia đình cô gái chưa có ý kiến thì Nhật đã khẳng định với bố của Dương: “Dù thế nào cháu cũng sẽ không rời xa Dương đâu ạ”. Gia đình Dương cũng thấy ấm lòng vì điều đó. Dương được đưa về nhà điều trị, chờ hồi phục. Ngồi bên người yêu, anh thổi những bài sáo âm vực khỏe khoắn, vi vu trong không gian như cổ tích. Ngôi nhà ấm cúng lạ thường. Đôi mắt của Dương có cảm giác hơn những ngày trước một chút. Nhật kể cho Dương nghe những chuyện xa xưa, những tình yêu đẹp thời ông nội. Nhưng Dương vẫn chẳng thể nhập tâm. Dường như mọi thứ đang bị trơn truội, xơ cứng. Cô thấy chán tiếng đàn, tiếng hát và chán cả gặp Nhật. Cô thích đóng cửa phòng, một mình đối diện bốn bức tường. Phải làm gì để lấy lại tinh thần cho người yêu?

Nhật vẫn muốn dùng tiếng violin để rót vào miền tâm tưởng Dương những mầm thương yêu say đắm, bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Anh tưới lòng mình lên tiếng đàn. Tiếng đàn thấm vẻ đẹp vào không gian tươi mát mà gia đình cô gái đã cố gắng tạo dựng.

Anh mua thêm cây violin, cố đưa Dương ra bờ đê lộng gió để tập chơi. Anh nghĩ, tiếng đàn cùng thiên nhiên sẽ là liều thuốc làm mờ dần tâm trí u uẩn, trầm cảm của Dương. Hai ngày đầu, cô rất ít nói. Dù cô thích ra bờ sông, nhưng cũng chỉ lặng thầm nhìn cảnh vật với sự u hoài. Ngày thứ ba, Nhật chơi bài “Đường xưa”, được soạn lại dành cho violin. Âm điệu chảy ập òa tâm hồn khiến Dương trào nước mắt. Bỗng nhiên, cô choàng ôm Nhật, thổn thức: “Em có sai không anh, khi cứ chìm đắm trong tuyệt vọng? Em xấu xí, chân tập tễnh rồi, anh còn yêu em không?”. Nhật ôm chặt cô hơn, một tay anh vẫn cầm cần cây violin: “Sao em lại hỏi vậy? Anh vẫn yêu em cả đời. Chúng ta sẽ vẫn có tương lai tốt đẹp, và vẫn chơi đàn”.

***

Phố phường rợp cờ hoa. Đoàn thành niên quận tổ chức “mini show” ra mắt quỹ học bổng và phát động một số hoạt động chung tay vì sự phát triển thành phố nhân kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô. Dương hát hai bài “Sẽ về Thủ đô” và “Hà Nội niềm tin và hy vọng” với chất giọng đầy cảm xúc. Còn Nhật độc tấu hai tiết mục soạn lại cho violin, gồm “Hà Nội mùa lá bay” và “Tình ca”. Khán giả tham dự đông chưa từng thấy vì biết tham gia biểu diễn trên sân khấu có hai nghệ sĩ đặc biệt. Những khu phố vốn đôn đáo mưu sinh nay rộn ràng không khí du dương, êm đềm. Chàng trai tặng hoa cho cô gái. Mọi người vỗ tay hoan hô. Nhiều người xúc động, rơm rớm nước mắt khi nghe chuyện tình của đôi trẻ. Ngoài kia, hương tháng mười tỏa thơm. Đâu đây mùi hoa sữa nồng nàn. Thật mừng, trong cuộc sống này, trên những con phố nhỏ vẫn còn những câu chuyện lay động cỏ cây.

Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC